Hoá giải giận dữ: Để sống chung với mẹ chồng không còn là ác mộng
Hoá giải giận dữ: Để sống chung với mẹ chồng không còn là ác mộng
Muốn hóa giải cơn giận của mẹ chồng, các cô con dâu nên thử đọc sách xem thế nào.

Bộ phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng đang trở thành một hiện tượng nhờ khai thác những bất hoà trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, một mối quan hệ vốn chứa đựng rất nhiều căng thẳng. Thực tế thì không phải chỉ mối quan hệ giữa bà mẹ chồng khắt khe và cô con dâu thiếu ý tứ mới nặng cảm xúc tiêu cực, mà mối quan hệ nào giữa người với người cũng tiềm ẩn những nguy cơ xung đột. Cuốn sách Hoá giải giận dữ của chuyên gia tư vấn tâm lý Masako Fujii, cuốn cẩm nang ứng xử để đối phó với cơn giận của người khác, có thể cho những cô con dâu một số lời khuyên hữu ích, xuất phát từ việc tìm hiểu bản chất cơn giận của mẹ chồng.

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sự giận dữ. Dù cơn giận của người đối diện không phải luôn là lỗi của bạn, hiểu được nguồn cơn sẽ giúp bản thân bạn ít bị chi phối bởi sự giận dữ của người ta hơn.

Mẹ chồng giận con dâu không phải lúc nào cũng là do ác ý, mà có thể nàng dâu đã vô tình làm đảo lộn lối sinh hoạt xưa nay của nhà chồng, nhưng mẹ chồng không tiện kể ra từng thứ lặt vặt như bát đũa phải xếp như thế nào, món ăn này nên nấu ra sao, mà chỉ biết nói bóng gió, làm cho mối quan hệ thêm căng thẳng. Nếu nàng dâu hiểu được điều đó, thì sẽ biết cách ứng xử thay vì tích tụ suy nghĩ tồi tệ về mẹ chồng từ những chuyện khó chịu nhỏ nhặt, như mẹ chồng sắp xếp lại bát đũa sau khi con dâu đã làm, hay phàn nàn mỗi bữa về cách nấu ăn của con dâu.

 

Khi người khác tức giận, thay vì để bản thân cũng bị cuốn vào cơn tức làm cho sự việc càng xấu đi, bạn có thể thay đổi góc nhìn để nhận ra rằng người giận dữ là người đang gặp khó khăn và thông cảm với họ.

 

Khi đối phương nổi giận vô lý, bạn hãy hiểu là họ đang gặp khó khăn trong giao tiếp, và cần bạn mở lời để trò chuyện rõ ràng. Nàng dâu nên hỏi rõ ý mẹ chồng trước khi khúc mắc chồng chất, với những câu hỏi lịch sự như “Con vẫn thường sắp xếp chén bát như thế này, nhưng mẹ xếp khác, đúng không ạ? Nếu mẹ thấy hợp lý hơn thì mình xếp lại được không?”.

Những chàng trai bị người yêu giận vì “anh chẳng hiểu gì về em cả,” thay vì tỏ thái độ phản đối, cũng có thể bắt đầu bằng cách hỏi han nguyện vọng của đối phương. Cô ấy nói “ăn gì cũng được,” nhưng bạn phải hỏi để biết chắc giữa sữa chua và bánh ngọt cô ấy thích món nào hơn. Để phòng tránh hay đối phó với cơn giận của đối phương, cần phải khéo léo và kiên nhẫn trong giao tiếp.

Một khi đã nhìn nhận người đang giận như một người cần được giúp đỡ, bạn sẽ đủ tỉnh táo và bao dung để xử lý cho hợp tình. Nàng dâu không cần phải ấm ức khi mẹ chồng lặp đi lặp lại cùng một lời phàn nàn, bởi nhận ra rằng có thể chỉ là mẹ chưa cảm thấy được lắng nghe và đồng cảm. Chỉ cần xin lỗi một cách thành khẩn, chia sẻ một cách chân thành, nàng dâu sẽ từng bước xây dựng được một mối quan hệ khăng khít với mẹ chồng.

Những biện pháp hoá giải giận dữ này không chỉ áp dụng cho những mối quan hệ trong gia đình, mà có ích trong tất cả những mối quan hệ công việc, quan hệ xã hội. Cuốn sách Hoá giải giận dữ đưa ra biện pháp cho từng tình huống cụ thể, nhưng nhìn chung điều cần nhất để xử lý cơn giận của người khác là cách giao tiếp rõ ràng, chân thành, mà không khiến đối phương cảm thấy bị chỉ trích. Nắm được bí quyết này sẽ giúp bạn tránh được những căng thẳng không đáng có từ sự giận dữ của người khác.

Trạm Đọc/Thanh Huệ