Kinh tế học Hạnh phúc: Có thể - và có nên - đong đếm hạnh phúc?
Kinh tế học Hạnh phúc: Có thể - và có nên - đong đếm hạnh phúc?
Trích đoạn cuốn sách "Economics - Cẩm nang kinh tế học" - Ha-Joon Chan.

 

Không phải tất cả mọi thứ đều đo đạc được và không phải mọi thứ đo đạc cũng đều quan trọng: có thể - và có nên - đo đạc hạnh phúc?

 

Nhận ra những giới hạn của việc sử dụng thu nhập tiền tệ để đong đếm chất lượng cuộc sống, một vài nhà kinh tế học đành dùng tới cách trực tiếp hỏi mọi người rằng họ hạnh phúc ở mức nào.

Những nghiên cứu về “hạnh phúc” này cho phép chúng ta xem xét rất nhiều vấn đề trong việc tính toán chất lượng cuộc sống: những gì cần được tính vào trong chỉ bào; cách chúng ta gán giá trị và tầm quan trọng cho những yếu tố khó đo được nhưng có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của chúng ta (kể cả khi điều này không ngăn cản người ta đưa ra những thứ như “chỉ báo tự do chính trị”). Kiểu nghiên cứu này được biết đến nhiều nhất là Khảo sát hạnh phúc của Gallup và Khảo sát giá trị thế giới.

Nhiều người hỏi rằng liệu hạnh phúc có thể, và có nên, đo đếm được không. Sự thật là hạnh phúc có thể, theo định nghĩa, là một chỉ số tốt hơn thu nhập nhưng không có nghĩa là chúng ta nên thử đo đếm hạnh phúc. Richard Layard, nhà kinh tế học người Anh hiện đang là học giả hàng đầu trong việc thử đo đạc hạnh phúc, bảo vệ cho những cố gắng của mình rằng: “Nếu như bạn coi điều gì đó quan trọng thì bạn nên thử đo đếm nó” [tác giả in nghiêng để nhấn mạnh]. Thế nhưng có những người không đồng tình - trong đó có Albert Einstein, với câu nói nổi tiếng: “Không phải tất cả mọi thứ đều đo đạc được và không phải mọi thứ đo đạc cũng đều quan trọng”.

Chúng ta có thể thử định lượng hạnh phúc, nói ví dụ, bằng cách yêu cầu mọi người đánh giá mức độ hạnh phúc của mình trên thang điểm 10 và đưa ra những con số như 6,3 hay 7,8 cho mức độ hạnh phúc trung bình của quốc gia A và B.Thế nhưng những con số như thế này thậm chí còn không khách quan bằng một nửa so với con số 160$ hay 85,380$ thu nhập bình quân đầu người - mà như trên, chúng ta đã bàn tới việc tại sao thu nhập lại không hẳn là con số khách quan.

 

Ưa thích thích nghi và nhận thức sai lệch: tại sai chúng ta không thể hoàn toàn dựa vào đánh giá của người khác về mức độ hạnh phúc của chính họ.

 

Quan trọng hơn, điều đáng tranh luận là liệu chúng ta có thể tin tưởng đánh giá của người khác về mức độ hạnh phúc của chính họ hay không. Có rất nhiều kiểu ưa thích thích nghi đó là khi người ta tự đánh giá lại tình huống để cảm thấy dễ chịu hơn. “Nho chua” là một ví dụ điển hình cho việc thực ra những gì bạn không thể có cũng không hẳn tốt như bạn từng nghĩ đâu. (“Nho chua” là một thuật ngữ được sử dụng để miêu tả hành vi hay ý kiến của một ai đó trở nên “chua chát, đắng cay” hơn chỉ vì họ không có được một cái gì đó).

Image result for sadness illustration

Có nhiều người bị chèn ép, lợi dụng hay bị phân biệt đối xử - và họ sẽ không nói dối - rằng họ đang vui. Nhiều người trong số họ còn phản đối những thay đổi nhằm cải thiện cuộc sống của họ: Nhiều phụ nữ châu Âu chống đối việc hợp pháp hóa quyền bầu cử của nữ giới những năm đầu thế kỷ 20. Vài người còn tham gia tích cực vào việc tăng cường bất bình đẳng và đối xử ác nghiệt - ví dụ như những nô lệ dẫn đầu cuộc chống đối những nô lệ khác, như Stephen, nhân vật của Samuel L. Jackson trong bộ phim Hành trình Django (Django Unchained).

Những người này nghĩ rằng họ đang hạnh phúc vì họ đã đạt tới mức chấp nhận - “tiếp thu” theo cách nói hoa mỹ - giá trị của những người phân biệt, đàn áp họ. Những người theo chủ nghĩa Marx gọi đây là những trường hợp nhận thức sai lệch.

 

Ma trận và giới hạn của những nghiên cứu về hạnh phúc

 

Vấn đề mà nhận thức sai lệch đưa ra cho những nghiên cứu về hạnh phúc được phác họa tài tình trong bộ phim gây choáng Ma trận của anh em nhà Wachowski năm 1999. Trong phim, chúng ta có những người như Morpheus, cho rằng cuộc sống hạnh phúc dưới nhận thức sai lệch là không thể chấp nhận được. Những người khác, như Cypher, lại thà sống với nhận thức sai lệch ấy hơn là sống một cuộc sống phản kháng thực tế đầy nguy hiểm và chịu đựng. Và chúng ta là ai để có thể nói rằng quyết định của Cypher là sai? Morpheus có quyền gì để “giải cứu” mọi người để rồi lại khiến họ trở nên khổ đau hơn?

Image result for Phim Ma trận 1999

Vấn đề của nhận thức sai lệch là một vấn đề thực sự khó và không có giải pháp rõ ràng. Chúng ta không nên cổ xúy một xã hội khắc nghiệt và bất công chỉ vì những cuộc khảo sát cho thấy rằng mọi người đang hạnh phúc. Nhưng ai có quyền để nói những người phụ nữ bị đàn áp hay những người nông dân mất đất bị bỏ đói rằng họ không nên hạnh phúc, kể cả khi họ suy nghĩ như vậy? Có ai có quyền để làm người khác cảm thấy khổ sở khi nói cho họ “sự thật”? Không có đáp án đơn giản nào cho những câu hỏi này nhưng chắc chắn chúng có thể nói cho chúng ta biết rằng mình không thể dựa trên những cuộc khảo sát về hạnh phúc “chủ quan” để đánh giá xem mọi người có đang hạnh phúc hay không.

 

Những nghiên cứu về hạnh phúc với những thước đo khách quan hơn

 

Vì nhận thấy những giới hạn của thước đo hạnh phúc chủ quan, hầu hết các nghiên cứu về hạnh phúc giờ đây đều kết hợp thêm những thước đo khách quan hơn (ví dụ như mức thu nhập, kỳ vọng sống) kèm theo vài yếu tố đánh giá chủ quan.

Image result for happiness illustration

Một ví dụ ổn – và khá đầy đủ - là Chỉ báo cuộc sống tốt hơn, được khởi động vào năm 2011 bởi OECD. Bảng chỉ báo này xem xét những đánh giá chủ quan của con người về mức độ hài lòng trong cuộc sống, cùng với 10 chỉ số (dù không hoàn toàn) khách quan khác bao gồm từ thu nhập và công việc tới đời sống cộng đồng và cân bằng giữa công việc và cuộc sống (và mỗi chỉ số này có hơn một yếu tố cấu thành).

Ngay cả khi một bảng chỉ báo hạnh phúc bao gồm nhiều yếu tố hơn có thể được đánh giá tốt hơn thì kết quả số học của chỉ báo vẫn khó để biện minh. Bởi vì chúng ta thường cố bao gồm càng nhiều hơn các khía cạnh cuộc sống vào bảng chỉ báo hạnh phúc thì chúng ta thường phải bao gồm càng nhiều những khía cạnh rất khó và gần như không thể định lượng được. Tham gia hoạt động cộng đồng và chất lượng cộng đồng trong chỉ báo của OECD là những ví dụ như thế. Hơn nữa, khi mà số lượng của những yếu tố tăng lên trong chỉ báo thì càng khó hơn trong việc đánh giá tầm quan trọng của từng yếu tố. Thật thú vị để nhận ra rằng bằng việc chỉ ra công việc khó khăn này, trang web của Chỉ báo cuộc sống tốt hơn của OECD cho phép bạn tự tạo ra bảng chỉ báo của chính mình bằng cách thay đổi trọng số của các yếu tố theo sự đánh giá của chính bạn.

NHỮNG CON SỐ THỰC TẾ

Những chỉ số hạnh phúc dù có hoàn toàn chủ quan hay được kết hợp cùng những chỉ báo khách quan hơn, không có ý nghĩa nhiều nếu đứng đơn lẻ. Bạn không thể đơn thuần so sánh các dạng chỉ báo hạnh phúc với nhau. Điều duy nhất mà bạn hoàn toàn có thể làm với chúng là theo dõi sự thay đổi trong mức độ hạnh phúc của từng quốc gia dựa trên từng chỉ báo hoặc ít tin cậy hơn là thứ hạng các quốc gia theo từng chỉ báo.

Những bảng chỉ báo hạnh phúc khác nhau bao gồm nhiều yếu tố rất khác nhau. Vì thế, tùy theo chỉ báo mà một đất nước có thể có xếp hạng khác nhau. Thế nhưng, ở một vài quốc gia – như những quốc gia Bắc Âu (đặc biệt là Đan Mạch), Úc và Costa Rica – thường xếp hạng cao hơn trong nhiều bảng chỉ báo hơn các nước khác. Một vài quốc gia – như Mexico và Phillippines – thường đứng hạng cao hơn trong những bảng chỉ báo coi trọng các yếu tố chủ quan, có thể vì người dân có mức độ “nhận thức sai” cao hơn.

KẾT LUẬN: TẠI SAO CON SỐ TRONG KINH TẾ KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ KHÁCH QUAN?

Định nghĩa và đo đạc những khái niệm kinh tế không thể khách quan như những phương pháp trong vật lý hay hóa học. Ngay cả khi những phương pháp tưởng chừng như dễ dàng dùng để đo đạc cho các khái niệm kinh tế rõ ràng nhất, như sản lượng và thu nhập, cũng chứa đầy những khó khăn. Có rất nhiều đánh giá giá trị liên quan – như quyết định không tính công việc gia đình vào thống kê sản lượng. Có rất nhiều vấn đề kỹ thuật – đặc biệt liên quan tới việc gán giá trị vào các hoạt động ngoài thị trường và liên quan tới việc điều chỉnh PPP. Trong trường hợp ở những quốc gia nghèo hơn thì còn có vấn đề chất lượng dữ liệu – thu thập và xử lý dữ liệu thô đòi hỏi kinh phí và nhân lực mà những quốc gia này không có.

Kể cả khi chúng ta không tranh cãi về những con số thì vẫn khó để nói rằng số liệu sản lượng/thu thập thể hiện chính xác chất lượng cuộc sống, đặc biệt ở những quốc gia giàu có hơn, nơi hầu hết con người đã có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản về thực phẩm, nước, nơi cư trú, giáo dục cơ bản và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Chúng ta cũng cần xem xét những khác biệt khi tính đến điều chỉnh PPP, số giờ làm việc, những khía cạnh không liên quan tới tiền bạc của chất lượng cuộc sống hay những quyết định vô lý của người tiêu dùng dù vì bị thao túng hay do ứng xử bầy đàn và những sản phẩm vị thế.

Những nghiên cứu về hạnh phúc cố gắng xóa bỏ những xem xét trên nhưng chúng có những vấn đề nghiêm trọng của mình – vấn đề cơ bản của việc không đo đếm được của hạnh phúc và vấn đề sở thích thích nghi (đặc biệt với các dạng nhận thức sai lệch).

Tất cả những điều này không có nghĩa rằng chúng ta không nên sử dụng số liệu trong kinh tế học. Nếu như không có hiểu biết về những số liệu then chốt này - như mức sản lượng, mức độ tăng trưởng hay tỷ lệ thất nghiệp và các thước đo về sự bất bình đẳng - việc hiểu biết về nền kinh tế thế giới là không thể. Nhưng chúng ta cần sử dụng chúng khi hoàn toàn nhận thức được những con số này nói và không nói cho chúng ta biết những điều gì.

 

"Economics - Cẩm nang kinh tế học" xuất phát từ ý tưởng của nhà xuất bản Penguin gợi ý cho giáo sư Ha-Joon Chang viết một cuốn sách giới thiệu về kinh tế học có thể tiếp cận được đông đảo người đọc. Ông đã phối hợp cùng với các biên tập viên và các cộng sự trong nhiều lĩnh vực để có góc nhìn đa chiều hơn, gần gũi hơn cho đọc giả. Và cuốn sách được hoàn thành sau hai năm với sự giúp đỡ của nhiều người.

Bằng cách đặt vấn đề một cách vô cùng thông minh và có tính hài hước, Ha-Joon Chang đã “giải thiêng” một số quan điểm như: kinh tế học nghiên cứu về “cuộc sống, vũ trụ, và mọi thứ”, hay sự khó khăn chuyên ngành chỉ dành riêng cho các chuyên gia kinh tế học. Cẩm nang kinh tế học chỉ ra rằng, kinh tế học thực sự là vấn đề mà tất cả chúng ta đều phải quan tâm chứ không riêng các chuyên gia.

Ông với mục tiêu rất rõ ràng: chỉ cho người đọc cách suy nghĩ, chứ không phải suy nghĩ gì, về nền kinh tế. Phần đầu của cuốn sách đã đi từ việc hướng dẫn độc giả “Làm quen với kinh tế học”: bàn về kinh tế học là gì (một ngành nghiên cứu về nền kinh tế), nền kinh tế là gì, bằng cách nào nền kinh tế của chúng ta phát triển như ngày hôm nay, và những cách khác nhau để tìm hiểu kinh tế học và ai là những tác nhân kinh tế chính. Sau khi đã “quen thuộc” với kinh tế học, tác giả thảo luận về cách chúng ta có thể “sử dụng” nó để hiểu về thực tiễn của nền kinh tế thế giới.

“Tôi chỉ là một người tiêu dùng thông tin được đưa ra bởi các nhà kinh tế chuyên nghiệp, vậy tôi phải làm gì với kiến thức mới này? Thực sự bạn có thể – và nên làm rất nhiều điều với kiến thức này” - chính là điều Ha-Joon Chang mong mỏi ở độc giả.

Phanh

Trạm Đọc.

Tags: