15 cuốn sách nên đọc khi bạn còn trẻ (Phần I)
15 cuốn sách nên đọc khi bạn còn trẻ (Phần I)
Dưới đây là 15 cuốn sách nên đọc được gợi ý bởi dịch giả Đinh Bá Anh. Trạm Đọc trân trọng giới thiệu đến bạn đọc
Rừng Nauy
(1 lượt)

Đinh Bá Anh (dịch giả)

Đọc sách đối với nhiều người là một việc nhàm chán, thậm chí là một cực hình. Phần đông người Việt Nam sau khi học xong phổ thông hoặc đại học, nhất là sau khi đã lập gia đình và có con cái, thường không bao giờ cầm đến một cuốn sách nào nữa. Đi tàu, đi máy bay, đi xe bus, thỉnh thoảng ta mới thấy những bạn trẻ đọc sách. Nói chung người lớn Việt Nam ít đọc sách và dĩ nhiên càng ít đến thư viện. Đây là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược so với những hình ảnh ta thường thấy ở các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thực ra, để trở thành người thành đạt, bạn không nhất thiết phải mê đọc sách. Mỗi người có một thế mạnh riêng, và nếu bạn biết phát huy thế mạnh của mình thì bạn sẽ thành công. Nhưng nhìn trên tổng thể, một xã hội mà các công dân của nó ít đọc sách thì xã hội ấy thực sự có vấn đề, bởi vì cho đến nay, đọc sách (kể cả sách điện tử) vẫn là cách để người ta thu nhận tri thức và cảm nhận cái đẹp một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn hẳn các hình thức nghe-nhìn.

Chính vì vậy, một xã hội ít đọc sách là một xã hội dân trí thấp. Tất nhiên, một xã hội dân trí thấp vẫn sinh ra ai đó trở thành thủ tướng hoặc triệu phú, nhưng nhìn chung, khi phải đối chọi với thế giới, xã hội ấy sẽ có sức cạnh tranh kém. Nó sẽ rất khó vươn lên thành một xã hội tri thức, nơi con người đạt tới trình độ tổ chức và công nghệ cao, mà chủ yếu nó vẫn sống dựa vào đất đai, tài nguyên và nhân công giá rẻ. Xét về mặt nhân văn, một xã hội ít đọc sách cũng là một xã hội thô lậu, kém tinh tế, rất khó sinh ra các nhà tư tưởng, nhà văn hoặc nghệ sĩ lớn.

Có người nói rằng, tất cả những điều đó đối với tôi không quan trọng. Tôi chỉ quan tâm tới bản thân, gia đình, lo làm sao để có bằng cấp, có công việc, còn xã hội thế nào tôi không quan tâm. Tôi cứ biết làm tốt việc của tôi cái đã. Đọc sách có giúp ích gì cho tôi không? Nếu không ích gì thì thà thôi đi còn hơn. 

Tất nhiên, việc bạn quan tâm đến bản thân, gia đình, lo lắng về bằng cấp, công việc là những việc hoàn toàn chính đáng và đúng đắn. Bạn nên làm như vậy. Nhưng mặt khác, bạn không sống một mình hoặc chỉ sống trong gia đình. Ai cũng có bạn bè và các mối quan hệ xã hội. Ai cũng giao tiếp với người khác. Thực tế cho thấy, những người càng hiểu biết, rộng lượng, tinh tế thì càng dễ được nhiều người ủng hộ và dễ thành công trong xã hội. Ngược lại, những người dốt nát, hẹp hòi, thô lậu thường hay bị né tránh và dễ chuốc lấy thất bại. Thế nên chúng ta thấy, những người thành đạt thường rất coi trọng việc chọn trường và chọn sách cho con đọc, vì họ hiểu rằng sách có thể thay đổi con người.

Mặc dù sách quan trọng như vậy, nhưng không phải cứ đọc sách là có ích. Quả thực, có vô số cuốn sách nhảm nhí, thô thiển, không đọc còn hơn. Bởi vậy, vấn đề không chỉ là thích đọc sách, mà còn là làm thế nào để chọn được những cuốn sách hay để đọc. Đấy là một việc không dễ với nhiều bạn trẻ thiếu trải nghiệm. Tôi rất hiểu điều này vì chính mình cũng từng ở hoàn cảnh như vậy, và đến nay tôi vẫn rất biết ơn những bậc đàn anh hoặc những người bạn đã tặng sách hoặc giới thiệu cho tôi những cuốn sách nên đọc.

Được sự gợi ý của chị Lê Thị Minh Hồng, một người bạn cũ từ hồi chúng tôi còn du học ở Berlin, tôi rất vui được giới thiệu với các bạn trẻ 15 cuốn sách hay theo quan điểm và trải nghiệm cá nhân. Nhìn chung, những cuốn sách này có thể giúp bạn hai việc: nâng cao năng lực nhận thức và nâng cao khả năng cảm nhận, nghĩa là nó giúp cho lý trí bạn sắc bén hơn và tâm hồn bạn giàu có hơn. Khi lý trí của bạn đã sắc bén và tâm hồn bạn đã giàu có, bạn sẽ trở nên tự tin, hiểu biết, khoáng đạt và khiêm tốn. Bạn sẽ biết bạn là ai, bạn có thể làm gì, bạn nên làm gì và bạn có thể đặt ra những mục tiêu gì cho tương lai. Bạn sẽ thành người tự do trong hành động, đồng thời sống có trách nhiệm trong gia đình và xã hội.

Dĩ nhiên, tôi không hề có ý nói rằng, khi bạn đã đọc những cuốn sách này thì nhất định bạn sẽ thay đổi thành một người khác tốt hơn. Cuộc sống thật vô cùng đa dạng và người ta có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó sách cũng chỉ là một nguồn (dù là một nguồn quan trọng). Nếu một trong những cuốn sách này khiến bạn thấy khó hiểu hoặc chán thì bạn cũng đừng vội nản, bạn hãy để sang một bên, có thể nhiều năm sau đọc lại bạn sẽ thấy thích. Nhưng nếu có một cuốn sách khiến bạn thấy thích thú, mang lại cho bạn cảm giác sảng khoái bởi tri thức hoặc vẻ đẹp của nó, thì bạn hãy lắng nghe và trân trọng cảm giác của mình. Nhưng bạn cũng đừng phạm sai lầm bằng cách vội vã cho rằng tất cả những điều bạn đọc được là chân lý. Bạn hãy học cách ghi chép và suy tư về cuốn sách, để tự rút ra cho mình những điều bạn cho là đúng.

Chúc các bạn có những buổi đọc sách hào hứng!

Đinh Bá Anh


Danh mục 15 cuốn sách

(Lưu ý: Các số thứ tự 1,2,3… chỉ có tác dụng đánh dấu, không nói lên mức độ quan trọng hay hấp dẫn của cuốn sách)

1. Richard David Precht - Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? (2007)

 Thể loại: Triết học, xã hội học

Trần Vinh dịch, Công ty sách Nhã Nam, Hà Nội 2010 

Trên thị trường sách Việt Nam hiện nay, khó có thể tìm được cuốn sách nào bàn về triết học dành cho bạn trẻ tốt hơn cuốn Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? của triết gia Đức Richard David Precht. Cuốn sách này không bàn những vấn đề kinh viện, mà nó bàn ngay vào ba câu hỏi mà con người luôn phải đối diện trong cuộc sống: Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? và Tôi có quyền hy vọng gì?

Cuốn sách cũng rất hạn chế bàn những vấn đề chung chung, mà nó luôn bắt người ta phải đối diện với những vấn đề thực tế trong xã hội hiện nay: Có nên thực hành án tử hình không? Có nên nạo phá thai không? Có nên giết động vật không? Có nên cho phép nhân bản vô tính không? Có nên trợ tử không? Hạnh phúc là gì? Tại sao chúng ta yêu? Tự do là gì? Mục đích cuộc sống là gì?

Richard David Precht đưa độc giả đi qua hành trình mấy nghìn năm triết học để loại bỏ những tư tưởng sai lầm và chắt lọc những tư tưởng vẫn còn được coi là đúng đắn hoặc vẫn được tiếp tục thảo luận. Đây là cuốn cẩm nang quan trọng để các bạn trẻ hình dung ra quy mô các vấn đề trong xã hội hiện đại, để bạn trả lời cho câu hỏi: Bạn là ai? Bạn đang sống ở thời đại nào? Bạn nên làm gì?

 2. Murakami Haruki - Rừng Na Uy (1987)

 Thể loại: Tiểu thuyết

Trịnh Lữ dịch, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2006

Rừng Na Uy là cuốn tiểu thuyết đã bán được 7 triệu bản ở Nhật Bản và có ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ thanh niên Nhật từ hơn 20 năm nay. Cuốn sách được Nhà xuất bản Văn Học in lần đầu năm 1997 ở Việt Nam nhưng bị cắt xén nhiều đoạn "nhạy cảm". Bản dịch của Trịnh Lữ do Nhã Nam in năm 2006 là bản dịch đầy đủ và đã có tiếng vang đáng kể ở Việt Nam. Trên các mạng xã hội hiện nay có hàng trăm topic tranh luận về cuốn sách này cho thấy sự quan tâm của giới trẻ Việt Nam tới tác phẩm.

Rừng Na Uy kể về cuộc sống của giới trẻ Nhật Bản những năm 1960, thời kì nước Nhật phát triển kinh tế mạnh mẽ. Watanabe Toru là một sinh viên đã trải qua hàng chục cuộc tình chóng vánh với nhiều cô gái, nhưng mối tình sâu nặng nhất của anh lại dành cho Naoko, bạn gái của người bạn thân. Những người trẻ tuổi khao khát đi tìm cảm giác sống và khẳng định bản thân, nhưng họ thường bị vấp ngã bởi những ngộ nhận do sự hời hợt, thiếu hiểu biết và ngụy biện. Cuộc sống của nhiều bạn trẻ thông minh và nhạy cảm đã kết thúc bằng cái chết.

Những bạn trẻ ở tuổi 20 nên đọc cuốn sách này để cảm nhận tâm trạng của giới trẻ Nhật Bản khi nước này đang ở một gian đoạn phát triển khá giống với Việt Nam hiện nay. Cũng như Người dưng của Camus, Rừng Na Uy của Murakami đặt các bạn trẻ đối diện với câu hỏi: Tôi phải sống như thế nào cho đúng?

 3. Albert Einstein - Thế giới như tôi thấy (1931)

Thể loại: Tập hợp các bài viết, bài phát biểu

Đinh Bá Anh dịch, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội 2005 

Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc thêm về cuốn sách tại đây

Einstein được nhiều tạp chí uy tín chọn là "con người vĩ đại nhất của thế kỉ 20" vì thuyết tương đối của ông đã thay đổi nhận thức của loài người về không gian, thời gian và bản chất của vũ trụ. Nhưng Einstein không chỉ là một nhà khoa học, ông còn là một người chồng, một người cha, một nhà hoạt động chính trị bền bỉ và một diễn giả tài hoa. Cuốn sách Thế giới như tôi thấy là tập hợp những bài viết và bài phát biểu của ông trong nhiều dịp khác nhau. Chúng bộc lộ nhiều khía cạnh trong con người vừa sâu sắc vừa giản dị của Einstein. Cuốn sách được viết bằng một giọng văn trong sáng, dễ hiểu, hài hước. Nó đề cập đến một loạt chủ đề quan trọng như: lý tưởng sống, quan niệm về tự do và công lý, quan niệm về niềm tin và quan niệm về cái đẹp từ góc nhìn cá nhân của tác giả.

Một số trích dẫn từ cuốn sách:

"Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình.

"Cái mà tôi cho là có giá trị đích thực trong các hoạt động của con người không phải là nhà nước, mà là cá thể sáng tạo và cá thể cảm nhận, là cá nhân: Chỉ cá nhân mới vượt lên, tạo dựng được những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, vẫn mãi trì độn trong tư duy và trong cảm xúc."

 4. Albert Camus - Người dưng (1942)

 Thể loại: Tiểu thuyết

Dương Tường dịch, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1995

 Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc thêm về cuốn sách tại đây

Cuốn tiểu thuyết mỏng của Albert Camus đã được dịch ở Sài Gòn trước 1975 dưới nhan đề Người xa lạ, nhưng tôi giới thiệu với các bạn bản dịch của Dương Tường vì văn phong của nó gần gũi với độc giả hiện nay. Đây là một cuốn tiểu thuyết dễ đọc, nhưng nó rất đa nghĩa và không dễ hiểu. Nhưng ngay cả khi bạn không hiểu hết cuốn sách thì điều đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng hơn là cuốn sách sẽ khiến bạn choáng váng. Song đấy là một trạng thái choáng váng tích cực, vì bạn sẽ phải tự dằn vặt, tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân mình. Tác phẩm này miêu tả tâm thế của con người trong xã hội đô thị hiện đại, nơi mà các mối ràng buộc về gia đình và họ tộc ngày càng trở nên lỏng lẻo, một trạng thái xã hội rất gần với trạng thái xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Albert Camus là triết gia và nhà văn Pháp thiên tài, được trao giải Nobel văn chương năm 1957 vì ông đã "đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta".

Người dưng là một tác phẩm lạ thường kể về một người đàn ông còn trẻ bị tống giam vì tội giết người và rồi sẽ bị kết án tử hình. Anh ta bị vướng vào tội ác một cách hết sức phi lý mà không hề ý thức được. Trong thời gian bị giam giữ, anh ta hồi tưởng lại các kinh nghiệm và đi đến trạng thái thức tỉnh và nổi loạn, nhưng tất cả đều đã quá muộn. Người dưng là một trong những tác phẩm cột trụ của văn học thế giới thế kỷ 20, vì nó đặt ra những câu hỏi nhức nhối: Tôi đang sống trong một thế giới như thế nào? Tôi phải ứng xử như thế nào cho đúng? Và tôi được quyền hy vọng gì ở tương lai?

Như đã nói, đây là một cuốn tiểu thuyết có thể khiến bạn choáng váng và hoang mang, nhưng bạn đừng sợ. Dù sao tác phẩm này cũng đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình trung học phổ thông ở Pháp, nghĩa là nó không đến nỗi "nguy hiểm". Ngay cả quan niệm hiện sinh đặc trưng của Camus dưới đây cũng được các học sinh và sinh viên Pháp tranh luận nghiêm túc:

"Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm chỉnh, đó là tự tử. Xét xem đời đáng sống hay không đáng sống, là trả lời cho câu hỏi cơ bản của triết học." 
(Camus, Huyền thoại Sisyphus, Thụy Khuê dịch).

Nếu bạn quan tâm tới xã hội phương Tây hiện đại cũng như sự phát triển của tất cả các ngành khoa học xã hội, văn học và nghệ thuật phương Tây, bạn không thể không đọc tác phẩm này.

 5. Ken Schoolland - Gullible du ký - Trường ca Odyssey về thị trường tự do (2008)

 Thể loại: Truyện ngụ ngôn về kinh tế học

Ngô Thu Hương và Mai Huyền Chi dịch, NXB Tri Thức, 2012

Cuốn sách có cái tên khá phức tạp này thực ra lại rất dễ đọc. Chủ đề chính của sách là kinh tế, nhưng rõ ràng đây không phải một cuốn sách giáo khoa khô cứng, mà là tập hợp những câu chuyện được kể cực kì sinh động. Nó đặt ra những câu hỏi rất căn bản của nền kinh tế như: Sở hữu nhà nước hay sở hữu tư nhân? Ai là người có quyền in tiền? Nhà nước có nên can thiệp vào thị trường hay không? Tại sao quốc gia này giàu còn quốc gia khác nghèo?

Mục đích của tác giả khi xuất bản cuốn sách này là ông muốn biến những vấn đề kinh tế khô khan trở nên hấp dẫn, khiến cho những học sinh trung học vẫn có thể đọc được. Gullible du kí kể câu chuyện cậu bé Gullible lạc lên một hòn đảo, nơi cậu gặp một cộng đồng dân cư kỳ lạ. "Câu chuyện nhấn mạnh đến tính kỳ quái của các điều luật, sự kiểm soát, áp đặt lên đời sống của người dân và những hạn chế về mặt kinh tế từ các điều luật đó. Ta có thể dễ dàng nhận thấy các luật lệ này, trên thực tế, khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Cuốn sách này giúp các bạn trẻ biết cách đặt câu hỏi và suy tư về những vấn đề đang được tranh cãi gay gắt ở Việt Nam hiện nay như: Sở hữu đất đai tư nhân hay sở hữu đất đai toàn dân? Kinh tế tư nhân hay kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo? Kinh tế thị trường tự do hay kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa? Ngay cả khi bạn không hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới chính sách kinh tế thì cuốn sách vẫn có thể giúp bạn có quan điểm về những vấn đề này, để bạn có thể đánh giá những chính sách mà các nhà chính trị đưa ra.

(Còn tiếp)

Phần II và Phần III

Trạm Đọc (Read Station)