Cho tôi biến mất một ngày: Món quà dành cho những người lạc lối và khao khát được tìm thấy
Cho tôi biến mất một ngày: Món quà dành cho những người lạc lối và khao khát được tìm thấy
Trong số những tác giả trẻ hiện nay, Việt là một trong số ít những người tìm cách khai thác thế giới nội tâm của những người trong độ tuổi hai mươi. Không đi vào những câu chuyện lớn lao hay những chuyện tình cảm nặng nề, Cho tôi biến mất một ngày là một cuốn sách của đời thường, mang trong mình những suy nghĩ và xúc cảm của những người trẻ đang hoang mang kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống và bản thân mình.

Cho tôi biến mất một ngày là cuốn sách bao gồm hơn 40 truyện ngắn, tản văn, với chủ đề xoay quanh cuộc sống đời thường của những người trẻ tuổi từ 18 - 26. Dưới góc nhìn của một người trẻ lớn lên tại đô thị, tác giả Việt (hay còn được biết đến với tên facebook Phan Việt) đã thuật lại những cảm giác “kì lạ, mà không biết nói với ai” của những người trẻ cùng tuổi. Đó là những cảm giác lạc lõng, mất định hướng, có quá nhiều lựa chọn mà không biết nên chọn gì, muốn được yêu thương và kết nối thực sự trong thời đại có quá nhiều điều không thật,… Tất cả được tái hiện trong những khoảnh khắc một mình của nhân vật, khi nhân vật chọn cách biến mất, bằng cách này hoặc cách khác.

Những truyện ngắn trong Cho tôi biến mất một ngày chủ yếu xoay quanh những người trẻ thành thị. Khi triển khai mạch truyện, Việt tập trung vào biến chuyển nội tâm của nhân vật thay vì kiếm tìm những kịch tính bên ngoài. Thông qua cách chọn địa điểm kể, Việt đã chọn những không gian quen thuộc gắn liền với những người trẻ bình thường: đó là quán cà phê trong truyện ngắn Mèo, sân thượng một tòa nhà trong Nhìn thấy mặt trời, bờ hồ trong Hai đứa trẻ chạy ào ào, con phố đêm trong Nếu ngày mai không đến,… Các nhân vật được Việt xây dựng gần gũi như thể người đọc có thể đi ra ngoài đường và tìm thấy bất cứ ai trong đó. Trong mỗi truyện ngắn, các nhân vật của Việt đều có cảm giác lạc lõng, đang cố thoát ly hiện thực hỗn loạn để đi tìm mình. 

The Hermit - Lá bài của sự biến mất và kiếm tìm trong bộ bài Tarot

Trong một xã hội mà đa phần mọi người tìm kiếm sự công nhận, thì những nhân vật trong truyện của Việt kiếm tìm sự biến mất để hiểu mình. Trong truyện ngắn Len, Việt đã tạo ra một không gian khi hai nhân vật chính ngồi trong quán cà phê vắng, nhìn ra ngoài đường tắc với những người, đèn, còi xe và cơn mưa phùn ngột ngạt. Những nhân vật chỉ là những người trẻ bình thường với đủ những bất an và thiếu sót.

Trong truyện Len, nhân vật tôi khi ngồi trong quán, đã thành thực nói rằng: “Tôi không thuộc về nơi đó. Tôi đang ngồi trong quán cafe này, rộng, thoáng, dễ thở và không phải chen nhau với ai cả. Tôi cũng chẳng thuộc về nơi nào. Sắp tới ra sao, tôi cũng chẳng hình dung ra được.” Những nhân vật luôn bị giằng xé giữa hai lựa chọn: một là sống thích nghi với xã hội, trở thành con người xã hội và có một cuộc sống an toàn, và, theo cách hiểu nào đó, đánh mất bản thân mình, hai là tự chọn con đường riêng và thực sự sống, đánh đổi bằng sự mạo hiểm, dám chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Bên cạnh những truyện ngắn, tản văn trong Cho tôi biến mất một ngày cũng rơi vào những tình huống mà những người bình thường phải đối diện với chính bản thân. Việt đã đào sâu vào cảm giác “không muốn ngủ sớm”, để hóa ra đó là vì “chúng ta còn nợ bản thân mình nhiều thứ” với những vấn đề chưa được giải quyết, hay sự một mình mỗi khi làm về muộn, hoặc khi ta đột ngột tỉnh giấc lúc bốn giờ sáng. Tất cả là những khoảnh khắc buồn, một mình hoặc cô đơn, nhưng cũng là lúc ta ở gần với bản thân mình nhất. Những tản văn của Việt tuy xoay quanh những chủ đề khác nhau, nhưng đều hướng về một thông điệp: ta chỉ có thể tìm thấy bình yên, khi ta can đảm sống là chính bản thân mình.

Cho tôi biến mất một ngày gợi nhớ đến những tác phẩm khác cũng mang chủ đề biến mất, điển hình như Vào Trong Hoang Dã của Jon Krakauer. Nhưng khác với nhân vật Christopher McCandless, một chàng trai trẻ từ bỏ tất cả dể dấn thân vào hành trình đơn độc xuyên qua các vùng hoang dã của Bắc Mỹ, những nhân vật trong Cho tôi biến mất một ngày có phần rụt rè hơn trong việc đưa ra những quyết định.

Cách Việt xây dựng nhân vật trong truyện có phần chịu ảnh hưởng bởi tiểu thuyết của Haruki Murakami khi nhân vật nam đều là những người trầm tính và thụ động, trong khi những nhân vật nữ là những người hoặc bí ẩn, hoặc năng động và hài hước. Các nhân vật có phần bổ khuyết cho nhau, dù có sự tương phản trong tính cách, nhưng cảm giác lạc lõng trong xã hội và mong muốn kiếm tìm sự bình yên đã kéo họ đến gần nhau, và từ đó giúp nhau có sự can đảm để sống cuộc đời mà họ muốn sống.

Các hình ảnh biểu tượng được sử dụng nhiều trong sách (Hình ảnh trong phim V for Vendetta)

Một điểm đặc biệt trong Cho tôi biến mất một ngày là hệ thống các biểu tượng được đưa vào rải rác trong những câu chuyện. Nếu để ý mỗi tác phẩm, những chi tiết nhỏ dường như mang theo những dụng ý. Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ chạy ào ào thuộc tác phẩm, nhân vật nam chính là một người trầm tính, quy củ, hay nghĩ ngợi, đã chọn cho mình chiếc ghế nhựa màu xanh, khi màu xanh thường được sử dụng mang sắc thái buồn (cụm “I’m blue” trong tiếng Anh). Còn nhân vật nữ chính, một người sôi nổi và thích tự do, đã chọn chiếc ghế màu đỏ.

Kết truyện là hình ảnh nhân vật nam chủ động đứng giữa cơn mưa, hình ảnh này giống với một cảnh trong phim V for Vendetta, và cả hai đều mang ý nghĩa tự do và tái sinh. Ngoài truyện ngắn trên, các biểu tượng còn được đưa vào trong những phân cảnh khác, như bình minh, những lá bài Tarot, sự biến mất, hai mặt trăng trên bầu trời (có nét giống 1Q84),… đang chờ người đọc tìm thấy. 

Dù vậy, Cho tôi biến mất một ngày vẫn còn những điểm mà Việt chưa xử lý hết. Đối với truyện ngắn, một số người đọc sẽ không thoải mái vì việc suy nghĩ quá nhiều của nhân vật, hay một số tản văn vẫn còn mang âm hưởng của văn nói và một vài cách triển khai ý còn rối và khó hiểu. Những lỗi trên kể trên vẫn còn rải rác trong tác phẩm, những phần còn lại thì khá mạch lạc và dễ tiếp cận. Nhìn chung, Cho tôi biến mất một ngày vẫn là một cuốn truyện ngắn kiêm tản văn khá lạ, tuy không hời hợt nhưng lại dễ đọc so với thị trường sách hiện tại.

Cho tôi biến mất một ngày - Đi tìm mình trong cơn bão tuổi hai mươi

Cho tôi biến mất một ngày tìm được sự cân bằng giữa sự tâm trạng, âu lo, sự bối rối bất an và nét hài hước, lạc quan, niềm hi vọng của những người trẻ trong độ tuổi hai mươi. Đưa nhân vật vào những khoảnh khắc biến mất, để rồi người đọc lại thấy nhân vật trở về, cùng với sự chấp nhận mang theo mình. “Khi ta chấp nhận và cho phép những gì sẽ xảy ra trong cuộc sống, đó là lúc ta bắt đầu thực sự sống”. Tản văn và truyện ngắn trong Cho tôi biến mất một ngày có tiết tấu chậm và khá kén người đọc. Một số người khi đọc Cho tôi biến mất một ngày sẽ thấy truyện khó hiểu hoặc thiếu kịch tính, nhưng số khác – những người đang bị lạc và mong muốn được sống là mình – sẽ thấy trong tác phẩm sự đồng cảm sâu xa.

Tùng Phong

Ảnh: Bellyojelly

 

Tags: