Kiếp nhân sinh giữa lòng đại dịch
Kiếp nhân sinh giữa lòng đại dịch
Giữa những ngày, tháng khó khăn vì đợt bùng dịch lần thứ tư, cuốn sách “Một kiếp nhân sinh: Tình người trong đại dịch Covid-19” của tác giả Thích Nữ Nhuận Bình chính thức lên kệ.

Gần hai năm kể từ khi virus Corona xuất hiện, thế giới đã chìm trong khủng hoảng. Nhưng trong bối cảnh ấy, chúng ta nhìn thấy tình người ấm áp, sẻ chia, cùng chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Đó là thông điệp chính mà sư cô Thích Nữ Nhuận Bình muốn truyền tải qua cuốn sách của mình.

 Câu chuyện về các gia đình có người thân mất vì Covid-19, sự khó khăn của toàn xã hội cũng như hình ảnh các chiến sĩ ở tuyến đầu luôn tất bật, tận tâm chống dịch.

Một kiếp nhân sinh: Tình người trong đại dịch Covid-19 là sự lồng ghép hài hòa giữa bi thương và lạc quan, giữa những giọt nước mắt và nụ cười của niềm tin chiến thắng đại dịch.

Sách Một kiếp nhân sinh: Tình người trong đại dịch Covid-19. Ảnh: T.H

Qua nhiều câu chuyện chứng kiến, tác giả cho biết những ngày qua, các y, bác sĩ gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Hiểm nguy chực chờ, nhưng một khi đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, dù đã nghỉ hưu hay đang trong quá trình thực tập, tất cả đều sẵn sàng lên đường chi viện cho vùng dịch khắp mọi miền Tổ quốc.

Một trong số các câu chuyện được ghi chép lại trong sách kể về đôi vợ chồng trẻ phải bươn trải để kiếm sống. Cả hai đều dương tính với SARS-CoV-2, được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ở hai phòng điều trị khác nhau. Sức khỏe chị vợ mỗi ngày một yếu đi vì vốn mang trong mình bệnh lý nặng.

Khi chị vợ đến những ngày nguy kịch, anh chồng bất ngờ được bác sĩ cho phép đến phòng bệnh của vợ. Bác sĩ báo riêng với anh: “Không còn nhiều thời gian nữa, vì em ấy còn quá trẻ nên chúng tôi muốn tạo điều kiện cho anh được gần vợ những giây phút cuối đời”.

Phép màu đã không xuất hiện. Những giây phút cuối bên nhau, hai anh chị nằm tựa lưng vào nhau. Cưới nhau được ba năm, họ chẳng có bất kỳ tài sản gì ngoài tình yêu thương nồng thắm và một bé gái hai tuổi.

Dưới con mắt của người tu hành, hạnh phúc ở đời chỉ đơn giản là được sống cùng nhau, hít thở chung bầu không khí. Thế nhưng, nhiều người thường quên mất sự tồn tại của người bên cạnh, thậm chí không trân trọng, giận hờn, oán trách nhau.

Nấu tặng những suất cơm tình nghĩa cho người gặp khó khăn trong vùng dịch. Ảnh: Phương Thảo

Những câu chuyện về kiếp nhân sinh trong mùa dịch chính là hồi chuông cảnh báo, để con người biết trân trọng và yêu thương nhau nhiều hơn. Khi yêu thương chân thành, họ sẽ tự ý thức để bảo vệ, cùng giúp nhau an toàn trước đại dịch.

Nếu chúng ta ý thức được như vậy, có lẽ mình sẽ đối xử dịu dàng với nhau hơn.

“Mình sẽ hạn chế nói lời tổn thương, hạn chế xát muối lên trái tim người khác, hạn chế làm ai đau lòng… Sự tử tế của một người, đôi khi chỉ là hành động dịu dàng mà người đó đối đãi, là sự thấu hiểu, cảm thông trong mỗi câu chuyện của cuộc đời, là sự nhẫn nại, bao dung dành cho tất cả”, tác giả viết.

Những ngày qua, hàng triệu liều vaccine cũng được cá nhân, cơ quan, đoàn thể tình nguyện quyên góp, ủng hộ; nhiều máy thở được sẻ chia; hàng tấn trang thiết bị y tế được viện trợ, chỉ mong mang đến chút tình người để sưởi ấm giữa những ngày lo nghĩ vì dịch bệnh.

Theo tác giả, kiếp nhân sinh là vô thường, nhất là trong bối cảnh đại dịch đang ập đến. Mỗi người nếu biết yêu thương, quan tâm nhau; mỗi nhà nếu tự ý thức để bảo vệ bản thân và gia đình, sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho đất nước.

Giãn cách có thể khiến thu nhập không dư dả, không gian sống bó hẹp, nhưng được ở với người thân hay trong vòng tay bè bạn thì vẫn hạnh phúc hơn so với cuộc sống ở các bệnh viện và khu cách ly.

“Người bệnh được chữa khỏi, sau 14 đến 21 ngày hết hạn cách ly, sẽ gặp nhau. Tất cả cùng chờ đợi, chờ đợi đến ngày đoàn viên, sum họp, vui vầy nhất”, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình viết.

Theo Zing News

 

Tags: