Họa đồ Thương hàn luận - Cách thể hiện mới của Tứ đại kinh điển trong Y học cổ truyền
Họa đồ Thương hàn luận - Cách thể hiện mới của Tứ đại kinh điển trong Y học cổ truyền
Thương hàn luận là một trong Tứ đại kinh điển trong Y học cổ truyền, được lưu truyền hàng ngàn năm cùng với Hoàng đế nội kinh, Thần Nông bản thảo kinh, Nạn kinh.

Tại Trung Quốc, Thương hàn luận đã trở thành một ngành học quan trọng, được đưa vào giảng dạy trong các cấp học, từ trình độ đại học cho đến trình độ tiến sĩ. So với với công tác nghiên cứu, giảng dạy Y học cổ truyền trong nước hiện tại thì giáo trình giảng dạy, các nghiên cứu cũng như các tài liệu tham khảo trong học tập “Thương hàn luận” vẫn còn khá khiêm tốn. 

Cuốn sách Họa đồ Thương hàn luận (图说伤寒论) được biên soạn dựa trên nền tảng cuốn “Tân Thương hàn luận biểu giải” của Bộ môn Thương hàn luận - Đại học Trung y dược Quảng Châu tổ chức biên soạn. Sách được chia thành hai phần chính gồm: So sánh các nhóm chứng hậu và Minh họa y án kinh điển. 

Đối tượng mà cuốn sách hướng đến là sinh viên, giảng viên các trường cao đẳng, đại học Trung y cùng tất cả những ai yêu thích Trung y. Dựa trên nguyên tắc giúp cho những người yêu thích, học tập Trung y có thể nắm vững kiến thức kinh điển, hỗ trợ cho các giảng viên truyền thụ kiến thức “Thương hàn luận” tốt hơn, cuốn sách có thể được coi như tài liệu bổ sung cho Giáo trình Thương hàn luận, song có thể hướng đến đại chúng, trở thành tài liệu phổ biến kiến thức Thương hàn luận.

Cuốn sách lấy Tân Thương hàn luận biểu giải và Thương hàn luận giảng nghĩa làm trung tâm, trên nền tảng các bảng biểu so sánh chứng hậu, bổ sung thêm phần giải thích bằng các hình ảnh minh họa nhiều màu sắc. Thể hiện rõ nét nội dung của từng chứng hậu thông qua các hình thức như biểu cảm nhân vật có phần phô trương, sinh động và đạo cụ, bối cảnh như thật. Ngoài ra, dựa trên nguyên tắc chính là ngắn gọn, rõ ràng, có trọng điểm, có điểm nhấn, từ đó thông qua hiệu quả thị giác để kích thích bộ não của người học có thể ghi nhớ tốt hơn, khiến cho những nội dung sâu xa trong kinh điển trở nên thông tục, dễ hiểu, giúp người học dễ dàng nắm bắt.

Cuốn sách được chia làm 2 chương: 

  • Chương 1 là So sánh các nhóm chứng hậu qua tranh, được chia làm 24 mục, bao gồm chứng Trúng phong, Thương hàn, Ôn bệnh, v.v. Hình thức biểu đạt trong chương này là bảng biểu kết hợp với tranh minh họa; 
  • Chương 2 là Minh họa y án kinh điển, chia làm 16 phần, các y án được lựa chọn đều là những ví dụ kinh  điển, trong đó lấy nội dung cuốn Kinh phương thực nghiệm lục làm chủ đạo. Chương này lựa chọn phương pháp ứng dụng thuyết minh bệnh án qua tranh truyện. Cuốn sách được xây dựng với khoảng hai vạn chữ và 80 trang truyện tranh.

Bên cạnh đó, cuốn sách đã đột phá ra khỏi quan điểm cứng nhắc cho rằng Trung y “chỉ có thể lĩnh hội qua ý chứ không thể biểu đạt hết bằng lời”, đồng hành cùng thời đại, hội nhập thêm những yếu tố khoa học và kỹ thuật mới, phản ánh tinh thần sáng tạo và dám nghĩ dám làm của sinh viên đương đại. Ngoài vai trò là tài liệu tham khảo cho “Thương hàn luận” ra thì cuốn sách còn giúp cho việc lý giải càng thêm phong phú, trở nên thú vị và đáng đọc, qua đó có ảnh hưởng tích cực đến việc quảng bá kinh phương, quảng bá “Thương hàn luận” và học thuật của Trọng Cảnh.

- Trạm Đọc - 

Tags: