Huyền Chip: Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford
Huyền Chip: Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford
Trong 3 năm bặt vô âm tín, Huyền Chip đã trải qua những gì ở Stanford? Độc quyền trên Trạm: trích dẫn phần đầu cuốn sách "Giấc mơ Mỹ: Đường đến Stanford".
Đã hơn ba năm kể từ lần cuối cùng tôi ra sách. Mỗi khi độc giả hỏi tôi bao giờ có cuốn tiếp theo, tôi ậm ừ: “Sắp” rồi lại thôi. Bận rộn là một chuyện, sợ ồn ào, thị phi cũng là một lý do, nhưng lý do chính là vì tôi thấy cuộc sống của mình có lẽ chưa đáng để viết thành sách.

Ở Stanford, tôi đi học và đi làm cùng những người xuất sắc nhất thế giới. Họ tập trung giải quyết những vấn đề có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, thậm chí thay đổi lịch sử nhân loại, vì thế tôi thấy câu chuyện của mình thật… nhạt nhẽo. Việc tôi đi nhờ xe dọc châu Phi có nghĩa lý gì khi so với việc cậu bạn tôi nghiên cứu tìm cách ghép hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư với phương pháp trị liệu hiệu quả nhất? Sách của tôi là một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Việt Nam? Anh chàng học cùng lớp Toán với tôi đã tìm ra cách cắt giảm chi phí lắp đặt và tiêu thụ năng lượng mặt trời và lọt vào danh sách “30 Under 30” của Forbes trên toàn thế giới. Tôi giỏi đi thật đấy nhưng có thấm vào đâu so với việc giáo sư của tôi bỏ học khi mới mười bốn tuổi để lang thang khắp thế giới, phát minh ra nhiều phương pháp dùng Toán làm ảo thuật, rồi bất ngờ quay trở lại Harvard và hoàn thành chương trình tiến sĩ trong vòng hai năm? Cô bạn tôi đấu tranh cho việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Cậu hàng xóm phấn đấu cho mục tiêu đưa người lên sao Hỏa. Anh chàng bẽn lẽn tôi hay gặp ở tầng hầm một tòa nhà trong trường là một trong những chuyên gia hàng đầu về Natural Language Processing, anh muốn giúp máy tính hiểu ngôn ngữ con người và có thể giao tiếp như con người vậy.

Mặc dù không có lý do để ra sách, tôi vẫn tiếp tục viết. Mỗi khi gặp ai đó thú vị, tôi viết về người đó. Mỗi khi nghe được điều gì mới mẻ, tôi ghi vội vào nhật ký. Những điều tôi làm có thể thật nhỏ bé nhưng câu chuyện của những người tôi gặp thì không nhỏ bé chút nào. Họ giúp tôi hiểu về giới hạn của bản thân, sự ích kỷ tưởng chừng vô hại, và trách nhiệm của mình với thế giới mình đang sống. Họ biến tôi từ con bé chán ghét một cuộc sống gò bó thành một đứa lên lịch đến từng giây, từng phút cho cuộc sống của mình. Họ biến tôi từ một người luôn chỉ nghĩ đến chuyện đi đây đi đó cho đỡ cuồng chân trở thành người không còn để ý gì đến việc mình sẽ ở đâu, trong bao lâu nữa, miễn là xung quanh tôi luôn có những người giỏi hơn tôi và có thể dạy tôi nhiều điều cả về học thuật và cuộc sống.

Nếu cho tôi quay ngược thời gian làm lại từ đầu, tôi sẽ vẫn cứ đi - ở tuổi mười tám - bởi mục tiêu hàng đầu của tôi là nhìn thế giới. Tuy nhiên tại thời điểm này, nếu bảo tôi làm một chuyến đi như thế, tôi sẽ không thực hiện.

 

Đi thì rất vui nhưng việc đó chẳng mang lại giá trị gì cho ai ngoài tôi cả. Tôi muốn tạo ra sản phẩm gì đó có ích cho xã hội.

 

Càng viết tôi càng nhận ra rằng những gì mình viết không còn là vì mình nữa. Đó là câu chuyện của Jaime - cậu hàng xóm thiên tài tin rằng cuộc sống là để cống hiến, không phải để cảm nhận, những kẻ tìm kiếm hạnh phúc cá nhân là những kẻ ích kỷ. Đó là câu chuyện của Ari - anh chàng trở thành đại kiện tướng cờ vua khi mới mười ba tuổi, quyết định từ bỏ thế giới đen trắng quay trở lại trường học để có thể có một cuộc sống bình thường như ai đó. Đó là câu chuyện của những cô bé, cậu bé với cuộc sống tưởng như hoàn hảo - thành công nắm chắc trong tầm tay - nhưng thực sự họ vẫn luôn nghi ngờ bản thân, phải đấu tranh với bệnh trầm cảm, gục ngã trước áp lực và phải tỏ ra hạnh phúc. Tôi muốn chia sẻ những câu chuyện đó với mọi người bởi ở Việt Nam, chúng ta hay nhắc đến giấc mơ du học nhưng phần lớn chỉ nhắc đến chuyện bảng xếp hạng, học phí, chuyên ngành mà ít khi nói về cuộc sống trong môi trường đại học của Mỹ thật sự là như thế nào. Vì thế cuốn sách này dựa trên các nhân vật và sự kiện có thật, một số chi tiết đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư của những người liên quan.

Khi quyết định ra mắt cuốn sách thứ ba, lại một lần nữa tôi có cơ hội được hội ngộ với độc giả, những người đã đọc hai cuốn sách trước của tôi và động viên tôi rất nhiều. Qua cuốn sách, tôi muốn họ biết rằng tôi vẫn ổn, tôi chưa bỏ cuộc và sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Huyền Chip

 

Huyền Chip đạt danh hiệu trợ giảng thân thiện nhất tại Standford

***

Mùa thu

Giấc mơ Stanford

Tôi thấp thỏm đứng chờ trong hàng người dài dằng dặc trước cửa hải quan San Francisco. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, mang trong người dòng máu Việt và quan trọng hơn, cầm trên tay tấm hộ chiếu Việt, tôi thừa hưởng căn bệnh cố hữu: sợ hải quan. Có ai ở Việt Nam mà không từng nghe kể việc người này, người kia xin visa đi đâu khó thế nào? Hồ sơ của tôi chẳng giống hồ sơ của một du học sinh bình thường. Tôi quá già. Tôi quá nghèo. Hộ chiếu của tôi có quá nhiều dấu hải quan của những nước mà phần lớn người Mỹ sẽ chẳng bao giờ đặt chân tới. Tôi mường tượng khoảng hai chục bối cảnh trong đó sĩ quan hải quan cùng bảo vệ đến và nói với tôi câu ngắn ngọn: “Mời chị đi theo chúng tôi.” Tôi sắp xếp câu từ trong đầu để tìm cách giải thích sao cho cuộc đời chẳng giống ai của tôi nghe giống cuộc đời của “con nhà người ta” nhất có thể. Tôi vuốt lại mái tóc cho bớt xù. Tôi lấy tấm vải mềm vẫn còn thơm mùi nước xả vải ra để lau cặp kính cận mới cắt được hai tuần. Tôi săm soi tất cả các sĩ quan hải quan đang làm việc ở đây để xem ai có vẻ thân thiện nhất. Tôi nhìn những người đồng cảnh ngộ xung quanh xem có ai chung tâm trạng với mình không. Anh chàng tóc vàng cao lớn đứng trước mặt tôi trông có vẻ ngái ngủ sau chuyến bay dài, ngáp một cái rõ to rồi cho tay lên ngoáy mũi.

Sĩ quan hải quan tiếp nhận tôi là một bác trung niên gốc Á. Bác nhìn lướt qua mớ giấy tờ tôi đưa rồi nhanh chóng trả lại tôi hơn một nửa.

“Cái này không cần.”

Tôi nhận lại xấp giấy vẫn còn ngàn ngạt mùi máy bay. Sau khoảng ba mươi giây (trong thời gian đó tôi đã đổi chân đến mười lần), bác ngẩng lên nói với tôi bằng thứ tiếng Anh vẫn còn pha trộn âm tiết tiếng Trung:

“Chúc mừng cháu.”

“Dạ?”

“Cháu chuẩn bị vào học Stanford. Rất tốt.”

“Cháu cảm ơn.”

“Cháu biết mình học gì chưa?”

“Chưa ạ… Có lẽ là ngành Văn học.”

“Văn học, không tốt!” Bác lắc đầu. “Học làm bác sĩ, rất tốt.”

“Cháu không giỏi Hóa”, tôi bảo bác.

“Sinh viên Stanford thông minh, học cái gì cũng sẽ giỏi.”

“Cháu sẽ suy nghĩ về việc này.”

“Không phải suy nghĩ nhiều.” Bác đóng cộp dấu nhập cảnh vào hộ chiếu của tôi. “Chào mừng cháu đến nước Mỹ. Nhớ là phải trở thành bác sĩ đấy nhé!”

“Vâng.”

Bình thường nếu bị chụp mũ kiểu thế này chỉ vì là tôi người châu Á, tôi sẽ cáu lắm, nhưng lúc đó tôi chỉ thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ câu chuyện mà tôi đã nghĩ là chẳng giống ai của mình hóa ra lại là một chuyện quá đỗi bình thường ở Mỹ. Có lẽ giấc mơ nước Mỹ không chỉ là lý do cho những kẻ có nốt ruồi ở chân rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình mà đó thực sự là nơi để họ cảm thấy mình thuộc về. Tôi thấy mừng vì một người gốc Á khác chấp nhận tôi là một người gốc Á trên đất nước của họ. Tôi nhớ đến mẩu hội thoại hài hước trong “Family Guy” với nội dung: một ông bố châu Á bước vào phòng con trai mình.

“Con đã trở thành bác sĩ chưa?”

“Chưa bố, con mới 12 tuổi”, cậu bé cáu kỉnh trả lời.

“Thế thì thôi. Nói chuyện lại với bố khi con đã trở thành bác sĩ rồi nhé!”

Tôi biết chừng nào còn ở trên đất Mỹ, mình sẽ còn là một người gốc Á.

Tôi nhảy chân sáo chạy đi lấy hành lý. Một tay kéo chiếc va li màu mận đỏ, một tay tôi ôm cuốn sách đang đọc dở. Đứng chờ Uber  trước cổng sân bay, tôi bất chợt cảm thấy mình thật nhỏ bé trước sự thay đổi to lớn đang diễn ra trong cuộc đời. Tôi không còn vác theo chiếc ba lô 60l đã đi cùng tôi mấy lần vòng quanh thế giới nữa. Tôi đã xóa facebook cũ với rất nhiều ảnh đi đây đi đó, lập một facebook mới với vài bức ảnh vô thưởng vô phạt. Tôi không còn hứng lên là bỏ đi sang một châu lục khác nữa. Tôi quyết định quay lại trường học và quyết tâm sẽ học đến nơi đến chốn. Tôi mở nhật ký viết những dòng đầu tiên trên nước Mỹ:

Chip à, mày may mắn có được cơ hội làm lại từ đầu, đừng phá hỏng nó như lần trước nữa nhé!

* * *

Như tất cả những sinh viên năm đầu ở Stanford, tôi phải chung phòng với một sinh viên năm đầu khác. Chúng tôi không biết trước bạn cùng phòng của mình là ai. Stanford có cách ghép bạn cùng phòng rất đặc biệt, đó là bao nhiêu thế hệ sinh viên năm đầu Stanford thông minh và mưu mẹo, gặp bạn cùng phòng của mình rồi mà vẫn không ai phát hiện ra tiêu chí ghép bạn cùng phòng của nhà trường là gì. Không hẳn là cách ghép ngẫu nhiên vì theo thông tin từ trường thì cả mùa hè có hai người ngồi nghiên cứu hồ sơ của từng sinh viên năm đầu để xếp phòng cho họ. Có người nói chúng tôi được gán phòng theo tên bởi một anh chàng tên Albert được ghép ở cùng phòng với anh chàng tên Einstein, một anh chàng tên Jack ở cùng một anh chàng tên Daniel. Người thực tế hơn thì đoán chúng tôi được gán phòng theo chiều cao và cân nặng: bạn cùng phòng có số đo các vòng tương đương nhau để có thể mặc chung quần áo. Những nhà triết học tương lai thì đoán chắc hẳn bạn ở cùng phòng phải có chung câu châm ngôn ưa thích hay muốn thay đổi thế giới theo cùng một chiều hướng tốt, xấu. Theo truyền thống, những người ở cùng phòng năm đầu sẽ ngồi lại cùng nhau, cố gắng đoán xem lý do họ được ghép ở cùng nhau là gì. Về lý thuyết, truyền thống này sẽ giúp chúng tôi tìm kiếm những điểm chung với bạn cùng phòng của mình, từ đó phát triển tình bạn. Còn thực tế, nó hiệu quả hay không tôi chưa bao giờ có cơ hội tìm hiểu. Tôi với bạn cùng phòng hầu như chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Nếu chúng tôi có điểm chung thì đó là cả hai đều không có chút quan tâm nào đến thế giới của người còn lại.

Có lẽ tôi không nên nói thay cho cô bạn cùng phòng mình như thế. Cô bé có quan tâm đến tôi hay không, tôi không biết, mà tôi đoán là không, còn tôi từ những ngày đầu đã rất tò mò về cô bé. Gia đình cô ai cũng cao lớn, tóc vàng, mắt xanh, đúng như những gì tôi vẫn hình dung về người da trắng khi còn bé. Thế nhưng cô bé thì lùn tịt, da nâu như tôi, tóc đen giống tôi, mắt còn híp hơn cả mắt tôi. Không phải Sherlock nhưng tôi đoán cô bé là con nuôi. Bố mẹ đẻ của cô bé người nước nào tôi cũng không rõ. Phía trên bàn học cô có treo một câu đối tiếng Trung nên tôi nghĩ cô bé người gốc Hoa. Nhưng rồi có lần tôi nghe cô Skype tiếng Hàn với ai đó ở Hàn Quốc nên tôi lại nghĩ cô người Hàn. Mãi sau này mẹ cô bé, trong một nỗ lực hiếm hoi nhằm kết nối hai đứa chúng tôi, kể với tôi rằng cô bé có dòng máu người da đỏ Bắc Mỹ. Cô bé sinh ra trong hoàn cảnh thế nào? Tại sao cô lại trở thành con nuôi? Lớn lên trong một gia đình nơi mà ai nhìn cũng khác cô như thế thì cảm giác ra sao? Đó là một vài trong vô số câu tôi muốn hỏi cô bé, nhưng tôi vẫn chưa có dịp.

Ngày Sijo chuyển vào trường, mẹ cô, khoảng năm mươi mà người vẫn thanh mảnh như vị nữ tiên trong Chúa tể của những chiếc nhẫn, khua ngón tay dài ngoằng chỉ vào góc phòng tôi:

“Cháu nên nâng giường của mình lên rồi đẩy bàn học vào dưới giường để mở rộng không gian chung. Cháu có hiểu bác nói gì không?”

Bác nói với tôi bằng giọng chậm rãi, gần như đánh vần từng từ một - cách mà người ta nói chuyện với một đứa trẻ chậm phát triển hay một người mới học tiếng Anh, chưa thành thạo trong giao tiếp. Tôi gật đầu. Vì là người nước ngoài, tôi chuyển vào trường trước Sijo ba ngày để tham gia các buổi hướng dẫn văn hoá Mỹ cho sinh viên ngoại quốc. Trong suốt ba ngày đó, tôi đã sắp xếp đi sắp xếp lại đồ đạc cả chục lần cuối cùng mới ưng ý. Với tôi, góc phòng thế là quá hoàn hảo rồi. Nếu phải dành thêm một giây nào để nghĩ về nó nữa thì chắc đầu tôi sẽ nổ như pháo hoa mất.

Sau đó bác hỏi tôi có biết nơi nào bán đồ sinh hoạt không. Tôi nói rằng hiệu sách của trường có bán nhưng giá đắt gấp đôi ở Walmart. Walmart chỉ cách trường mười lăm phút đi xe buýt, nếu bác lái xe thì chỉ khoảng mười phút. Bác gật đầu, khen tôi biết suy nghĩ tiết kiệm. Nhưng mười phút sau, tôi nghe loáng thoáng bác bảo con gái: “Con đừng có ngớ ngẩn mà mua đồ ở Walmart. Vài chục đồng bạc tiết kiệm được không thấm vào đâu so với công sức con phải bỏ ra cả.” Tôi thở dài. Tôi và gia đình cô bạn cùng phòng sẽ trở thành bạn tốt lắm đây!

Tôi vẫn biết mình nghèo nhưng phải đến Stanford tôi mới thấm thía cái sự nghèo của mình. Khi tôi nói mình chuẩn bị đi Goodwill , những người tôi gặp ở Stanford đồng loạt hỏi: “Mày có món gì bỏ đi vậy?”

“Không, tao đi tìm mua mấy món đồ linh tinh cho phòng tao thôi,” tôi trả lời.

Họ nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ quặc.

“Mua đồ ở Goodwill mày không thấy sợ à? Lỡ món đồ mày mua thuộc về ai đó mới chết thì sao?”

“Chẳng sao!” Tôi nhún vai, và rồi trong vô số những điều tôi có thể nói ra để giữ chút cảm tình họ dành cho tôi, tôi buột miệng nói: “Có khi nó lại cho tao khả năng nhìn sang thế giới bên kia.”

Đi học ở một ngôi trường danh giá hiển nhiên tôi sẽ gặp những người có điều kiện nhất không chỉ trong nước Mỹ mà còn khắp thế giới. Con gái Bill Gates vào trường cùng năm với tôi. Tôi đã tình cờ bắt gặp cậu con trai nhà Steve Jobs đứng tán dóc với bạn ở một góc trong trường. Giang hồ đồn rằng con gái Barack Obama sắp tới sẽ học ở Stanford và Malala, người trẻ nhất giành giải thưởng Nobel cũng muốn theo học tại ngôi trường này. Mùa hè cuối cùng trước khi nhập học, những cô cậu bé mười tám, mười chín tuổi đã khoe trên facebook ảnh lái máy bay riêng trên bầu trời New York, học lái du thuyền ở Seychelles, đi nghỉ với gia đình ở Bahamas. Họ đến từ những gia đình quyền lực nhất. Họ là những đứa trẻ thông minh nhất. Họ học với những giáo sư hàng đầu thế giới. Họ sẽ trở thành bạn bè, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp sau này. Nhìn những bức ảnh của họ trên facebook, tôi tự nhủ: “Thế quái nào mà họ có thể thất bại trong cuộc sống được chứ?” rồi băn khoăn: “Thế quái nào mà tôi có thể hòa nhập ở đây được cơ chứ?”

Cuối tuần đầu tiên của tôi trên đất Mỹ, Alexa xuống thăm tôi. Alexa và tôi quen nhau hết sức tình cờ (viết xong dòng này tôi mới thấy rằng chẳng phải tất cả các cuộc gặp gỡ trên đời này đều hết sức tình cờ hay sao?). Lúc tôi quen Alexa, cô là sinh viên năm cuối Stanford. Khi biết tôi muốn nộp đơn vào trường, cô nàng đánh cuộc rằng chẳng sớm thì muộn tôi sẽ chán trường mà bỏ học giữa chừng thôi. Vì một lý do nào đó, Alexa tin rằng tôi sẽ là người thú vị nhất, hơn tất cả những người mà tôi sẽ gặp ở ngôi trường này. Tôi tủm tỉm cười sung sướng cho đến khi cô nàng nói tiếp: người càng thú vị thì khả năng thành công trên con đường sự nghiệp sẽ càng thấp vì họ chóng chán và luôn tìm kiếm những thử thách mới. Tôi tự an ủi mình rằng có lẽ khái niệm “thú vị” của cô nàng hơi khác với khái niệm “thú vị” của người bình thường.

Tôi và Alexa đang đứng nói chuyện thì anh chàng ở phòng bên mở cửa bước ra. Cậu ta đút hai tay vào túi quần, miệng ngậm kẹo mút, chân bước ngúng nguẩy. Đi qua phòng tôi, cậu ta rút cái kẹo ra khỏi miệng, chìa bàn tay còn lại về phía tôi và Alexa, mắt sáng như đèn pha ô tô.

“Hi, tớ tên là Jaime, sinh viên năm hai. Hai người là hàng xóm của tớ à?”

“Không, chỉ tớ là hàng xóm thôi”, tôi bảo. “Alexa vừa tốt nghiệp năm nay.”

“À há, con người ở thế giới thực!” Jaime quay sang đối diện với Alexa, quay lưng về phía tôi. “Bạn trước học gì?”

Thế rồi Jaime cứ thao thao bất tuyệt nói chuyện với Alexa, thỉnh thoảng đưa kẹo lên miệng mút cái chụt. Bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, tôi cũng không nhớ rõ hai người lúc đó nói về cái gì, có lẽ tôi quá tập trung vào việc cố gắng trở thành một phần của cuộc trò chuyện nên không có thời gian lắng nghe. Tôi quay sang nhìn cô bạn mình. Cô là con lai: mẹ Mỹ Latin, bố da trắng. Cô có một khuôn mặt đẹp lạ. Hôm đó cô lại còn mặc quần da đen bó, boot cao cổ màu đen, áo crop-top màu đen để lộ cái bụng phẳng lì. Cô ngả người dựa vào tấm ván trượt cũng màu đen. Tôi nhìn mình: một con bé châu Á hết sức bình thường, mặc quần bò, đi dép xỏ ngón, áo phông rộng thùng thình. Sau mấy lần cố gắng tham gia vào cuộc trò chuyện mà thất bại, tôi để hai người nói chuyện với nhau, đi vào trong phòng. Gì mà được cả bạn cùng phòng và hàng xóm đều quý hóa quá thế này!

Vậy nên khi Alexa hỏi Stanford đối xử với tôi như thế nào, tôi lè lưỡi:

“Tao chỉ học xong lấy bằng rồi ra khỏi trường càng sớm càng tốt.”

Alexa cười lớn.

“Mày đúng là nhanh nhạy hơn người, vừa vào trường mà đã có được suy nghĩ của sinh viên năm cuối.”

“Có thể ấn tượng ban đầu của tao là sai.”

“Không sai đâu!” Alexa lắc đầu. “Hồi học ở đây lúc nào tao cũng cảm thấy mình không thuộc về nơi này. Toàn bọn sinh ra có điều kiện hơn người khác rồi tự nghĩ rằng mình có nhiều đặc quyền hơn. Cả tao với mày đều rất khác biệt với bọn ở đây. Bọn nó có tất cả mọi thứ được mang đến tận miệng trên đĩa bạc. Tao với mày sinh ra chẳng có gì mà cũng đến được đây. Mày phải tự hào về điều đó.”

Nhưng “bọn nó” mà Alexa nói đến đấy sinh sau tôi cả một thế hệ mà cũng học cùng tôi thì tôi có cái quái gì để mà tự hào cơ chứ?!

Alexa dẫn tôi đi vòng vòng trong trường và chỉ cho tôi những điểm mà cô từng vô cùng yêu thích. Chỗ này có đường hầm bí mật. Khu vườn này là nơi vắng vẻ để hút cần sa mà không bị ai chú ý. Tòa nhà này là nơi ở của những sinh viên giàu có của GSB . Sinh viên GSB thường là quản lý bậc trung của những công ty lớn, họ đã khá thành công trong sự nghiệp và giờ đi học để trở thành quản lý cấp cao. Trong tòa nhà có lễ tân và dịch vụ phòng như khách sạn. Sau này tôi phát hiện ra sinh viên đại học trong trường hay đùa nhau rằng, nếu thi trượt thì sang GSB phơi nắng kiếm bạn trai giàu để khỏi phải học. Tòa tháp này là điểm cao nhất trong trường, đứng trên đó có thể nhìn được toàn khuôn viên nơi này. Tên chính thức của tháp là Hoover Tower - theo tên của vị tổng thống Mỹ Hubert Hoover tốt nghiệp từ Stanford, nhưng vì nó dài và nhọn hoắt nên mọi người ở đây gọi là “Phallus Tower”. Lúc đấy tôi bị choáng ngợp bởi sự rộng lớn của trường nên tròn xoe mắt ra nhìn thôi chứ chả nhớ chỗ nào là chỗ nào, ngoại trừ “Tháp dương vật”.

“Hồi học ở đây mày có bạn không?” Tôi hỏi.

Alexa là một trong số ít những sinh viên của trường xuất thân từ một gia đình thực sự khó khăn. Cô sinh ra trong một khu ghetto của New York cho đến khi bố mẹ cô ly dị, cô theo mẹ đến New Jersey. Không liên quan cho lắm nhưng tình cảm của người dân Mỹ dành cho New Jersey có thể được tóm gọn trong câu nói của Woody Allen trong bộ phim Sleeper : “Tôi tin rằng sự tồn tại của vũ trụ thể hiện một sự trí tuệ, ngoại trừ một số phần của New Jersey.”

“Hầu hết bạn bè thân với tao bây giờ là những đứa tao gặp từ năm hai trở đi. Tụi năm đầu vẫn còn huênh hoang lắm. Đến năm hai tụi nó biết điều hơn rồi.” Alexa thong thả há miệng nhả một vòng khói tròn vo đượm mùi cần sa.

“Thế thì tốt. Tao khỏi phải lo kết bạn năm đầu.”

“Mà này, mày muốn làm gì thì làm, đừng bao giờ yêu một thằng con trai Stanford nhé! Tụi nó rất...”

Alexa bỏ lửng câu, nheo mắt nhìn tôi. Chúng tôi đang đi bộ dưới hai hàng cọ xanh mướt dọc theo Palm Drives nổi tiếng để ra bến tàu cho Alexa về lại San Francisco.

“Tụi nó rất làm sao?” Tôi hỏi.

“Tụi nó thật ảo. Người ta hay bảo người Mỹ béo, đúng không? Sang đến Stanford mày đã thấy ai béo chưa? Không, đúng không? Stanford không phải nước Mỹ mày ạ. Người Stanford không phải người thực. Ảo lắm.”

Đúng lúc đấy, một cậu sinh viên ngực trần, bụng sáu múi, tay đeo fitbit, đeo tai nghe chạy thể dục lướt qua chúng tôi. Alexa hất cằm về phía cậu ta.

“Đấy, mày thấy tao nói gì chưa? Quá tiêu chuẩn. Quá hoàn hảo.”

Tôi nhìn theo hướng Alexa chỉ nhưng tôi không thấy cái mà cô thấy. Mà tôi biết gì để nói cơ chứ? Tôi mới ở đây được có một tuần, còn Alexa đã ở đây bốn năm. Tôi gật đầu. Ừ, ảo thật. Tôi đang ở Stanford rồi cơ đấy!

* * *

Nghĩ mình sẽ chẳng có bạn mà chơi, tôi quyết định sẽ dành toàn bộ thời gian để học. Tôi đăng ký học sáu lớp, tổng cộng là hai mươi tín chỉ - số tín chỉ tối đa mà sinh viên quý đầu tiên được phép học. PMA  nhìn lịch học của tôi đã vô cùng tức giận.

Khi viết đơn vào trường, tôi có nói mình muốn tìm hiểu ngành viết, vậy nên nhà trường ghép tôi với Giáo sư Valerie Miner. Bà là một nhà văn tên tuổi đã giành khá nhiều giải thưởng với mười bốn cuốn sách. Lần đầu tiên gặp mặt, bà dẫn tôi đến ăn ở Faculty Club - nhà hàng sang chảnh trong trường mà chỉ có giáo sư và khách của giáo sư mới được vào. Lúc đấy, bà đã sống chết khuyên tôi không nên làm một điều ngớ ngẩn như thế. Sinh viên quý đầu học hai mươi tín chỉ, tôi có bị khùng không?

“Cô đã nhìn thấy rất nhiều sinh viên khi vào trường đầy tự tin nghĩ rằng mình có thể lèo lái Stanford với khối lượng bài tập khổng lồ như thế, rồi cuối cùng họ nhận ra rằng mình đã sai. Họ có một thời gian vô cùng tồi tệ ở Stanford. Em phải nhớ rằng em vừa chuyển đến sống ở một quốc gia mới. Em phải dành thời gian để làm quen với nó.”

“Em sẽ thử xem sao.” Tôi tỏ ra cứng đầu. Cái bệnh trẻ con hiếu thắng bảo tôi rằng có lẽ cô là nhà văn nên hơi nhạy cảm. “Nếu em không lèo lái được thì em sẽ bỏ bớt lớp. Đến hết tuần thứ ba em vẫn có thể bỏ lớp mà.”

“Em hứa là nếu thấy mình gặp khó khăn thì em sẽ bỏ lớp chứ?”

“Vâng ạ!”

Những lớp tôi chọn học bao gồm lớp mở đầu của series lập trình căn bản, một lớp Toán nâng cao, một lớp Mật mã học, một lớp Địa chất học, một lớp về Khởi nghiệp và một lớp Phân tích văn học. Lớp Địa chất học là một trò đùa. Nếu tạp chí nào cao hứng lập danh sách những lớp “thật mà như bịa” của các trường đại học Mỹ, lớp này chắc sẽ đứng đầu danh sách. Chương trình học của lớp gói gọn trong một cuối tuần lái xe dọc theo bờ biển California, dò xét earthquake line - những nét rẽ trên bề mặt Trái đất sinh ra do động đất. Như là đi cắm trại vậy. Ban ngày, chúng tôi đi tham quan những bãi biển hùng vĩ, xem sư tử biển đánh nhau, nghe thầy giáo kể chuyện hồi bằng tuổi chúng tôi thầy hút cần sa thế nào. Buổi tối, chúng tôi quây quần đốt lửa trại trong vườn quốc gia nào đó. Tôi đoán lớp này là một nỗ lực của phòng Địa chất nhằm thu hút sinh viên. Trong số hơn bảy nghìn sinh viên đại học của trường, chưa đến mười sinh viên chọn chuyên ngành Địa chất. Khả năng bạn gặp một sinh viên Địa chất trong trường chỉ khoảng 0.13%, tương đương một phần tư khả năng bạn bị sét đánh trong suốt cuộc đời mình.

Lớp thú vị nhất với tôi là lớp Mật mã học. Giáo sư dạy lớp này là một phụ nữ luôn mặc bộ áo chùng như những giáo viên ở trường phù thủy Hogwarts. Bà đi đến đâu sàn nhà bóng loáng đến đó. Bà là một trong những người thông minh đến mức luôn phải băn khoăn tự hỏi, tại sao những người khác lại chậm hiểu đến vậy. Buổi đầu tiên vào lớp, bà xổ ra một tràng tiếng Pháp - một trong ba ngôn ngữ mẹ đẻ của bà. Tại sao bà có đến ba ngôn ngữ mẹ đẻ, tôi không biết. Sau này, khi đã nói chuyện với bà nhiều hơn, tôi biết bà nói gần chục thứ tiếng. Nhìn thấy vẻ mặt ngơ ngác của chúng tôi, bà mới chột dạ:

“Ô hay, thế các anh chị không nói tiếng Pháp à? Tôi tưởng sinh viên Stanford thông minh phải nói nhiều thứ tiếng lắm chứ?”

Lớp Lập trình cơ bản tôi học hoàn toàn vì tò mò. Những người học lớp trên ở ký túc xá trong một bữa ăn đã cười tủm tỉm, nói: “Câu hỏi không phải mày có nên học một lớp Lập trình hay không mà bao giờ mày sẽ học một lớp Lập trình.” Theo thống kê của trường, 90% sinh viên sẽ học ít nhất một lớp lập trình trong quá trình bốn năm đại học. Nằm chính giữa trái tim thung lũng Silicon, Stanford là một trong những nguồn cung cấp kỹ sư khoa học máy tính hàng đầu cho các công ty công nghệ ở thung lũng này. Trường có ngành Khoa học máy tính rất mạnh với những lớp học lên tới cả ngàn sinh viên. Tức là trong tổng số 22,000 sinh viên cả đại học và sau đại học trong trường, 5% sẽ học cùng lớp một lúc.

Lớp khó nhất với tôi là lớp Toán nâng cao: giải tích hàm nhiều biến số. Tôi biết với rất nhiều người Việt Nam, giải tích hàm nhiều biến số không đáng được gọi là Toán nâng cao, nhưng tôi đã rời khỏi ghế nhà trường khá lâu nên kiến thức Toán học cũng rơi rụng gần hết. Thực ra tôi có thể chọn một lớp dễ hơn, nhưng tôi bị ảo tưởng sức mạnh bản thân và không muốn phí thời gian học lớp dễ hơn đó. Trước sau gì tôi cũng sẽ phải học lớp này để đáp ứng yêu cầu của nhà trường về Toán nên tôi nghĩ học luôn cho nó xong tội. Sau buổi học đầu tiên, Giáo sư gửi email kêu tôi lên gặp ông ở văn phòng. Nhận được email tôi lo cuống cả lên. Bao nhiêu kỷ niệm đau thương về những lần họp phụ huynh hồi cấp ba chợt ùa về. Trời ạ, mới ngày đầu tiên mà tôi đã làm gì sai rồi sao?

Văn phòng thầy nhỏ xíu nằm trong tòa nhà MachE . Chắc nó chỉ to bằng cubicle tôi vẫn thấy trong các “tập đoàn máu lạnh” đa quốc gia. Thầy chưa đến ba mươi tuổi, nói tiếng Anh giọng Trung Đông. Tôi nhận ra rằng phần lớn giảng viên các môn kỹ thuật trong trường đều là người nhập cư, còn phần lớn giảng viên các môn xã hội của trường lại là người Mỹ.

“Tôi đã xem hồ sơ của em…” Thầy hắng giọng. “Tôi không nghĩ em có đủ kiến thức căn bản để học lớp này.”

“Em biết ạ!” Tôi ngó qua cửa sổ phòng thầy, liền bắt gặp nhóm khách du lịch Trung Quốc vừa đi vừa chụp ảnh. Tại sao thầy lại nói với tôi cái điều hiển nhiên này? Tôi không hiểu câu chuyện sẽ đi đến đâu nữa.

“Em có chắc em muốn học lớp này không?”

“Có chứ ạ! Nếu không muốn học thì sao em lại đăng ký học lớp này?”

“Ha ha…” Thầy phì cười. “Tôi chỉ muốn gọi em lên đây để em biết rằng, nếu gặp khó khăn gì với môn học, em có thể thoải mái hỏi tôi hay trợ giảng trong lớp.”

“Sao cơ ạ?” Tôi tưởng mình nghe nhầm. Tôi cứ nghĩ giảng viên ở những trường lớn sẽ sang chảnh lắm, làm gì có thời gian quan tâm đến từng sinh viên như thế.

“Tôi hy vọng có thể tạo được môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên trong lớp.”

“Wow, thầy thật tốt. Em cảm ơn thầy.”

Lúc rời khỏi phòng thầy, tôi bắt gặp một anh chàng cứ nhìn tôi chằm chằm. Anh ta có đôi mắt màu xanh đậm, mái tóc xoăn lọn và làn da rám nắng. Nhìn thoáng qua, anh ta làm tôi liên tưởng đến những anh chàng tôi thấy trên bãi biển Địa Trung Hải. Nhưng thay vì để ngực trần hay mặc quần áo te tua bảy sắc cầu vồng, anh ta mặc sơ mi trắng, đeo kính cận và trên tay là xấp giấy tờ dày cộm. Thấy tôi nhìn lại, anh chàng nhe răng cười rồi chạy biến mất.

* * *

Không khí trong trường thay đổi hoàn toàn khi năm học bắt đầu. Những câu chuyện bàn tán về gia đình người nọ, người kia nhanh chóng biến mất, thay vào đó xung quanh bàn ăn là những câu hỏi: Học môn gì? Giảng viên thế nào? Thi cử ra sao? Một anh chàng bước vào phòng ăn hùng hồn tuyên bố: “Tao không có thời gian cho bất kỳ ai không có tiềm năng trở thành bạn gái tao hay không giúp ích gì cho điểm phẩy của tao.”

Lịch học ở Stanford rất nặng, một phần vì cách trường sắp xếp lịch học. Ở Việt Nam, sinh viên các trường đều học theo kỳ: một năm hai kỳ, mỗi kỳ khoảng bốn tháng. Ở Mỹ, chỉ khoảng 70% các trường đại học học theo kỳ, còn lại 30% là học theo quý. Dĩ nhiên có một số trường lại theo hệ thống của riêng họ. Ví dụ, Colorado College có block plan, nghĩa là thay vì học nhiều môn cùng lúc, họ học một môn liền trong ba tuần rưỡi rồi đổi sang môn học mới.

Stanford học theo quý, một năm học gồm ba quý: thu, đông và xuân, mỗi quý kéo dài mười một tuần. Hồi mới biết về hệ thống này, tôi toát hết cả mồ hôi. Học theo quý thì thi nhiều. Thời gian một quý ngắn bằng hai phần ba một kỳ mà vẫn có đầy đủ thi giữa quý, thi cuối quý nên lịch học lúc nào cũng toàn thi là thi. Nhiều lớp còn thi giữa quý 2, thậm chí còn thi ba lần nữa. Thi giữa quý bên này có thể bắt đầu từ tuần thứ ba, kéo dài sang đến tuần thứ mười rồi chưa kịp thở thì đã phải thi cuối quý ở tuần thứ mười một. Mà thi giữa quý ở đây lại không được nghỉ để ôn thi. Phần đông các lớp tranh thủ thi vào buổi tối, ban ngày vẫn đi học và vẫn có bài tập về nhà như bình thường.

Vậy nên chúng tôi vào trường chưa ấm chỗ thì đã bắt đầu thi. Các lớp Hóa hữu cơ thi giữa quý từ tuần thứ ba, vậy là từ tuần thứ ba trong ký túc xá đã có đứa chạy từ trong nhà vệ sinh ra mắt mũi đỏ hoe. Mọi người gọi kỳ thi giữa kỳ môn Hóa hữu cơ là một cuộc thảm sát tập thể. Điểm thi trung bình của môn này là 31/100. Những đứa trẻ suốt thời cấp ba chỉ quen với điểm A+ đùng một cái bị điểm D trong kỳ thi giữa kỳ đầu tiên ở Stanford. Nhìn thấy sự kinh hoàng của thi giữa quý môn Hóa, tự nhiên tôi thấy lo lắng cho thi giữa quý của cả sáu lớp mà tôi học.

Vật lộn với bài tập về nhà môn Toán, tôi thường xuyên phải đến office hours  để làm bài tập. Office hours cuối cùng trước khi thi giữa quý, tôi ở lại cố gắng làm nốt bài tập rồi về ngủ luôn. Office hours hết từ lúc mười giờ tối, nhưng mười một giờ ngẩng lên tôi vẫn nhìn thấy Oliver, trợ giảng của lớp, ngồi ở góc phòng đối diện. Sinh viên và trợ giảng khác đã về hết rồi, nghĩa là anh ở lại vì tôi. Tôi hắng giọng, lịch sự nói:

“Anh không phải ở lại giúp đỡ em đâu. Em hiểu bài rồi, chỉ viết nốt rồi sẽ đi về.”

Nghe thấy tiếng nói, anh giật mình, ngẩng lên nhìn tôi.

“Ủa, em vẫn còn ở đây à?”

Tôi nhìn anh trân trối. Lúc mình cần thì lỗ nẻ lại biến hết đi đâu mất!

“Không, em không còn ở đây”, tôi bảo. “Bởi nếu em vẫn còn ở đây thì anh phải nghe thấy giọng em nói hay nhìn thấy em chứ, sao anh phải hỏi thế?”

“Ôi trời ạ, con gái Việt Nam ai cũng đanh đá như em hay sao?”

“Sao anh biết em đến từ Việt Nam?”

“Anh đoán.”

“Sao anh đoán được em đến từ Việt Nam?”

“Đó là ảo thuật. Khi nào tốt nghiệp đại học em sẽ hiểu.”

Tôi đảo mắt, thở dài.

“Anh từ đâu đến?”

“Em đoán đi.”

“Pháp.”

“Sao em biết?”

“Khi nào học xong tiến sĩ anh sẽ hiểu.”

“À há! Mà muộn rồi, em nên về ngủ đi để ngày mai thi cho tốt.”

“Khi nào làm xong bài em sẽ về.”

“Em thật là một con ong chăm chỉ”, anh vừa nói vừa tủm tỉm cười như cố tình chọc quê tôi vậy.

“Thầy giáo bảo em không có đủ kiến thức căn bản cho lớp này nên khả năng em không làm được bài rất cao, mà em thì lại không muốn bị điểm kém.”

Nói xong, tự nhiên tôi thấy mình châu Á kinh khủng.

“Nghe này…” Oliver đứng dậy, đi đến rồi quỳ xuống trước bàn tôi ngồi để có thể nhìn thẳng vào mắt tôi. “Em sẽ ổn thôi. Em hiểu bài rất nhanh nên anh nghĩ ngày mai em sẽ làm bài tốt.”

Sáng hôm sau, trước khi đi thi, tôi nhận được email của Oliver chúc thi tốt. Tôi nhớ lại đôi mắt xanh thăm thẳm nhìn tôi và mơ hồ nhận ra rằng anh chính là anh chàng đã nhìn tôi toe toét cười ở cửa văn phòng thầy dạy Toán.

* * *

Stanford là một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới nên ở đây chẳng may đụng phải một người nổi tiếng là chuyện như cơm bữa. Đi loanh quanh trong trường, thỉnh thoảng tôi lại nghe được những cuộc hội thoại kiểu:

“Tao vừa đâm xe đạp vào một ông thầy được giải Nobel mày ạ. Cầu trời ông không nhớ mặt tao.”

Hoặc:

“Mày ơi, Mark Zuckerberg đang ở tầng hầm Gates kìa. À, không phải! Hóa ra nó chỉ là một thằng mọt sách tóc xoăn mặc áo khoác có mũ.”

Tôi cũng gặp vài câu chuyện như thế. Một lần đi ăn, tôi và bạn đứng xếp hàng ngay sau một người đàn ông khổng lồ. Ông cao phải đến hai mét và nặng gấp ba lần tôi. Tóc ông cắt ngắn sát da đầu nên nhìn qua tôi tưởng là đầu trọc nữa chứ. Chúng tôi đang đứng chờ để lấy khoai lang chiên. Khoai lang chiên thì không còn nhiều mà tôi lại không biết dạ dày ông to bao nhiêu nên cứ thấp tha thấp thỏm chỉ sợ hết phần.

Có lẽ cảm nhận được cái dáng vẻ đứng ngồi không yên của tôi, ông quay lại bắt chuyện.

“Hôm nay thật nhiều người ăn”, ông bảo.

“Hy vọng đến lượt mình khoai lang chiên vẫn còn”, tôi nhanh nhảu.

“Hy vọng thế.” Ông cười lớn, xoa xoa bụng. “Hai cháu là sinh viên năm mấy rồi?”

“Chúng cháu là năm đầu”, Raine - cô bạn tôi - trả lời. (Tôi quen Raine qua một cô bé tôi gặp ở Abu Dhabi khi sang thăm một trường đại học bên đó. Thế giới lắm mối quan hệ vòng vèo như thế đấy!)

“Còn bác là sinh viên năm mấy ạ?” Tôi hỏi.

“Bác là sinh viên năm 30+. Cả đời bác chỉ có học thôi nhưng thỉnh thoảng bác cũng đi dạy.”

“Bác dạy gì ạ?”

“Văn học. Hai cháu tên là gì?”

“Clark, Raine Clark”, Raine cao hứng giới thiệu tên mình theo kiểu James Bond. Tôi cũng định bắt chước nhưng nhận ra rằng cái tên Việt Nam “Nguyễn, Huyền Nguyễn” của mình nói theo kiểu này không ấn tượng cho lắm.

“Bác có thể gọi cháu là Chip.”

“Chip gì cơ?” Bác hỏi. “Chipotle, Chip and Dale hay Chipmunk.”

Tôi nghĩ thầm, nếu tôi nhận được một đồng xu mỗi khi ai đó đùa về tên tôi thì chắc tôi có đủ tiền mua cả cái nhà hàng bán khoai lang chiên này rồi.

“Còn bác thì sao? Bác tên là gì?”

“Adam.”

“Adam gì cơ?”

“Johnson, Adam Johnson.”

Tôi thấy cái tên này quen quen.

“Ôi trời! Cháu hỏi khí không phải, có khi nào bác là tác giả cuốn The Orphan Masters Son không?”

Ông “ồ” lên thích thú: “Đúng rồi!”

Tôi sướng điên lên. Nếu ông có ăn hết khoai lang chiên thì tôi sẽ đi sang nhà ăn khác tìm khoai lang chiên cho ông nữa. Trước khi đi học ở đây, tôi đã đọc sách của ông và biết ông được giải Pulitzer. Tôi đã lên danh sách những người tôi muốn gặp ở Stanford và cái tên Adam Johnson ở phần đầu danh sách. Những cái tên còn lại bao gồm: Andrew Ng - một trong những chuyên gia ngành Trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, Condoleezza Rice - cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Bill Guttentag - nhà làm phim tài liệu đã từng đoạt hai giải Oscar, Tina Seelig - tác giả cuốn What I Wish I Knew When I Was 20  và rất nhiều giáo sư tên tuổi khác nữa.

Ở đây không chỉ giảng viên mới có hồ sơ đáng phục như thế, sinh viên cũng toàn thiên tài ẩn dật. Vì ở đây ai cũng có thành tích nên chẳng ai khoe thành tích của mình bao giờ. Tôi phát hiện bạn bè tôi có thành tích này nọ đều là do tình cờ. Ari là một ví dụ.

Ari là anh chàng gốc Ấn Độ học cùng tôi năm đầu. Tôi quen Ari là qua Raine. Tôi, Raine và Ari đều học lớp Lập trình căn bản nên buổi tối thỉnh thoảng chúng tôi hay ngồi làm bài cùng nhau. Một tối, tôi đang trêu Ari là cậu ăn pizza chỉ ăn mỗi phần bên trong mà bỏ toàn bộ cái riềm “như công chúa” thì Raine thở dài:

“Chip này, sao mày cứ suốt ngày trêu Ari thế? Mày có biết là Ari có bao nhiêu fan cuồng không?”

“Nó nổi tiếng à?” Tôi hỏi.

“Không!” Ari lắc đầu nguầy nguậy. “Điều kiện ternary viết trong Java thế nào nhỉ?”

Anh chàng nỗ lực chuyển chủ đề nhưng đã quá muộn.

“Để tao google!” Tôi cười hí hửng. Ari vồ lấy laptop của tôi nhưng mọi sự chống cự đều vô ích. Trên google hiện ra trang Wikipedia về cậu. Ari trở thành đại kiện tướng cờ vua khi mới chập chững bước vào tuổi mười ba, cậu là đại kiện tướng cờ vua trẻ thứ hai trên thế giới. Wikipedia thì gọi cậu là “thần đồng”. Hiện cậu là một trong một trăm tay cờ xuất sắc nhất hành tinh.

“Trời ạ! Thế có nghĩa là mày rất thông minh.” Tôi nhìn Ari đầy kinh ngạc. “Vậy tại sao bài đơn giản thế này mà mày lại làm lâu thế?”

Cả Ari và Raine liếc mắt nhìn tôi tóe lửa.

“Kệ tao!” Ari lụng bụng. “Bạn với chả bè.”

Mấy hôm sau, Ari hẹn tôi đi ăn trưa. Cậu làm ra vẻ bí hiểm.

“Tối qua tao lên mạng đọc được blog của một người rất thú vị mày ạ.”

“Người đó như thế nào?”

“Nó là nhà văn nhé! Xách ba lô và đi vòng quanh thế giới ba năm, xuất bản hai cuốn tự truyện. Giọng văn của người này buồn cười lắm mày ạ, cứ tưng tửng như mày í. Mày đoán xem người đó là ai?”

Tôi đang ăn dở bát ngũ cốc, suýt nữa chết sặc. Tôi đảo mắt nhìn quanh và thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra rằng đám người ở bàn gần chúng tôi nhất đang cắm cúi vào giải mấy câu đố vui có thưởng trên tờ báo châm biếm của trường. Chúng tôi đang ngồi ở một bàn ngoài trời, nhà ăn Flomo. Tôi hay hẹn bạn bè ăn ở đây vì ba lý do. Thứ nhất, nơi đây có tiếng là ngon nhất trường. Thứ hai, nó rất đẹp. Nó có mấy bàn ăn gỗ ngoài trời nằm dưới hàng cây gì đó hoa hồng phớt và được che dù màu mận đỏ. Và thứ ba, quan trọng nhất, nó ở ngay trong ký túc xá của tôi. Thật kỳ lạ! Ngày trước, tôi đi dọc châu Phi không thấy xa mà giờ từ ký túc xá của tôi sang ký túc xá Ari mất chưa đến năm phút đi bộ mà tôi đã kêu như sắp chết.

“Không có ai nghe lén cuộc nói chuyện của tao với mày đâu. Làm như tao với mày thú vị lắm mà người ta quan tâm í”, Ari bảo.

Tôi không biết nên nói gì. Tôi cũng không hiểu cảm xúc của mình khi đó nữa. Tôi vẫn chưa nói với bất cứ ai ở Stanford về chuyến đi hay cuốn sách của mình. Với tôi, Stanford là một cơ hội làm lại từ đầu. Tôi đã cố gắng rất nhiều để bỏ lại quá khứ sau lưng, quên đi cả những điều ngu ngốc và những điều gần như là ngu ngốc tôi đã làm trong suốt năm năm qua.

“Sao mày biết?”

“Tại mày google tên tao nên tao cũng google tên mày.”

“Có ai khác biết nữa không?”

“Tao chưa nói với ai, trừ khi ai đó khác cũng google mày…” Ari trầm ngâm. “Nhưng tao nghĩ chẳng ai quan tâm mày đến mức ấy đâu.”

“Hứa với tao mày sẽ không nói với ai chứ?”

“Tại sao?”

“Hứa đi!”

“Hứa.”

“Cả Raine nhé!”

“Hứa.”

Tôi thở dài. “Ari, cảm ơn mày.”

“Tại sao mày không muốn người khác biết rằng mày là tác giả nổi tiếng ở Việt Nam?”

“Bởi vì tao không nổi tiếng.”

“Tên mày có trên 1000 kết quả tìm kiếm trên Google.”

Tôi bó tay cu cậu. Khái niệm nổi tiếng của cu cậu chỉ đơn giản thế thôi sao?

“Tại sao mày không muốn mọi người biết mày là một trong những người chơi cờ vua giỏi nhất thế giới?”

“Tao đến đây là để bắt đầu lại từ đầu.” Ari nhún vai. “Một khi người ta đã biết tao là đại kiện tướng cờ vua, người ta sẽ luôn chỉ nhớ đến tao là đứa chơi cờ vua, mong đợi một điều gì đó ở tao, tất cả những thứ khác tao làm đều sẽ bị soi mói dưới góc nhìn cờ vua đó.”

Tôi gật đầu.

“Ừ, làm lại từ đầu. Tao mệt mỏi với việc mọi người luôn chỉ nhắc đến tao là một con bé suốt ngày đi. Tao muốn có cuộc sống của một sinh viên bình thường mày ạ.”

“Mày? Bình thường á?” Ari nhìn tôi vẻ kinh ngạc. “Mày sẽ không có cuộc sống bình thường đâu. Trước khi biết về quá khứ của mày, tao đã biết mày là một đứa điên khùng rồi.”

Tôi đưa nắm tay của mình ra và Ari fist-bump tôi, phì cười. Tôi giữ một bí mật của Ari và Ari giữ một bí mật của tôi. Không đứa nào nói ra nhưng cả hai đều biết chúng tôi sẽ trở thành bạn thân nhất của nhau ở đây.

 

Trạm Đọc