Lời thanh minh của các nhà khoa học Oxford trong cuộc chạy đua sáng chế vắc-xin COVID-19
Lời thanh minh của các nhà khoa học Oxford trong cuộc chạy đua sáng chế vắc-xin COVID-19
Liệu các nhà khoa học có đốt cháy giai đoạn không? Liệu vắc-xin có thật sự an toàn? Hay thậm chí là: Liệu chúng ta có nên tiêm vắc-xin? Được viết bởi chính những nhà sáng chế vắc-xin, cuốn sách “Vaxxers: Câu Câu Chuyện Về Cuộc Đua Phát Triển Vắc-Xin Chống Covid-19 Của Các Nhà Khoa Học Oxford sẽ phần nào giúp chúng ta gỡ rối những hoài nghi này.
AstraZeneca: Câu chuyện về việc phát triển vắc-xin chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxford
(21 lượt)

Vắc-xin AstraZeneca là một loại vắc-xin có giá thành rẻ và dễ bảo quản, chỉ được sản xuất trong vòng một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Và bạn đã bao giờ thắc mắc về điều gì thật sự diễn ra đằng sau con đường phát triển thần tốc của loại vắc-xin này? Giáo sư Sarah Gilbert và tiến sĩ Catherine Green, hai nhà khoa học chủ chốt trong quá trình phát triển vắc-xin AstraZeneca làm việc tại Oxford, đã quyết định một lần thử bước ra khỏi phòng thí nghiệm để kể lại hành trình này, và từ đó mong muốn dần xóa đi những lầm tưởng về khoa học.

 Vì vậy, cả hai nhà khoa học Sarah Gilbert và Catherine Green đã cùng nhau viết nên cuốn sách “Vaxxers: Câu Câu Chuyện Về Cuộc Đua Phát Triển Vắc-Xin Chống Covid-19 Của Các Nhà Khoa Học Oxford” dưới hình thức tự truyện. Mỗi tác giả đảm nhận từng chương nhất định trong tất cả 13 chương của cuốn sách. Bên cạnh những trình bày về các quy trình trong phát triển và sản xuất vắc-xin nói chung và đặc biệt là vắc-xin chống Covid-19 nói riêng, cuốn sách đồng thời đã cung cấp nhiều thông tin cơ bản, hữu ích xoay quanh các vấn đề về y khoa như virus, vắc-xin, miễn dịch, v.v. nhằm khẳng định sự chặt chẽ và an toàn trong quá trình sản xuất vắc-xin. Tác giả còn hé lộ những khó khăn mà các nhà sáng chế vắc-xin phải đối mặt trong hành trình này, cũng như phần nào đó mở ra tấm màn về cuộc sống cá nhân của những nhà khoa học. Họ là người luôn phải làm việc với những điều vô cùng phức tạp, vượt ra ngoài tầm hiểu biết thông thường của công chúng. Dẫu vậy, Sarah Gilbert và Catherine Green đã làm rất tốt trong việc truyền đạt lại kiến thức trong cuốn sách theo một cách vô cùng đơn giản, dễ hiểu và sinh động.

Tác giả - Nhà nghiên cứu Sarah Gilbert và Catherine Green

Thông thường phải mất đến 10 năm, hoặc thậm chí nhiều hơn, để có thể phát triển một loại vắc-xin mới, sản xuất nó và đưa vào thị trường. Tuy nhiên, trong tình cảnh gấp rút giữa đại dịch Covid-19 và yêu cầu khẩn cấp cho một loại vắc-xin chống lại căn bệnh này, quá trình đã được rút ngắn xuống chỉ còn khoảng một năm. Đây quả là một nỗ lực và thành tựu phi thường. Song, cũng có nhiều nghi ngại dấy lên rằng: Liệu các nhà khoa học có đốt cháy giai đoạn không? Liệu vắc-xin có thật sự an toàn? Hay thậm chí là: Liệu chúng ta có nên tiêm vắc-xin? Được viết bởi chính những nhà sáng chế vắc-xin, cuốn sách “Vaxxers: Câu Câu Chuyện Về Cuộc Đua Phát Triển Vắc-Xin Chống Covid-19 Của Các Nhà Khoa Học Oxford sẽ phần nào giúp chúng ta gỡ rối những hoài nghi này.

Việc phát triển vắc-xin không bắt đầu từ con số “0”

Đại dịch Covid-19 có thể là một kịch bản không ngờ tới đối với nhiều người, nhưng với các nhà khoa học thì khác. Họ vẫn luôn dự tính và chuẩn bị cho một đại dịch toàn cầu - bệnh dịch X, và biết rằng đó là điều không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ nằm ở thời gian. Những nhà khoa học này đã có hàng chục năm học tập, làm việc và nghiên cứu về các virus, mầm bệnh cũng như cách phát triển vắc-xin, đạt được vô số những tiến bộ về khoa học công nghệ. Vì vậy, họ đã nắm trong tay những hành trang cần thiết để sáng chế ra một loại vắc-xin mới và hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.

Một yếu tố quan trọng chính là việc các nhà khoa học đã nắm sẵn trong tay một “công nghệ nền tảng” bào chế vắc-xin từ trước khi đại dịch Covid-19 ập tới, cụ thể là chAdOx1 đối với AstraZeneca. Công nghệ nền tảng giống như một cái khuôn chung đưa ra kiến thức về sản xuất vắc-xin cho nhiều loại khác nhau, giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Đó là lý do vì sao vắc-xin Covid-19 lại được phát triển nhanh đến thế. Các nhà khoa học không hề đi lên từ con số “0” - Vắc-xin không phải thứ được “tìm thấy”, nó là thứ được “sáng chế”. Đó là thành quả của một quá trình dài tích lũy tri thức và kinh nghiệm, của sự nỗ lực và tận tâm.

Nhanh nhưng không ẩu

Tốc độ sản xuất vắc-xin thần kỳ đã đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ an toàn của AstraZeneca, bởi nhiều người nghi ngờ rằng các nhà khoa học phải đốt cháy một giai đoạn nào đó mới có thể đến đích nhanh như vậy. Chính điều này cũng đã đặt các nhà sáng chế tài ba, tâm huyết của vắc-xin AstraZeneca trước áp lực rất lớn của truyền thông và đối mặt với nhiều thông tin sai lệch.

Song, thực tế lại khác. Không một nhà khoa học nào lại có thể đánh đổi lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của mình để tạo ra một loại vắc-xin nhanh, nhưng không an toàn. Covid-19 đã đưa những nhà khoa học ra khỏi cái tôi nghề nghiệp của mình, vì nếu thành công, vắc-xin sẽ có thể cứu sống được rất nhiều sinh mạng. 

Hoàn cảnh buộc họ phải chạy đua với bệnh dịch. Bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, những nhà khoa học đã phải làm việc với một cường độ kinh khủng, dồn toàn bộ thời gian và sức lực cho một dự án duy nhất - sản xuất vắc-xin chống Covid-19 (bình thường, các nhà khoa học này có thể thực hiện nhiều dự án khác nhau cùng một thời điểm). Họ cũng thay đổi cách làm việc của mình: làm song song các quy trình thay vì làm tuần tự. Đây cũng là một sự mạo hiểm, bởi một bước đi sai sẽ khiến họ phải lùi lại, nhưng điều này không hề dẫn đến sự cẩu thả, sơ sài trong bất kỳ giai đoạn nào. Không có một quy trình đảm bảo sự an toàn nào bị bỏ lỡ. Tất cả đều được thực hiện bằng bàn tay tỉ mỉ cũng như sự chăm chỉ và tình yêu khoa học. 

Thời gian, dù là đối với bệnh dịch Covid-19 hay bất kỳ bệnh dịch có sức lây lan nhanh chóng nào khác, sẽ luôn là một ưu tiên hàng đầu trong việc sáng chế vắc-xin. Vì vậy, chúng ta không chỉ cần sự chủ động, kinh nghiệm và tài năng của những người tham gia sản xuất vắc-xin, mà còn cần đến những phản ứng nhanh chóng, phù hợp, kịp thời của các thủ tục, các bên liên quan nhằm hạn chế tối qua hậu quả của dịch bệnh.

Ấn bản do MedInsight phát hành tại Việt Nam

Chuẩn bị cho bệnh dịch tiếp theo

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các nhà khoa học đã cố gắng thuyết phục nhiều người tham gia và đầu tư cho việc chuẩn bị đối phó với bệnh dịch X - mà nay đã được giải mã, chính là đại dịch Covid-19. Những gì chúng ta đang chứng kiến ngày nay chính là kết quả của sự thờ ơ trước những lời cảnh báo đó. Tuy vậy, đây cũng chính là một bài học. 

Dù câu chuyện về đại dịch Covid-19 vẫn chưa đi đến hồi kết, nhưng chúng ta biết rằng, sau này khi căn bệnh quái ác này được chế ngự, thì trong tương lai chắc chắn sẽ còn có những dịch bệnh khác - bệnh dịch Y. Từ những gì chúng ta đã, đang và sẽ còn phải đối mặt với Covid-19, việc chuẩn bị kỹ lưỡng về tri thức và hậu cần về lĩnh vực y khoa, bào chế vắc-xin, nghiên cứu dịch bệnh là điều thiết yếu. Có những người sẽ xem việc sản xuất vắc-xin là một trận bóng chính trị, con người có thể phân biệt lẫn nhau vì sắc tộc, các quốc gia có thể chạy đua và đối kháng lẫn nhau, nhưng virus thì không - nó không phân biệt bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Để chống lại bệnh dịch, chúng ta không chỉ cần tri thức mà còn cần đến lòng trắc ẩn, sự tương trợ, hợp tác lẫn nhau ở một quy mô toàn cầu. Bởi “Không ai có thể khỏe mạnh nếu tất cả mọi người không khỏe mạnh”.

Hành trình phát triển và sản xuất vắc-xin không chỉ là thành tựu của một hay hai thiên tài đơn độc, với những khoảnh khắc “Ơ-rê-ca!” kịch tính, reo hò, vỗ tay, ăn mừng. Trái lại, đó là kết quả từ sự tỉ mỉ, chăm chỉ, tận tâm và nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học - tất cả những bước tiến nhỏ đã tạo nên một thành tựu vĩ đại. Đó cũng là kết quả từ tầm nhìn, sự đồng cảm và dũng cảm của những tình nguyện viên, những người đã ủng hộ vắc-xin và tiêm vắc-xin, những nhà đầu tư và hoạch định chính sách. Con người, quốc gia có thể đi trước trong cuộc đua phát triển, chúng ta có thể sống với cái tôi vị kỷ, nhưng dịch bệnh Covid-19 sẽ nhắc cho ta nhớ rằng chỉ có nỗ lực toàn cầu mới có thể giúp chúng ta vượt qua một thách thức mà cả nhân loại phải đối mặt.

*Cuốn sách được chuyển ngữ và phát hành bởi MedInsight. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách tại đây

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 "VẮC-XIN - Những điều cần biết về tiêm chủng": Làm sáng tỏ những điều chưa biết về vắc - xin

 
 
Tags: