Lời giải cho những khoảnh khắc:
Lời giải cho những khoảnh khắc: "Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"
Hầu hết chúng ta đều từng mất kết nối với cảm xúc của chính mình. Đây cũng là lý do của mọi rắc rối trên đời!

Khi chúng ta lần đầu nghe đến khái niệm này, có vẻ thật kì lạ, thậm chí hơi xúc phạm. Làm sao mà chúng ta lại không biết mình đang cảm nhận điều gì cơ chứ?

Dĩ nhiên khi nhìn từ ngoài vào, chúng ta giống như những cá thể thống nhất: đều mang một cái tên và có hình dạng cụ thể. Các phần trong cơ thể cách nhau không đáng kể. Thế nhưng sao mỗi người lại khác nhau đến nỗi ai cũng chứa đựng rất nhiều bí mật? Trên thực tế, đời sống tinh thần có (ít nhất) 2 phần riêng biệt: phần cảm nhận và phần quan sát. Đôi lúc hai phần này hoàn toàn trùng khớp. Khi có người hỏi ta có muốn ăn gì vào bữa tối, và hai phần này ngay lập tức đưa ra một thông điệp thống nhất, ta sẽ không nhận ra sự khác biệt mà đơn giản trả lời ta muốn ăn pizza.

 

 

Đôi khi việc trở nên phức tạp hơn. Khi đang ngồi nghỉ trên ghế sau một ngày dài ở chỗ làm, ta cảm thấy khá dễ chịu. Nhưng đột nhiên bố mẹ lại khiến ta khó chịu chỉ với một lời khiển trách cỏn con. Chúng ta đứng bật dậy và bắt đầu la hét về sự bất công cùng mọi vấn đề mà trước đó ta chẳng hề bận tâm, rồi sớm muộn rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Tại sao phần quan sát lại gặp khó khăn khi phải báo cáo cảm xúc chính xác? Đầu tiên, vì chúng ta phải chịu đựng định một kiến thường trực: một số cảm xúc không được chấp nhận. Để hiểu chính mình, ta dựa vào mức độ làm chủ bản thân, dũng cảm và trung thực trong môi trường xung quanh. Chúng ta bị cầm tù bởi những điều xã hội cho là bình thường. Suốt thời thơ ấu, chúng ta đã vô thức tự tiêm nhiễm vào chính mình những ý niệm mạnh mẽ về thứ được và không được phép cảm nhận.

Có thể đây là những quan niệm truyền thống về việc những đứa bé trai không được phép cảm thấy ủy mị và những bé gái không được phép nuôi tham vọng nhất định vì sợ thiếu-nữ-tính. Ngày nay chúng ta không còn những cấm đoán rõ ràng ngây ngô như vậy, nhưng có những thứ quyền lực tương đương đã thay thế vào đó. Chúng ta có thể bắt gặp những lời ám chỉ bí mật mà đầy quyền lực rằng chẳng ai tử tế mà lại ham kiếm tiềm, hoặc không có khả năng đương đầu với công việc, hay bị cám dỗ bởi vấn đề tình cảm hoặc vẫn đau khổ vì một cuộc chia tay ba năm trước. Hơn nữa, mặc dù thời nay tinh thần được giải phóng khỏi định kiến về giới, phần lớn nghĩa vụ về giới của chúng ta vẫn chưa được giải quyết. Vẫn có rất nhiều điều ta không được phép cảm nhận để phù hợp với hình mẫu của “con trai” hay “con gái”.

 

 

Khi những cảm xúc khó khăn đe dọa xuất hiện, phần quan sát thường sợ hãi và tránh né. Thay vì thành thực miêu tả cảm xúc, nó trở nên tê liệt hoặc cố gắng đưa ra một báo cáo để chấp nhận được chứ không phải sự thật: “Tôi cảm thấy rất mệt mỏi” thay vì “Tôi cảm thấy bạn vừa làm tôi thất vọng”, “Tôi suy sụp” thay vì “Tôi giận sôi máu”, “Thứ đó thật sự kinh tởm” thay vì “Tôi đang thích thú lạ lùng”.

Vấn đề của ta được tạo thành từ cách rất nhiều những cảm xúc quyền lực – đặc biệt như buồn bã, ghen tị và tức giận – xuất hiện từ những chuyện tưởng như rõ ràng tầm thường và dường như vô nghĩa. Thật khó khi phải thừa nhận với bản thân rằng một vấn đề lớn và có ảnh hưởng có thể nổ tung bên trong chúng ta khi dường như chẳng có nguyên nhân hợp lý. Ví dụ, ta có thể cực kỳ ghen tị một cách vô lý khi nghe người bạn kể về người quen mới được thăng chức. Hay đó là khi đối tác không tập trung trong ba giây khi ta đang cố gắng giải thích những vấn đề phức tạp trong công việc, khi ta cảm thấy giận sôi máu và tổn thương tự trọng khi không được người yêu quan tâm.

Chúng ta im lặng vì thừa nhận cảm xúc buồn bã bao gồm phải thừa nhận mình yếu đuối đến xấu hổ. Nhưng cho dù bị lờ đi, những cảm xúc này không hề biến mất. Chúng dùng dằng và tỏa ra năng lượng vào những vấn đề liên quan. Ghen tị biến thành thù hằn. Giận dữ biến thành lời chê trách đối phương sao lại béo quá – mặc dù khi ta biểu lộ tổn thương bằng những hành động khó chịu, ta sẽ không còn cơ may được thông cảm.

 

 

Những cảm xúc không được xử lí có thể gây hại. Chúng phát triển thành rắc rối, phẫn nộ và buồn rầu. Chúng khóa buộc và làm cơ thể căng thẳng. Chúng biến thành những ký sinh trùng nguy hiểm, co rút cơ mặt, liệt dương, mất khả năng làm việc, nghiện rượu, ám ảnh với phim đen. Phần lớn những chứng nghiện là những triệu chứng cơ bản của những cảm xúc khó khăn kéo dài mà chúng ta chưa tìm ra cách để xử lí.

Vậy làm thế nào để quan sát và thông hiểu những cảm xúc của chính mình? Việc đọc đóng một vai trò cực kì quan trọng. Để biết cách nhận ra những cảm xúc đang bay ngang qua bán cầu nhận thức, ta dựa vào một quyển sách hướng dẫn sử dụng nội tâm tốt viết về về những hiện tượng có thể xảy ra.

Nhiệm vụ cốt yếu của văn chương là giúp ta điền vào quyển sách hướng dẫn nội tâm này. Một tiểu thuyết gia vĩ đại có thể đưa chúng ta đi qua một loạt cảm giác phức tạp trong tính cách nhân vật giả tưởng, từ đó khiến ta dễ dàng nhìn nhận những cảm giác đó ở trong chính mình. Nhà văn là một người kiên nhẫn hiếm có với những điều gây tò mò, ít được nhắc tới và rõ ràng kì quặc hơn trôi nổi trong đầu óc con người. Một tác phẩm quan trọng của văn chương giống như một bản ghi chép trong từ điển cảm xúc của loài người. Một cuốn sách vĩ đại có thể khiến chúng ta có những cảm nhận kì lạ và đẹp đẽ để hiểu về chính mình tốt hơn ta vẫn nghĩ.

 

 

Một cách khác là đảm bảo đủ thời gian tự quan sát mỗi ngày. Nghe có vẻ buông thả khi dành một vài tiếng đồng hồ vào buổi tối ngồi và nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc quanh giường ngủ, với một tập giấy và một cây bút trên đùi. Những khoảnh khắc tưởng chừng lười biếng này là lúc phần quan sát cuối cùng cũng có thể bắt kịp với những cảm xúc mà quá xấu hổ, ngại ngùng hoặc khó chịu xuất hiện vào cuối ngày. Chúng giống như tiếng chuông nhà thờ chúng ta chỉ có thể nghe thấy vào buổi tối, khi giao thông thành phố đã tắt lịm. Nếu không có khoảng thời gian này, ta có thể bị mất ngủ hay rơi vào một loạt vấn đề khác. Chứng mất ngủ là sự trả thù của cảm giác vì những suy nghĩ không được xử lý đúng cách.

Việc ở cạnh những người có thể giúp ta định hình và xử lý cảm xúc đúng cách cũng có ích. Họ là những người giỏi lắng nghe. Có một thính giả sẵn sàng tiếp nhận sự thật về chúng ta là một phần giúp ta hiểu cảm nhận của chính mình. Khi ở bên cạnh những người cởi mở, tâm trí của chúng ta tự do hơn vì ta sẽ ghi nhớ những suy nghĩ sẽ bị ngăn cản nếu ở bên cạnh một người nóng tính hay nhàm chán.

 

 

Hiểu được rằng giữa những gì ta cảm nhận và những gì ta nhận thức được có một cách biệt lớn sẽ giúp ta rất nhiều. Chúng ta bắt đầu hiểu mọi người ai cũng có vấn đề tương tự. Họ thường xuyên nói những điều không thành thực với cảm xúc của mình – như những lời lăng mạ khi bị tổ thương, hay tức giận khi tự ti – và chúng ta nhận ra nên tha thứ cho họ vì họ không thể lúc nào cũng kiểm soát được bản thân để biểu lộ nội tâm theo các chân thật. Suy nghĩ này giúp ta có thể nhìn nhận những hành vi tồi tệ theo cách bao dung hơn.

Cảm xúc thường không hề tuyệt vời và không đáng tin. Nhưng ta nên thừa nhận rằng nếu hoàn toàn làm ngơ, chối bỏ hay bỏ qua những xúc cảm này, hậu quả sẽ càng trở nên tệ hơn: chúng sẽ âm thầm làm hại toàn bộ cuộc sống của ta. Một trong những bí quyết sống quan trọng nhưng thường bị lãng quên, là tập dánh nhãn đúng cho những cảm xúc của bản thân và tôn trọng những cảm xúc nguyên bản ở mọi người và chính mình.

 

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The book of life

Tags: