Kẻ lãng du trong thời đại số: Làm sao để tập trung trong thời đại xao nhãng
Kẻ lãng du trong thời đại số: Làm sao để tập trung trong thời đại xao nhãng
Chúng ta nên cảm thấy thoải mái hơn với sự lơ đãng, và thay vì cự tuyệt nó, hãy chấp nhận nó.

“Vào những thời điểm khó khăn, khi việc sáng tác rơi vào bế tắc, đọc sách thôi thì không đủ, thành ra nghiên cứu ngữ pháp và những cuốn từ điển lại là môt cách hay để giết thời gian,” nhà thơ Elizabeth Barrett viết, năm 1839. Đã có những ngày như thế. Trong thời nay thì Browning vẫn đúng về điều này, dĩ nhiên là vậy, thử hỏi bất kì người nào hay tra Wikipedia hay Urban Dictionary thì rõ. Điều cô ấy viết nghe có vẻ lỗi thời đơn giản bởi vì những người đang sống trong thế kỉ hiện đại như chúng ta luôn có thừa cách để phân tán tư tưởng. Ví dụ như đánh máy, tra Google, hay lái xe, phân tâm giờ trở thành một kĩ năng mà tất cả chúng ta đều là chuyên gia. 

Dù vậy, bất kể chuyên môn của chúng ta, sự phân tâm vẫn còn là một vũ trụ bí ẩn. Không dễ chút nào để định nghĩa nó, nó có thế do chủ quan hoặc khách quan, thói quen hay bột phát, có thể thật phiền hà hoặc dễ chịu. Sự phân tâm được định hình bởi sức mạnh. Sếp thì thấy một nhân viên lơ đãng, còn nhân viên đó thì nhìn thấy một ông sếp khó tính.

Sự lơ đãng đôi khi cũng có ích: Bác sĩ nha khoa của tôi, trước là huấn luyện viên trượt tuyết, nói rằng những người mới tập sẽ học tốt hơn nếu giáo viện khiến họ phân tâm bằng cách nói chuyện làm họ quên mất là mình đang trượt xuống một dốc núi. (Anh ấy cũng là chuyên gia phân tâm trong công việc hiện tại của mình, lần cuối lúc anh đánh bóng răng cho tôi, anh đã ngân nga hết bài “You Make Loving Fun”, ngân cả phần chỉ có tiếng guitar solo). Tóm lại, kinh nghiệm về phân tâm xao nhãng thì mỗi người mỗi khác. Nên khó có thể phổ quát được một vấn đề luôn biến đổi và đa dạng như vậy.

Bối rối hơn nữa là người ta phân tâm ngày càng nhiều. Có hai giả thuyết lớn lý giải sự việc này. Nguyên do đầu tiên mang tính duy vật: nó biện luận rằng xã hội tân tiến với công nghệ cao dễ khiến chúng ta bị phân tâm. Vào năm 1903, trong bài luận nổi tiếng “Xã hội tân tiến và sức khỏe tinh thần” nhà xã hội học người Đức Georg Simmel cho rằng trong một xã hội vận hành bởi công nghệ, “những tác động, sở thích cá nhân, mối bận tâm về giá trị thời gian và sự nổi tiếng biến cuộc đời thành một dòng chảy, nơi mà mỗi cá nhân chẳng cần mấy nỗ lực để giúp cuộc sống vận hành”. (Trong khi ở nông thôn, bạn phải tự mua vui cho mình). Vì thế, một cách để lý giải sự bùng nổ của việc phân tâm chính là bàn về tầm ảnh hưởng của cuộc sống thành thị, nguyên do không chỉ bởi thế giới đang ngày càng đô thị hơn, mà còn bởi những công nghệ điện tử tối tân giúp ta có thể trải nghiệm cuộc sống công nghệ hóa mọi lúc mọi nơi.

Giả thuyết lớn thứ hai mang tính duy tâm – cho rằng việc chúng ta dễ bị phân tán là do tâm trí ta không yên. Nghệ sĩ hài Louis C.K. có lẽ là người ủng hộ đương đại nổi tiếng nhất cho giả thuyết này. Một vài năm trước, trong chương trình Chuyện đêm muộn cùng Conan O’Brien, ông nói rằng mọi người cứ dính vào cái điện thoại bởi họ không muốn và không thể ở mội mình dù chỉ một giây vì chuyện này rất chi khó khăn.” (David Foster Wallace cũng đồng tình với quan điểm này.)

Thuyết duy tâm thậm chí đã có trước thuyết duy vật rất lâu, từ năm 1874, Nietzsche viết rằng “Hấp tấp là vấn đề toàn cầu bởi ai ai cũng muốn chốn chạy bản thân mình”; vào thế kỷ 17, Pascal nói rằng “nguồn gốc nỗi đau khổ của con người nằm ở chỗ họ không thể ở một mình trong một căn phòng tĩnh lặng.” Xét theo nhiều phương diện, trong hai cách giải thích trên thì thuyết duy vật nghe đỡ lo lắng hơn.

Nếu sự phân tâm tăng lên do tác động của công nghệ, thì chính công nghệ có khả năng xoay chuyển tình thế, trong khi nếu thuyết duy tâm là đúng thì sự phân tâm sẽ khó mà phá bỏ được. Dù sao đây cũng không phải một cuộc thi, thực tế thì, hai cách phân tích này có thể tương trợ lẫn nhau. Sự kích thích có thể dẫn tới buồn chán và ngược lại.

Một phiên bản của giả thuyết hai góc nhìn trên hỗ trợ lẫn nhau phần nào được Matthew Crawford diễn giải trong cuốn sách mới của ông, The World Beyond Your Head: Becoming an Individual in an Age of Distraction (tạm dịch: Thế giới không tưởng: Trở thành một cá nhân trong thời đại hỗn loạn) của NXB Farrar, Straus & Giroux. Crawford là một triết học gia, cuốn sách gần đây nhất của ông Shop Class as Soulcraft lý luận rằng lao động tay chân có thể là một liều thuốc giải cho cảm gia vô dụng đang ám ảnh nhiều lao động trí óc.

Crawford cho rằng sự thiếu tập trung ngày một tăng là kết quả của những thay đổi công nghệ, mà những thay đổi này có nguồn rễ từ những trách nhiệm về mặt tinh thần của nền văn minh con người. Kể từ thời kì Khai Sáng, ông viết, xã hội Châu Âu đã bị ám ảnh về sự tự do, và trong thời gian vài trăm năm nay, chúng ta cũng luôn đặt tự do lên đầu trong mọi vấn đề cuộc sống, từ kinh tế, chính trị, đến công nghệ và thường thì, khi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của hạnh phúc, chúng ta nghĩ về tự do.

Không may thay, chúng ta đã đi quá xa trong việc này. Và bây giờ ta đã bị ám ảnh nặng nề bởi ý tưởng về sự tự do, chúng ta cho rằng – một bộ phim, một cuộc hội thoại, một quãng đường ngắn dạo qua phố – chả khác gì nhà tù. Phân tâm cũng là một hình thức khẳng định quyền điều khiển quyền tự trị của bản thân, là sự tự do vượt khỏi tầm kiểm soát. Và công nghệ, như điện thoại thông minh chẳng hạn, những thứ giúp ta phân tâm, trở thành công cụ để khẳng định tự do của mình.

Cách chúng ta nói về sự lơ đãng có chút tự biện hộ cho bản thân – chúng ta thao thao rằng ta “bị phân tâm” bởi Internet hay bởi con mèo của ta, và tự biến ta thành nạn nhân bởi chính quyết định của mình. Nhưng Crawford chỉ ra rằng cách nói này không phản ánh đúng bản chất của vấn đề.

 

Ta không những tự chọn cách để phân tán tư tưởng, mà ta còn thỏa mãn khi được chủ động và tự do trong việc phân tán tư tưởng.

 

Đưa ra quyết định có thể đem đến một niềm sung sướng, một sự mãn nguyện lan tỏa khi ta được tự do hành động theo ý mình. Khi bạn viết một bài luận trong Microsoft Word, đồng thời xem một tập American Ninja Warrior trên một cửa sổ khác, tin tôi đi bạn có thể làm như vậy – khi đó bạn đang giải phóng bản thân khỏi đống công việc bề bộn kia. Khi bạn kiểm tra email trong lúc chờ để sang đường, bạn đang đẩy lùi sự mất thể diện khi bị bắt phải chờ đợi. Sự phân tâm có sức hấp dẫn chính yếu bởi vì tính chủ động và nổi loạn của nó.

Tuy vậy, không phải tất cả sự phân tâm đều do bản thân tự tạo, bởi thế giới quanh ta đang ngày càng bùng nổ với quảng cáo nhan nhản khắp nơi. Và điều này, Crawford nghĩ rằng, đã biến sự phân tâm thành một cuộc thi giữa lực chi phối khách quan từ các doanh nghiệp và ý chí cá nhân. Trong sân bay, ví dụ, ta đeo tai nghe và mở nhạc để tránh phải nghe mấy bản tin CNN. Điều này cũng có lý, ông chỉ ra, những công ty về công nghệ cá nhân đang trong một cuộc chạy đua vũ trang cùng với các công ty quảng cáo và marketing.

Nếu bạn tắt điện thoại từ sớm khi ở trong rạp chiếu, bạn sẽ phải ngồi xem một loạt quảng cáo mở đầu phim – nhưng nếu bạn có một chiếc Apple Watch, bạn vẫn có thể hoàn toàn chủ động lướt xem các danh sách hay xem số bước chân bạn đã đi hôm nay trong lúc chờ đợi. Về cơ bản thì, hiển nhiên, hai phe này không hoàn toàn tách biệt: cả hai đều nói chuyện với khách hàng theo kiểu mà Crawford gọi là “tự do ngôn luận”, “ngôn ngữ thể hiện thỏa mãn khách hàng là điều kiện tối ưu”, khi mà lựa chọn của khách hàng được gắn với sự tự do và hạnh phúc. “Khả năng lựa chọn là điều kiện thiêng liêng  trong chủ nghĩa tư bản tiêu dùng, và những người trao cho ta quyền lựa chọn là người phục vụ cho sự tự do của ta,” ông viết.

Bây giờ chúng ta đang được ấp ủ, Crawford lý luận, trong những công nghệ đạt được sau hàng thế kỉ được thiết kế để đảm bảo quyền tự do tự trị của nhân loại – mà trong đó điện thoại thông minh chỉ là lớp lõi trong cùng. Khi bạn vừa lướt Twitter trên máy tính bảng vừa xem Game of Thrones, hay nghe Spotify khi đang lập bảng thống kê trên bài làm việc của mình, thì lúc đó bạn đang tận dụng rất nhiều lợi thế của công nghệ tự chủ cùng một lúc. Một nghịch lý phổ biến của cuộc sống hiện đại, Crawford viết, đó là ngay cả trong chính cái kén của mỗi người, vẫn tồn tại một “đòi hỏi mãnh liệt được tự do tự trị”. Nhu cầu bức thiết đó còn tùy thuộc vào “sự phân loại tự do theo chọn lựa, lựa chọn ở đây được hiểu như một ý tưởng vụt lóe ngay theo sau ý muốn vô điều kiện” (một cái click, một cú lướt, một cú trỏ).

Mặc những luận biện cải cách của các công ty công nghệ, chúng ta có vẻ giống mấy tay cờ bạc trong casino hơn là những nhà cách mạng. Khi một tay bạc đã trải qua ăn thua, anh ta dám chấp nhận rủi ro và đưa ra những lựa chọn táo bạo hơn. Nhưng hành động của anh ta vẫn thuộc một “môi trường kiểm soát cao” và trải nghiệm của anh ta vẫn chỉ đơn thuần là cái bóng của bản chất sự việc bên ngoài môi trường đó. Tương tự như sự tréo ngoe của việc thắng cuộc – thắng rồi cũng chỉ để thua tiếp trong những lần đánh tới – đối với cuộc đời của một tay bạc, thì tự do – với bản chất thực ra chỉ là sự phân tán tư tưởng – đã trở thành một cách sống của mỗi con người hiện đại.

Xét theo tầm nhìn cực đoan của ông, bạn có thể hơi kỳ vọng là Crawford sẽ đề đạt một giải pháp quyết liệt: Thiêu rụi hết tất cả, dỡ bỏ Ma trận! Nhưng đề xuất của ông hóa ra lại nhẹ nhàng hơn nhiều. “Hình ảnh về sự xuất chúng của loài người mà tôi rất muốn nêu ra như một đối trọng của tự do được hiểu là,” ông viết, “hình ảnh về một tư duy mạnh mẽ, độc lập đang làm việc hết công suất.” Làm việc chính là từ mấu chốt. Phần lớn cuốn The World Beyond Your Head là về những con người làm việc đòi hỏi sự tập trung: đầu bếp đồ ăn nhanh, vận động viên hockey, vận động viên đua xe, thợ thổi thủy tinh.

Những người lao động này, Crawford viết, luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để hòa nhập với vòng xoáy của một thế giới đầy áp lực. Khi một đầu bếp tức tốc nấu để kịp đáp ứng các đơn gọi món, hay khi một tay đua phải phỏng đoán trước một đoạn đường trơn trượt, họ đang đồng thời “vừa bị hạn chế vừa được tiếp sức” bởi những rào cản mà họ phải đối mặt. (Không có mấy lời khích lệ dành cho nhân viên văn phòng trong cuốn sách này; Crawford là một người đã từ bỏ công việc học thuật truyền thống để xây dựng doanh nghiệp sản xuất các bộ phận xe phân khối lớn.)

Điều muốn nói ở đây là những người lao động kia, những người thực sự đam mê điều họ làm, không hoàn toàn được tự chủ, thay vào đó, họ bị gò vào cái guồng của cuộc sống thực tế (Căn bếp nhiều áp lực, cung đường đua khó đoán). Họ không sống chỉ trong suy nghĩ, mà trực tiếp cảm nhận cú phanh gấp trên đường nhựa, hay cái nóng của ngọn lửa bùng trên bếp nướng. ‘Niềm hạnh phúc là khi cảm nhận được sức mạnh của mình tăng lên”, ông viết. Phân tâm đối lập với hạnh phúc, mà hạnh phúc ngày càng hiếm khi chúng ta dành nhiều thời gian trong một môi trường ít cọ sát của những lựa chọn công nghệ dễ dàng, tầm thường.

The World Beyond Your Head đem đến nhiều kiến thức bổ ích và, trong một số phần, rất có sức thuyết phục. Trớ trêu thay, cuốn sách cũng vướng phải một vài vấn đề không nhỏ. Crawford rốt cuộc cho rằng phần lớn cuộc sống hiện tại là nguồn gốc gây phân tâm. Ngược lại, ông lại hài lòng khi chỉ phát triển một lượng khá hạn hẹp về kĩ năng con người. Và ông đã nói hơi quá về sức mạnh của một điều mà đa phần chỉ là một khía cạnh nhỏ phiền phức của xã hội hiện đại.

Ông không đơn độc trong việc này, rất nhiều học giả viết về sự phân tâm cho rằng nó là một biến động sống còn. Ví dụ như cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn trước đây về vấn đề này, của nhà báo Maggie Jackson: Distracted: The Erosion of Attention and the Coming Dark Age. (tạm dịch: Phân tâm: Tập trung bị sói mòn và kỷ nguyên đen tối đang tới).

Tại sao nhiều học giả lại thấy sự phân tâm đáng sợ đến vậy? Câu trả lời hiển nhiên bởi vì họ là nhà văn. So với người khác, phân tâm rõ ràng là một mối đe dọa rõ ràng và thường trực hơn. Trước khi viết Shop Class as Soulcraft, Crawford đã lấy được bằng tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Chicago. Phân tâm thậm chí còn đáng sợ hơn đối với sinh viên cao học, một vài năm dành để hoàn thành luận án khiến đủ khiến bạn sợ hãi và ghê sợ sự phân tâm dưới mọi hình thức.

 

Thông thường, sự phân tâm còn đáng sợ bởi một lý do khác căn bản hơn: Cái giá trị khổng lồ ta dành cho sự chú ý.

 

Trong thế giới hiện đại, ít thứ được coi trọng hơn sự chú ý. Chúng ta bị đòi hỏi phải tập trung ở trường và nơi làm việc, cha mẹ không quan tâm con cái thì bị trừng phạt, ai cũng bị thúc đẩy phải chi ly hơn trong kiểm soát tài chính, lương thực và sức khỏe; những người có khả năng thu hút sự chú ý thì được tôn vinh. Là những cá nhân độc lập, chúng ta tự nhận thức được những ý nghĩa của sự tập trung chú ý lâu dài – từ những dự án ta đã hoàn thành, những mối quan hệ ta nuôi dưỡng, những lời hứa ta đã trao hay những kĩ năng ta rèn luyện được.

Cuộc sống thường “xoay quanh” sự chú ý – và xu thế chung có vẻ như hướng tới một cuộc sống tập trung hơn. Phía sau sự khủng hoảng phân tâm, có một phần là do khủng hoảng tập trung, sự tập trung càng có giá trị bao nhiêu thì sự phân tâm càng trở nên rắc rối bấy nhiêu ngay cả những cái tưởng chừng như vô hại (Đánh giá qua những cuốn sách tự rèn luyện, sự phân tâm và bận rộn đã trở thành Scylla và Charybdis của xã hội hiện đại.)

Lại nói về sự ám ảnh tự trị của chúng ta, đề cao sự chú ý là di sản từ Thời Kì Khai Sáng: mặt trái của câu nói “Tôi có suy nghĩ nên tôi mới là tôi” của Descartes chính là việc chúng ta nghĩ về điều gì cũng định nghĩa bản thân con người nữa. Vấn đề với cách nhận thức về bản thân này là không phải lúc nào chúng ta cũng suy nghĩ một cách quy củ và có tổ chức. Tâm trí chúng ta xao lãng và cuộc sống thì tràn ngập những giây phút vô nghĩa. Những phút trôi qua khi bạn tưởng tượng đang nghe Rihanna hát trong đầu, hay nhìn bâng quơ vào đôi giầy của người khác, hay hồi tưởng lại quãng thời gian trung học.

Đôi khi, tâm trí chỉ là một mớ bòng bong những hình ảnh, cảm nhận, âm thanh, gợi nhớ; vào thời điểm khác, bạn có thể ngó lơ đãng ra ngoài cửa sổ và chả nghĩ gì cả. Loại phân tâm này không giúp ích nhiều cho việc phát triển một tâm thức thống nhất, thậm chí có thể phá hỏng nó. Bạn đang ở đâu trong lúc chơi Temple Run? Bạn là ai khi ngồi xem mấy cái ảnh động mèo? Nếu những điều bạn nghĩ đến định nghĩa con người bạn, vậy bạn là cái gì khi suy nghĩ của bạn chả dẫn tới cái gì cụ thể cả? Bị xao nhãng, nhìn từ khía cạnh này, giống như chìm vào giấc ngủ. Nó như bấm một nút tạm dừng cho tâm thức cá nhân.

Chúng ta có thể làm gì về việc mình-không-là-chính-mình liên tục này? Bạn có thể nhân đôi tiền cược, tất nhiên, và thử cố, như Crawford làm, để trở thành một con người tốt hơn, bằng cách thay thế sự phân tâm và sự chú tâm. Hay bạn có thể thử, như rất nhiều người từng làm, hình dung lại bản chất con người mình, ngay cả những khi xao nhãng.

Ví dụ như Freud, đã đưa ra một luận giải về sự lộn xộn ngẫu hứng của tâm trí. Những người theo chủ nghĩa siêu thực còn tạo ra nghệ thuật nhờ sự ngẫu hứng này. Rất nhiều triết học gia lý luận rằng bản chất tâm thức không được đồng nhất như chúng ta vẫn nghĩ. Một trong những giả thuyết yêu thích của tôi là của James Joyce, trong Ulysses: ông chấp nhận cái trạng thái không đồng nhất với bản thể, theo một cách cởi mở không phán xét. Trong Ulysses, những nhân vật luôn luôn bị phân tâm. Họ ngân nga những bài hát trong đầu, thèm ăn, hay mơ tưởng về sex khi rảnh. Bởi những người này chưa bao giờ cảm thấy có lỗi về những điều này, nên họ chẳng giải thích gì cả. Thực tế thì, họ hiếm khi cảm thấy tồi tệ với những ý nghĩ của mình.

Đối với Leopold Bloom, hạnh phúc không phải là cảm giác khi được mạnh mẽ lên – tôi nghe còn thấy cách lý giải này thật kì quặc nữa. Hạnh phúc là khi trao cho người vợ Molly nụ hôn quái đản, lúc cả hai nằm ườn trên một bãi cỏ và Molly thì mớm cho anh một miếng bánh từ miệng cô. (“Mê đắm trên cơ thể cô tôi ngả người, đôi môi đầy đặn hé mở và chúng tôi hôn nhau đắm đuối. Ngon quá. Cô ấy nhẹ nhàng mớm cho tôi miếng bánh mềm và ướt từ miệng cô…Hạnh phúc, tôi đã nuốt trọn nó, hạnh phúc.”) Một đôi khi, khoảnh khắc của hạnh phúc này – dù cũng rất quái đản – cũng nảy lên trong tâm trí Bloom. Tại sao phải cưỡng lại nó? Không phải con người là như vậy sao. Tâm trí họ trôi nổi. Ulysses đánh giá một tâm trí tập trung, chín chắn, và có tổ chức, với những kế hoạch cụ thể, suy nghĩ và kĩ năng rõ ràng hữu ích, chỉ là một phần của tâm thức. Những suy nghĩ lơ đãng cũng là một phần con người ta.

Trong vài tuần nay, khi tôi đọc những đề đạt nghiêm túc của Crawford về việc loại bỏ sự phân tâm, tôi chợt nghĩ nhiều khi chúng ta đang đi nhầm hướng. Lỡ như chúng ta không giỏi trong việc phân tâm thì sao? Có khi nào ta đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của phân tâm? Có thể là, với những trò chơi trên điện thoại, bảng tin Twitter và những playlists trên Youtube, chúng ta đã khiến sự phân tâm trở nên dễ đoán và lặp lại, có thể kiểm soát và có tổ chức, ảm đạm và nhàm chán – quá giống một công việc.

Nếu Ulysses được sáng tác trong thời đại hôm nay, Bloom có lẽ kiểm tra điện thoại liện tục, nhưng tôi dám cá rằng anh chả tra Google được điều gì hay ho hơn những thứ đang có sẵn trong tâm trí anh ấy. Chúng ta nên cảm thấy thoải mái hơn với sự lơ đãng, và thay vì cự tuyệt nó, hãy chấp nhận nó. Twitter chả là gì so với một kỉ niệm đủ đầy. Và Facebook không thể đem đến nụ hôn kia.

Đọc thêm: “Khi tôi chết, nhớ đừng chôn tôi... với chiếc Ipad"

Trạm Đọc (Read Station)

Nguồn: Bookaholic

Bài gốc New Yorker