Lời thú tội của một mọt sách: Khi tôi rất nghiện mua sách và...không đọc
Lời thú tội của một mọt sách: Khi tôi rất nghiện mua sách và...không đọc
Mua sách và không thực sự đọc chắc phải là bệnh chung của 90% mọt sách, và đây là cách tôi trị bệnh cho mình.

Tôi yêu sách. Tôi không thể nào rời khỏi hiệu sách mà không mua tối thiểu là một quyển. Nhưng tôi cũng có xu hướng mua sách và không thực sự đọc chúng. Trong khi đang đọc dở, tôi lại bị các hoạt động giải trí khác lôi kéo. Để xây dựng lại thói quen đọc sách, tôi đã thay đổi một số điều đơn giản nhưng có thể khiến tôi duy trì thói quen này - mà không cần phải đọc nhanh như chảo chớp.

 

Tôi biến môi trường xung quanh thân thiện với việc đọc sách hơn

 

Ưu tiên hàng đầu của tôi là khiến việc đọc dễ dàng hơn. Tôi muốn mình giống như dòng điện, tôi muốn trên con đường của tôi có ít vật cản nhất. Nếu có bất cứ chướng ngại vật nào cản trở tôi, tôi sẽ không đọc sách nữa và làm bất cứ việc gì, miễn dễ làm đồng thời làm tôi thỏa mãn ở giờ phút đó.

Trong trường hợp của tôi thì chướng ngại đó thường là bật tivi lên, chat trên điện thoại, chơi game hay ăn cho đến lúc buồn ngủ.

Để thay đổi, tôi rút ra từ một câu trích tôi từng đọc về việc vi phạm bản quyền phần mềm. Nó kiểu như là “Để hạn chế việc vi phạm bản quyền, bạn phải khiến cho sản phẩm của mình dễ mua hơn là dễ tải chùa.”

Về cơ bản, tôi nhận ra rằng tôi đã không có lòng tin về thói quen đọc vì tự tôi khiến việc đọc sách trở nên khó khăn hơn.

Cái đèn của tôi nằm ở một vị trí không hợp phong thủy, tôi không thể dễ dàng chạm vào nút bật tắt từ giường ngủ. Tôi sẽ phải ra khỏi giường để tắt hay bật đèn. Giường của tôi cũng quá cao, đối diện cửa sổ nên tôi không thể nửa nằm nửa ngồi khi tôi không thích nằm đọc. Tệ nhất là tôi có một cái tivi khổng lồ trong phòng. Tại sao phải đọc trong khi tôi buồn ngủ rũ rượi sau khi xem xong chương trình tivi?

Do đó, tôi thay đổi vị trí cái đèn ra một chỗ đắc địa hơn và sử dụng máy Kindle với độ sáng ổn định. Tôi sửa cái giường sao cho tôi có thể nằm thẳng thoải mái, cầm sách mà không sợ sách ụp xuống mặt. Tôi cũng chuyển cái tivi ra khỏi phòng. Chỉ riêng cái việc chuyển tivi đã là một thay đổi lớn đối với tôi. Tôi cũng chuyển hệ thống chơi game cầm tay đi và không còn để điện thoại gần giường để không có thứ gì cám dỗ được tôi khi tôi đang đọc sách.

Giờ tôi chỉ có thể làm một vài việc trong phòng: Tôi có thể đọc sách, nghe nhạc hoặc ngủ - thế thôi.

Môi trường đọc sách hoàn hảo là nơi cầm sách lên trở thành lựa chọn dễ nhất.

 

Tôi “tha” sách đi khắp nơi

 

Tôi từng nói về việc mang sách bên người trước đây - giống như khi bạn có một cái hạn chót để đọc - nhưng tôi không thực sự tạo được thói quen này cho đến khi tôi đọc câu chuyện cây viết Neil Pasricha trên Harvard Business Review nói về nhà văn Stephen King:

... Stephen King đã khuyên mọi người đọc khoảng năm tiếng một ngày. Người bạn tôi nói: “Cậu biết đấy, thật vớ vẩn. Ai mà làm nổi?”. Nhưng rồi nhiều năm sau, cậu ta đi nghỉ ở Maine. Anh chàng đứng xếp hàng ở một rạp chiếu phim với bạn gái, biết ai đứng đợi ngay trước anh chàng không? Stephen King đấy! Từ lúc xếp hàng, ông ấy luôn chúi mũi vào một quyển sách. Khi họ bước vào rạp, Stephen King vẫn còn đang đọc dưới ánh đèn mờ. Khi đèn sáng trở lại, ông mở sách ra ngay. Ông thậm chí còn đọc khi đang đi nữa.

Câu chuyện này khiến tôi ngộ ra rằng luôn có những khoảng thời gian hữu ích trong từng ngóc ngách của mỗi việc ta làm.

Vì thế tôi bắt đầu dính lấy cái Kindle. Thay vì mở điện thoại ra và cuộn dòng thời gian, hay đọc một đống tin tức không vui, tôi chúi đầu vào Kindle. À vâng, bạn có thể đọc ebook trên điện thoại, nhưng tôi nghĩ đọc thế rất dễ bị xao nhãng bởi các ứng dụng khác và thông báo. Cầm Kindle vậy cũng không phải lí tưởng cho lắm - nó không vừa túi quần sau của tôi và có khi tôi bỏ quên trên xe - nhưng đa số thời gian thì Kindle vẫn kè kè bên người tôi và lúc nào cũng có thể mang ra đọc.

Tôi biết audiobook cũng rất có ích, đặc biệt là khi bạn muốn tận dụng thời gian di chuyển, nhưng cá nhân tôi không quan tâm lắm. Giọng đọc của phát thanh viên luôn luôn định hình những trải nghiệm của tôi, và với tư cách một nhà văn, tôi thích nhìn các cấu trúc ngữ pháp trong câu chuyện. Bạn sẽ khó học được từ những tác giả khác nếu bạn chỉ lắng nghe truyện của họ. Nhưng đó có thể không phải là vấn đề của bạn, nên cứ nghe audiobook đi nếu nó hợp với bạn.

 

Tôi bỏ qua những quyển sách tôi không thích

 

Tôi biết tôi muốn đọc hết những cuốn sách tôi bắt đầu đọc không thì tôi là “kẻ bỏ cuộc giữa đường” hay “ngu” hay “bỏ sót một số thứ có ý nghĩa”. Nhưng tất cả những nhận xét này đều xàm xí.

Thưởng thức sách cũng chẳng khác gì thưởng thức một tivi show hay một bộ phim. Nếu bạn không thích cái show đó, bạn không xem nữa và xem cái khác. Nếu bạn không thích một quyển sách, bạn đừng đọc nữa và kiếm quyển khác mà đọc đi.

Đọc sách nên là một trải nghiệm làm bạn cảm thấy vui vẻ và xứng đáng chứ không phải một quá trình cắn răng chịu đựng. Khi việc đọc sách không mang tính miễn cưỡng, bạn sẽ vui hơn. Và nếu việc đọc thú vị hơn, bạn sẽ đọc nhiều hơn. Bạn có thể bỏ dở cuốn nào bạn không thích. Cứ đặt sách xuống. Chẳng ai phán xét bạn. Vậy bạn cứ làm gì mình thích. Giờ thì lựa một quyển bạn muốn đọc và quẩy lên

 

Tôi đọc ba quyển - và chỉ ba quyển sách cùng lúc

 

Một số người có thể đọc xong cả một quyển sách trong một hai ngày. Tôi thì không. Tôi thấy chán và muốn đổi quyển khác. Tôi đọc vài quyển sách một lúc nên tôi có thể thay đổi qua lại và mọi thứ lúc nào cũng thật mới mẻ.

Có thể nói tôi đã làm thế với quá nhiều quyển sách một lúc. Tôi có rất nhiều sách đọc dang dở và phải nhắc lại một lần nữa, việc đọc dần trở nên chán ngắt vì tôi không thể nhớ hết những sự kiện và cốt truyện.

Giờ tôi đọc ba quyển một lúc thôi: một quyển văn học, một quyển phi hư cấu và một quyển tiểu thuyết tranh ảnh hay tương tự thế. Hoặc là tôi phải đọc xong một quyển sách mới tiếp tục hoặc là bỏ quyển đó

 

Tôi nói về sách thường xuyên hơn

 

Tôi càng nói chuyện về chủ đề gì thì tôi càng thích chủ đề đó hơn. Chính vì vậy, không phải phim, tivi show hay game mà tôi xếp sách là nội dung cần ưu tiên hàng đầu trong những cuộc trò chuyện.

Khi tôi chat với bạn bè, tôi sẽ nói về quyển sách tôi đang đọc đầu tiên. Điều đó khiến tôi thích thú hơn với hoạt động đọc sách và thường giúp tôi nhận được những gợi ý sách hay từ người khác. Đổi lại, họ sẽ cùng xoáy vào vòng tròn “đọc sách, nói về sách, hào hứng vì sách, đọc nhiều sách hơn, ôi sách ơi…”

Tôi bắt đầu đặt ra những kì vọng nhất định trong đầu. Tôi nghĩ rằng “Nếu mình không đọc xong, họ sẽ nghĩ mình là một đứa nửa vời” hay “Mình phải xong để phòng trường hợp người ta hỏi câu chuyện trong sách như thế nào.”

Suy nghĩ này càng mạnh mẽ với những quyển sách tôi được gợi ý hay sách tôi và một người bạn khác cùng đọc một thời điểm. Nếu tôi chưa đọc xong, tôi không thể thảo luận về quyển đó - mà đây là phần yêu thích của tôi.

 

Tôi “hoàn thành chu trình” khi đọc sách

 

Ở nhà, tôi có một qui tắc được gọi là “hoàn thành chu trình”. Nói dễ hiểu, nó nghĩa là hoàn thành những việc bạn đã bắt đầu, để mọi thứ trong tình trạng như lúc mới đầu và không dùng dằng những việc có thể làm ngay. Tôi áp dụng quan niệm tương tự với thói quen đọc sách và kết quả thật tuyệt.

Khi tôi ngồi xuống và đọc, tôi luôn muốn hoàn thành chu trình. Và “chu trình” có thể là bất cứ điều gì tôi quyết định trước khi chính thức vào đọc.

Có thể là đọc trong khoảng thời gian 20 phút và đọc nhanh mà không bị xao nhãng trong cả quãng thời gian đã định. Có thể là đọc xong một chương mà tôi đang đọc dở. Có thể là đọc một số trang nhất định. Cho dù là gì, tôi đều cam kết hoàn thành và cứ theo cái mạch đó. Tôi bị cuốn hút vào nội dung quyển sách nhiều hơn và đọc nhiều hơn dự định.

Tôi không phải là một người đọc nhanh. Thực tế, tôi thường đọc lại những đoạn văn nhiều lần để hiểu rõ câu chuyện. Nhưng những thay đổi này đã giúp tôi tạo ra một dấu ấn trong quá trình đọc cả núi sách với nỗ lực tối thiểu.

Hi vọng là những mẹo này có thể có ích với bạn. Giờ thì thứ lỗi cho tôi không tiếp, tôi còn vài quyển sách để đọc nữa.

Trạm Đọc

Theo Life Hack

Tags: