Dù êm đềm hay bi kịch, những câu chuyện trong cuốn “1987” đều khơi dậy nguồn năng lượng tích cực nơi người đọc
Dù êm đềm hay bi kịch, những câu chuyện trong cuốn “1987” đều khơi dậy nguồn năng lượng tích cực nơi người đọc
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2017, cuốn sách “1987” đã giành được rất nhiều tình cảm của độc giả. Nhiều bạn trẻ sau khi đọc hơn 30 câu chuyện trong cuốn sách này đã có thể hình dung ra trước mắt bức tranh chân thực về một thế hệ sinh vào đúng giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, tiến hành những cải cách chưa từng có.

Không những vậy, “những hồi ức trong tập sách này còn như cuốn biên niên sử mang tâm hồn thời cuộc”.

Một điều cuốn hút độc giả còn nằm ở chỗ, dự án sách “1987” chứng kiến sự góp mặt của nhiều nhân vật nổi tiếng như Hoa hậu thế giới người Việt  2007 Ngô Phương Lan, ca sĩ – nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng, hot girl Elly Trần, MC Đô Bảo… Những câu chuyện của họ là ví dụ tiêu biểu cho một thế hệ trẻ vươn lên tự khẳng định mình, chạm đến thành công ở nhiều lĩnh vực và từ đó truyền cảm hứng đến các bạn trẻ khác.

Vừa qua, Trạm Đọc đã có cuộc trò chuyện cùng anh Nick M., chủ biên cuốn “1987” về ý tưởng cho ra đời tác phẩm này cũng như những thông điệp ý nghĩa anh muốn chuyển tới độc giả qua cuốn sách “1987”. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng sẽ tìm thấy lời khuyên bổ ích của anh Nick M. về những cuốn sách hay mà bạn nên đọc ít nhất một lần trong đời.

Cảm ơn anh đã đồng ý trả lời phỏng vấn của Trạm Đọc.


Thưa anh, lý do gì khiến anh quyết định xuất bản cuốn sách này?

Dịp Tết Nguyên Đán 2017 lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà, ở Hà Lan vào giữa lúc lạnh nhất của mùa đông. Chiều 30 Tết, tôi đi dạo trên bến cảng và lướt mạng xã hội xem mọi người đón Tết ở nhà thế nào.

Tôi thấy bạn bè tôi rất nhiều người chia sẻ trạng thái là năm nay đã 30 rồi, với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Lứa 1987 của tôi, có những người đã ổn định cuộc sống, gia đình, con cái đề huề. Có những người vẫn đang mải miết đi tìm kiếm đam mê. Có người thì đã trải qua rất nhiều tan vỡ, đau khổ trong cuộc sống. Lúc đó tôi mới nghĩ là tại sao không làm một cuốn sách kỷ niệm tuổi 30, được kể bởi nhiều nhân vật, nhiều góc nhìn khác nhau.

Chủ biên Nick M (thứ tư, từ trái sang) cùng nhóm tác giả “1987”

Khi trở về nhà, tôi đã triển khai dự án này với ba nhóm tác giả. Nhóm đầu tiên là chính những người bạn đã lớn lên cùng tôi, chia sẻ những ký ức tuổi thơ giống nhau. Nhóm thứ hai là những người có thể tôi không thân, không thường xuyên gặp họ nhưng tôi biết những câu chuyện của họ và nó truyền cảm hứng cho tôi. Nhóm thứ ba là những người bạn kiệt xuất của thế hệ 1987 đã có những thành tựu lớn, có sức ảnh hưởng tới xã hội. Tôi đã tập hợp các câu chuyện lại và sử dụng concept ẩn danh và lời kể là từ quá khứ đi tới thực tại chứ không phải là lời kể từ hiện đại nhìn lại quá khứ.

Ban đầu, tôi nghĩ nếu không có nhà xuất bản nào nhận bản thảo cuốn này thì chắc chúng tôi sẽ in ra thành những tập giấy A4, đóng thành quyển gáy xoắn và “tự sướng” cùng nhau khi tất cả tròn 30 tuổi. Thế nhưng may mắn sao khi gửi bản thảo cho Nhà xuất bản Trẻ, họ lại rất hứng thú với dự án này và đã giúp nó ra đời. 


Nếu tóm tắt về cuốn sách trong vài câu, thì vài câu đó theo anh là gì?

“1987” là những lát cắt trải dài trong 30 năm, từ 1987 đến 2017 của thế hệ giao thời, sinh ra trong giai đoạn chuyển giao của đất nước từ thời bao cấp sang thời kỳ đổi mới. Những câu chuyện có thể êm đềm, có thể bi kịch nhưng đều mang màu sắc rất lạc quan và truyền một nguồn năng lượng tích cực tới cho người đọc.


Anh được biết là người thích đọc và học hỏi, anh có thể chia sẻ là loại sách nào anh thích đọc và những cuốn nào anh tâm đắc và nghĩ là người trẻ Việt nên đọc?

Tôi rất thích đọc sách nhưng bản thân tôi lại không phải là người đọc nhiều. Trước đây, khi tôi làm phóng viên thì thời gian đọc sách của tôi gần như rất ít.

Nhưng trong hai năm trở lại đây, tôi cố gắng đọc càng nhiều càng tốt. Bản thân tôi thích đọc tiểu thuyết trinh thám, đặc biệt là những tác phẩm của nữ nhà văn Agatha Christie. Tôi cũng rất thích đọc truyện tranh và vẫn đang theo dõi bộ Thám tử Kindaichi. Gần đây, tôi lại đọc nhiều sách nghiên cứu hơn để phục vụ cho công việc, như sách về biên kịch hay sách về trải nghiệm du lịch.

Những cuốn sách mà tôi thích nhất có thể kể đến như “Mười người da đen nhỏ” (Agatha Christie), “Rừng Nauy” (Murakami), “Hội hè miên man” (Hemingway).

Người trẻ Việt thì giờ đọc sách rất nhiều. Tôi vẫn nghĩ các thế hệ sau tôi còn đọc nhiều hơn tôi nên khó có thể khuyên họ đọc gì. Bản thân họ đã có quá nhiều lựa chọn khi mà mỗi năm, có hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách ra lò.

Tuy nhiên, tôi nghĩ là chúng ta nên đọc phong phú nhiều thể loại, từ văn học Việt Nam tới văn học nước ngoài chứ không nên chỉ đọc một dòng sách mình yêu thích. Có đọc nhiều thì mới có nhiều trải nghiệm qua văn học. Đặc biệt là nên ghé Trạm Đọc hàng ngày để biết những cuốn sách nào hay ho mới ra lò (Cười).

Một lần nữa xin cảm ơn anh!

Trạm Đọc xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của các nhà tài trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Thư viện sách điện tử Waka, Công ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Sống và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam; sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng bình chọn và các tác giả và nhà xuất bản, công ty phát hành sách.

Độc giả có thể tìm đọc bài review sách “1987” tại đây.

Hãy bình chọn cho cuốn sách khiến bạn cảm thấy được truyền cảm hứng nhất tại Cổng bình chọn online chính thức của Giải thưởng Chạm – 2018.

Minh Phương

Tags: