Các hiệu sách độc lập ở Mỹ tồn tại qua đại dịch Covid-19
Các hiệu sách độc lập ở Mỹ tồn tại qua đại dịch Covid-19
Đến nay, các nhà sách độc lập ở Mỹ có thể tránh được thảm họa mà nhiều người lo sợ sẽ xảy ra trong năm đầu tiên của đại dịch

Aaron Beckwith là một trong những chủ sở hữu của Capitol Hill Books, một cửa hàng sách cũ nằm ở Washington, D.C, Mỹ.

Trong thời gian đại dịch, Capitol Hill Books đã bắt đầu một chương trình gọi là “Túi sách mang đi”. Tiệm sách sẽ đóng vào túi các cuốn dựa trên những thể loại sách mà người mua cần.

Khi chương trình bắt đầu, Beckwith nói: “Chúng tôi nhận được email của rất nhiều người và ngập tràn đơn hàng khi chúng tôi đăng tải dòng trạng thái rằng chúng tôi đang bắt đầu triển khai việc này…. Chúng tôi đã nhận được một nghìn đơn đặt hàng chỉ trong vài ngày”.

Hiệp hội những người bán sách Mỹ (ABA) là một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ những người bán sách độc lập. Vào tháng 5, tổ chức này chia sẻ với hãng thông tấn AP rằng số thành viên của tổ chức đã tăng từ 1.635 lên 1.701. Các tiệm sách tham gia bao gồm cả các hiệu sách vừa mới mở và cả các cửa hàng sách đang hoạt động.

Chủ tịch hiệp hội, Allison K. Hill và những người khác lo ngại rằng hàng trăm cửa hàng có thể ngừng hoạt động trong thời gian đại dịch. Tuy nhiên, đến nay, nhóm điều tra chỉ thống kê được 14 cửa hàng đóng cửa vào năm 2021, cùng hơn 70 cửa hàng đóng cửa vào năm ngoái.

Hill chia sẻ: "Công bằng mà nói, tình hình có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều". Bà Hill mô tả nhóm các hiệu sách độc lập dù bầm dập vẫn đứng vững giữa Covid-19.

Bà cho biết một số lý do khiến các cửa hàng sách này có thể tồn tại và giới hạn thời gian hoạt động do đại dịch gây ra, bao gồm các khoản vay PPP. Một khoản vay PPP là sự hỗ trợ của chính phủ liên bang dành cho các doanh nghiệp nhỏ để giúp trả lương cho nhân viên của họ.

Sự tăng mạnh của việc mua sắm vào các dịp lễ cuối năm, doanh số bán sách trực tuyến tăng... cũng giúp cải thiện hoạt động của hiệu sách độc lập trong đại dịch.

Cuối cùng, việc nổi lên của trang web bookshop.org đã giúp ích cho sự trụ vững của các cửa hàng này. Trang web hợp tác với các cửa hàng sách độc lập để giúp họ tiếp cận nhiều với độc giả hơn. Nó đã trực tiếp mang lại hơn 14 triệu đôla doanh số.

Nhưng Allison K. Hill cũng cho biết việc kinh doanh của các cửa hàng sách độc lập vẫn khó khăn. Nhiều chủ cửa hàng không trông mong ở các sự kiện trực tiếp, ít nhất là trong suốt mùa hè này. Họ cũng đang phải đối mặt với sự phát triển mạnh mẽ của Amazon, trang web bán hàng trực tuyến lớn.

Trên bình diện chung, doanh số bán sách trong đại dịch vẫn tốt. Nhưng phần lớn doanh số đó đến từ Amazon hoặc các cửa hàng giá rẻ với vô số địa điểm bán sách.

Các hiệu sách độc lập đang cố gắng làm mới chính mình và Hiệp hội những người bán sách Mỹ cũng vậy.

Hiệu sách Capitol Hill Books. Ảnh: Tom Williams/CQ Roll Call.

Hiệp hội những người bán sách Mỹ có hơn 1.800 thành viên với hơn 2.500 cửa hàng ở các nơi vào năm 2019. Đây là mức tăng mạnh so với 1.400 cửa hàng từ 10 năm trước đây. Việc cạnh tranh với các cửa hàng lớn, giá rẻ, bán nhiều mặt hàng, bao gồm sách, đã gây khó khăn cho các nhà bán sách độc lập.

Trong những năm gần đây, hiệp hội này đã xem xét lại những tiêu chí để kết nạp thành viên cũng như hoạt động của chính tổ chức.

Hiệp hội những người bán sách Mỹ đã thay đổi một số quy tắc. Giờ đây, chỉ những cửa hàng có từ 50% sản phẩm trở lên là sách mới có thể trở thành thành viên. Các cửa hàng chỉ bán trực tuyến cũng có thể tham gia.

Hiệp hội này đã tạo ra một nhóm để xem xét lại sự đa dạng của mình, tiếp nhận các cửa hàng ít người biết đến. Họ cũng đang xem xét số lượng tối thiểu ở các vị trí lãnh đạo trong tổ chức.

Theo Zing News

Tags: