Đào thoát khỏi đói nghèo và bóng ma vĩnh viễn của bất bình đẳng
Đào thoát khỏi đói nghèo và bóng ma vĩnh viễn của bất bình đẳng
Đây chính là nội dung chính trong cuốn sách của nhà Nobel kinh tế 2015, Angus Deaton, chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế học phát triển: "Cuộc đào thoát vĩ đại".
Cuộc đào thoát vĩ đại
(7 lượt)
Bạn vẫn thường than nghèo kể khổ, nhưng bạn có nhận ra rằng đời sống của bạn đã đủ đầy hơn cha mẹ bạn trước kia? Khi ở cùng độ tuổi với bạn bây giờ, cha mẹ bạn có khi cơm còn chưa đủ ăn, chỉ có xe đạp cọc cạch mà đi, và chắc chắn không biết đến những công nghệ hiện đại như máy tính hay mạng Internet. Chỉ một thế hệ mà đời sống của chúng ta đã khác hẳn, và thay đổi đó đã và đang diễn ra trên toàn thế giới

Ấy thế nhưng bạn vẫn thấy nghèo khổ, bởi vì bạn đang tự so sánh với những người khác, mà thực tế là cùng với mức sống vật chất được nâng cao cho tất cả mọi người, khoảng cách giàu nghèo cũng tăng lên bởi những người giàu đang giàu hơn với tốc độ vượt xa người nghèo. Sự bất bình đẳng là một mặt không thể thiếu của phát triển kinh tế, và điều này được giải thích rất chi tiết trong cuốn sách Cuộc đào thoát vĩ đại của chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2015, Angus Deaton.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng trong thu nhập. Đôi khi đó có thể là khoảng cách về trình độ. Bởi những thay đổi trong công nghệ sản xuất, nền kinh tế ngày nay thưởng công nhiều hơn cho những lao động được đào tạo tốt hơn. Một lập trình viên giỏi làm việc cho một công ty nước ngoài có thể nhận lương vài nghìn đô một tháng, trong khi một lập trình viên làng nhàng ít kinh nghiệm làm ở một công ty nội địa có thể chỉ lẹt đẹt ở mức lương vài trăm đô và cơ hội thăng tiến cũng ít hơn.


Kinh tế gia Angus Deaton

Vì lợi ích hứa hẹn như vậy nên nhiều người đi học đại học và sau đại học hơn, nguồn cung lao động chất lượng cao tiếp tục làm tăng tốc độ tiến bộ kỹ thuật, và lợi ích của việc đào tạo kỹ năng cũng theo đó mà tăng lên. Vòng tròn này sẽ tiếp tục cho tới khi xã hội chuyển hướng chú ý sang một mảng sản phẩm khác, đòi hỏi những kỹ năng khác, như chuyển từ ô tô trước kia sang hàng điện tử bây giờ. Cho đến lúc ấy, khoảng cách thu nhập giữa hàng xóm của bạn, một lập trình viên cấp cao, và bạn, một người lao động trong lĩnh vực khác, sẽ ngày càng rộng ra.

Bất bình đẳng thu nhập có thể xảy ra trong một môi trường bình đẳng về cơ hội, do khác biệt trong thiên hướng và khả năng của mỗi cá nhân. Nếu bạn là một kẻ yêu thích những nghề nghiệp ít thời thượng, như giáo viên thể dục chẳng hạn, đương nhiên là bạn sẽ nghèo hơn gã lập trình viên hàng xóm. Đó hoàn toàn chỉ là thiên hướng cá nhân, nhưng lại tạo ra bất bình đẳng trong kết quả. Và với quá trình tích luỹ tiền lương, hàng xóm của bạn sẽ ngày một giàu thêm, nhất là nếu hàng xóm của bạn không những giỏi kiếm tiền mà còn giỏi tiết kiệm, trong khi bạn lại luôn vung tay quá trán.

Thường thì những người có định hướng cho tương lai và tự chủ hơn cũng đồng thời là những người hưởng lợi lớn hơn từ giáo dục và dễ tích luỹ tài sản hơn. Dần dần bất bình đẳng trong quá trình tích luỹ giữa những người có khả năng tiết kiệm khác nhau sẽ vượt xa bất bình đẳng về lương, khiến khoảng cách giàu nghèo càng chênh lệch hơn nữa.

Bất bình đẳng thu nhập hộ gia đình còn rõ rệt hơn nhiều so với bất bình đẳng thu nhập cá nhân. Nhà bạn nghèo hơn nhà gã hàng xóm có thể đơn giản bởi vì gã có một cô vợ giám đốc cũng giỏi kiếm tiền, còn vợ bạn cũng chỉ là một giáo viên quèn như bạn. Đàn ông có học vấn cao thì có xu hướng kết hôn với phụ nữ cũng có học vấn cao. Trước kia những người phụ nữ này chỉ cần ở nhà quán xuyến gia đình, nhưng ngày nay họ cũng đi làm và với học thức cao họ có thể kiếm tiền không kém chồng mình. Tư tưởng kết hôn “môn đăng hộ đối” lại càng tạo ra nhiều cặp vợ chồng quyền lực, làm cho những gia đình giàu có càng thêm giàu có.

Như đã nói, bất bình đẳng thu nhập vẫn luôn xảy ra ngay cả khi cơ hội là bình đẳng, nhưng thực tế thì ta hiếm khi có được bình đẳng về cơ hội. Rất có thể gã hàng xóm lương vài nghìn đô của bạn sinh trưởng trong một gia đình giàu có bề thế. Với điều kiện hơn hẳn bạn, con một gia đình nông dân, gã có xuất phát điểm tốt hơn, cơ hội học tập sáng sủa hơn, và không có gì ngạc nhiên khi bây giờ lương gã gấp hơn chục lần lương bạn. Bất bình đẳng về thu nhập mà cha mẹ bạn phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp đến sự bình đẳng về cơ hội mà bạn có thể được hưởng trong một thế giới hoàn hảo. Hai loại bất bình đẳng này có xu hướng song hành với nhau, và bản thân bất bình đẳng thu nhập là một cản trở đối với bình đẳng về cơ hội.

Thế nhưng một điều không thể phủ nhận là đời sống đang ngày một tốt đẹp hơn. Đời sống của bạn đã khấm khá hơn cha mẹ bạn rất nhiều. Điều tương tự cũng đúng với gia đình hàng xóm của bạn. Điều này đến từ đâu, nếu không phải chính từ những tiến bộ kỹ thuật đang giúp cho hàng xóm của bạn ngày một giàu hơn bạn? Khi nghĩ như vậy, bạn nhận ra rằng sự phát triển kinh tế luôn song hành với bất bình đẳng thu nhập, bởi lợi ích từ sự phát triển khó mà chia đều được.

Nghĩ rộng hơn nữa, bạn có thể sẽ cho rằng nếu bất bình đẳng thu nhập giữa nhà bạn và nhà hàng xóm đã lớn đến vậy, bất bình đẳng giữa các nước hẳn là khủng khiếp, khi một bên là các nước đã và đang vươn lên nhanh chóng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, và một bên là các nước châu Phi vẫn đang chật vật với từng nhu cầu cơ bản của người dân. Nhưng thực tế là bất bình đẳng thu nhập trong nội bộ từng nước đã kéo các nước lại gần nhau hơn.

Liệu chúng ta đã đào thoát thành công khỏi đói nghèo?  
Nếu tưởng tượng cả thế giới trong một cuộc chạy đua, với tốc độ chạy tương ứng với tốc độ tăng thu nhập, thì bạn sẽ thấy nhiều người Trung Quốc và Ấn Độ chạy vượt lên vào khoảng giữa, gần hơn với người châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi xa ra khỏi những người Trung Quốc và Ấn Độ khác. Việc lấp đầy khoảng trống ở giữa nhờ những người có thu nhập ở tốp trên ở những nước đang phát triển, có thể bao gồm cả hàng xóm của bạn, giúp cho khoảng cách giàu nghèo giữa các nước tương đối ổn định và thậm chí giảm xuống. Nghĩa là sẽ luôn có những người từ những đất nước khác chạy cùng làn với bạn.

Ngày nay, một số nước giàu cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc kéo các nước khác cùng thoát khỏi nghèo khó, thông qua viện trợ. Nhưng tác giả Deaton cho rằng viện trợ nước ngoài là một giải pháp không hiệu quả, bởi các nước nghèo cũng thường có thể chế không thích hợp với sự phát triển. Một chính phủ chỉ quen với sự nghèo đói sẽ tiếp tục sử dụng vốn viện trợ từ nước ngoài để duy trì sự nghèo đói. Nếu bạn có tất cả mọi điều kiện để trở nên giàu có, chỉ thiếu mỗi vốn thôi, thì rót vốn cho bạn là một việc làm hiệu quả. Nhưng thông thường, sẽ cần đến một sự thay đổi trong tư duy để giàu lên, mà đó không phải là một điều chỉ cần tiền là làm được. Ở mức độ quốc gia thì còn khó khăn hơn muôn vạn lần.

Cuộc đào thoát vĩ đại là một cuộc đào thoát ra khỏi đói nghèo, với mặt trái là sự bất bình đẳng. Có thể điều đó khiến bạn bi quan, nhưng nếu bạn được chọn giữa một cuộc sống như hiện tại, tuy có nghèo hơn hàng xóm, và một cuộc sống như cha mẹ bạn, chắc chắn bạn không chọn vế sau. Deaton có lý khi hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, khi mà tất cả mọi người thoát khỏi nghèo đói và những trở ngại của sự bất bình đẳng rồi cũng sẽ được vượt qua.

>> Tham khảo: Tóm tắt sách Cuộc đào thoát vĩ đại

Thanh Huệ - Trạm Đọc