3 cuốn sách của GS. TS Trần Văn Thọ
3 cuốn sách của GS. TS Trần Văn Thọ
“Cú Sốc Thời Gian Và Kinh Tế Việt Nam”, “Kinh Tế Nhật Bản: Giai Đoạn Phát Triển Thần Kỳ 1955-1973”, “Việt Nam Hôm Nay Và Ngày Mai” là ba cuốn sách GS. TS Trần Văn Thọ chấp bút và làm chủ biên.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Thọ từng làm ủy viên chuyên môn trong Hội đồng kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật Bản, Thành viên tổ tư vấn cải cách kinh tế và hành chính của Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng. 

Ông nhận bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Hitotsubashi, Tokyo và là giáo sư danh dự tại Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản.

Với kiến thức và tầm nhìn sâu rộng về kinh tế, hoạch định chính sách, giáo sư Trần Văn Thọ có nhiều bài viết cộng tác với các báo, tạp chí để chia sẻ giá trị với cộng đồng. Ông cũng là tác giả và chủ biên của ba đầu sách kinh tế về Việt Nam và Nhật Bản được đánh giá cao.

Cú Sốc Thời Gian Và Kinh Tế Việt Nam

“Cú Sốc Thời Gian Và Kinh Tế Việt Nam” ra đời nhân dịp Việt Nam kỉ niệm 40 năm chiến tranh kết thúc và gần 30 năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Trong cuốn sách này, GS Trần Văn Thọ đánh giá bao quát về thành quả phát triển kinh tế trong quá khứ, phân tích toàn diện những thách thức hiện tại và trong tương lai gần đất nước phải đối mặt, đồng thời khơi gợi đổi mới tư duy, đề xuất chiến lược cho giai đoạn mới. 

Bên cạnh đó, cuốn sách còn đề cập đến các vấn đề văn hóa, giáo dục, lịch sử, những khía cạnh có liên quan đến phát triển bền vững của nền kinh tế.

Nội dung sách được chia thành 3 phần với các chương cụ thể như sau:

  • Phần I: Việt Nam 40 năm qua
  • Phần II: Những thách thức có tính thời đại
  • Phần III: Đổi mới tư duy, tầm nhìn và chiến lược cho 20 năm tới

Nhiều nội dung được bàn luận trong “Cú Sốc Thời Gian Và Kinh Tế Việt Nam” là những bài báo đã được đăng tải trong và ngoài nước thời gian qua. Để đảm bảo tính thời sự, tác giả đã bổ sung, cập nhật tư liệu và sửa chữa những chỗ chưa chính xác. Ngoài ra, để hoàn thành cuốn sách này, GS. Trần Văn Thọ cũng rất tích cực tham khảo ý kiến, cóp nhặt tư liệu và thông tin bổ ích, ghi nhận những đóng góp quý báu, những lời khuyên giá trị từ các chuyên gia kinh tế, thông qua các hội thảo hoặc qua trao đổi riêng.

Cuốn sách được trình bày logic với những phân tích thấu đáo, những câu trả lời xác đáng nhưng không hề khô khan, khó đọc. Thậm chí, cuốn sách còn giàu cảm xúc khi đây là những suy tư, trăn trở của một người trí thức yêu nước mong mỏi đất nước mình phát triển.

GS. TS Trần Văn Thọ 

Kinh Tế Nhật Bản: Giai Đoạn Phát Triển Thần Kỳ 1955-1973

“Kinh Tế Nhật Bản: Giai Đoạn Phát Triển Thần Kỳ 1955-1973” là một tài liệu tham khảo cực kỳ đáng giá, được biên soạn rất công phu, thể hiện kiến thức và tầm nhìn sâu rộng của tác giả về cả lý thuyết lẫn thực hành của ngành kinh tế phát triển. 

Bố cục sách được chia thành các phần:

  • Tổng luận: Nhật Bản theo kịp phương Tây - mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội.
  • Phần 1: Kỳ tích phát triển hậu chiến Nhật Bản
  • Phần 2: Năng lực xã hội và kỳ tích phát triển
  • Phần 3: Kinh tế Nhật Bản sau giai đoạn phát triển thần kỳ

Dù tựa đề chỉ để cập đến giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973, song, tác giả đã mô tả một cách đầy đủ bức tranh kinh tế xã hội Nhật Bản từ thời điểm Thế chiến Hai kết thúc, cùng với các giềng mối trước đó và giai đoạn “hậu thần kỳ” sau năm 1990. Sự dẫn dắt chi tiết này cung cấp lượng thông tin phong phú, có hệ thống, làm bật lên các giai đoạn đặc thù đáng ghi nhận.

Tác giả có sự quan sát và phân tích chặt chẽ, xoáy sâu vào hai từ khóa “nhà nước kiến tạo phát triển” và “năng lực xã hội”. Ngoài khung phân tích kinh tế học phát triển để khảo sát chiến lược, chính sách về đầu tư, hội nhập, giáo dục đào tạo, du nhập và sử dụng công nghệ,... cuốn sách còn đặt vấn đề từ một cái nhìn rộng hơn, khảo sát tư tưởng và hành động của các chủ thể như lãnh đạo chính trị, quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp. Sách kể nhiều mẩu chuyện kèm theo hình ảnh của những chính trị gia, quan chức, học giả, lãnh đạo doanh nghiệp,... tiêu biểu thời hậu chiến Nhật Bản, những người đã làm nên giai đoạn thần kỳ này.

Những bài học được giáo sư Trần Văn Thọ rút ra từ trường hợp của Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam trên đường công nghiệp hoá và phát triển. Tác giả nhấn mạnh “Tôi viết cuốn sách Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 này để cung cấp một tham khảo cho những bàn luận về mục tiêu năm 2045 của Việt Nam.”

Việt Nam Hôm Nay Và Ngày Mai

“Việt Nam Hôm Nay Và Ngày Mai” là sự hội ngộ từ năm châu bốn bể của đội ngũ trí thức, học giả, nhà nghiên cứu,... trong và ngoài nước, được thực hiện công phu trong thời gian dài với tình yêu quê hương đất nước sâu nặng. Trong đó chủ biên là GS. Trần Văn Thọ và TS. Nguyễn Xuân Xanh.

Cuốn sách gồm 4 phần, với những bàn luận bao gồm gần hết các mặt của đất nước Việt Nam hiện nay, trải rộng từ kinh tế, lịch sử, văn hóa, tư tưởng, thể chế, giáo dục, khoa học, công nghệ và y tế. 

  • Phần I: Lịch Sử - Văn Hóa (gồm 6 chương, nhìn lại quá khứ để hướng đến tương lai, từ cấp độ lịch sử dân tộc đến giá trị xưa và nay…)
  • Phần II: Tư Tưởng - Thể Chế (gồm 6 chương, bàn về những giá trị truyền thống và hiện đại, vấn đề khai sáng thực học, và các vấn đề về cải cách thể chế để đất nước phát triển)
  • Phần III: Giáo Dục, Y Tế (gồm 5 chương, đề cập đến những vấn đề giáo dục trung học và đại học, chuyển đổi số như mệnh lệnh thời đại, và bàn về phát triển hệ thống y tế Việt Nam thời hậu Covid-19)
  • Phần IV: Kinh Tế - Kinh Doanh (gồm 5 chương, bàn về các vấn đề kinh tế hiện nay của Việt Nam và đề khởi chiến lược, chính sách để phát triển trong tương lai)

Hầu hết các bài viết phân tích từ góc nhìn những vấn đề hôm nay và gợi ý, phát ra thông điệp cải cách hoặc kiến tạo để Việt Nam có ngày mai thịnh vượng, tươi đẹp. “Việt Nam Hôm Nay Và Ngày Mai” vừa là những khuôn thước có tính chuyên môn, học thuật vừa là tâm sự thiết tha trước vòng quay nghiệt ngã của lịch sử nhìn lại cơ đồ nước nhà.

Trạm đọc tổng hợp

Tags: