Cần một CHƯƠNG TRÌNH SÁCH nền tảng mang tầm QUỐC GIA
Cần một CHƯƠNG TRÌNH SÁCH nền tảng mang tầm QUỐC GIA
Ông Vũ Trọng Đại cho rằng sách kiến thức nền tảng là hạt nhân của tri thức nên cần có một chương trình thiết yếu mang tầm quốc gia.
Một số nhà xuất bản, công ty sách đã xây dựng những tủ sách chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó. Omega+ là đơn vị đã xây dựng những tủ sách như “Tủ sách kinh điển”, “Tủ sách nghệ thuật”, “Tủ sách lịch sử”… được đông đảo bạn đọc đón nhận. Tuy nhiên, các tủ sách, chương trình sách như vậy vẫn còn nằm tản mát, chưa mang tính tổng thể.

Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Omega+, nói về việc cần thiết có chương trình sách mang tầm quốc gia, cung cấp kiến thức thiết yếu về chính trị - xã hội, khoa học và văn hóa.

Sách khoa học nền tảng là hạt nhân, cốt lõi của tri thức quốc gia

- Ông nhận xét như thế nào về sách cung cấp kiến thức nền tảng hiện nay?

- Đầu năm 2016, khi chuẩn bị thành lập Công ty Sách Omega Việt Nam (Omega+), chúng tôi tiến hành một cuộc khảo sát: Tổng hợp danh mục sách khoa học xã hội xuất bản trong vòng 5 năm trước đó của một số nhà xuất bản và các công ty phát hành chủ chốt ở Việt Nam (không bao gồm sách giáo khoa, giáo trình) để có cái nhìn khái quát về bức tranh chung của thị trường. Chúng tôi nhận thấy một số điểm sau:

Thứ nhất, quy mô nhỏ bé của mảng sách này ở nước ta. Trên thế giới, mảng sách này chiếm tỷ trọng nhỏ, thị trường ngách, ước lượng của tôi, nó chiếm khoảng 5% ở các thị trường phát triển như Âu Mỹ và Đông Bắc Á. Thế nhưng, con số này ở Việt Nam khoảng 1%.

Ảnh: Ông Vũ Trọng Đại - Giám đốc Omega+ - Ảnh: Việt Hùng

Thứ hai, tình trạng xuất bản thiếu hệ thống khá phổ biến. Các đơn vị xuất bản cả nhà nước và tư nhân đã ấn hành sách vở thuộc nhiều thể loại: Kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, giáo dục, tôn giáo-tín ngưỡng… Sách đã xuất bản có cả kinh điển lẫn thành tựu mới, nhưng hoặc chỉ chú trọng vào sách kinh điển, hoặc chỉ tác phẩm hiện đại, hoặc thiên về phương Đông hoặc thiên phương Tây, hoặc chỉ cổ vũ Quốc học (Việt Nam); đặc biệt là thiếu trầm trọng sách về khoa học tự nhiên.

Thứ ba, chất lượng sách không đồng đều. Chỉ có rất ít đơn vị xuất bản uy tín và một số tác giả, nhà nghiên cứu hàng đầu tạo ra các tác phẩm, công trình nghiên cứu, biên soạn và dịch thuật đảm bảo chất lượng, còn phần nhiều sách vở là lạc hậu, không có tiêu chí cho việc chọn lựa, đánh giá, thẩm định nội dung, biên tập…

Tôi cho rằng ba vấn đề trên phần nào phản ánh tình hình của ngành xuất bản Việt Nam trong giai đoạn 30 năm sau Đổi Mới: Mở cửa, thích nghi và hội nhập từng bước với thế giới, có cả cái cũ và cái mới đan xen, các tiêu chuẩn chưa được xác lập rõ ràng, còn thụ động trong việc tiếp nhận những làn sóng tri thức mới, chưa chủ động định hình và xác lập lộ trình cho mình.

- Kiến thức ngày nay không chỉ nằm trong sách mà tồn tại dưới nhiều dạng thông tin. Vậy theo ông, việc xây dựng những tủ sách cung cấp kiến thức nền tảng có cần thiết?

- Chắc chắn là cần thiết. Dù chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong bất kì nền xuất bản nào nhưng sách khoa học nền tảng luôn là hạt nhân, cốt lõi của tri thức quốc gia.

Việc hệ thống lại tri thức của từng ngành khoa học dưới hình thức các tủ sách cùng chủ đề là cách để một cá nhân hay một dân tộc có thể tư duy, học tập và vận dụng tri thức của nhân loại một cách có phương pháp, nắm được cả gốc rễ lẫn thành quả đương đại, từ đó sáng tạo và xây dựng nên tri thức của chính mình và dân tộc mình mà không bị lệ thuộc.

Sách giấy truyền thống chỉ là một trong nhiều hình thức chứa đựng nội dung, tri thức trong lịch sử. Và tôi cho rằng mỗi thời đại đều phát triển một công nghệ để truyền tải tri thức; hay nói cách khác, tri thức được truyền tải dựa trên công nghệ của thời đại đó.

Trong kỷ nguyên số, tri thức khoa học nền tảng được số hóa dưới nhiều định dạng, được cung cấp trên nhiều nền tảng công nghệ là tất yếu. Và cũng cần tránh lối suy nghĩ mặc định rằng những kiến thức khoa học nền tảng, hàn lâm, kinh điển chỉ phù hợp với sách giấy mà thôi. Ví dụ, đối với các nhà nghiên cứu, sách số chắc chắn tiện dụng hơn rất nhiều so với sách giấy trong việc tra cứu.

Ảnh: Việt Hùng

Sách vở khoa học nền tảng là một trong các bệ phóng của tăng trưởng

- Hiện nay, Cục Xuất bản, In và Phát hanh, Bộ Thông tin và Truyền thông, đang xây dựng đề án Chương trình Sách quốc gia. Ông nghĩ sao về chương trình này nếu được triển khai?

- Nếu đề án Chương trình Sách quốc gia được thông qua, tôi cho rằng đây sẽ là một thành tựu chính sách quan trọng.

Thứ nhất, lịch sử thế giới cho thấy nhiều quốc gia trước khi tăng tốc để trở thành nước phát triển đều chú trọng xây dựng và cổ vũ cho sách vở khoa học nền tảng như là một trong các bệ phóng của tăng trưởng. Ví dụ nước Nhật thời Minh Trị trong mấy thập niên cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 chứng kiến sự nở rộ của xuất bản và toàn dân đọc sách, dân trí và tri thức xã hội tăng lên nhanh chóng đồng thời với quá trình nước này trở thành cường quốc.

Thứ hai, sự tham gia của Nhà nước thông qua đề án này sẽ mang lại một số tác động quan trọng: Đẩy nhanh và mạnh qui mô của mảng sách cốt lõi này, đầu tư vào những đề tài xương sống mà một đơn vị xuất bản đơn lẻ khó thực hiện nổi, tiêu chuẩn hóa bộ qui tắc xuất bản sách khoa học mà hiện nay ở nước ta còn hỗn tạp trong khi trên thế giới từ hàng thế kỉ trước đã là hiển nhiên như Index.

Ngoài ra, tôi cũng tin rằng đề án này còn đóng vai trò cổ vũ tinh thần to lớn cho nhiều đơn vị xuất bản hơn nữa tham gia vào lĩnh vực vốn luôn bị coi là khó nhằn này.

- Với kinh nghiệm xây dựng những tủ sách của Omega+, theo ông, cần những yếu tố nào để thực hiện một tủ sách thành công?

- Thứ nhất, đó là tầm nhìn. Chúng tôi cho rằng tri thức phải được hệ thống hóa, không thiên lệch, có phương Tây và phương Đông, có cổ điển và hiện đại, cầu thị thế giới nhưng không bỏ qua Việt Nam, đồng thời nhạy bén và đón đầu những xu hướng mới. Trên bộ khung đó, chúng tôi lần lượt cho ra đời các tủ sách vào đúng lúc mà xã hội cần.

Thứ hai, đội ngũ có trách nhiệm. Đội ngũ của chúng tôi gồm các chuyên gia đầu ngành của từng lĩnh vực, các cộng tác viên dịch thuật, hiệu đính, biên tập và nhân sự cơ hữu có năng lực phù hợp; tất cả họ đều có trách nhiệm cao trong công việc.

Thứ ba, quảng bá đến đại chúng. Chúng tôi tin rằng tri thức nền tảng phải được phổ cập rộng rãi. Chúng không nên là những vưu vật chỉ để cất giữ trong kho tàng, thư viện… Khi quảng bá sách khoa học đến với đại chúng, chúng tôi đã thực sự bất ngờ vì sức tiếp thụ lớn của độc giả và khao khát của họ với tri thức đủ mọi lĩnh vực; có lẽ trước đó do họ không biết đến chúng mà thôi.

Theo Zing News

Tags: