Bí ẩn mang tên Murakami
Bí ẩn mang tên Murakami
Câu cú có thể tồi tệ, nội dung có thể quá rập khuôn – nhưng những cuốn sách của Murakami chưa bao giờ ngừng quyến rũ.

Các fan cứng của Haruki Murakami đã nhẫn nại chờ ba năm từ ngày khuấy đảo của 1Q84, giờ sẽ có một vài câu hỏi quan trọng về cuốn sách mới nhất của tác giả. Những câu hỏi này có lẽ nhiều người đã đoán trước được câu trả lời. Có phải cuốn tiểu thuyết của chúng ta sẽ xoay quanh một anh con trai thuộc đầu ba, chơi vơi mông lung và vô trách nhiệm? (Có đấy) Anh ta có một mối tình lãng mạn là cô gái lanh lợi Friday nào đó? (Tất nhiên, cô ấy là đại lý du lịch và quá thành thạo trò đặt vé cho những chuyến đi nước ngoài đột ngột, quá tiện đúng không?) Câu chuyện bắt đầu bằng sự biến mất không thể lý giải của một ai đó gần gũi với người kể? (Không chỉ một người mà bốn người – và họ biến mất cùng lúc). Có một hành trình đậm chất siêu nhiên đến một phiên bản khác của thực tại? (Kiểu kiểu thế, phiên bản khác này là Phần Lan). Có rất nhiều liên hệ thừa thãi đến các tiểu thuyết, phim ảnh và văn hóa đại chúng phương Tây? (Xem nào, ta có Barry Manilow, Arthur Conan Doyle, nhóm Pet Shop Boys, Aldous Huxley, Elvis Presley...trong danh sách). Nhạc sĩ Đông Âu nào cung cấp nhạc nền trong sách và sắp sửa tận hưởng giá CD phi tên lửa trong những tháng tới? Bartók, Prokofiev, Smetana? (Lần này là Liszt). Sẽ có những điềm báo âm hiểm không báo trước cái gì cả; những giấc mơ không có cách giải thích; những bí mật được cài mật mã và sẽ không bao giờ được giải quyết? (Có, có, có hết). Liệu lần này cuốn sách có giúp Murakami giành được giải Nobel? (Có thể, dù gần đây Ladbrokes coi Murakami là tác giả yêu thích nhất trong khoảng 6 người chọn 1).

 

 

“Không tác gia vĩ đại nào viết nhiều câu văn tệ hại như Murakami.”

 

 

Murakami, người đã học nói tiếng Anh bằng cách đọc tiểu thuyết trinh thám Mỹ, mở đầu cuốn sách bằng một đoạn văn có thể khiến David Goodis gật gù. Tsukuru Tazaki vừa tròn 20 tuổi đang chuẩn bị tự sát: “Từ tháng Bảy năm hai Đại học đến tháng Một năm sau đó, tất cả những gì trong đầu Tsukuru Tazaki là cái chết.” Nhưng Goodis sẽ viết thứ gì đó đại loại “Được thôi, hắn nói với chính mình, hãy làm và làm cho xong đi”. Murakami uyển chuyển như múa ba-lê, gợi lên những suy tưởng có vẻ huyển bí và một vẻ đẹp khó lường của sự đau thương. “Đi qua lằn ranh đó giữa sự sống và cái chết”, Murakami viết, “sẽ dễ chịu hơn là nuốt một quả trứng vừa sống vừa trơn”. Đây cũng chính là một trong những mặt then chốt của phong cách Murakami, từ cái chết u ám chảy trôi đến hư ảo của tâm linh. Tựa sách hoàn hảo nhất có thể đem dùng cho bất cứ cuốn nào trong số 13 cuốn ông viết từ 1979 vẫn là Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (Hard-Boiled Wonderland and the End of the World). Trong Xứ Murakami, chết là chu du qua một “cánh cửa” giữa thực tại và một thế giới khác nào đó. Chết không có nghĩa là hết. Và thực tế đã chứng minh, như sau này chúng ta sẽ biết, ám ảnh về cái chết của Tsukuru mới chỉ là khởi đầu.

 

Tsukuru đã rơi vào “lòng cái chết” – “lạc trong sự trống rỗng tối mù và im lặng như tờ”. Bốn người bạn thân nhất của anh ta đều đột nhiên ngừng nói chuyện và biến mất khỏi cuộc đời anh không một lời giải thích. Đây không phải những tình bạn đơn thuần. Tsukuru thuộc về một nhóm bạn có hai cô gái và ba chàng trai, từ lúc gặp nhau ở trung học đã tạo nên một thế giới kín của riêng bọn họ. Bọn họ là một thể gắn kết, hoặc như Murakami nói, “một thể co cụm”. Những người bạn của Tsukuru có một vận động viên cưỡi ngựa, một trí thức, một nhạc công piano ngại ngùng và một kẻ châm biếm; họ của mỗi người có một màu: thông đỏ, ruộng đen, chân trắng, và biển xanh. Chỉ có Tazaki là không màu.

 

Không có gì đặc biệt để nói về tôi, tôi hoàn toàn bình thường.

 

Tôi không có tham vọng gì...không có gì tôi muốn trở thành.

 

Một người đàn ông độc thân trung bình. Một đứa trẻ tiêu biểu của thời đại.

 

Một chàng trai sống đời bình thường đến không có gì phàn nàn.

 

Tôi chỉ là một con người bình thường, sống một cuộc đời bình thường.

 

Những câu hỏi cũ vây lấy tôi: Tôi là ai? Tôi đang tìm kiếm cái gì? Tôi trực chỉ về đâu?

 

Mỗi dòng đặc tả nhân vật chính trong một tiểu thuyết trước đây của Murakami đều có thể dùng để tả Tsukuru. Người duy nhất trong bộ năm “không có gì đặc biệt”. Anh ta “không có khiếm khuyết nào đáng kể” và “không có một phẩm chất nào đáng khoe...Mọi thứ về anh ta đều tầm tầm, mờ nhạt, và không màu.”

 

 

Gần 20 năm sau khi sụp đổ vì những người bạn biến mất, Tsukuru được khích lệ bởi Sara, bạn gái mới của anh, đi tìm chuyện gì đã xảy ra với những người bạn cũ. Cô tình nguyện giúp anh và nhanh chóng tìm ra, với công cụ thám tử điều tra tối tân trước đó không được Tsukuru khám phá ra: mạng Internet. “Tôi khá quen với Google và Facebook”, anh ta nói. “Nhưng tôi gần như không dùng bao giờ. Tôi chỉ không hứng thú.” Có vẻ hơi phi thực tế cho dù là một tiểu thuyết gia thiên về mộng ảo như Murakami.) Các Murakamian lúc này sẽ chờ nhân vật chính của chúng ta đến một miền thiên đường dưới lòng đất nào đấy – có lẽ nhờ một thang máy, một đường tàu điện ngầm, hoặc một bốt điện thoại – tìm những người bạn đã mất.

 

“Từ tháng Bảy năm hai Đại học đến tháng Một năm sau đó, tất cả những gì trong đầu Tsukuru Tazaki là cái chết.”

 

Nhưng trong Tazaki Tsukuru không màu và nhng năm tháng hành hương, con tàu ánh sáng huyền diệu của Murakami đã không nhổ neo. Thay vào đó Murakami dừng lại trên mặt đất. Tsukuru lần lượt đến thăm ba người còn sống trong nhóm, phát hiện họ đều có những công việc và sự nghiệp bình thường. Một người làm gốm, một người mở một trung tâm huấn luyện một thành viên; người thứ ba bán xe hơi. Tsukuru nhanh chóng biết được vì sao anh bị loại bỏ ngày xưa. Không công bằng và không phải lỗi của Tsukuru – nhưng trên hết không hề vô lý.


Trong sự trôi chảy bình yên u tối đó, cuốn tiểu thuyết gợi nhớ nhiều đến Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời (1999) và Người tình Sputnik (2001). Những trang sách tĩnh lặng, đè nén dù ẩn chứa yếu tố kỳ ảo nhưng chưa bao giờ đầu hàng sức mạnh của tự nhiên. Những tiểu thuyết đó, nối tiếp Nhảy nhảy nhảy (1994) và Biên niên ký chim vặn dây cót (1997) giống một loại tráng miệng làm mới khẩu vị của độc giả, kéo người đọc về những cái gì “có thể”. Tsukuru Tazaki không màu, theo gót ánh sáng rực rỡ nhất còn sót lại của 1Q84, cũng có dáng dấp tương tự. Không Người Cừu, không thư viện trong mơ, không thầy đồng nhỏ tuổi. Chỉ có mảnh trăng lẻ loi trên bầu trời Tokyo.

 

Nhưng không nghi ngờ gì, chúng ta vẫn đang ở Xứ Murakami. Không ai khác có thể viết được như thế này, hoặc không ai dám thử. Một lần nữa, mọi câu chuyện vẫn cứ tiếp diễn và mọi cuốn tiểu thuyết cộp mác Murakami đều giống một phần của trường thiên tiểu thuyết không bao giờ kết thúc. Trường thiên trải dài rộng lớn đến nay đã gần 7000 trang. Giống mọi thành phẩm Murakami khác, cốt truyện của Tsukuru Tazaki không màu không thiếu kịch tính nhưng tuyệt đối phi logic. Cả cuốn sách ngập vẻ hoài niệm, mờ ảo, nai tơ, rườm rà, mê đắm. Chất tạo hình khắp nơi, rời rạc đến tuyệt diệu. Một người đàn ông Nhật chơi bài “Round Midnight” của Thelonious Monk trên một cái piano dựng thẳng trong một trường trung học vắng ngắt ở một làng miền núi; cử động cầu vai của một cậu nhóc xinh đẹp, “giống như cánh bướm” khi cậu bơi trong một hồ bơi Tokyo; một nghệ sĩ đàn phong cầm mặc áo vét cũ sờn đội mũ Panama hát “Don’t Be Cruel” bằng tiếng Phần Lan cùng với bạn đồng hành là một chú chó tai nhọn bị liệt cơ - giống như những mảnh từ hợp thể nhiều vũ trụ.

 

Và lật từng trang sách, chúng ta lại đối mặt lần nữa với thắc mắc to đùng - văn phong của Murakami. Không một tác gia vĩ đại nào viết được nhiều câu tệ đến thế. Cấu trúc câu lủng củng (“Anh thích ngoại hình Sara như thế nào thì anh cũng thích cách nàng ăn mặc như thế ấy”); bị nghiện hành văn sáo rỗng (từ đoạn văn miêu tả nhân vật: “Anh thực sự đã phóng trên đồng...Anh không giỏi làm cái gì đến nơi đến chốn... Anh luôn nhìn thẳng vào mắt người khác, nói với giọng trong trẻo rõ ràng và cực kì sành ăn...Anh rất giỏi lắng nghe và lãnh đạo”). Lặp đi lặp lại từ ngữ một cách lười biếng (“Sara liếc vẻ mặt anh một lúc rồi mới nói”, ngay sau đó là “Sara liếc Tsukuru một lúc rồi mới nói”). Hội thoại thì đều đều, giống một con robot quyến rũ. Đây là Sara báo tin một người bạn cũ của Tsukuru đang làm việc ở đại lý xe Lexus:

 

“Anh ta đã làm rất tốt, tất nhiên rồi, và đã thắng mấy danh hiệu bán hàng giỏi nhất gần đây. Anh ta vẫn còn trẻ nhưng đã là trưởng bộ phận Sales rồi.”

 

“Lexus”, Tsukuru lẩm bẩm cái tên với chính mình.

 

“Em biết Lexus là một loại xe rất xịn, rất đáng tin.”

 

“Nếu cậu ấy bán hàng giỏi thế, nhất định cậu ấy sẽ chèo kéo anh mua một chiếc xe Lexus ngay lúc anh gặp cậu ấy.”

 

Sara cười. “Có thể”.

 

Những câu văn chết nằm kề nhau. Những đoạn văn được tạo ra như thế, giọng văn tinh tế, đột phá và đầy tính biểu tượng, càng làm các câu văn nổi bật hơn nữa. Chẳng hạn như sự ái mộ của Tsukuru khi nghe tổ khúc piano của Liszt, “Le Mal du Pays”:

 

Tiếng nhạc tĩnh lặng và buồn thảm dần nhường chỗ để một nỗi buồn khác thành hình, nỗi buồn không thể lý giải dần đầy ngập tim anh, giống như vô số hạt phấn hoa li ti dính lấy một thứ vô hình ẩn giấu lơ lửng trên không trung, đang dần dần tạo hình dạng chậm rãi trong lặng yên. Lần này thứ đó mang hình Sara – Sara mặc váy xanh bạc hà tay ngắn.

 

Hoặc như cách Tsukuru miêu tả tác phẩm gốm của người bạn cũ:

 

Chúng là những thứ kì lạ và độc nhất. Ở một khoảng cách anh nhìn chúng như nhìn lá cây rải đầy thềm rừng. Lá bị giày xéo bởi vô số thú rừng không tên, bí mật, im lặng di chuyển qua tán cây.

 

Làm thế nào mà cùng một tác giả có thể viết ra những câu kinh khủng như “Nụ cười của cô vút lên một nấc?”. Nhân đạo mà nói thì trong văn của Murakami, những câu văn xấu xí và lạc đề như thế có vai trò chiến lược. Giống ngôn ngữ cửa miệng mà vẫn lịch sự hay tên các thương hiệu trong truyện Stephen King, ngôn ngữ nghèo nàn của Murakami đặt chúng ta trong sự tầm thường trọn vẹn, một thế giới đơn giản trắng và đen và mọi thứ đều y hệt như bề ngoài của nó. Và tất nhiên khi chúng ta bay qua hố đen đến một chiều đầy thần thoại hỗn độn tới mức khó hiểu, sự tương phản hiện ra rõ mồn một. 

 

Với Tsukuru Tazaki, thế giới ngoại lai – thực ra là một nước khác - đó là quá khứ của anh. Thậm chí ngoại lai đối với anh hơn cả Phần Lan, nơi anh phải đến để gặp người có thể giúp anh hiểu nó. Đi sâu vào quá khứ làm Tsukuru nghi ngờ trong một thực tại song song nào đó có một Tsukuru Tazaki xảo quyệt. “Trên một chuyến bay sự thật”, anh kết luật, anh đã không làm gì sai khiến bạn thời trung học của anh đồng loạt ghét bỏ; nhưng rất có thể trái lại anh đã nhúng tay vào tội ác khủng khiếp. “Anh đang ở phía nào của thực tại? Càng nghĩ nhiều anh càng không chắc.” Độc giả càng không biết. Truyện Murakami mời gọi ở chỗ, thế giới của người kể chuyện tồn tại bình thường đến tầm thường cùng một thế giới song song đầy bóng tối. Thế giới có lẽ chúng ta đều có, ẩn sâu trong tiềm thức nguyên thủy nhất, trong một thiên hà khác - khi ta được tự do tung hoành với những ước mơ độc ác nhất, đen tối nhất.

 

Thể loại của Murakami là tiểu thuyết (fiction) – có công thức, dễ phổ biến, trọng tâm ở nội dung. Nhưng đây là thể loại ông đã đắm mình rất lâu, lấy mọi nguyên tố từ thần thoại, kinh dị, từ phim đen, từ khoa học viễn tưởng, từ “truyện văn học”. Thành phần khác thì đối nghịch với tiểu thuyết thông thường, đó là tuyệt đối không được giải quyết gọn ghẽ. Đến trang cuối của Tsukuru Tazaki không màu, chúng ta đành để mặc anh ở thời khắc kịch tính, anh bị đặt lơ lửng giữa vực thẳm và bình yên. Murakami có vẻ cũng không quan tâm Tsukuru sẽ hạ cánh về đâu. Quan trọng là Tsukuru đã lấy được, qua một hồi đau khổ cùng ác quỷ, một khát khao đến tuyệt vọng để sống. Trong một giây phút anh nhận ra mình được khai sáng:

 

Một trái tim không thể nối với trái tim khác chỉ bằng hòa hợp. Thay vào đó, bằng vết thương. Nỗi đau tìm đến nỗi đau, dễ vỡ đến với dễ vỡ. Không có yên lặng nào không có tiếng khóc, không tha thứ mà không có máu đỏ, không chấp nhận mà chưa từng lạc lối.

 

Tsukuru không phải là nhân vật đầu tiên của Murakami đã từng giác ngộ kiểu này. Không có quá nhiều sự đa cảm ủy mị nhưng sức hút chính của Murakami là ở đây. Những anh hùng được Murakami tạo ra bỏ cuộc sống hàng ngày rỗng không và chịu đựng, sa vào huyền ảo u tối và lộng lẫy, sau đó thấy mình trong một thế giới sống động hơn tất cả những gì từng thấy. Họ không bao giờ hối hận vì đã lên đường, bất chấp mọi thể loại đau đớn dọc đường. Ta biết họ sẽ đi đâu, sẽ vấp ngã ổ voi ổ gà liên tục. Chuyến đi thì ít khi buồn tẻ, bạn đồng hành của họ luôn vui nhộn, và ta có thể yên tâm họ sẽ đưa ta đi đâu đó, lạ lùng hơn tất cả những nơi ta từng đến trước đây. Trừ khi đã đến ở trong mơ.

Trạm đọc (Read Station) dịch

Nguồn theatlantic.com

Tags: