Đức Thánh Trần: Tình yêu bất diệt, Võ nghiệp lẫy lừng
Đức Thánh Trần: Tình yêu bất diệt, Võ nghiệp lẫy lừng
Trích dẫn chương 1: Xuôi dòng Thiên Đức hay chuyện tình trong bãi dâu xanh trong cuốn sách Đức Thánh Trần. Độc quyền trên Trạm Đọc.

 

Mùa xuân Mậu Ngọ, năm Nguyên Phong thứ 8 (1258)

 

Hai vua cùng các vương hầu trở lại kinh thành Thăng Long sau trận chiến Đông Bộ Đầu, Ngột Lương Hợp Đài kéo tàn quân chạy trốn ra khỏi biên giới Đại Việt.

Dự buổi thiết triều tại chính điện cùng với trăm quan, định công ban thưởng và bố cáo cho toàn dân yên nghiệp như cũ xong, Trần Quốc Tuấn sửa soạn xuôi về Vạn Kiếp. Kể từ khi nhận mệnh vua, lĩnh quyền tiết chế, dẫn tướng lĩnh thủy bộ lên biên giới chống giặc đến nay đã giáp năm chàng tướng trẻ chưa về hương ấp, nơi có ban thờ cha, có phu nhân Thiên Thành và các con chàng vẫn đang sinh sống ở đó. Ngoài kinh thành Thăng Long, chàng cũng có phủ đệ với đầy đủ người hầu, kẻ ăn người ở. Bên cạnh là phủ của nghĩa mẫu Thụy Bà, người đã nuôi nấng chàng từ khi năm tuổi. Sau khi đuổi giặc ra khỏi cửa ải, Quốc Tuấn trở về kinh thành. Chàng đã phi ngựa thẳng về phủ Mẫu trước. Nhìn thấy nghĩa mẫu khỏe mạnh tươi cười ra đón, chàng tướng trẻ vừa lập công lớn ngoài chiến trận, mặt vẫn còn sạm nắng gió, sung sướng nhảy xuống ngựa. Công chúa Thụy Bà rạng rỡ vui mừng, bà giang hai tay định ôm Quốc Tuấn vào lòng như hồi chàng còn bé. Bà khựng lại, bà chỉ cao đến ngực chàng võ tướng kiêu hùng. Nhưng Quốc Tuấn đã khuỵu chân xuống ôm tay bà, thốt lên: “Mẫu, con nhớ người quá. Ơn tổ tiên, thấy người vẫn bình an, khỏe mạnh Con khôn xiết vui mừng.”

Thụy bà dặn Quốc Tuấn: “Xong việc triều đình, con về Vạn Kiếp trước, mấy bữa nữa, sắp xếp mọi việc trong phủ yên ổn, ta sẽ về làm lễ kính cáo với đại huynh rằng con đã lập đại công. Ngoài quà của Quan Gia gửi, ta cũng có quà cho cả nhà, con mang về cho mọi người vui. Trên đường về, con rẽ vào chỗ Bãi Soi bên bờ sông Thiên Đức, nơi cha con xưa chiêu dân lập ấp, xem họ có được yên ổn qua cơn giặc giã không nhé. Yên Sinh Vương lúc sinh thời luôn dặn ta trông nom đến họ, con nhớ làm tròn.”

Sáng sớm, Quốc Tuấn xuôi về Vạn Kiếp.

Nhà Trần vốn có lệ các thân vương hoàng tộc, ngày thường thì ở đất phong của mình, chỉ khi nhà vua triệu kiến mới về kinh thành. Quốc Tuấn thừa hưởng đất phong của cha là An Sinh Vương Trần Liễu. Ngay sau khi đánh tan giặc Thát, Quốc Tuấn đã ban thưởng cho quân sĩ dưới quyền trong đội quân bản bộ của mình. Tất cả mọi người, trên dưới cùng nhau uống một trận rượu tẩy trần say sưa ngay trên bến Đông Bộ Đầu, rồi kéo quân về Lục Đầu Giang, Vạn Kiếp đóng trại chờ lệnh chủ tướng. Quốc Tuấn chỉ giữ một chiếc khinh thuyền đỗ lại bến sống Cái đợi, xong việc triều đình cũng sẽ trở về hương ấp dưới đó.

Chiếc khinh thuyền dài ba trượng, rộng hơn hai ngữ, đóng bằng gỗ tếch bên xứ Lang Xang* cung tiến vừa nhẹ vừa chắc. Thuyền có hai tầng, tầng dưới là nơi ăn ở của đội trạo nhi, mỗi bên mười một tay chèo. Tần trên là nơi nghỉ của vị tướng trẻ và đội cận vệ thân tín. Thuyền từ bến Đông Bộ Đầu, ngược dòng sông Cái, đến Ngã ba Dâu rẽ vào cửa Đức Giang rồi xuôi theo dòng sông Thiên Đức. Quãng đường sông dài có mấy chục dặm thuận dòng chèo thẳng chỉ già một buổi sáng là về đến cửa Mỹ Lộc, vào Lục Đầu Giang, lên thái ấp Vạn Kiếp. Trần Quốc Tuấn bảo quân lính không cần căng buồm, từ tốn mà lái thuyền chèo xuôi theo dòng. Chàng lên lâu thuyền đứng khoanh tay ngắm cảnh sông nước…

 

 

Miên man ngắm cảnh và thỉnh thoảng lại đắm chìm vào trong dòng suy tưởng, con thuyền đã đến bến Hồng Hạc, huyện Siêu Loại lúc nào không hay. Quốc Tuấn ra hiệu cho quân sĩ neo thuyền ở lại bến đợi. Một mình chàng nhảy phắt lên bờ, đi về Bãi Soi. Vùng này vốn là đất ở của họ Trần thuở xưa, dân tình một lòng theo vua tôi nhà Trần đánh giặc. Họ đã được hưởng nhiều ơn mưa móc của An Sinh Vương nên rất trung thành với nhà Trần. Khi An Sinh Vương còn sống họ đã lập sinh từ trên mảnh đất cao ráo giữa làng, khi Ngài mất, dân Bãi Soi lấy đó làm nơi vọng tưởng Ngài, hương khói quanh năm.

Quốc Tuấn định đi bộ xuyên qua bãi dâu, qua cánh đồng đầu làng Trầm rồi sang Bãi Soi hỏi thăm bô lão nhân dân. Chàng không muốn kinh động đón rước phiền phức mọi người. Tên dân, đó là bài học các bậc cao nhân đã dạy chàng từ thuở ấu thơ. Việc nước nhà thành bại, đầu tiên là yên dân. Dân là nước, ta là thuyền, chờ thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Dân yên nước lặng thì thuyền mới giương buồm rẽ sóng. Nhân gian cũng vừa trải qua một cơn giặc giã, hãy để cho sức dân phục hồi sau kì binh lửa bạo tàn, không có việc gì phải kinh động đến họ… Vị tướng trẻ nghĩ vậy, và một mình một gươm băng qua cánh bãi, nhằm thẳng hướng Bãi Soi đi tới.

Viên võ tướng thảnh thơi đi một mình trên con đường nhỏ trong bãi dâu. Lá dâu xanh thẫm rập rờn trong gió, trong nắng như những bàn tay thiếu nữ vẫy chào vị tướng quân trẻ tuổi tài ba chiến thắng trở về. Trong lòng chàng đang tràn ngập niềm vui, chàng đã hoàn thành nhiệm vụ Đức vua giao một cách xuất sắc. Những chiến công chàng lập trong cuộc chiến vừa qua được nhân dân cả nước râm ran, trầm trồ truyền tụng. Chàng đi giữa vùng đất thanh bình, nơi cha chàng đã từng giúp dân khai phá khi xưa, đã cắm đất lập nên làng xóm yên ổn ấm no cho họ. Quốc Tuấn cứ ung dung đi, không mảy may có điều gì lo ngại. Vùng Kinh Bắc vốn xưa là đất lập nghiệp đầu tiên của họ Trần kể từ khi thiên di từ đất Mân, bên này sông Dương Tử xuống, rồi ra An Sinh, Đông Triều, rồi mới xuống Long Hưng, Thiên Trường. Đất của ta, dân của ta, không có điều gì khiến chàng phải mảy may lo lắng.

Nhưng đến giữa bãi, Trần Quốc Tuấn hơi khựng lại, thủ thế theo phản xạ của một bậc võ công cao cường. Xa xa, chàng nghe có tiếng rầm rập, tiếng la thét, tiếng bước chân chạy dồn… Bỗng trên con đường nhỏ xuất hiện một nàng thiếu nữ đang hớt hải chạy ngược lại phía mình, xống áo tả tơi, mặt tái mét, thở không ra hơi. Nhìn thấy Quốc Tuấn, nàng lao tới, vồ lấy chàng và chỉ tay về phía sau, một con trâu to lớn đen sì đang sầm sập xông tới, truy đuổi thiếu nữ. Với phản xạ của một võ tướng dày dạn chiến chinh, Quốc Tuấn gạt phắt thiếu nữ ra sau phía sau lưng mình, nhưng chàng chưa kịp rút gươm thì con trâu đã hung hăng húc tới. Quốc Tuấn chỉ kịp xuống tấn, hai tay tóm lấy cặp sừng của con trâu điên đang xông thẳng vào mình, vừa đẩy vừa ghìm. Con trâu đen bóng vừa vằng vừa đánh định hất tung đối thủ lên. Mắt nó vằn đỏ, hai bên mép sùi bọt trắng xóa… Chỉ trong chưa đầy nửa khắc, Quốc Tuấn đã đẩy con trâu điên chùn chân, lùi về sau. Vừa đẩy, chàng vừa vặn chéo cặp sừng to tướng trên đầu nó, những tiếng kêu răng rắc, răng rắc ghê rợn vang lên… Con trâu đực rống lên đau đớn, hình như cái đau làm nó tỉnh trí, nó hốt hoảng lui dần và rồi dự muôn quay đầu bỏ chạy. Quốc Tuấn cũng buông tay, thả cho con nghiệt súc tháo chạy. Chàng quay lại đỡ nàng thiếu nữ vẫn bám nấp sau lưng mình từ nãy. Nàng chừng mười bảy, mười tám tuổi, khuôn mặt trẻ trung của nàng đang tái nhợt vì sợ hãi quá độ. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. chảy thành dòng nhỏ trên má. Xống áo nàng tả tơi, cái yếm đào gần như tuột hết, lấp ló phô ra bộ ngực mẩy căng đang dập dồn thở gấp. Vừa phải trải qua một con hoảng sợ cực độ, dường như sức chịu đựng đã hết, quá mệt, thiếu nữ nhắm mắt, lả buông người mà ngất vào tay Quốc Tuấn. Chàng vội đỡ lấy thiếu nữ và ngồi xuống bờ nương dâu, để cho nàng nằm dựa vào lòng mình nghỉ ngơi đợi hồi sức. Quốc Tuấn cũng cần vận khí phục hồi sức lực sau một cuộc đấu bất ngờ. Ngồi nghỉ, chàng mới có dịp ngắm kỹ thiếu nữ hơn. Thật là một cô gái đẹp, Quốc Tuấn thầm nghĩ khi đã tự vận công hít thở để trở lại bình thường. Chàng đã có đủ bình tĩnh để lướt qua dung nhan cô gái. Nhìn thấy đôi chân thon thả trắng nõn thò ra từ chiếc váy đen xắn quai cồng xộc xệch, Đôi chân như sáng rực lên trên màu xanh của cỏ bãi, dâu non… Quốc Tuấn như bị thôi miên. Không gian xung quanh bỗng dưng tĩnh lặng, dường như chỉ có tiếng thở của đôi trai gái đang dần trở lại nhịp bình thường. Khuôn mặt cô gái được nắng xuân chiếu vào dần hồng hào trở lại. Đôi môi xinh đẹp như một nét vẽ thắm đỏ. Nàng thật xinh đẹp. Một vẻ đẹp không giống các thiếu nữ khuê các trong cung cấm mà chàng thường hay gặp. Khỏe mạnh và có chút gì đó hoang dại. Chàng ngồi ngây ra ngắm người đẹp hồi lâu, rồi một cảm giác gì đó vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc bỗng dâng lên trong lòng… Một lúc sau, nàng thiếu nữ mở mắt ra. Thấy mình đang nằm trong lòng Quốc Tuấn, nàng giật mình, vội ngồi thẳng người lên, đỏ bừng mặt, quay sang phía bên kia sửa sang xống áo. Rồi nàng xoay người lại trước mặt Quốc Tuấn mà quỳ xuống: “Xin đội ơn chàng đã cứu tiểu nữ khỏi con trâu điên.” Quốc tuấn vội đỡ nàng lên, cả hai cùng đứng dậy…

Hai người cùng đi tới xếp lại gánh lá dâu vừa bị con trâu ban nãy húc đổ văng trên mặt đất. Trần Quốc Tuấn vốn là một chàng trai uy nghi, đẹp đẽ. Hôm đó chàng bận bộ đồ võ tướng màu tía, ngang lưng đeo gươm báu. Khuôn mặt vuông vức ngời ngợi. Mũi cao miệng rộng, cặp lông mày rậm càng làm nổi bật đôi mắt to sáng rực. Cả kinh thành Thăng Long… đã xuýt xoa bảo nhau, Trần Quốc Tuấn như là tướng nhà giời được cử xuống giữ yên bờ cõi cho nước nhà Đại Việt vậy. Hai người cùng nhặt từng bó lá dâu xếp lại, cả một gánh đầy. Còn bó cuối cùng, cả bốn bàn tay đều đưa tới, nhắm vào bó lá dâu xanh ngát. Vô tình, họ chợt nắm vào tay nhau. Trong một lát họ nhìn thẳng vào mắt nhau…

Nàng nhìn chàng. Đắm đuối.
Chàng nhìn nàng. Mê mẩn.
Bó lá dâu tuột khỏi bốn bàn tay.
Không ai thốt nên lời nào…

Xung quanh bãi dâu bỗng im phắc. Cả những cành dâu vừa mới còn tinh nghịch đùa giỡn trong nắng xuân cũng ngưng lại. Như đợi chờ…

Bỗng đôi má nàng đỏ rực lên, mắt nàng long lanh, phát ra một ánh nhìn lạ lẫm. Vừa như e thẹn, vừa như bạo dạn lả lơi mời mọc. Ánh mắt ấy chiếu thẳng vào Quốc Tuấn. Thiêu đốt. Quốc Tuấn cũng nhìn thẳng vào đôi mắt nàng thiếu nữ. Một đôi mắt to trong veo đẹp lạ lùng. Từ trong đôi mắt đó có một dòng ánh sáng tỏa ra. Rực cháy. Nồng nàn. Ánh mắt nàng dịu dàng mê hoặc viên tướng trẻ có khuôn mặt kiêu dũng kia. Ánh mắt đó cứ như một dải lụa vô hình mềm mại níu kéo dẫn dụ Quốc Tuấn lại với nàng. Chàng tiến lại, nàng đứng yên ngây ra. Trong mê đắm, họ trao mình vào tay nhau. Rồi nàng gục đầu vào vầng ngực trẻ trung vạm vỡ của chàng thì thầm: “Quốc Tuấn chàng, em đã thầm mong có một ngày được gặp chàng như thế này lâu lắm rồi chàng biết không? Em đã ngày đêm cầu trời , khấn Phật. Ôi, các đấng cao xanh đã không phụ lòng em…” Quốc tuấn cảm động, siết chặt tấm thân nóng hổi mềm mại của Quế Lan. Đã gần một năm nay chinh chiến sa trường, chàng ăn ngủ cùng quân sĩ, toàn tâm toàn ý lo việc binh, chàng đã hầu như quên thân xác đàn bà. Nhưng trong buổi sáng thanh bình trên nương dâu bên bờ sông Thiên Đức, được chiêm ngưỡng nhan sắc của người con gái trẻ đẹp, mọi cảm giác khát khao trần tục của một viên võ tướng trẻ tuổi sung mãn từ đâu bừng bừng trỗi dậy. Hương trinh nữ thanh khiết từ người nàng nồng lên một mùi thơm mê dụ. Mùi hương thơm tỏa ra từ thân thể người con gái đẹp làm Quốc Tuấn hứng khởi. Chàng là một người con trai dòng giống Đông A, mạnh mẽ và đa tình… Chàng bỏ mặc cho lòng mình dẫn đi. Là một trang nam nhi tuấn kiệt bậc nhất của Đại Việt, chàng đọc sách thiên kinh vạn quyển, luôn biết tự răn mình, thân nam nhi sinh ra ở đời để làm việc lớn cho nước nhà. Nhưng phép tắc nhà Trần thì lại thoải mái, không gò bó trong chuyện ái ân trai gái, giai nhân luôn vây quanh , khiến nhiều khi Quốc Tuấn cũng không kìm nổi mình. Và bây giờ, chàng cũng để mặc cho ánh mắt thiếu nữ mời gọi. Cứ như Quốc Tuấn đang thả lỏng sau những ngày căng thẳng vất vả chinh chiến sa trường, sau những chiến công hiển hách. Chàng để mặc cho sự trưởng thành của ái tình trai gái cuốn hút mình. Tào Mạnh Đức khi chinh chiến Giang Nam, xây lầu Đồng Tước cũng chỉ mong đem hai nàng Kiều về vui thú đó sao.

Quốc Tuấn ôm chặt thân thể Quế Lan, nâng khuôn mặt kiều diễm của nàng lên, nhìn sâu vào mắt nàng. Đôi mắt sáng rỡ, đang bừng lên niềm hoan lạc không che giấu. Dường như bầu trời trong veo in cả vào đôi mắt nàng, ánh biếc một màu xanh kì lạ. Nàng đắm đuối nhìn chàng. Chàng trai ưu tú, vị dũng tướng mà danh tiếng đang rền vang đất nước… Nàng sung sướng lả người trong tay chàng. Nàng thì thào trong nơi thở gấp gáp nồng nàn. Quốc Tuấn không nghe rõ điều gì, nhưng chàng hiểu nàng muốn gì. Khi hai lồng ngực căng tràn sức sống ép chặt vào nhau. Lúc đó trái tim họ bỗng hòa vào cùng một nhịp. Nhịp mê man của tình ái vừa bừng phát. Họ bỗng trở thành một, niềm khao khát mong đợi của người này cũng là khối tình nóng bỏng của người kia, đang mong chờ được tưới tắm xuống thân thể đẹp đẽ tươi mát của nhau…

Họ bùng lên, nắm tay nhau chạy băng băng vào sâu trong nương dâu. Những cây dâu mềm mại ở hai bên luống, chưa kịp hái lá, đan cài vào với nhau thành một mái xanh tự nhiên. Quốc Tuấn tung bộ võ phục trải lên nền đất phù sa mát rượi. Siết chặt nàng Quế Lan. Xiêm y tuột ra, hai thân thể đẹp đẽ quấn vào nhau. Xung quanh, cả bãi dâu bát ngát bỗng rung lên dào dạt. Những chiếc lá xanh thắm hình trái tim rập rờn trong một vũ điệu huê tình. Những con hồng hạc đẹp đẽ đang tắm mát dưới bến sông bỗng đồng loạt kêu lên những tiếng vui mừng thảng thốt…

Quế Lan gặp Quốc Tuấn ở bãi dâu như duyên tiền định. Họ giao tình với nhau. Trai tài gái sắc. Rồng gặp mây. Cá gặp nước. Cả nương dâu xanh ngát bên bờ sông Thiên Đức hân hoan ca hát. Gió sông ào ạt thổi, nắng xuân nhảy nhót reo vui mừng mối duyên trời. Lúc họ trao mình vào nhau, một đàn chim hồng hạc thốt nhiên tự trên trời cao sà xuống mép nước. Những con linh điểu đẹp đẽ vươn mình tắm rửa trên dòng nước ngọt lành của con sông. Chúng nhảy nhót gù nhau, những đôi cánh rộng lớn giang ra vẫy gọi trong vũ điệu huyền bí. Những cái cổ kiêu hãnh thon thả vươn lên lắc lư mê đắm. Từ những đôi mỏ hồng xinh xắn, những tiếng kêu âu yếm như tiếng thầm thì của tình yêu thần thánh thăng hoa…

Dường như đôi giao long huyền thoại đang ngủ yên dưới sâu lòng sông Thiên Đức bừng dậy. Sóng cồn lên. Gió vặn xoắn mê mải. Dập dồn. Tan hoang. Bờ bãi tốt tươi của nương dâu mướt mát bên bờ phù sa màu mỡ hôm ấy no nê đủ đầy, sau một trận mưa vào vũ bão trút xuống. Một trận mưa thần thánh.

Quốc Tuấn chia tay Quế Lan ở cánh đồng đầu làng Trầm….

Tags: