Ngày sách Việt Nam và những trăn trở nghĩ suy
Ngày sách Việt Nam và những trăn trở nghĩ suy
Một trong những hình ảnh đẹp nhất của thế gian là hình ảnh một con người cầm trên tay một cuốn sách, mở ra và đọc. Đấy cũng chính là hình ảnh của một nghi lễ văn hóa mà con người đã dựng lên trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa của mình. Bài viết của Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, cố vấn của Trạm Đọc.

Có những con số mà báo chí đưa ra làm ta nhiều lo lắng nhưng có những con số làm ta lo sợ. Ví dụ ta lo lắng về con số tai nạn giao thông, về những chuyến xe chở đầy ắp chất ma túy. Nhưng con số về số đầu sách mỗi người Việt Nam đọc trong một năm nghe tưởng không nguy hiểm gì lại làm ta lo sợ. Cả xã hội đang nỗ lực tuyên truyền và tìm các giải pháp để giảm bớt các vụ tai nạn giao thông và ngăn chặn các đường dây buôn bán ma túy một cách quyết liệt.

Nhưng làm thế nào để người dân yêu những cuốn sách và đọc sách ngày ngày hình như lại quá ít người quan tâm kể cả các cơ quan liên quan đến chính những người dân. 

Khi một xã hội không đọc sách là một xã hội đang rời xa cuộc sống tinh thần, một xã hội đang đi ngược lại con đường làm nên văn hóa và văn minh nhân loại. Con đường hình thành nên văn hóa nhân loại cũng là con đường sách. Và tôi có thể nói, sách là một trong những di sản lớn nhất của loài người. 

Khi cuộc cách mạng công nghệ tràn vào nước ta, có không ít người đã cho rằng với các phương tiện nghe, nhìn và đọc, con người sẽ dần dần không cần tới những cuốn sách nữa. Nhận định ấy theo tôi là một sai lầm nhưng lại chứa đựng trong nó sự cảnh báo. Nó cảnh báo cho chúng ta về một thời đại mà các tiện ích công nghệ số ở một phía nào đó sẽ giết dần giết mòn những vẻ đẹp nền tảng và truyền thống. Tôi tin rằng cuối cùng những cuốn sách vẫn sẽ là một giá trị lớn lao làm nên đời sống tình thần của nhân loại. 

Tôi đã từng ở trong gia đình của những người Mỹ, người Na-uy, người Ai-len….Đó là những nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới và cũng là nơi những thành tựu của công nghệ được áp dụng đầu tiên. Nhưng ở đâu tôi cũng thấy họ cầm trên tay một cuốn sách. Có thời gian là họ đọc sách. Trong khi đó ở Việt Nam thì ngược lại. Hễ có thời gian là người Việt Nam chúi mặt vào màn hình ipad, iphone…để ‘’lướt’’ mạng. Quá nhiều người Việt Nam đã lãng quên những cuốn sách. 

Trong một bài báo viết cách đây nhiều năm, tôi viết: ’’để vứt một cọng rác hoặc để chửi bậy một câu ở nơi cộng cộng chỉ cần ‘’một giây’’, nhưng để cúi xuống nhặt một cọng rác và nở một nụ cười nơi công cộng con người phải mất ‘’một trăm năm’’. Một trăm năm ở đây là thời gian ước lệ chỉ sự hình thành một hành vi văn hóa. Đọc sách là một trong những yếu tố trong quá trình hình thành những hành vi văn hóa của một con người. Một điều chúng ta cần nhớ rằng: đọc sách thực sự là một nghi lễ văn hóa. Khi đọc một cuốn sách, người ta sẽ chọn một thời gian thanh thản nhất, một nơi thanh bình nhất…và ngồi xuống mở cuốn sách ra. 

Năm 2005, tôi tham dự hội chợ sách ở Thụy Điển. Một buổi chiều ngồi uống cà phê ở bên ngoài trung tâm hội chợ sách, tôi gặp một gia đình nông dân Thụy Điển. Hàng năm cứ đến ngày hội chợ sách, cả gia đình họ lái xe gần 500 cây số đến để mua sách. Số sách họ mua để đọc trong một năm chơ tới hội chợ sách năm sau. Với họ, đó là một ngày hội, một nghi lễ mà họ đợi chờ và không bao giờ bỏ lỡ. 

Cho đến giờ, tôi vẫn mang ơn những người Hà Nội sơ tán về làng tôi trong những năm chiến tranh. Họ đã mang theo về làng tôi một thứ thay đổi cuộc đời tôi. Đó là sách. Những năm tháng đó, nông thôn không có sách. Lũ trẻ con như tôi sống không biết gì ngoài làng mình. Nhưng rồi một buổi tối, tôi được những cậu bé cô bé Hà Nội sơ tán ở nhà mình cho mượn một cuốn sách. Tôi đã đọc cuốn sách đó và tôi thay đổi. Một thế giới kỳ diệu mở ra trong tâm hồn trẻ thơ của tôi. Tôi đã gặp những điều mà tôi chưa bao giờ gặp. Cuốn sách đã mở rộng tâm hồn tôi và gieo vào tâm hồn tôi những hạt giống của cái đẹp và nhân tính. Trong tâm hồn tơ non của tôi đã dựng lên những lâu đài của trí tưởng tượng và những giấc mơ đẹp.

Nhưng bây giờ, tôi mang cảm giác về một thế giới hoang vu trong tâm hồn bao đứa trẻ của chúng ta. Bởi ngày ngày chúng ngập chìm trong các trò chơi điện tử, trong những câu chuyện và hành vi đầy tính thực dụng của người lớn. Ngày ngày, bao người lớn chúng ta săn tìm các thực đơn để nuổi lớn thân xác những đứa trẻ mà quá ít người tìm kiếm những thực đơn để nuôi lớn tâm hồn chúng. Có bao nhiêu bà mẹ và ông bố hàng tuần tìm mua một cuốn sách nào đó cho con mình ? 

Lúc này tôi lại nhớ một bộ phim của của Hollywood và thường nghĩ về câu chuyện mà bộ phim đề cập. Bộ phim nói về một nhóm người đi khắp thế gian kể những câu chuyện tốt đẹp để đánh thức lương tri con người. Nếu những người ấy ngừng kể thì trục trái đất sẽ ngừng quay và bóng tối sẽ phủ ngập thế gian. Bởi vậy, một thế lực hắc ám đã tìm mọi cách ngăn cản những người kể chuyện kia không thể tiếp tục được sứ mệnh của họ. Chúng muốn đẩy thế gian ngập chìm trong bóng tối vĩnh viễn để thống trị loài người.

Chính vì lý do đó mà chúng đã dùng mọi ma thuật để làm biến mất miệng của những người kể chuyện. Nhưng những người kể chuyện đã đi qua mọi thách thức bởi họ hiểu rằng: nếu họ ngừng kể thì thế gian sẽ kết thúc. Và mỗi cuốn sách là một câu chuyện của người kể chuyện. Nó không phải là chuyện cổ tích. Nó là hiện thực ngày ngày trong đời sống của chúng ta. 

Một trong những hình ảnh đẹp nhất của thế gian là hình ảnh một con người cầm trên tay một cuốn sách, mở ra và đọc. Đấy cũng chính là hình ảnh của một nghi lễ văn hóa mà con người đã dựng lên trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa của mình.

Nguyễn Quang Thiều

Tags: