Lặng yên dưới vực sâu: Bi kịch tình yêu và cuộc đời bị số phận giày xéo của mỗi con người
Lặng yên dưới vực sâu: Bi kịch tình yêu và cuộc đời bị số phận giày xéo của mỗi con người
Câu chuyện diễn ra ở U Khố Sủ - một thôn làng của người H’Mông ở miền núi Hà Giang, nơi Súa và Vừ yêu nhau say đắm. Súa chỉ đợi ngày Vừ đến “bắt vợ”, rồi sau đấy hai đứa sẽ sống hạnh phúc bên nhau. Thế nhưng trời không chiều lòng người, Vừ chưa đến, thì Tráng A Phống đã đến, và rồi đôi lứa chia xa.
 
 

Súa cứ ngồi nghĩ linh tinh cho đỡ nóng ruột. Xung quanh Súa đom đóm sáng lập lòe, dế kêu ri ri, gió thổi lay phay tạt qua mặt, mang theo mùi tanh tanh của trứng cá. Mùa này cá đang đẻ trứng. Thỉnh thoảng lại có tiếng cá quẫy bũm một cái. Nhưng Súa chẳng chờ được Vừ. Vừ còn đang trên đường thì Phống đã đến trước. Phống dùng một tấm chăn to, trùm kín lấy Súa, vác lên vai chạy một phát về thẳng nhà.

Những chuyện ép cưới ép gả thường chẳng bao giờ có kết quả tốt. Và điều đó đặc biệt đúng với Lặng yên dưới vực sâu. Khi bị bắt về, Súa đã từng bỏ trốn và thậm chí nghĩ đến cả chuyện kết thúc cuộc đời dài chỉ trong một khoảnh khắc.

Đi qua những bụi sa nhân đầy ốc sên bám ở gốc, Súa đã đứng trước một cái vực, sâu thật là sâu. Một cái vực. Miệng vực mở ra như bóng đêm. Bên kia vực, vách đá dựng thẳng tắp. Vài cái cây gầy, chẳng có lá, bám lấy khe đá mà đứng. Súa nghĩ, mình sẽ nằm dưới kia, tít dưới kia, lặng yên mãi mãi.

Nhưng cả khi đã chấp nhận cuộc sống buồn tủi này chỉ vì đứa con mới ra đời, Súa lại đột ngột nhận được một “bất ngờ” khó tả từ Phống:

Trên giường của hai vợ chồng, trên tấm chăn do chính Súa dệt cả tháng mới xong, có hai người đang cuốn chặt lấy nhau… Kinh khủng hơn, đáng sợ hơn, ghê gớm hơn là cái đứa gái đang nằm dưới người Phống. Tổ tiên có sống lại cũng không chịu nổi chuyện này. Súa có chết đi hai ba lần cũng không tin nổi chuyện này. Đứa gái ấy chẳng phải ái khác, chính là em dâu Phống, là vợ thằng em con ông chú ở sát hàng rào, cái Chía.

Súa đau đớn, nhưng kẻ gây nên đau đớn cho Súa - Tráng A Phống cũng là một kẻ đáng thương hơn đáng giận:

Tao nói thật. Mày muốn thì tao mang trả mày cho thằng Vừ. Đừng có bắt tao phải nhìn mày nữa. Mày… mày như ma ấy, có phải là người đâu. Người mà như mày à? Vợ mà như mày à? Mày chỉ muốn tao chết thôi. Tao chết thì mày vừa có nhà, vừa có chồng mới. Mày ác lắm…

Cạnh nhà Tráng A Phống có một bờ vực sâu thăm thẳm. Tráng A Phống đã vùi mình dưới vực, Chía cũng vùi mình dưới vực, thậm chí có thể cả Súa cũng đã chôn thây nơi đó. Đó là nơi mọi chuyện kết thúc, nơi những con người tưởng đáng trách, đáng giận mà cũng đáng thương kết thúc cuộc đời đầy đau khổ của mình. Bờ vực đen ngòm, tĩnh lặng, nuốt trọn toàn bộ đắng cay của một kiếp người.

Trạm chọn Lặng yên dưới vực sâu bởi đây không đơn thuần chỉ là câu chuyện về bi kịch tình yêu, nó còn là câu chuyện về số phận của những con người tại một vùng đất tưởng như đơn giản, chất phác mà lại cũng lắm rối ren. Tác giả đã mượn câu chuyện để lên án gay gắt sự biến tướng của “tục bắt vợ”. Tập tục này đã không còn giữ được vẻ đẹp hồn nhiên của nó nữa. Nó đã bị ô uế bởi lòng tham của những kẻ vụ lợi. Chưa bao giờ, một tập tục truyền thống lại trở nên đáng sợ nhường ấy với những người dân đã tôn trọng và gìn giữ nó.

Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975, quê tại Hà Giang, hiện đang là biên tập viên cho báo Văn Nghệ Quân Đội. Chị đã từng được giải Nhất cuộc thi sáng tác của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với chùm truyện ngắn: Ngải đắng trên núi, Mùa cá nổi, Sau những mùa trăng… Năm 2005, tiểu thuyết Bóng của cây sồi đạt giải C của nhà xuất bản Thanh Niên. Truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy đã được đạo diễn Ngô Quang Hải dựng thành bộ phim Chuyện của Pao (giải Cánh diều vàng năm 2006).
Tags: