8 lời khuyên về tài chính từ Benjamin Franklin
8 lời khuyên về tài chính từ Benjamin Franklin
Loài người, dù được ban tặng sự khôn ngoan, bị cuốn vào ham muốn giàu có trong chớp mắt và tin rằng điều đó dễ đạt được. Trong khi đó, con đường chắc chắn dẫn đến sự thịnh vượng là lao động chăm chỉ và cần cù thì lại bị xem nhẹ.
Tự truyện Benjamin Franklin
(61 lượt)
Từ một thiếu niên bỏ nhà ra đi vào năm 17 tuổi, Benjamin Franklin trở thành một thợ in, một người giao báo, một tác gia, một nhà phát minh, một nhà thương thuyết và một nhà lập quốc. Thành công của ông đến từ đức tính tiết kiệm và cần cù. Nhìn lại cuộc đời của Benjamin Franklin, chúng ta có thể thu nạp thêm nhiều lời khuyên về tài chính vô cùng thiết thực.

Hiểu rõ giá trị của mọi thứ

Benjamin Franklin học bài học đầu tiên về tài chính cá nhân khi còn là một đứa trẻ và đây cũng là bài học quan trọng nhất. Năm 7 tuổi ông trông thấy một cậu bé khác thổi kèn. Vì yêu thích âm thanh của chiếc kèn ông muốn đổi tất cả tiền trong ví để có được nó. Cậu bé kia nhanh chóng đồng ý. Franklin rất vui với món đồ chơi mới và thổi kèn ầm ĩ khắp trong nhà. Nhưng niềm vui của ông chóng tàn khi anh trai và chị gái ông biết được ông đã dùng bao nhiêu tiền để đổi lấy chiếc kèn và số tiền cao gấp 4 lần giá trị của chiếc kèn đó. “Nhận ra điều đó khiến tôi buồn phiền,” Franklin nhớ lại, “nhiều hơn niềm vui mà chiếc kèn mang lại.

Trong bức thư gửi cho một người bạn, ông liên tục nhắc đi nhắc lại bài học từ thời thơ ấu:

“Ấn tượng về ngày hôm đó theo tôi suốt một đời. Mỗi khi có dự định mua thứ gì không cần thiết tôi liền tự nói với chính mình: Đừng có tiêu quá nhiều vào chiếc kèn. Và tôi tiết kiệm được tiền.

Khi lớn lên và đi khắp nơi, tôi quan sát người khác và tôi đã gặp rất nhiều, rất rất nhiều người tiêu quá nhiều tiền vào chiếc kèn.

Khi tôi thấy một người quá tham vọng đến độ xu nịnh và bợ đỡ kẻ khác để đạt được điều anh ta muốn, hy sinh thời gian, giấc ngủ, sự tự do, đức hạnh thậm chí là bạn bè của anh ta, tôi tự nói với chính mình: Người này đã tiêu quá nhiều vào chiếc kèn.

Khi tôi thấy một người muốn đạt được sự công nhận và liên tục lao vào chính trường rối ren, quên đi quy tắc của chính mình rồi tự tay phá hỏng nó, tôi nghĩ anh ta đã tiêu quá nhiều vào chiếc kèn.

Nếu tôi biết một người keo kiệt từ bỏ mọi tiện nghi của cuộc sống, không làm điều tốt giúp người khác, không quý trọng đồng bào và không rộng lượng với bạn bè chỉ để tích lũy thêm tài sản tôi sẽ nói: Người đàn ông tội nghiệp, anh đã tiêu quá nhiều vào chiếc kèn.

Khi tôi gặp một người đàn ông theo đuổi khoái lạc, không đoái hoài đến tâm trí và tài sản của mình để có được những giá trị vật chất và đánh đổi sức khỏe trong quá trình đó, tôi nói: Người đàn ông lạc lối, anh đang mang đến đau đớn cho bản thân thay vì sung sướng. Anh đã tiêu quá nhiều vào chiếc kèn.

Nếu tôi thấy một người bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài, bởi quần áo đẹp, bởi nhà cao cửa rộng, bởi nội thất sang trọng hay kẻ hầu người hạ và coi trọng chúng hơn tài sản của mình để rồi mắc kẹt trong nợ nần và kết thúc trong ngục tù, tôi sẽ nói: Ôi Chúa ơi, người này đã trả một cái giá quá đắt cho chiếc kèn.

Nói tóm lại, tôi học được phần lớn đau khổ của con người là do họ tự mang lại vì đã đánh giá sai giá trị của những thứ xung quanh và họ đã tiêu quá nhiều vào chiếc kèn.”  

Trở nên độc lập

Ban đầu cha của Franklin muốn ông trở thành một mục sư, sau đó lại muốn ông kế nghiệp mình và trở thành một người thợ làm nến. Tuy nhiên Franklin lại không thích công việc ấy. Cha ông vì lo sợ ông sẽ trốn ra nước ngoài nên đã dẫn ông đi xem những người thợ thủ công trong vùng với hy vọng có nghề nào làm cho ông hứng thú. Dù Franklin không trở thành một người thợ nề hay thợ mộc, những trải nghiệm đó đã thổi bùng tinh thần tự làm trong ông: 

“Từ đó tôi rất thích nhìn những người thợ sử dụng các loại công cụ của mình. Tôi cũng học được rất nhiều điều hữu ích, ví dụ như sửa chữa lặt vặt trong nhà khi không tìm được thợ, hay làm một ít máy móc cho thí nghiệm của tôi khi tôi chợt nảy ra ý tưởng.” 

Thói quen dựa vào bản thân của Franklin buộc ông tự nấu ăn cho mình (ông dùng tiền tiết kiệm để mua thêm sách) và quan trọng nhất là giúp công việc in ấn của ông phát triển hơn. Vào thời bấy giờ không có xưởng đúc nào ở Mỹ làm đúc chữ - một việc rất quan trọng đối với nghề in. Thay vì mua chúng từ Anh và đợi hàng đến Franklin đã tự làm khuôn chữ cho mình – ông là người Mỹ đầu tiên làm điều này – cùng với bản khắc gỗ, mực in, bản khắc đồng và đĩa nhấn.

Franklin chia sẻ trong hồi ký của mình rằng trở nên tự lập không chỉ tiết kiệm tiền mà còn là con đường dẫn đến hạnh phúc.

“Hạnh phúc của con người không đến từ những vận may lớn lâu lâu mới xuất hiện mà đến từ những lợi thế nhỏ xuất hiện mỗi ngày. Nếu bạn dạy cho một cậu bé nghèo cách cạo râu và sử dụng dao cạo, hạnh phúc mà bạn mang đến cho cậu ấy còn nhiều hơn việc bạn tặng cậu ấy một nghìn đồng vàng. Số tiền này có thể nhanh chóng bị cậu tiêu hết chỉ còn lại nỗi tiếc nuối vì đã sử dụng chúng một cách ngu ngốc. Còn trong trường hợp kia cậu ấy chẳng những không còn bực dọc khi chờ đến phiên mình ở tiệm cắt tóc mà còn không cần chịu đựng những ngón tay dơ, những hơi thở hôi và những lưỡi dao cùn. Cậu ấy có thể tự cạo theo ý mình và tận hưởng điều đó mỗi ngày với một lưỡi dao tốt.” 

Đầu tư vào bản thân 

Từ khi sinh ra tôi đã rất thích đọc sách và tất cả tiền tôi có thường được dùng để mua nhiều sách hơn.

Thư viện giúp tôi học dễ dàng hơn và tôi đọc từ 1-2 tiếng mỗi ngày. Cha tôi muốn tôi học hành tử tế nhưng hoàn cảnh không cho phép và tôi muốn vớt vát lại điều đó. Đọc sách là thú vui duy nhất tôi cho phép bản thân thực hiện. Tôi không phí thời gian vào các quán rượu hay những trò chơi, tôi tập trung vào công việc nhiều nhất tôi có thể.” 

Nếu bạn muốn có nhiều thời gian và tiền bạc trong tương lai xa thì trong ngắn hạn bạn cần đầu tư một ít tiền bạc và rất nhiều thời gian vào chính bản thân mình. Thay vì hoang phí những nguồn lực đó vào những niềm vui chóng vánh, hãy đầu tư vào những gì giúp cho sức khỏe, các mối quan hệ, học vấn và sự nghiệp, những thứ sẽ giúp bạn đạt được sự giàu có.

Franklin đầu tư vào bản thân bằng cách đọc không ngừng nghỉ. Tiền tiết kiệm và thời gian rảnh của ông được dùng để nâng cao kiến thức. Bằng cách quản lý tốt nguồn lực của mình vào những điều quan trọng nhất trong cuộc sống, Franklin đã tạo ra một tương lai tốt đẹp cho bản thân. Từ một cậu bé chỉ được học hành chính quy trong vài năm, ông trở thành nhà văn, nhà ngoại giao, nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

Kết bạn với những người có cùng quan điểm sống

“Tôi nhanh chóng tìm được một công việc ở Palmer’s, một nhà in nổi tiếng ở Bartholomew Close và làm ở đó gần một năm. Tôi khá là chăm chỉ đấy, nhưng tôi và Ralph đã tiêu phần lớn số tiền chúng tôi kiếm được vào việc xem kịch và các trò vui khác. Chúng tôi xài gần hết vàng và chỉ còn đủ tiền để sống qua ngày. Dường như Ralph đã quên là anh có vợ và con, còn tôi thì xa cách với nàng Read. Tôi chỉ gửi cho nàng một bức thư nói rằng tôi sẽ không trở lại sớm. Đây là một sai lầm trong cuộc đời tôi. Nếu được sống lại tôi nhất định sẽ thay đổi nó. Với cách chúng tôi tiêu tiền tôi không còn đủ để chi trả cho những chuyến đi.” 

Khi Franklin bắt đầu công việc in ấn và chuyển sang sống ở London ông kết thân với một người bạn là James Ralph. Trong khi Franklin làm việc cật lực tại nhà in thì Ralph lại rất lông bông. Anh không có một xu dính túi khi đặt chân đến London. Ralph làm diễn viên, nhân viên bán hàng và nhà báo một cách nửa vời, thường xuyên mượn tiền Franklin để trang trải cho việc thất nghiệp.

Hai người bạn chia tay theo cách không vui vẻ và Ralph không hề trả lại 27 pound mà anh ta nợ Franklin (“Một số tiền lớn so với những gì tôi kiếm được!” Franklin nhớ lại).

Sau trải nghiệm này Franklin trở nên thận trọng hơn với những người mà ông kết thân và dành cả đời để tìm kiếm những người sẻ chia quan điểm sống. Ông và bạn bè lập nên các hội nhóm phát triển bản thân để họ có thể bổ sung ý tưởng cho nhau và giúp nhau hoàn thiện hơn.

Đừng bao giờ từ bỏ sự liêm chính để đổi lấy tiền tài

Dù Benjamin Franklin là một người tham vọng, ông không bao giờ  vứt bỏ sự liêm chính  để đạt được mục đích. Đối với ông, cần luôn đặt nguyên tắc cá nhân lên trên lợi ích vật chất để tránh bản thân trở thành nô lệ của lối sống phù phiếm. 

Điều này được thể hiện rõ khi một người đàn ông muốn trả tiền để được xuất hiện trên tờ báo do Franklin sở hữu, tờ Pennsylvania Gazette:

“Tôi đã xem kỹ tác phẩm của ông và cảm thấy nó rất thô bỉ và lỗ mãng. Để suy xét xem có nên xuất bản nó hay không tôi đã đi về nhà và ăn bữa tối gồm nước và ổ bánh mì 2 xu mua tại tiệm bánh. Sau đó tôi dùng áo khoác bọc lấy bản thân rồi ngủ trên sàn tới sáng rồi dùng bữa sáng, cũng là một ổ bánh mì và một ly nước. Tôi không thấy vấn đề gì với việc ăn uống như thế này. Tôi nhận ra tôi có thể sống như vậy nên chẳng có lý do gì để tôi bán tờ báo của mình hay lạm dụng nó để đổi lấy sự thoải mái về vật chất.” 

Siêng năng cần cù chính là chìa khóa để đạt được sự giàu có

“Tôi luôn chuyên tâm & chăm chỉ đối với bất cứ việc gì tôi làm, không suy nghĩ vẩn vơ khỏi việc đang làm hay nghĩ về những cách kiếm tiền nhanh chóng. Siêng năng và kiên nhẫn là con đường chắc chắn nhất dẫn đến thành công.”

-          Kế hoạch hành động (Plan of Future Conduct), Benjamin Franklin viết năm 20 tuổi

Franklin không phải là người thành tỷ phú chỉ sau một đêm. Từ khi bỏ nhà ra đi ông tốn cả thập kỷ để học việc ở các nhà in ở Stateside và London, sau đó mở cửa hiệu cho riêng mình và kiếm được lợi nhuận. Trong khoảng thời gian này ông sống một cuộc sống khắc khổ và siêng năng hơn bất kỳ đối thủ nào.

Vì thế ông giúp mọi người nhận ra tham vọng của mình giống như ông đã nhận ra tầm quan trọng của tính kiên nhẫn và sự nỗ lực bền bỉ trong cuộc sống. Ông không từ bỏ sự thiện lương để đi đường tắt vốn là chuyện được khuyến khích trong thời đại của ông.

Trong  bài tiểu luận “Busy-Body”, Franklin kể lại ông từng đi theo những người đào kho báu dưới sông và than rằng:

“Loài người, dù  được ban tặng sự khôn ngoan, bị cuốn vào ham muốn giàu có trong chớp mắt và tin rằng điều đó dễ đạt được. Trong khi đó, con đường chắc chắn dẫn đến sự thịnh vượng là lao động chăm chỉ và cần cù thì lại bị xem nhẹ.”

Franklin kết thúc bài tiểu luận bằng trích dẫn lời của một người bạn khi ông ta tặng cho con trai một trang trại:

“Con trai, ta trao cho con mảnh đất quý giá này và ta cam đoan với con rằng ta đã tìm được kha khá vàng từ việc đào bới. Con cũng có thể làm như thế, nhưng con phải nhớ rõ một điều, không đào sâu hơn mức ta đã cày.”

Thời gian là tiền bạc

Một người đàn ông lảng vảng gần một tiếng đồng hồ trước cửa hàng bán báo của Benjamin Franklin.

“Cuốn sách đó giá bao nhiêu tiền?”

“1 đô la.” Người bán hàng trả lời.

“1 đô la.” Người đàn ông lặp lại, “Có thể trả thấp hơn không?”

“Giá là 1 đô la.” Người bán hàng đáp.

Vị khách nhìn những cuốn sách được bày bán một lát nữa rồi hỏi: “Ông Franklin có ở đây không?”

“Có. Ông ấy đang bận trong phòng tin tức.”

“Tôi muốn gặp ông ấy.” Người đàn ông tiếp tục.

Người bán hàng gọi Franklin ra và người đàn ông hỏi: “Ông Franklin, cái giá thấp nhất để ông bán cuốn sách là gì?”

“1.25 đô la.” Franklin đáp.

“1.25 đô la! Nhân viên của ông mới nói chỉ có 1 đô thôi.”

“Đúng vậy,” Franklin, “Tôi thà chỉ lấy 1 đô còn hơn phải bỏ dở công việc.”

Người đàn ông bất ngờ nhưng vì muốn kết thúc cuộc đàm phán nên ông đã yêu cầu tiếp:

“Giờ thì nói cho tôi biết cái giá thấp nhất của quyển sách là bao nhiêu?”

“1.5 đô la.”

“1.5 đô la! Chính ông vừa nói là 1.25 đô thôi mà.”

“Đúng vậy,” Franklin đáp, “Giá mà tôi có thể lấy cái giá đó thay vì 1.5 đô như lúc này.”

Người đàn ông lẳng lặng đặt tiền lên quầy và mang cuốn sách đi. Ông đã học được một bài học bổ ích về việc sử dụng lý trí để biến thời gian thành tiền bạc và tri thức.

-          Dẫn đầu (Pushing to the Front), Orison Swett Marden.

Thời gian là tiền bạc. Franklin là người đầu tiên truyền bá câu nói này. Ngày nay tuyên ngôn này chưa chắc được ủng hộ, một số người cảm thấy nó là câu cửa miệng của  một tên nô lệ của chủ nghĩa tư bản hơn là lời khẳng định của một kẻ sống vì đam mê. “Thời gian không phải tiền bạc. Đó là cơ hội tận hưởng cuộc sống!” Tuy nhiên Franklin hiểu rằng cách một người sử dụng thời gian quyết định số của cải của anh ta, và càng có nhiều tiền thì anh ta càng dễ theo đuổi đam mê của mình. Franklin nghỉ hưu và rời khỏi ngành in vào tuổi 42 và dành phần đời còn lại để làm bất cứ việc gì ông thích.

Sự tích lũy đồng tiền chỉ là phương tiện để đạt được mục đích

“Sự  thương cảm mà ông dành cho điểm yếu của loài người -  tham vọng theo đuổi vật chất không ngừng - được miêu tả theo cách làm tôi thích thú. Chúng rất thú vị, hay ít nhất rất tương đồng với suy nghĩ của tôi. Người ta nói rằng cư dân ở London muốn kiểm đủ tiền để có một cái chết xứng đáng. Tôi nghĩ suy nghĩ đó thật ngớ ngẩn, giống như gọi  một người đàn ông tiêu tiền vào 1000 món đồ không cần thiết và  rồi mất sạch số ấy và bị cầm tù bởi các chủ nợ là “nghèo cho đáng”. Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta có so với những gì chúng ta có thể dùng có thể không thật sự là của ta dù ta sở hữu chúng. Khi một người đàn ông giàu có chết đi thứ anh ta để lại cũng chẳng đáng giá hơn thứ một con nợ phải trả.”

-          Thư Benjamin Franklin gửi William Strahan

Đối với Franklin việc theo đuổi tiền tài chỉ là phương tiện để đạt được mục đích. Mục đích của ông là “thoải mái đọc sách, học hỏi, làm thí nghiệm, chuyện trò với những người tài hoa và đáng kính - những người thật hân hạnh cho tôi vì quen biết họ - và cùng tạo ra một thứ gì đó có ích cho nhân loại, không bị ràng buộc bởi âu lo của nghề buôn.” Việc Franklin nghỉ hưu sớm thực chất đã đem lại nhiều ích lợi cho loài người, bao gồm sự ra đời của nhiều phát minh (ông không lấy bằng sáng chế - đối với ông giúp đỡ người khác là đủ) và sự hình thành nên một quốc gia.

Với Benjamin Franklin việc tích lũy tiền và bồi dưỡng đức tính tốt không phải để sống một cuộc đời xa hoa (dù ông cũng tận hưởng lối sống ấy) hay để tỏ ra kiểu cách mà là để bản thân trở thành một người có phẩm giá, có kiến thức, có thời gian để trở làm một công dân mẫu mực, giúp đỡ người khác và đất nước của họ. Franklin cũng tin đây là cách tốt nhất để phục vụ Chúa Trời.

Năm 40 tuổi Franklin đã viết thư gửi cho mẹ rằng khi ông chết đi ông hy vọng người ta sẽ nói rằng ông “đã sống có ích” hơn là “chết trong giàu có”.

Vy Vũ | The Art of Manliness

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 
Tags: