36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành
36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành
Cẩm nang giúp trẻ trở thành người thành công và hạnh phúc nhờ loại bỏ những thói quen xấu từ khi còn nhỏ

Nuôi dạy con luôn là một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu của bậc làm cha mẹ. Một số phụ huynh vì lo lắng việc bị người khác đánh giá nuôi dạy con sai cách, nên có xu hướng làm theo điều mọi người xung quanh khuyên bảo. Số khác lại có khuynh hướng bảo thủ, từ chối tìm hiểu và tiếp thu các cách thức khác.

 Theo tác giả Eiko Tajima, vốn dĩ từ xa xưa đã không có khái niệm rõ ràng về những chuẩn mực trong việc nuôi dạy con cái mà tự bản thân mỗi người quyết định làm như thế nào là phù hợp với con của mình. Tuy nhiên, dù theo chuẩn mực nào đi nữa, bạn cũng cần xác định mục đích của việc nuôi dạy con là gì. Từ đó, bạn mới biết được đâu là những điều phù hợp và không phù hợp, những điều trẻ nên làm và không nên làm, để việc nuôi dạy con được trọn vẹn và không đi sai hướng.

36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành chứa đựng những bí quyết nuôi dạy trẻ để giúp trẻ trở thành người được xã hội xem trọng, người luôn đón nhận thử thách, người dễ kết giao, người luôn nỗ lực để thành công, và người có gia đình hạnh phúc

Bằng cách tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác - đó là chỉ ra những thói quen xấu có nguy cơ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của trẻ nếu không được loại bỏ ngay từ bây giờ - cuốn sách giúp các phụ huynh hiểu được những ảnh hưởng cụ thể của từng thói quen thông qua phân tích thấu đáo, đồng thời đưa ra hướng dẫn thiết thực để cha mẹ giúp trẻ loại bỏ thói quen xấu này. 

Để việc tiếp cận nội dung cuốn sách dễ dàng hơn, Eiko Tajima đã chia 36 thói quen thành 5 nhóm thói quen cần tránh, tức là 5 chương của cuốn sách, bao gồm:

  • Chương 1: Những thói quen không tốt khiến trẻ có nguy cơ trở thành “Người không được xã hội xem trọng”
  • Chương 2: Những thói quen không tốt khiến trẻ có nguy cơ trở thành “Người luôn tránh việc”
  • Chương 3: Những thói quen không tốt khiến trẻ có nguy cơ trở thành “Người khó kết giao”
  • Chương 4: Những thói quen không tốt khiến trẻ có nguy cơ trở thành “Người không có duyên thành công”
  • Chương 5: Những thói quen không tốt khiến trẻ có nguy cơ trở thành “Người khó có gia đình hạnh phúc”

Không thể phủ nhận rằng, trong suốt quá trình trưởng thành, trẻ sẽ tiếp xúc với nhiều người và bị ảnh hưởng bởi những tính cách và lối ứng xử khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn trẻ vẫn sẽ học theo lối sống của cha mẹ mà lớn lên. Do đó, “36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành” không chỉ dừng lại ở việc đưa ra những cách thức để cha mẹ giúp trẻ tốt hơn mỗi ngày, mà còn xen vào đó những lời khuyên nhằm giúp các bậc phụ huynh thay đổi bản thân, là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo. Chẳng hạn như để dạy trẻ biết trân trọng sức lao động, trước hết cha mẹ nên bỏ thói quen than vãn hay biểu lộ sự mệt mỏi, áp lực công việc trước mặt con cái. Thay vào đó, cha mẹ nên thể hiện niềm vui khi làm việc, và nói nhiều hơn về những lợi ích mà bản thân tạo ra được nhờ sức lao động của mình để con phát triển nhận thức và tinh thần ham học hỏi.

Với giọng văn tâm tình nhưng lập luận logic, thấu đáo, tác giả vốn là chuyên gia huấn luyện và tư vấn về giáo dục cho các bậc phụ huynh, vì vậy Eiko Tajima không những chỉ ra những thói quen xấu cần giúp trẻ thay đổi ngay lập tức, mà còn khuyên cha mẹ cũng phải thay đổi bản thân, bởi như người ta thường nói thói quen của con cái phản ánh lối sống của cha mẹ. 

Về tác giả:

Eiko Tajima sinh năm 1961, tốt nghiệp khoa Giáo dục trường Đại học Hiroshimam, sau đó giảng dạy tại một trường trung học ở địa phương. Cho đến năm 2006, Eiko Tajima bắt đầu công việc làm huấn luyện viên và tư vấn về giáo dục cho các bậc phụ huynh, và trở thành chuyên viên tư vấn và huấn luyện của công ty Mirai Creation vào năm 2011.

Hiện tại, Eiko Tajima đang làm chuyên gia tư vấn cho các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi đến trường gặp phải vấn đề về kết quả học tập hay đạo đức; hỗ trợ những người mẹ đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ; tư vấn hỗ trợ các cặp vợ chồng gặp vấn đề về giao tiếp…

Tags: