BÍ QUYẾT CỦA SỰ CHẤP NHẬN: ĐỪNG ĐỂ TRÚNG TÊN HAI LẦN
BÍ QUYẾT CỦA SỰ CHẤP NHẬN: ĐỪNG ĐỂ TRÚNG TÊN HAI LẦN
Nếu không luôn cảm thấy hạnh phúc và hăng hái triệt hạ mọi mục tiêu, bạn đang đi sai đường”
Nghệ Thuật Sống Vững Vàng
(9 lượt)
Hơn hai ngàn năm trước, vị hoàng đế La Mã theo chủ nghĩa khắc kỷ Marcus Aurelius đã viết trong nhật ký thiền định của mình như sau: “Nếu bạn sử dụng tay chân của mình đúng với chức năng của chúng, việc cảm thấy bị đau tay, đau chân là hoàn toàn bình thường. Nếu người ta sống một cuộc sống bình thường của con người, việc cảm thấy căng thẳng là chuyện hết sức hiển nhiên”. Epictetus, một nhà hiền triết khác cũng theo chủ nghĩa khắc kỷ, đã dạy rằng khi chúng ta ghét bỏ hoặc sợ hãi tình cảnh của mình, tình cảnh đó sẽ trở thành chủ nhân của chúng ta. Trái ngược với thời hiện đại, khi mà lối tư duy tích cực đang thịnh hành và con người bị “oanh tạc” bởi những thông điệp như “Nếu không luôn cảm thấy hạnh phúc và hăng hái triệt hạ mọi mục tiêu, bạn đang đi sai đường”, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ ngày trước có một quan điểm sống chân thật và đúng đắn về mặt tâm lý hơn. Thật bình thường khi cảm thấy căng thẳng. Thật bình thường khi ở trong hoàn cảnh không mấy tốt đẹp. Điều đó không có nghĩa là bạn có vấn đề. Nó có nghĩa bạn là một con người. Càng sợ hãi, phủ nhận hay chối bỏ vấn đề, nỗi đau và những tình huống khó khăn – từ những phiền toái vặt vãnh cho đến những rắc rối nghiêm trọng – bạn sẽ càng khổ sở hơn. Càng tập trung vào những gì nằm trong tầm kiểm soát và bớt lo lắng về những gì bạn không thể khống chế được, bạn sẽ càng thấy mọi chuyện tốt đẹp hơn.

Vào khoảng thời gian các triết gia khắc kỷ ở Hy Lạp và La Mã viết về sự chấp nhận, ở bán cầu bên kia, tại Ấn Độ và Đông Nam Á, những người theo đạo Phật cũng đi đến những kết luận tương tự. Phật giáo có một câu chuyện ngụ ngôn nhẹ nhàng dạy chúng ta bài học đừng để bị trúng tên hai lần. Chúng ta không thể kiểm soát được mũi tên đầu tiên – chính là những ý nghĩ, cảm giác, sự kiện hoặc tình huống tiêu cực. Nhưng chúng ta lại có thể kiểm soát được mũi tên thứ hai, hay phản ứng của chúng ta khi gặp mũi tên thứ nhất. Thông thường phản ứng này là thái độ phủ nhận, đè nén, phán xét, kháng cự hoặc hành động bốc đồng – tất cả đều có khuynh hướng tạo thêm chứ không làm vơi đi sự khó khăn và nỗi đau. Đức Phật dạy rằng mũi tên thứ hai khiến chúng ta bị tổn thương nhiều hơn, và cũng chính mũi tên này cản trở ta thực hiện những hành động sáng suốt để đối phó với mũi tên đầu tiên.

 Hình tượng mũi tên thứ hai xuất hiện rất nhiều trong giáo lý đạo Phật. Truyền thuyết kể rằng vào đêm trước khi giác ngộ, Đức Phật bị tấn công bởi Ma Vương – nhân vật đại diện cho nỗi sợ, lòng tham, nỗi đau khổ, giận dữ, ảo tưởng và là tác nhân gây ra nhiều tệ nạn khác. Suốt đêm hôm ấy, Ma Vương bao vây Đức Phật bằng bão tố, những đội quân hùng mạnh và vô số quỷ dữ. Hắn tấn công Ngài bằng những mũi tên của lòng tham, sự ghét bỏ, ghen tị và ảo tưởng. Thế nhưng thay vì chống cự những mũi tên này, Đức Phật đã đối diện với từng mũi tên một bằng một ý thức rộng mở, từ bi và luôn nhìn rõ thực tại. Khi Ngài làm vậy, các mũi tên đã hóa thành những bông hoa. Dần dần, những cánh hoa đã chất đống thành một ngọn núi nhỏ, còn Đức Phật thì càng lúc càng trở nên bình thản và sáng suốt bằng thái độ chấp nhận và lòng từ bi. Cuối cùng, Ma Vương cũng nhận ra rằng Đức Phật không hề kháng cự hay đàn áp những đợt tấn công của hắn, thế là hắn rút lui. Đức Phật đã đạt được giác ngộ theo cách đó. Ngài đã có thể thấu suốt mọi sự. Ngài đã có thể trụ vững bất chấp những mũi tên đang lao thẳng về phía mình.

Ma Vương không phải là nhân vật chỉ xuất hiện một lần mà còn xuất hiện nhiều lần khác trong các bản kinh cổ của Phật giáo. Mỗi lần Đức Phật đối mặt với Ma Vương thay vì bị lôi kéo vào vòng luẩn quẩn của sự phủ nhận, ảo tưởng và khổ đau, Đức Phật chỉ nói đơn giản: “Ta đã nhìn thấy ngươi, hỡi Ma Vương” rồi Ngài bình thản chấp nhận hiện thực và thực hiện những hành động khôn ngoan, thể hiện rõ một trạng thái vững vàng không gì có thể lay chuyển. Trong quyển sách Radical Acceptance (tạm dịch: Chấp nhận hoàn toàn), nhà tâm lý học kiêm học giả Phật giáo Tara Brach đã viết: “Cũng giống như Đức Phật sẵn sàng đương đầu với Ma Vương, chúng ta cũng có thể dừng lại và sẵn sàng đón nhận mọi thứ cuộc sống mang lại trong từng khoảnh khắc”. Chúng ta cũng có thể biến những mũi tên khổ đau thành những bông hoa, hay ít nhất cũng làm cho chúng cùn đi một chút, và trong quá trình làm điều đó, chúng ta có được cho mình một tâm thế vững vàng không dễ dao động. Cách tiếp cận này có thể trái với thói quen sống và làm việc của nhiều người, đặc biệt là những ai trưởng thành trong xã hội phương Tây. Chúng ta thường được dạy phải phản ứng lại hoàn cảnh, kiểm soát tình huống, cố gắng suy nghĩ tích cực và ngay lập tức lao vào giải quyết vấn đề. Nhưng chính bước chấp nhận mới giúp tất cả những chiến lược còn lại phát huy hiệu quả. Nếu không có sự chấp nhận, chúng ta có nguy cơ mãi giậm chân tại chỗ, không thật sự giải quyết những vấn đề cần giải quyết và không bao giờ có tiến triển. Khi không chấp nhận thực tại, chúng ta thường cảm thấy bản thân thật mong manh và chông chênh, như thể chưa bao giờ thật sự bám trụ vào một nền tảng vững chắc nào. Điều này cũng cản trở chúng ta phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Bài viết được trích lược từ cuốn Nghệ thuật sống vững vàng của tác giả Brad Stulberg do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm về cuốn sách tại đây
Tags: