La la land: Tín tâm và tình yêu
La la land: Tín tâm và tình yêu
Tình ái, bề ngoài đó là ham muốn chinh phục, gắn kết và giao hòa về thể xác và linh hồn, nhưng trong bản chất đó là khát vọng bản thể được nâng lên, làm chủ một phương thế giới. Nhận thức được gốc rễ đó, ta mới hiểu vì sao hạt mầm tình yêu có thể âm thầm nảy nở từ trước khi có cuộc chuyện trò đầu tiên của đôi uyên ương, và ngược lại, hạt mầm của sự đổ vỡ cũng có thể âm thầm nảy nở từ trước khi mối tình chính thức bắt đầu.
Tình yêu có thể đến bất thần bởi một khoảnh khắc lay động, sự giao cảm tình cờ giữa hai con người làm mở ra một cõi giới đáng mơ ước. Nhưng tình yêu cũng có thể đột ngột chênh vênh bên bờ vực thẳm sau khi đôi tình nhân tưởng chừng đã gắn bó khăng khít và dâng hiến cho nhau rất nhiều – mọi sự dâng hiến trong tình yêu, dù là vật chất hay tinh thần đều không đủ, nếu những trụ cột căn bản cho một phương thế giới thiêng liêng của hai người bị lung lay từ lúc nào mà họ không hề hay biết. Tất cả những sắc thái chuyển hóa tinh tế và sâu sắc đó được khắc họa bằng những cảm xúc tự nhiên chân thật trong La La Land.

[bài tiết lộ nội dung phim]

 

 

Tiếng đàn trong đêm của Seb

 

 

Bộ phim khởi đầu theo cách thông thường như nhiều câu chuyện khác mà chúng ta có thể đã từng nghe. Mia, một cô gái trẻ chật vật trên con đường tìm chỗ đứng trong nghề diễn xuất. Nàng có đam mê, có tài năng, với khả năng chuyển hóa nhân vật qua vài sắc thái tâm lý khác nhau một cách tự nhiên chỉ trong vòng chưa đầy một phút diễn thử. Nhưng tài năng của nàng hầu như chẳng được ai quan tâm, hằng ngày cô gái vừa làm công việc của một nhân viên tính tiền trong quán cafe, vừa tranh thủ tham gia các buổi thử vai diễn, và chìm lấp trong vô vàn những nghệ sỹ vô danh khác cùng cảnh ngộ ở thành phố Los Angeles. Chẳng ai trao vai diễn cho nàng, họ thản nhiên gạt nàng sang một bên như một món đồ dư thừa.

 

Việc tạo ra những cảnh ngộ thua thiệt và hình tượng những con người vật lộn tay trắng để qua đó xây dựng sự đồng cảm với nhân vật vẫn thường là mô tuýp quen thuộc của những câu chuyện tình yêu trên phim ảnh. Công thức phổ biến thường là: tạo cảnh ngộ phù hợp để xây dựng sự đồng cảm với nhân vật, song song với đó tạo những sự tương tác giữa các nhân vật theo xu hướng ngày càng gần gũi, từng bước khiến khán giả cảm thấy người này là một phần gắn kết trong cuộc sống của người kia, rồi dần dần đến một thời điểm nhất định nào đó – thường là có sự trắc trở hoặc hiểu lầm khiến hai người xa cách, người này mới chợt nhận ra khoảng trống hụt hẫng bởi thiếu vắng người kia, v.v. – chất keo đủ đậm đặc để mối tình chính thức được khán giả công nhận.

Nhưng để khắc họa một tình yêu sét đánh, La La Land không thể đi theo quy trình sáo mòn đó. Sự kết hợp giữa một kịch bản hay, tài năng của đạo diễn, diễn viên, và đặc biệt là khâu dựng phim hết sức thông minh và chính xác, đã cho phép mối tình bừng nở một cách hoàn toàn thuần khiết tự nhiên ngay từ khoảnh khắc gặp gỡ thứ hai của hai nhân vật chính – cả hai khoảnh khắc khắc đều chỉ vụt thoáng qua, trước khi họ có cuộc chuyện trò đúng nghĩa đầu tiên.

Để làm được điều đó, câu chuyện mở đầu về Mia trong bộ phim được vùi xuống thêm một tông trầm, với tình tiết cô gái thất vọng sau lần diễn thử thất bại, cùng chúng bạn đến một buổi dạ tiệc mong tìm cơ may làm quen được với ai đó trong đám đông, một quý nhân quyền lực có khả năng giúp mình thăng tiến trong sự nghiệp, nhưng tất cả những gì nàng tìm thấy chỉ là sự lạc lõng giữa cuộc vui rộn rã của đám đông ham hố phù phiếm.

Phố đêm vắng, cô gái đi bộ về một mình lặng lẽ. Trong cái nền cô quạnh tĩnh lặng đó, bỗng vang lên tiếng piano sau cánh cửa quán ven đường. Tiếng đàn nhỏ nhẹ, điềm đạm, phần nào trầm buồn nhưng thanh khiết, và cùng nhịp với bước chân của Mia khiến nàng ngay lập tức bị lôi cuốn. Nàng mở cửa và thấy Sebastian (Seb) đang ngồi đó bên chiếc đàn piano, hoàn toàn tương phản với ấn tượng anh chàng cáu kỉnh khi hai người tình cờ bắt gặp nhau thoáng qua trong một lần kẹt xe trước đó vào buổi sáng. Nhưng trong lần tương ngộ thứ hai, Seb hoàn toàn chú tâm vào bản nhạc ngẫu hứng của anh. Tiếng đàn hầu như chỉ có một tiết tấu duy nhất, đơn giản và cô đọng. Từ hai bàn tay chàng trên phím đàn vang lên hai chuỗi âm thanh, khi bắt đầu chậm rãi cùng lên xuống song song với nhau, sau đó chuỗi âm thanh cao độ dần được đẩy cao hơn nữa, biến thể phức tạp hơn, gay gắt, thách thức, và trắc trở. Nhưng chuỗi âm thanh bên dưới vẫn mạch lạc, điểm những nhịp chắc chắn, vững vàng và cân đối.

Đây là một khoảnh khắc tuyệt vời riêng có của điện ảnh, bởi chỉ có điện ảnh (hoặc nhạc kịch) mới cho phép kết hợp giữa văn học và âm nhạc theo cách như vậy. Nếu như phần đầu của bộ phim có thể được coi như vẫn thuộc lãnh địa của văn học, nơi câu chuyện về Mia trong phim có thể được một nhà văn tái tạo bằng lời, diễn đạt tương đối chính xác những tình tiết và tâm trạng của nhân vật, thì đến phần tiếng đàn của Seb việc tái tạo thành lời hầu như là không thể, bởi âm nhạc cô đọng và vô ngôn. Cũng chỉ âm nhạc mới có sức mạnh ưu việt để mở ra cánh cửa bước vào một không gian khác, xâm chiếm con tim của cô gái (cũng như của khán giả) một cách tức thời như vậy.

Ngược lại, nếu không đặt trong tương quan câu chuyện trước đó về Mia, nếu không có khung cảnh nền con phố tối tăm vắng lặng, một chiếc xe hơi mở nhạc xập xình chạy xa dần, cô gái cô đơn lặng lẽ đi ngang qua bức tranh tường nhợt nhạt trong bóng tối vẽ những gương mặt diễn viên điện ảnh tài hoa một thời, thì tiếng đàn nhỏ nhẹ của Seb không thể nổi bật, vang vọng, rành rọt đến thế. Âm nhạc vô ngôn, nhưng chúng ta biết chính xác những tình tiết Mia đã trải qua, diễn biến tâm trạng của cô, và từ đó luận giải xúc cảm của cô khi nghe tiếng đàn. Từng nốt nhạc dưới tay Seb như thể đối thoại với tâm trạng của Mia sau những thất vọng mà cô đã trải qua, tháo gỡ những bế tắc, mang đến ngọn đèn giữa đêm tối, nhắn nhủ rằng dù con đường đi phía trước có lúc gập ghềnh, những trắc trở không tránh khỏi, nhưng trong tim bạn có một ngọn lửa, một niềm tin giản dị nhưng bền bỉ, không lay chuyển.

Giây phút đó trong vô thức trái tim Mia đã thuộc về Seb. Để đảm bảo tính hiện thực và hấp dẫn của mạch truyện, kịch bản không cho hai nhân vật ngay lập tức đến với nhau mà tiếp tục thả ra rồi sau mới buộc lại, nhưng dù thế nào thì mối tình của họ được đánh dấu từ khoảnh khắc thiêng liêng ban đầu ấy.

 

 

Tín tâm và tình yêu

 

 

Tiếng đàn của Seb không chỉ tình cờ là một sự đồng cảm, động viên phù hợp với tâm trạng, cảnh ngộ của Mia, mà còn mang đến cho nàng một món quà quý giá hơn tất thảy: giúp nàng nhận ra tín tâm của mình. Tín tâm là điều khiến ta tin tưởng vào bản thân, trung thành với mục tiêu và những giá trị mình theo đuổi. Tín tâm cũng là trụ cột căn bản nhất để người ta tự định vị và yêu quý bản thân mình. Chỉ khi có tín tâm, con người mới thực sự trong tư thế làm chủ cuộc đời. Không có tín tâm, đời sống chỉ là một chuỗi những sự nhượng bộ trước số phận, giống con tàu xiêu dạt trên biển lớn mà không có la bàn định hướng.

 

Trước khi gặp Mia, Seb là một nghệ sỹ vốn đã sẵn có tín tâm trong mình. Chàng luôn ấp ủ trong tim một hoài bão, đó là khơi lại ngọn lửa đang tàn lụi của nhạc jazz truyền thống dù nó không còn hợp với gu đại chúng. Seb nuôi chí kiếm tiền để mở một quán nhạc jazz truyền thống, bất chấp điều ấy nghe thật viển vông khi chẳng ai muốn trả tiền để nghe chàng chơi loại nhạc này. Hằng ngày chàng chật vật bươn chải chạy ăn từng bữa, bị buộc phải thỏa hiệp và chơi đủ thứ nhạc thượng vàng hạ cám tùy theo yêu cầu của khách hàng. Nhưng bất chấp tất cả, Seb luôn bướng bỉnh hướng về phía trước và không để trở ngại nào dập tắt được ngọn lửa dẫn đường trong tim. “Tôi để cuộc đời tha hồ nện mình cho tới khi nó phát ngán, rồi tôi sẽ nện lại, một phong cách rope-a-dope [1] cổ điển”, chàng nói.

Tuy nhiên, đâu đó trên con đường tình với Mia, Seb thay đổi. Chuyện ấy dường như bắt đầu từ một buổi sáng khi anh tình cờ nghe Mia nói chuyện điện thoại với mẹ của cô. Mia trấn an mẹ mình trước những băn khoăn của bà về tương lai đôi uyên ương khi con đường sự nghiệp phía trước của Seb đầy bấp bênh. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Sự thay đổi trong tư tưởng chàng trai trẻ có từ sớm hơn rất nhiều, ngay khi những cảm xúc tình yêu đầu tiên len lỏi trong tim Seb sau lần đi chơi chung đầu tiên của hai người. Họ tạm biệt nhau ở quán Ngọn hải đăng, chàng trai không về ngay mà nán lại, đi lang thang trên cảng biển lúc hoàng hôn. Có điều gì đó khuấy động trong tâm tư khi chàng cất tiếng hát:

 

Thành phố của những ngôi sao
Ánh sáng của người liệu có dành cho riêng tôi?
Thành phố của những ngôi sao
Rất nhiều điều tôi không thể thấy
Có ai biết được?
Đây là khởi đầu của một điều tuyệt vời
Hay lại thêm một giấc mơ nữa không thành

 

Chính tình yêu đã khiến Seb thay đổi. Có thể là nỗi băn khoăn về sự được, mất, về đôi lứa liệu có nên duyên đã khiến chàng trai bất an. Cũng có thể sự tương tác với Mia, khi cô mở lòng chia sẻ những trải nghiệm và cảm nhận của mình với chàng, đã đưa chàng đến với một không gian mới mẻ chưa từng biết đến, khiến chàng háo hức, hồi hộp, nhưng cũng đồng thời mất đi tâm thế của người hoàn toàn làm chủ thế giới của bản thân.

Seb không còn chỉ là người chiến binh chiến đấu vì nhạc jazz truyền thống vĩ đại, nay chàng có thêm một cuộc chiến mới: chinh phục và bảo vệ tình yêu. Dần dần, và cuộc chiến thứ hai này mới ngày càng chi phối, chàng cảm thấy rằng “điều tất cả chúng ta muốn thực chất là tình yêu”:

 

Một cái nhìn vào đôi mắt ai đó
để những bầu trời bừng sáng lên
mở ra thế giới và cứ để nó xoay vần
không cần biết ta sẽ đi đến đâu,
bởi tất cả những gì ta cần là xúc cảm điên cuồng này… [2]

 

Đó cũng là khi chàng chấp nhận đánh đổi, quên đi hoài bão và tín tâm mà chàng đã gìn giữ suốt một thời trai trẻ. Từ chỗ kiên quyết theo đuổi nhạc jazz truyền thống và chỉ chấp nhận chơi các loại nhạc khác để kiếm sống trong tạm thời, Seb chuyển sang ký hợp đồng dài hạn với một ban nhạc chơi jazz kiểu cách tân. Từ một người khắc kỷ khép mình, chàng chuyển sang chiều theo thị hiếu nghe nhạc của đám đông, trở thành một bộ phận trong cỗ máy kiếm tiền của ngành giải trí. Chàng làm tất cả những gì cần thiết để bảo đảm một tương lai ổn định, chắc chắn hơn, nhân danh tình yêu.

Tuy nhiên, Seb không biết rằng chính tín tâm mới là điều tốt đẹp nhất Mia tìm thấy ở anh, là ngọn hải đăng của cô trong đêm tối, nguồn động viên chân thành nhất giúp cô vững lòng trên con đường nghệ thuật khắc nghiệt. Khi Seb từ bỏ tín tâm của mình, Mia không còn nhận ra anh, tình yêu cô dành cho anh lung lay tận gốc rễ. Cô cũng ngờ vực tín tâm của chính mình, thế giới của cô chao đảo. Lại thêm một lần diễn nữa thất bại đau đớn và cô gái sụp đổ, tự nhủ đó là lần cuối cùng cô “chịu đựng nhục nhã”. Dù Seb cố an ủi “chúng ta hãy về nhà thôi”, nhưng Mia hoàn toàn tuyệt vọng: “không có nhà nào cả, không còn nữa!”

Quá trình đi đến sự đổ vỡ tình duyên của đôi uyên ương trong La La Land phần nào giống như kết cấu một truyện ngụ ngôn nào đó về tình yêu. Tín tâm của chàng trai truyền cảm hứng trong tiếng đàn, giúp chàng giành được tình yêu của cô gái. Nhưng rồi cũng chính tình yêu đã khiến tín tâm của bản thân chàng dao động. Để bảo vệ tình yêu, nghĩ rằng ngọn lửa tình yêu là tất cả những gì cần cho hạnh phúc, chàng trai từ bỏ đi tín tâm của mình. Hậu quả là một phương thế giới của cả hai người sụp đổ và tình yêu cũng tan vỡ.

Câu chuyện kết thúc với việc cả Mia và Seb đều đứng dậy sau thất bại, tìm lại được tín tâm của mình và cuối cùng thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, mối tình của hai người không bao giờ được phục hồi. Mia phải ra nước ngoài để theo đuổi vai diễn có ý nghĩa đổi đời của cô, trong khi Seb quyết định ở lại tiếp tục kiên trì theo đuổi ước mơ trước đây. Họ vẫn yêu nhau, nhưng mỗi người đều phải toàn tâm theo đuổi con đường nghệ thuật nghiệt ngã của mình, xác định rằng như thế mới đúng với tín tâm của họ.

 

 

Thủ pháp tương phản xuyên suốt

 

 

Với một bộ phim với chuỗi tình tiết hết sức hữu hạn như La La Land, việc kể một câu chuyện vừa minh giản vừa lôi cuốn người xem là điều bất khả thi nếu thiếu tầm nhìn bao quát và tinh tế của Damien Chazelle. Vị đạo diễn trẻ chưa đầy 32 tuổi thể hiện kỹ năng chỉ đạo hoàn hảo, từng chi tiết nhỏ hàm chứa những biểu cảm sâu sắc, khiến những cảnh nền đơn giản cũng trở nên đầy ắp tính hàm súc. Đơn cử như chỉ một tích tắc lướt qua ánh mắt và thần thái hóm hỉnh gương mặt diễn viên Ingrid Bergman trên tấm poster trong phòng Mia và trạng thái của tấm poster (mở rộng hay cuộn lại một phần) đều có thể là sự biểu cảm phản ánh tâm thế và hoàn cảnh của Mia ở các thời điểm khác nhau trong phim.
 

Kỹ lưỡng từng ly nhưng đồng thời Damien cũng rất dũng cảm khi sử dụng các diễn viên không chuyên về ca nhạc đóng các vai chủ chốt trong một bộ phim âm nhạc, thậm chí rất chú trọng sử dụng giọng hát mộc mạc, không chau chuốt của họ, và khai thác những trường đoạn chơi nhạc “sống”. Sự táo bạo đó khiến bộ phim toát lên đúng thần thái của các nhân vật Seb và Mia, những con người trẻ tuổi còn chập chững chơi vơi nhưng đầy chất nguyên sơ trên con đường nghệ thuật.

Không kém phần ấn tượng là tay nghề của nhà dựng phim Tom Cross, người đã bố trí tất cả những thời khắc mấu chốt của phim đều khớp một cách chính xác trong sự chuyển giao giữa các sắc thái tương phản nhau sâu sắc, qua đó làm nổi bật xúc cảm của từng cảnh phim quan trọng. Tiếng đàn của Seb nổi bật lên nhờ tông trầm thấp cả về tâm lý và thị giác khi Mia rời bữa tiệc ra về một mình trong phố đêm. Sự sụp đổ, tổn thương của hai tâm hồn sau những thất bại, đổ vỡ, làm nổi bật lên sắc thái mạnh mẽ quả cảm của Mia trong phút thăng hoa khi diễn thử cho vai diễn quyết định thay đổi số phận của cô.

Và đặc biệt nhất là cái kết kịch tính, khi Seb tình cờ gặp lại Mia, lúc này đã kết hôn, có con, hạnh phúc và thành đạt. Khoảnh khắc ấy, trong tâm tưởng Mia vụt qua những hình dung về một số phận khác cô có thể có nếu hai người họ chưa từng chia tay, họ vẫn có thể cùng thăng hoa trên con đường nghệ thuật, và/hoặc đơn giản là có con và cùng nhau chia ngọt sẻ bùi bên mái ấm gia đình đơn sơ bình lặng. Nhưng tất cả những hình dung tuyệt đẹp đó chấm dứt khi cô phải đối diện với thực tại, Seb chơi tặng cô lần cuối bản nhạc định mệnh đã khởi nguồn cho tình yêu của họ. Sự tương phản gay gắt giữa thực tại với cái “giá như” trong tâm tưởng cũng giống như nỗi đau sắc lẹm của mối tình duyên dang dở, một vết thương không bao giờ lành.

Tuy nhiên, tự thân vết đau cũng mang lại hiệu ứng tương phản trong lòng khán giả, thúc đẩy khao khát cho một sự hồi sinh, một tình yêu bất tử; một sự nâng đỡ, đưa bản thể chúng ta lên một tầm cao hơn, nhắn nhủ rằng đừng bao giờ đánh mất tín tâm, cho dù điều ấy đồng nghĩa bầm dập do va đập mà cuộc đời mang lại, thậm chí cả những vết đau xuyên thấu, nếu điều ấy là cần thiết để chúng ta giữ được cái đẹp nguyên sơ bên trong mình, điều khiến chúng ta là chính mình và lớn lao hơn số phận; cũng chỉ có như vậy ngọn lửa tình yêu mới có thực và còn mãi.

Theo Tia Sáng

Phạm Trần Lê

Chú thích:

[1] Rope-a-dope: chiến thuật phòng ngự phản công trong quyền anh
[2] Lời bài hát song tấu City of stars trong phim.

Tags: