Các hiệu sách ở thành phố của Mỹ tăng trưởng chậm
Các hiệu sách ở thành phố của Mỹ tăng trưởng chậm
Sự di cư khỏi các thành phố lớn ảnh hưởng tới doanh số bán sách ở đây. Trước nay, đối tượng khách hàng tiềm năng nhất của các nhà sách là dân cư thành thị.

James Daunt - Giám đốc điều hành chuỗi nhà sách Barnes & Noble (Mỹ) - thường nói rằng các hiệu sách ở khu vực thành thị đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất để phục hồi.

 Theo Publishers Weekly, tình trạng này xảy ra từ khi các hiệu sách thực địa có dấu hiệu phục hồi sau khi doanh số sụt giảm ở thời gian đầu của đại dịch.

Nhà sách Barnes & Noble không đơn độc trong vấn đề này. Kristen McLean - Giám đốc điều hành phát triển kinh doanh và chuyên viên phân tích của NPD Books & Entertainment (Mỹ) - nhấn mạnh rằng doanh số ở hầu hết phân khúc bán lẻ tại các thành phố lớn đang gặp khó khăn trong việc bù đắp lỗ hổng doanh thu đã mất kể từ năm 2019.

Theo dữ liệu BookScan, 8 trong số 10 thị trường sách lớn nhất của đất nước có hiệu suất bán sách (tính đến ngày 14/5) tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi nhiều thị trường sách hạng trung đã tăng đáng kể.

BookScan cũng chỉ ra doanh số bán sách ở khu vực thành phố New York (thị trường sách lớn nhất của Mỹ) chỉ tăng khoảng 1% so với năm 2019. Mặt khác, ở khu vực Portland và Maine, doanh số tăng 37% so với năm 2019, cao hơn 22% so với mức trung bình của thị trường.

Cư dân thành thị là đối tượng bạn đọc chính của nền công nghiệp xuất bản Mỹ. Ảnh minh họa: Wallpaperflare.

Doanh số “yếu kém” của thị trường sách ở New York cho thấy thị phần bán sách của họ đã giảm từ 7% trong giai đoạn 2019 xuống khoảng 6% vào năm 2022. Nhìn chung, 10 thị trường sách lớn nhất của Mỹ chiếm khoảng 31% tổng doanh thu (tính đến đầu tháng 5).

Trước thực trạng này, Kristen McLean cho rằng mỗi lĩnh vực đều có nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự phục hồi chậm. Trong đó, đại diện NPD Books & Entertainment nghĩ rằng nguyên nhân nằm ở các thị trường lớn (ở các thành phố lớn) chịu ảnh hưởng bởi sự di cư của người dân khỏi các thành phố lớn.

Chẳng hạn, ở khu vực Boston - nơi doanh số bán sách chỉ tăng 5% - tốc độ tăng trưởng chậm chạp này do nhiều trường đại học của thành phố chuyển sang hình thức học từ xa, việc đóng cửa các văn phòng, cho phép nhân viên chuyển đến làm việc ở các khu vực ít tốn kém hơn như Portland gần đó.

Hai thị trường sách lớn có doanh số cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay (Dallas và Atlanta) đã trở thành điểm đến phổ biến cho những người di cư khỏi các khu vực đô thị cũ.

Báo cáo cho thấy những người mua sách thường đến từ các hộ gia đình trung lưu và thượng lưu. Nhưng Kristen McLean nhấn mạnh rằng đây cũng là những người lao động có nhiều khả năng, cơ hội và phương tiện để di cư.

Trước đó, Bloomberg đưa tin trong thời gian qua, không riêng tầng lớp giàu có tại Mỹ, người dân bình thường cũng chọn rời khỏi các thành phố lớn bởi chi phí đắt đỏ, nơi ở chật chội và không còn nhiều cơ hội việc làm.

Theo Zing News

Tags: