Nghiên cứu trẻ Việt Nam trước “bước ngoặt nhân học”
Nghiên cứu trẻ Việt Nam trước “bước ngoặt nhân học”
Nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lớn, “bước ngoặt nhân học”. Đã đến lúc nghiên cứu văn học không thể chỉ dùng các phương pháp thuần túy của chính nó, mà phải kết hợp với các phương pháp khác của khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó, quan trọng hơn cả là nhân học, đặc biệt nhân học văn hóa.
Điều này đòi hỏi nhà nghiên cứu trước hết phải có tri thức liên/xuyên ngành. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải đủ. Nhà nghiên cứu phải trở nên độc lập, độc lập về kinh tế và độc lập về tư tưởng, nhất là tư tưởng học thuật.

 

Ở xã hội bao cấp hoặc bán bao cấp, đòi hỏi tự chủ kinh tế hoàn toàn là điều khó, tự chủ tư tưởng còn khó hơn, nhưng không làm được điều kiện sau thì không thể trở thành nhà nghiên cứu độc lập. Anh ta phải dám từ bỏ những gì đã được dạy dỗ trong nhà trường để nhẹ bước vào một hành trình mới. Và, điều này dường như dễ dàng hơn với những người trẻ.

 

 

Người tiếp cận Việt Nam từ núi

 

 

Nguyễn Mạnh Tiến (sinh năm 1983), thạc sĩ văn học ở Huế, khi ra Hà Nội đã trở thành một trong những người đầu tiên tham dự “bước ngoặt nhân học” này. Những đỉnh núi du ca (NXB Thế Giới, 2014; Hội Nhà Văn, 2017) là một mở đầu hoàn hảo.

 

Từ những bài dân ca H’mông, thể loại văn học dân gian tiêu biểu cho tộc người này, bằng phương pháp “xếp chồng văn bản” của nhà phê bình phân tâm học Charles Mauron, tác giả đã tìm ra những “biểu tượng ám ảnh”, tức những biểu tượng có tần suất lớn và có cội rễ từ vô thức tập thể. Phân tích, sắp xếp và lý giải các biểu tượng này là “con đường hoàng đạo” dẫn đến cá tính/căn cước/bản sắc văn hóa tộc người. 

Nguyễn Mạnh Tiến trong chuyến tìm hiểu tiếng khèn Ma Khái Sò của người H’mông trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: TLNV

Tuy vậy, “bước ngoặt nhân học” không chỉ là một lối rẽ trong phòng giấy, mà phải trên thực địa. Nguyễn Mạnh Tiến đã phải tự bỏ tiền túi để “xe lên xe xuống” hàng chục lần trên đất Hà Giang, Lào Cai… để sống không phải cùng với người H’mông, mà sống H’mông. Những sống trải này không chỉ giúp Tiến kiểm chứng những gì đã đọc, mà còn thêm những biết mới, đặc biệt từ sự lý giải những sai lệch giữa cái đọc và cái biết, giữa lý thuyết và thực tế, Nguyễn Mạnh Tiến đã có tư duy nghiên cứu độc lập, mở rộng quan niệm về văn học. Điều này chẳng những đưa nghiên cứu văn học thoát khỏi sự “cầm tù của văn bản” đến với văn hóa, mà còn kiến tạo nên “mô hình núi” mở ra con đường tiếp cận Việt Nam từ núi, ngoài con đường cố hữu từ đồng bằng, hoặc từ biển mới biết gần đây.

 

 

Thích nghi hay đánh mất bản sắc văn hóa?

 

 

Đàm Nghĩa Hiếu (sinh 1988, Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cũng dấn thân vào con đường này. Không quản “thân gái dặm trường”, Hiếu cũng một mình lặn lội nhiều lần ở vùng núi các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình để nghiên cứu truyện cổ Bru-Vân Kiều, một nét trội của văn học tộc Mon-Khmer này.

 

Người Bru-Vân Kiều vốn ở cao nguyên Trung Lào, thậm chí gần châu thổ sông Mekong. Do những xáo trộn xã hội và tộc người (người Thái vào đất Lào và chiếm cứ vùng đồng bằng), họ phải tìm đến những vùng đất mới. Điểm dừng chân cuối cùng của họ là phía đông Trường Sơn. Tại đây họ phải đối mặt với một thiên nhiên khắc nghiệt và những tộc người láng giềng gốc Nam Đảo xa lạ. Để tồn tại được, họ phải tìm cách sống hòa hợp với chung quanh. Thích nghi, bởi vậy, trở thành con đường sống của họ, trở thành cá tính tộc người của họ. Những kinh nghiệm ấy, những cảm xúc ấy đã được lưu giữ trong truyện cổ, cuộc sống thứ hai của họ. Điều tưởng như đơn giản ấy không nằm sẵn trong văn bản văn học.

Để “phát hiện” nó, Đàm Nghĩa Hiếu đã phải qua rất nhiều những cuộc trò chuyện với các “già làng trưởng bản”, các cán bộ văn hóa, đoán ý họ qua những ngập ngừng, đoán nghĩa qua những hiện tượng văn hóa bị lai ghép, hoặc đã tàn phai. Tuy nhiên, từ đó Hiếu cứ băn khoăn: nếu người Bru-Vân Kiều cứ thích nghi mãi, thích nghi nữa do sự đòi hỏi ngày càng nhiều của những hoàn cảnh mới thì liệu họ có còn là họ nữa không?

 

 

Một hướng đi mới

 

 

Sự thành công của “bước ngoặt nhân học” này, cũng như sự “lôi kéo” của Nguyễn Mạnh Tiến khiến một số nhà nghiên cứu khác cũng dần ít nhiều ngả theo hướng đi trên. Điều này phần nào được thể hiện ở Tủ sách Hiểu Việt Nam, như trong cuốn Những cạnh khía của lịch sử văn học… Đoàn Ánh Dương từ văn học Việt Nam đương đại. Nguyễn Đào Nguyên từ văn học Việt Nam trung đại. Phan Tuấn Anh từ lý luận văn học ở/của Việt Nam. Lê Nguyên Long từ lý luận văn học hiện đại thế giới. Phùng Kiên từ dịch văn học và so sánh văn học…

 

Đặc biệt là trường hợp Mai Anh Tuấn (sinh 1985), người đang gặp khó khăn trong một công trình viết về Nguyễn Huy Thiệp. Lối tiếp cận thi pháp học, tự sự học ở Việt Nam đã bắt đầu kém năng suất kể cả trên những thửa ruộng cao sản Nguyễn Huy Thiệp. Hơn nữa, nghiên cứu nội quan biến các nhà phê bình thành những kẻ “đặc tuyển”, nói một thứ ngôn ngữ riêng đầy thuật ngữ khó hiểu. Chuyển sang nghiên cứu nội - ngoại quan là đưa văn học về với xã hội, cho phê bình văn học về với văn hóa, thế giới sống nguyên thủy của nó. Bởi, phê bình văn học thực chất là phê bình văn hóa. Và, một trong nẻo về đó là đến với nhân học, tham dự vào “bước ngoặt nhân học”.

Truyện ngắn, kịch, phiếm luận Nguyễn Huy Thiệp được nhìn từ nhân học văn hóa bỗng hiện lên với ánh sáng khác, không phải sáng lóa, sáng lòe, mà sáng trắng. Thậm chí, các tiểu thuyết của Thiệp, nếu nhìn bằng con mắt tiểu thuyết, là yếu kém, thì lại giàu nghĩa, dôi nghĩa trong con mắt của nhân học văn hóa. Sự chuyển hướng này đòi hỏi ở Mai Anh Tuấn nhiều can đảm. Tuấn đã phải bỏ những gì mình đã làm gần xong để bắt đầu lại từ đầu, bỏ những gì đã chắc ăn để lao vào cái chưa hẳn đã ăn chắc.

Nghiên cứu tâm lý một tộc người cũng là nghiên cứu văn hóa tộc người đó, bởi như G.Deveureux nói: tâm lý là văn hóa phóng chiếu ra bên ngoài, còn văn hóa là tâm lý phóng chiếu vào bên trong. Vào các ngày từ 28.11 đến 1.12.2017, Hội Tâm lý học ứng dụng quốc tế kết hợp với Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội), Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức hội thảo quốc tế “Tâm lý học khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất” ở Hà Nội.

Tiểu ban Tâm lý học dân tộc do Đỗ Lai Thúy làm trưởng tiểu ban và điều khiển phiên hội thảo, gồm các báo cáo của Đỗ Lai Thúy, Phạm Minh Quân, Nguyễn Mạnh Tiến, Đàm Nghĩa Hiếu, Nguyễn Văn Sơn, được nhiều nhà khoa học nước ngoài tham dự và tranh luận.

 

 

Và những nhân tố mới...

 

 

Nhân đây, cũng nên giới thiệu một gương mặt mới của nhân học trong lĩnh vực dịch thuật: Phạm Minh Quân (sinh 1993). Tốt nghiệp thạc sĩ văn hóa học, do trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ, Quân được nhiều cơ quan nghiên cứu sẵn sàng đón nhận (dĩ nhiên là không mất tiền!).

 

Nhưng Quân đã từ chối để lấy thời gian “tranh thủ” dịch nhiều tác phẩm của nhân học Mỹ, như Tư duy của người nguyên thủy của F.Boas, người sáng lập trường phái nhân học Mỹ; Các mô thức văn hóa của R.Benedict, người khởi đầu trường phái văn hóa và nhân cách; Tuổi trưởng thành ở Samoa của M.Mead; Tình dục và ức chế trong xã hội hoang dã của Malinowski, nhà nhân học Anh, cha đẻ của phương pháp “quan sát tham dự”… Các công trình trên đã và đang được in trong Tủ sách Văn Hóa Học.

Dịch, giới thiệu, nghiên cứu mảng nhân học văn hóa ở Tân lục địa là miếng ghép cuối cùng, “viên đá đỉnh vòm”, của bức tranh toàn cảnh. Điều tôi muốn nói thêm ở Phạm Minh Quân là anh đã nhất quyết không vào “biên chế”, trở thành nhà nghiên cứu độc lập, dù biết hàng núi khó khăn đang chờ phía trước. Tuy nhiên, “bước ngoặt nhân học” không làm “lung lay” được Trần Ngọc Hiếu (sinh 1980), người sử dụng lý thuyết trò chơi để nghiên cứu cách tân thơ, dòng thơ ngôn ngữ.

Trần Ngọc Hiếu - Nhân tố trẻ sáng giá của giới nghiên cứu văn học Việt Nam

Văn học chính thức và chính thống thì bao giờ cũng đeo một bộ mặt nghiêm trang, thậm chí long trọng, nên nó rất sợ mọi trò chơi, bởi từ trò chơi đến cười cợt, chế giễu chỉ có một bước. Nhưng trò chơi của Hiếu là theo nghĩa triết học. Bị phê phán, Trần Ngọc Hiếu chỉ lẳng lặng cho bạn đọc biết được tính phổ quát, tính vũ trụ của trò chơi, đồng thời để anh ta nhận ra đằng sau những cách tân kỹ thuật của nhà thơ là một cái nhìn nghệ thuật khác, một cái nhìn thế giới khác. Thơ ca và triết học vốn là chị em. Mỗi nhà nghiên cứu thơ đều mong muốn vươn tới tầm triết học, thậm chí trở thành nhà triết học.

Không phải ngẫu nhiên mà Trần Ngọc Hiếu tâm đắc và dịch Chết cho tư tưởng của C.Bradatan (NXB Tri Thức, 2017). Khuynh hướng nghiên cứu văn học từ/như là triết học là một dòng chính từ thời cổ đại đến nay. Bước sang thế kỷ XX, với sự phát triển của khoa học, nghiên cứu văn học cũng được coi là một khoa học, gần gụi với khoa học xã hội và nhân văn. “Bước ngoặt nhân học” là một phát triển tự nhiên của xu hướng này. Theo một xu hướng nào đó không phải là thời thượng, mà là phù hợp thể tạng của mình, là được trở thành chính mình. Kiên trì một định hướng triết học trước “bước ngoặt nhân học” thể hiện phẩm chất độc lập của Trần Ngọc Hiếu.

Đã đến lúc khoa học phải thuần túy khoa học. Có như vậy khoa học mới vượt qua được “lợi ích nhóm” để đóng vai trò phản biện, trước hết với chính nó. Từ những nghiên cứu độc lập đến nhà nghiên cứu độc lập rồi đến lớp trí thức độc lập là một con đường dài, nhưng không thể không đi, nhất là với người trẻ.

 

Theo Người Đô Thị

Đỗ Lai Thúy

Tags: