Các đối thủ của nền văn minh phương Tây
Các đối thủ của nền văn minh phương Tây
Duy nhất trên Trạm: Trích dẫn chương 7 cuốn sách Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới
Không có sự minh họa nào cho vòng đời của một nền văn minh rõ ràng hơn so với The Course of Emperie (Hành trình của Đế chế) – một loạt năm bức vẽ của Thomas Cole (1801-1848) được treo trong phòng tranh của Hội Lịch sử New York. Là người sáng lập trường Trung học Hudson River và một người tiên phong vẽ tranh phong cảnh ở Mỹ thế kỷ XIX, Cole đã diễn giải bằng những hình ảnh rất đẹp một lý thuyết mà hầu hết mọi người ngày nay vẫn tôn thờ: lý thuyết về vòng đời của một nền văn minh.
 
Mỗi trong năm cảnh họa tưởng tượng mô tả một cửa sông lớn chảy dưới chân các khối đá trồi lên. Bức thứ nhất, The Savage State (Thời hoang dã): cảnh sơ khai cây dại xum xuê có bóng người săn bắt-hái lượm điểm xuyết thể hiện sự tồn tại nguyên thủy trước buổi bình minh đầy giông tố. Bức thứ hai, Arcadian or Pastoral State (Thời trồng trọt và chăn nuôi) mô tả cảnh đồng quê: cư dân đang xén tỉa cây cối, trồng trọt trên những cánh đồng và xây nên cung điện Hy Lạp thanh nhã.
 
Bức thứ ba, lớn hơn cả, là Consummation of Empire (Thành tựu của Đế chế): giờ đây quang cảnh được bao trùm bởi hàng trụ đá cẩm thạch nguy nga tráng lệ, những triết gia-nông dân đầy vẻ hài lòng trong bức tranh trước đã được thay thế bằng một đám thương gia phục sức sang trọng, các thống đốc La Mã và những thị dân. Đó là lúc chính ngọ của vòng đời. Sau đó đến bức Destruction (Hủy diệt): thành phố rực lửa, cư dân chạy trốn khỏi đám đông bộ lạc xâm lăng đang ra sức hãm hiếp cướp bóc dưới bầu trời chiều buồn thảm. Cuối cùng, trăng lên trên bức Desolation (Tiêu điều). Không còn một linh hồn sống nào, chỉ có những đống gạch đá gãy vỡ và hàng cột trụ sừng sững bám đầy dây leo tầm xuân và anh thảo .
 
Được ưa thích từ giữa những năm 1830, những bức họa của Cole đã truyền tải một thông điệp rõ ràng: mọi nền văn minh, bất kể uy nghi hoành tráng đến đâu, đều phải suy tàn và sụp đổ. Đó cũng là lời đề xuất rõ ràng đối với nước cộng hòa non trẻ Hoa Kỳ vào thời của Cole, rằng tốt hơn là hãy biết gắn bó với thú vui điền viên, chế ngự sự cám dỗ của giao thương, chinh phục và thực dân hóa. Suốt nhiều thế kỷ, các nhà sử học, các nhà lý thuyết chính trị, nhà nhân chủng học và phần đông công chúng đều có xu hướng chiêm nghiệm về sự suy vong và sụp đổ của các nền văn minh theo kiểu tuần hoàn và chậm rãi.
 
Trong cuốn thứ sáu của bộ Những câu chuyện Lịch sử của Polybius 1, liên hệ với sự trỗi dậy của La Mã, quá trình tiến hóa chính trị diễn ra như sau:
 
1. Quân chủ
2. Vương quyền
3. Chuyên chế
4. Giới quý tộc
5. Tập đoàn đầu sỏ chính trị
6. Dân chủ
7. Chính quyền nhân dân (dân chúng làm chủ)
 
Ý tưởng ấy được hồi sinh vào thời Phục Hưng, khi tư tưởng của Polybius được tái hiện và trải nghiệm như ký ức trong các tác phẩm của Machiavelli và Montesquieu. Cách nhìn kiểu chu kỳ còn nảy nở hoàn toàn độc lập trong các tác phẩm của nhà sử học Ả-rập thế kỷ XIV Ibn Khaldun (1332-1406) và trong học thuyết Tân-Nho giáo đời nhà Minh. Trong cuốn Scienza nuova (Khoa học mới) viết năm 1725, nhà triết học Italy Giambattista Visco (1668-1744) đã mô tả mọi nền văn minh đều trải qua một “đỉnh cao” có ba pha: thần thánh, anh hùng, và nhân văn hoặc lý trí – tức là quay trở lại với thần thánh xuyên suốt cái mà Visco gọi là “tình trạng man rợ của sự suy xét.” “Những chính phủ hiến định tốt nhất, giống như các cơ thể động vật cấu tạo hoàn hảo,” lời của nhà triết học chính trị Anh Henry St. John–1 st Viscount Bolingbroke (1678-1751), viết năm 1738, “mang trong mình mầm mống sự hủy hoại của chúng: và, mặc dù chúng lớn lên và trở nên tốt đẹp suốt một thời gian, chúng cũng sẽ mau chóng tiêu tan. Mỗi giờ chúng sinh sống là một giờ cắt bớt đi ở phần chúng còn được sống.” Trong The Wealth of Nations Adam Smith đã diễn giải sự tăng trưởng kinh tế: “sự phú cường” chung quy sẽ dẫn đến “trạng thái đình đốn, trì trệ.”...
 
Gần đây hơn, nhà nhân chủng học Jared Diamond là người đã thu hút được sự tưởng tượng của công chúng mvới một lý thuyết quan trọng về sự trỗi dậy và sụp đổ. Cuốn sách của ông, Collapse: How Societies Choose to Fail or Succed (Sụp đổ: các xã hội lựa chọn thất bại hay thành công như thế nào) – 2005, là lịch sử chu kỳ cho Kỷ nguyên Xanh (Green Age): Truyện ngụ ngôn kể về các xã hội – từ hòn Đảo phía Đông thế kỷ XVII đến Trung Hoa thế kỷ XX – đã từng liều lĩnh, hoặc ngày nay vẫn đang liều lĩnh hủy hoại chính mình bằng cách lạm dụng môi trường tự nhiên. Diamond dẫn chứng lời của John Lloyd Stevens (1805-1852), nhà thám hiểm Mỹ, nhà khảo cổ học nghiệp dư, người đã phát hiện ra các thành phố Maya chết từ lâu của Mexico: Đây là những di tích còn lại của những người biết cầy cấy, trồng trọt, những người thanh lịch và đặc biệt, những người đã trải qua tất cả những thời kỳ từ khi trỗi dậy đến lúc sụp đổ của các quốc gia, đạt đến thời hoàng kim của họ, và diệt vong.
 
Theo Diamond, người Maya đã rơi vào cái bẫy Malthus khi dân số của họ tăng trưởng vượt quá ngưỡng mà hệ thống nông nghiệp mong manh và kém hiệu quả của họ có thể hỗ trợ. Nhiều người hơn có nghĩa là phải trồng trọt nhiều hơn, nhưng trồng trọt nhiều hơn đồng nghĩa với phá rừng, xói mòn, hạn hán và thoái hóa đất. Kết quả là cuộc nội chiến giành nguồn tài nguyên đang nổ ra và cuối cùng, tất cả sụp đổ. Suy luận của Diamond dẫn đến kết luận rằng thế giới chúng ta ngày nay cũng sẽ đi vào vết xe đổ của người Maya.
 
Điểm đáng ngại là cuộc tự sát môi trường là một quá trình chậm rãi và kéo dài. Không may cho chúng ta, các nhà lãnh đạo chính trị ở hầu hết các xã hội – dù sơ đẳng hay phức tạp – cũng đều không mấy quan tâm đến các vấn đề phải mất đến hàng trăm năm mới hoàn toàn lộ diện. Như Hội nghị về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc ở Copenhagen tháng 12 năm 2009 đã tuyên bố: khẩu hiệu hùng hồn “Hãy cứu lấy Trái Đất” cho các thế hệ tương lai đã không được đặt lên trên những tranh cãi về phân phối kinh tế giữa các nước giàu và nước nghèo đang hiện diện. Chúng ta yêu thương các con cháu của mình. Nhưng cháu chắt của chúng ta khó mà hiểu được điều đó...
 
Tôi đã bắt đầu cuốn sách này với câu hỏi của Rasselas: “Bằng cách nào…mà người châu Âu mạnh như vậy? Hoặc vì sao, trong khi họ quá dễ dàng đến châu Á, châu Phi để buôn bán và chiếm đất đai, nhưng người Á, người Phi lại không thể xâm phạm miền duyên hải của họ, thiết lập thuộc địa ở cảng khẩu của họ, và ban bố luật lệ cho những ông hoàng của họ?” Câu trả lời của Imlac là kiến thức là sức mạnh, nhưng ông cũng không biết vì sao kiến thức của châu Âu lại vượt hơn bất cứ ai khác. Giờ đây chúng ta có thể mang đến cho Rasselas một câu trả lời tốt hơn. Vì sao phương Tây thống trị Phần còn lại của thế giới chứ không phải ngược lại? Tôi cho rằng đó là vì phương Tây đã phát triển sáu ứng dụng có tính sát thủ mà Phần còn lại không có:
 
1. Cạnh tranh: trong đó bản thân châu Âu bị chia năm xẻ bảy về chính trị và trong mỗi vương quốc hay nước cộng hòa lại có rất nhiều thực thể cạnh tranh với nhau.
2. Cuộc Cách mạng Khoa học: trong đó tất cả những phát minh của thế kỷ XVII về toán học, thiên văn học, vật lý học, hóa học và sinh học đều diễn ra ở Tây Âu.
3. Pháp trị và chính phủ đại diện: trong đó hệ thống tối ưu của trật tự xã hội và chính trị được nảy nở trong thế giới nói tiếng Anh, dựa trên quyền sở hữu tư nhân và quyền đại diện của người sở hữu tài sản trong cơ quan lập pháp được bầu ra.
4. Y học hiện đại: trong đó gần như tất cả những đột phá của thế kỷ XIX về chăm sóc y tế, kể cả khống chế dịch bệnh nhiệt đới, đều được thực hiện bởi người Tây Âu và Bắc Mỹ.
5. Xã hội tiêu dùng: trong đó cuộc Cách mạng Công Nghiệp diễn ra tại nơi có cả nguồn cung cấp công nghệ thúc đẩy sản xuất và cả nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nhiều hơn, tốt hơn, rẻ hơn, bắt đầu từ ngành dệt may.
6. Đạo đức lao động: trong đó người phương Tây là những người đầu tiên trên thế giới kết hợp được lao động hiệu quả và cường độ cao hơn với tỉ lệ tiết kiệm cao hơn, cho phép tích lũy tư bản bền vững.
 
Sáu ứng dụng sát thủ ấy là chìa khóa để phương Tây trỗi dậy. Câu chuyện của thời đại chúng ta – có thể tính từ thời hoàng đế Minh Trị ở Nhật Bản (1867-1912) – là câu chuyện về Phần còn lại của thế giới cuối cùng cũng đã bắt đầu áp dụng chúng. Người Nhật không biết yếu tố nào của văn hóa và thể chế Tây phương là quan trọng nhất nên họ sao chép mọi thứ, từ quần áo mặc và kiểu tóc phương Tây cho đến thực hành thực dân hóa ở các nước khác. Tiếc thay, họ bắt đầu xây dựng đế quốc vào đúng thời điểm khi cái giá của chủ nghĩa đế quốc bắt đầu vượt quá lợi ích do nó mang lại.
 
Những cường quốc châu Á khác – ví dụ như Ấn Độ – bỏ phí mất mấy chục năm đeo đuổi luận đề sai lầm rằng các thể chế xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đi đầu ưu việt hơn so với các thể chế dựa trên thị trường của Hoa Kỳ. Tuy nhiên bắt đầu từ những năm 1950, một vành đai lớn các nước Đông Á tiếp bước Nhật Bản học tập mô hình công nghiệp phương Tây, khởi đầu từ các ngành dệt may và sắt thép, từ đó tạo ra chuỗi giá trị. Giờ đây, chúng ta có rất nhiều lựa chọn trong việc học hỏi các ứng dụng của phương Tây. Sự cạnh tranh bên trong và chính phủ đại diện là những đặc trưng ít quan trọng của sự phát triển châu Á.
 
Khoa học, y học, xã hội tiêu dùng và đạo đức lao động (ít chất Tin Lành hơn so với Max Weber đã tưởng) mới là quan trọng hơn hết. Ngày nay, Singapore được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng thứ 3 trên bảng các quốc gia có sức cạnh tranh nhất (nghĩa là khả năng cạnh tranh với quốc gia khác). Hong Kong đứng thứ 11, sau đó là Đài Loan (thứ 13), Hàn Quốc (thứ 22) và Trung Quốc (thứ 27). Thứ tự này cũng đại thể giống với thứ tự các nước này thực hiện quá trình “Tây hóa” nền kinh tế của họ.
 
Ngày nay GDP trên đầu người của Trung Quốc bằng 19% của Hoa Kỳ, so với mức 4% khi họ khởi đầu công cuộc cải cách kinh tế cách đây 30 năm. Hong Kong, Nhật Bản và Singapore đã bắt đầu sớm từ năm 1950, Đài Loan năm 1970 và Hàn Quốc năm 1975. Theo tổ chức Conference Board – tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ – hiện nay GDP trên đầu người của Singapore cao hơn của Hoa Kỳ 21%, Hong Kong cũng xấp xỉ mức đó, Nhật Bản và Đài Loan thấp hơn 25% còn Hàn Quốc thấp hơn 36%.
 
Phải là người dũng cảm lắm mới dám đánh cược rằng Trung Quốc sẽ không đi theo quỹ đạo ấy trong những thập kỷ sắp tới. Cuộc cách mạng hiện nay của Trung Quốc là cuộc cách mạng công nghiệp lớn nhất và nhanh nhất. Chỉ trong vòng 26 năm, GDP của Trung Quốc đã tăng gấp mười lần. Liên hiệp Anh đã từng mất tới 70 năm kể từ năm 1830 để đạt mức tăng trưởng gấp 4 lần. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỉ lệ của Trung Quốc trong GDP toàn cầu (tính theo giá hiện tại) sẽ vượt mức 10% vào năm 2013. Trước khủng hoảng tài chính, các nhà kinh tế ở Goldman Sachs đã tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ về GDP vào năm 2027. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến tăng trưởng của Hoa Kỳ giảm nhiều hơn so với Trung Quốc...
 
Có thể phải làm gì đó để bảo vệ phương Tây khỏi một thảm họa như vậy? Trước tiên, chúng ta đừng quá mơ mộng. Thật ra, những gì đã từng giúp cho phương Tây vượt trên Phần còn lại của thế giới không còn là độc quyền của chúng ta nữa. Người Trung Quốc đã có chủ nghĩa tư bản. Người Iran đã có khoa học. Người Nga đã giành được nền dân chủ. Người Phi đang (chậm rãi) có được y học hiện đại. Và người Thổ đã có xã hội tiêu dùng. Tất cả những điều này có nghĩa là cách thức hoạt động của phương Tây vẫn không suy yếu mà trái lại đang hưng thịnh hầu như ở khắp mọi nơi, với rất ít ngoại lệ. Ngày càng nhiều người ở phần còn lại cũng ăn mặc, nghỉ ngơi, tắm rửa, vui chơi, làm việc… giống người phương Tây. Hơn nữa, như chúng ta đã thấy, văn minh phương Tây không phải là duy nhất một thứ; nó là cả một mớ nhiều thứ.
 
Nó là đa nguyên chính trị (nhiều bang và nhiều giới chức) chẳng khác gì tư bản chủ nghĩa; nó là tự do tư tưởng cũng như phương pháp luận khoa học; nó là pháp trị và quyền tư hữu cũng như quyền dân chủ. Thậm chí ngày nay, phương Tây vẫn có các ưu việt về thể chế hơn Phần còn lại. Người Trung Quốc không có cạnh tranh chính trị. Người Iran không có tự do tín ngưỡng theo lương tâm. Người Nga được đi bầu cử, nhưng cai trị bằng pháp luật thì còn giả dối. Không quốc gia nào có tự do báo chí. Những khác biệt ấy lý giải vì sao các nước còn lại – ví dụ như ba quốc gia nói trên – đều đứng sau các nước phương Tây về các tiêu chí chất lượng để đánh giá sự “mở rộng đổi mới đất nước” và “năng lực đổi mới quốc gia”.
 
Tất nhiên, văn minh phương Tây không hoàn hảo. Mỗi nước đế quốc phương Tây đều đóng góp phần nào vào những tội ác lịch sử, từ sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc đến những điều sáo rỗng vô vị của xã hội tiêu dùng. Chủ nghĩa duy vật sâu sắc của nó đã gây ra đủ những hậu quả đáng ngờ, không chỉ là những bất mãn bản năng mà Freud khuyên chúng ta phải chấp nhận. Và chắc chắn nó đã đánh mất chủ nghĩa khổ hạnh cần kiệm mà Weber coi là tấm gương sáng trong đạo đức Tin Lành.
 
Nhưng cái “mớ đồ Tây” này vẫn có vẻ đang ban cho các xã hội loài người những thể chế chính trị, xã hội và kinh tế tuyệt vời nhất – những thứ tốt nhất có thể thúc đẩy khả năng sáng tạo cá nhân để giải quyết những vấn nạn mà thế kỷ XXI đang phải đối mặt. Hơn nửa thiên niên kỷ qua, không có nền văn minh nào có thể làm tốt hơn việc tìm ra và đào tạo những thiên tài ẩn mình trong cái đuôi dài phía tay phải đường phân bố tài năng. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có còn nhận ra sự ưu việt trong cái “mớ đồ Tây” kia?
 
Những gì khiến cho một nền văn minh trở nên thực tế đối với cư dân của nó, suy cho đến cùng, không chỉ là các lâu đài nguy nga đứng ở trung tâm, cũng chẳng phải sự hoạt động trơn tru của các thể chế họ xây dựng nên. Yếu tố cốt lõi của một nền văn minh là các bài học được giảng dạy trong nhà trường, được các sinh viên hiểu rõ và nhớ đến mỗi khi gặp khó khăn. Nền văn minh của Trung Quốc đã từng được xây dựng lên thông qua việc giảng dạy Khổng Giáo. Văn minh Hồi giáo – sùng bái sự vâng phục – được phát triển dựa trên Kinh Coran.
 
Nhưng đâu là những bài học của văn minh phương Tây, có thể chống đỡ cho niềm tin của chúng ta vào sức mạnh hầu như vô tận của con người cá nhân tự do? Và liệu chúng ta có thể truyền thụ những bài học ấy tốt đến mức nào khi mà các nhà lý luận giáo dục của chúng ta căm ghét những kiến thức máy móc và việc học thuộc lòng? Rất có thể mối nguy hiểm thực sự không phải là sự trỗi dậy của Trung Quốc, Hồi giáo hay khí thải CO2, mà là sự mất niềm tin vào nền văn minh mà chúng ta kế thừa từ các tiền bối của mình.
 
Nền văn minh của chúng ta không chỉ (như P.G.Wodehouse nói đùa) là cái đối lại với trò hề sân khấu (xem lời tựa đầu chương này). Churchill đã nắm bắt được một điểm căn bản khi ông định nghĩa “Nguyên lý trung tâm của nền văn minh (phương Tây)” chính là “sự phục tùng của giới cai trị đối với các tập tục đã ổn định của nhân dân và ý chí của họ, như đã được thể hiện trong Hiến pháp”:
 
Vì sao [Churchill nêu câu hỏi] các quốc gia, dân tộc không liên kết với nhau thành một hệ thống lớn hơn và thiết lập một nền pháp trị có lợi cho tất cả? Điều đó chắc chắn là niềm hy vọng tối thượng mà nhờ nó chúng ta được truyền cảm hứng… Nhưng sẽ là quá tự phụ mới tưởng tượng rằng … tuyên cáo các nguyên tắc đúng đắn… có giá trị nào đó trừ khi chúng được nâng đỡ bằng các ý thức về đạo đức công dân và lòng can đảm – luôn luôn, và bằng những công cụ và tổ chức của quyền lực và khoa học, mà phương án cuối cùng phải nhằm bảo vệ lẽ phải và lý trí. Văn minh sẽ chẳng kéo dài, tự do sẽ không tồn tại, hòa bình sẽ không giữ được, trừ khi đại đa số nhân loại hợp nhất để cùng nhau bảo vệ chúng, và chứng tỏ bản thân họ sở hữu một sức mạnh răn đe khiến mọi thế lực man rợ và dã thú đều phải chùn tay khiếp sợ.
 
Vào năm 1938, các thế lực man rợ và dã thú đã hoành hành, trên hết là tại nước Đức. Nhưng như chúng ta đã thấy, đó cũng chính là một sản phẩm của nền văn minh phương Tây chẳng khác gì các giá trị Tự do và Chính phủ thượng tôn pháp luật mà Churchill tôn vinh. Ngày nay, cũng như sau này, mối đe dọa lớn nhất đối với văn minh phương Tây không phải do các nền văn minh khác mang lại mà chính bởi sự nhu nhược yếu hèn của chúng ta và sự dốt nát về lịch sử đã nuôi dưỡng nó.
 
Đọc thêm Review tại Trạm: 6 bí mật để thống trị thế giới: Cuộc lật đổ mà Trung Quốc dành cho Phương Tây