6 cuốn sách quản trị kinh doanh của GS. TS Tôn Thất Nguyễn Thiêm
6 cuốn sách quản trị kinh doanh của GS. TS Tôn Thất Nguyễn Thiêm
GS. TS là một nhà tư vấn xây dựng thương hiệu giàu kinh nghiệm với doanh nghiệp Việt Nam. ông còn là một cây bút mẫn cán, cho ra đời nhiều đầu sách về quản trị kinh doanh, đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển.

Giáo sư Kinh tế - Xã hội học Tôn Thất Nguyễn Thiêm sinh tại Huế. Ông từng du học Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, và từng giữ chức Giáo sư về kinh tế phát triển và chiến lược ngoại thương tại Đại học Tổng hợp Brussels (Bỉ). Ông là một nhà tư vấn xây dựng thương hiệu giàu kinh nghiệm với doanh nghiệp Việt Nam. 

Ngoài ra, giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm còn là một cây bút mẫn cán, cho ra đời nhiều đầu sách về quản trị kinh doanh, đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển.

Dưới đây là 6 cuốn sách/ bộ sách về QTKD ông đã viết cho độc giả Việt Nam.

 

1. Chiến Lược - Cơ Chế - Con Người: Thế Kiềng 3C Của Tồn Vinh Doanh Nghiệp

Trong cuốn "Chiến Lược - Cơ Chế - Con Người: Thế Kiềng 3C Của Tồn Vinh Doanh Nghiệp", tác giả Tôn Thất Nguyễn Thiêm đã xoáy sâu vào những vấn đề rất đặc trưng, mổ xẻ những yếu kém còn tồn đọng trong doanh nghiệp Việt, từ đó đưa ra phương hướng, giải pháp thiết thực. 

Đối với mô hình doanh nghiệp, muốn phát triển lâu dài và vững chắc, không thể không tập trung củng cố thế chân kiềng giữa ba chữ C nền tảng: Chiến lược –  Cơ chế – Con người. Rất nhiều công ty có xuất phát điểm thuận lợi, có ý tưởng hay, có thời cơ tốt để gia nhập thương trường, nhưng suốt nhiều năm sau vẫn không lớn mạnh nổi, bởi chỉ có "chiến thuật" thành công nhất thời chứ không xây dựng được Chiến Lược dài hơi, không lập được Cơ chế rõ ràng, nhất quán, và trên tất cả, không chú trọng đến yếu tố Con người.

Cuốn sách làm sáng tỏ:

  • Tương tác phức hợp giữa chiến lược – cơ chế – con người
  • Bản chất, vai trò và vận hành của bốn chiến lược phát triển tương liên 
  • Sáu cấu hình xâu chuỗi giữa chiến lược – cơ chế – con người
  • Tác động và hậu quả của thời buổi VUCA1
  • Định hình và hệ luận của thời thế VUCA2
  • Then chốt trong vận hành doanh nghiệp và thực thi chiến lược

Bên cạnh đó, nhiều khái niệm tưởng chừng quen thuộc trong quản trị doanh nghiệp, hóa ra lâu nay vẫn bị hiểu sai, vận dụng sai, chẳng hạn: định tính và định lượng, KPI và biến tướng Key Political Indicators… cũng được tác giả Tôn Thất Nguyễn Thiêm luận giải chi tiết với phong cách viết giàu bản sắc Việt, phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam.

"Chiến Lược - Cơ Chế - Con Người: Thế Kiềng 3C Của Tồn Vinh Doanh Nghiệp" phù hợp những nhà khởi nghiệp, nhà quản lý từ cấp trung trở lên, giúp họ có thêm thông tin tham khảo về ba "chân kiềng" quan trọng dưới góc độ chuyên gia, từ đó áp dụng vào hành trình xây dựng doanh nghiệp tồn vinh.

2. Thương Hiệu - Thanh Danh - Tên Tuổi

Cuốn sách khai thác khía cạnh mà bất cứ đơn vị nào cũng cần quan tâm: xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng phân biệt được các khái niệm thương hiệu - thanh danh - tên tuổi, hay biết cách gây dựng danh tiếng thế nào, bao nhiêu là đủ. 

Thực chất, tạo dựng thương hiệu và thanh danh lẫn tên tuổi không có nghĩa là cứ khua chiêng đánh trống rùm beng, hay phát động những hình thức bên ngoài rầm rộ, phô trương tiếng tăm, nhận giải trao bằng, hình đăng lên báo, vinh danh lên đài, nổi tiếng lên mạng, tưng tửng lên cơn, chọc cho thiên hạ kháo tới bàn lui…

Bên cạnh nhiệt huyết và động lực, xây dựng thương hiệu còn cần đến tư duy và kiến thức bài bản. Nếu cứ xuôi theo dòng, ai sao ta vậy, ai có gì ta có nấy, ai làm sao ta làm thế,... sẽ không thể tạo ra sự khác biệt, dấu ấn doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng. Vậy đâu là những trí tuệ độc đáo, bản sắc đặc trưng và lợi thế vượt trội mà mỗi doanh nghiệp cần phải có trong một thị trường càng lúc càng toàn cầu hóa, không ngừng đòi hỏi tính cạnh tranh và sự động não, sáng tạo, ngày càng cao cấp? Câu trả lời sẽ có trong “Thương Hiệu - Thanh Danh - Tên Tuổi”.

Ngoài ra, trong cuốn sách này, giáo sư Tôn Nguyễn Thất Thiêm còn cung cấp

  • Những kiến thức được bàn luận thấu đáo để giải quyết vấn đề trong xây dựng thương hiệu
  • Nêu ra các trường hợp điển hình trong thực tế kinh doanh về thành, bại từ những doanh nghiệp có tiếng ở Việt Nam và thế giới
  • Những giải pháp giúp các doanh nhân có thể suy ngẫm và vận dụng vào hoàn cảnh của doanh nghiệp mình 

3. Lãnh Đạo Và Nhân Đạo: Dẫn Đường Và Mở Hướng

Từ xa xưa, người ta thường nói về nghệ thuật lãnh đạo, thu phục lòng người trong việc cầm quân, việc chính trị, để chống lại các các thế lực ngoại xâm, lúc chiến tranh loạn lạc, lòng người ly tán. Còn thời hiện đại, những người đứng đầu một tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến câu hỏi làm thế nào để lãnh đạo hiệu quả, nên đề cao kỷ luật hay ý thức tự giác,... Tại sao có những người năng lực chuyên môn tốt, nhưng khi làm chủ thì lại không quản lý được tổ chức của mình? 

Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm đã xác minh cho một xu thế mới của thời đại trong cuốn sách “Lãnh Đạo Và Nhân Đạo: Dẫn Đường Và Mở Hướng”. Từ khi tín niệm Ethics Pays/ Đạo đức được trả công – hiểu theo nghĩa là những cách đối nhân xử thế có tính nhân bản và nhân văn trong kinh tế, mang đến nhiều mối lợi không thể ngờ cho doanh nghiệp – ngày càng được nhìn nhận, thì vô hình trung, tính gắn kết hữu cơ giữa Nhân đạo và Lãnh đạo trở nên nhất thiết cần phải được làm rõ ràng, sáng tỏ, hơn nữa!

GS. TS Tôn Thất Nguyễn Thiêm

4. Nhân Văn Và Kinh Tế: Tình Và Tiền Trong Quản Trị Kinh Doanh

Vấn đề “Tình” và “Tiền” trong kinh doanh xưa nay vốn nhạy cảm. Lợi nhuận và tình người tưởng chừng như hai mặt đối lập. Nhiều ý kiến cho rằng muốn phát triển, ta buộc phải chấp nhận mặt trái của kinh tế thị trường. Lại có người khẳng định, chữ “Tâm” hay yếu tố đạo đức phải được đặt lên hàng đầu trong kinh doanh. Vậy liệu “Nhân Văn” và “Kinh Tế” có thể song hành với nhau?

Những mâu thuẫn này sẽ được giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm lý giải trong cuốn sách “Nhân Văn Và Kinh Tế: Tình Và Tiền Trong Quản Trị Kinh Doanh”.

Cuốn sách trả lời khúc chiết và tường minh cho những câu hỏi đang trở thành những vấn đề hết sức nổi cộm trong quản lý kinh tế vĩ mô lẫn vi mô:

  • Lợi nhuận có phải mục tiêu quan trọng nhất nếu kinh tế mà làm cho con người mất đi tính nhân văn?
  • Mặt trái của kinh tế thị trường là điều tất yếu mà ta phải buộc lòng chấp nhận?
  • Kinh tế thị trường có phải là khởi nguồn của những vấn đề kinh tế - xã hội đầy nhức nhối?

Từ sự lý giải đó, tác giả bàn luận về 4 chữ Tài – Trí – Tâm – Tầm trong quản trị qua nhiều góc nhìn, với những luận điểm kết hợp Đông - Tây kim cổ đầy thuyết phục.

Cách viết của tác giả thẳng thắn, trực diện, truy tìm nguyên nhân gốc rễ, đề xuất giải pháp với tinh thần xây dựng, giúp các vấn đề về quản trị kinh doanh trở nên hấp dẫn và dễ hiểu hơn.

5. Từ Marketing Đến Thời Trang Và Phong Cách Sống

Phần lớn các đầu sách về Marketing cung cấp những kiến thức tổng quan hay phù hợp để áp dụng vào những lĩnh vực như marketing cho thực phẩm, bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh,… thì “Từ Marketing Đến Thời Trang Và Phong Cách Sống” là cuốn sách tập trung vào lĩnh vực thời trang – nhất là thời trang hàng hiệu. 

Tác giả sàng lọc rất nhiều lý thuyết từ các chuyên gia ngành Marketing và vận dụng các kiến thức, mô hình đó kèm theo dẫn chứng thực tiễn trong kinh doanh dịch vụ. Khối lượng chuyên môn, học thuật vừa đủ, được trình bày rõ ràng chứ không quá khó hiểu. Ngoài những người đang công tác trong lĩnh vực thời trang, cuốn sách cũng rất hữu ích với các marketer.

“Từ Marketing Đến Thời Trang Và Phong Cách Sống” đào sâu chuyện nghề, đồng thời chứa đựng triết lý sống của tác giả. Marketing không chỉ là tìm cách chuyển hóa sự vận hành của thị trường theo chiều hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp. Việc đào sâu chủ đề marketing trong cuốn sách cũng có thể triển khai trong rất nhiều lĩnh vực khác liên quan mật thiết đến phong cách sống…

6. Bộ sách “Dấu Ấn Thương Hiệu: Tài Sản Và Giá Trị”

“Dấu Ấn Thương Hiệu: Tài Sản Và Giá Trị” là bộ sách cung cấp kiến thức thấu đáo toàn diện về thương hiệu, với cách tiếp cận bài bản và cặn kẽ. Các khái niệm nền tảng và cấu thành liên quan trong lĩnh vực thương hiệu được tác giả phát triển trên cơ sở những tư tưởng nhân sinh lớn của phương Đông, có nhiều nét tương đồng với con người Việt Nam. Đây chính là nét khác biệt vượt trội của bộ sách về thương hiệu đầu tiên do tác giả người Việt viết cho người Việt.

Mục lục tổng quát cả bộ sách:

Phần 1: Thực thể và hấp lực

Tập 1: Từ trọng lực đến chức năng

Tập 2: Hồn, nhân cách, bản sắc

Tập 3 A: Từ nội cảm đến nội tưởng và khải thị

Tập 3 B: Từ tự sự đến tương hoài và ký thác

Phần 2: Hữu hình và vô hình

Tập 4: Xây dựng và điều hành

Tập 5: Khai thác và phát triển

Tập 6: Định vị và định giá

Để viết bộ sách này, giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm đã tham chiếu gần 450 công trình biên khảo và tài liệu gốc, và áp dụng những với tri thức liên ngành (từ xã hội học, kinh tế học, quản trị học, cho tới tâm lý học, sử học, triết học...) được tích lũy từ quá trình trên 30 năm nghiên cứu, giảng dạy đại học và kinh nghiệm làm tư vấn về chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Đây là một bộ sách nghiêm túc, mang rất nhiều nhận định mới mẻ và những ý tưởng gợi mở, bổ ích không chỉ cho các nhà kinh doanh và sinh viên kinh tế, mà kể cả cho giới nghiên cứu và sinh viên xã hội học, nhân học hay văn hóa học. Tuy nhiên, nội dung sách không hề khô khan nhờ vào lối viết vừa hóm hỉnh, vừa sôi nổi.

Nguyên Hạnh tổng hợp

Tags: