Ngũ Luân Thư - Từ binh pháp cho đến một phong cách sống
Ngũ Luân Thư - Từ binh pháp cho đến một phong cách sống
Tờ Time quả thật đã không khoa trương khi nói rằng Ngũ Luân Thư là “lời đáp trả của Nhật Bản cho MBA Harvard,” và “khi Musashi lên tiếng, cả phố Wall im lặng.” Tính ứng dụng rộng rãi của Ngũ Luân Thư cho đến hiện tại cũng chính là tinh thần của Musashi khi viết tác phẩm này: “Khi ngươi đã thấu hiểu cái đạo của binh pháp, sẽ chẳng có một thứ gì ngươi không thể hiểu.”
Ngũ Luân Thư
(16 lượt)

Đã có rất nhiều tác phẩm viết về con người Nhật Bản và tinh thần Samurai. Nhưng luận về kiếm pháp, trong lịch sử chưa có ai qua được Musashi. Bàn về làm người, lại khó có người nào cao quý hơn Musashi. Chính vì vậy mà tác phẩm đúc kết lại tinh túy cuộc đời của Musashi - Ngũ Luân Thư, lại càng đáng được coi trọng.

Miyamoto Musashi là ai?

Musashi, tên đầy đủ là Miyamoto Musashi (1584 – 1645) là người sáng lập ra môn phái sử dụng song kiếm - Niten Ichi Ryu (Nhị thiên Nhất lưu). Khi chưa đầy 30 tuổi, Musashi đã được xưng tụng là Thánh Kiếm của Nhật Bản. Bắt đầu trở thành kiếm khách khi tuổi còn rất trẻ, song cuộc đời của Musashi chưa từng nếm trại một thất bại nào, nhất là trong thời kỳ hỗn loạn, nhiều chinh chiến như thời tiền Mạc Phủ Tokugawa. Một chiến tích bất bại mà xưa nay hiếm có ai có thể bì được.

Trong câu chuyện thành danh của Musashi phải kể đến trận Tử địa Sekigahara (1600), đây được xem là trận đánh lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản giữa Đông Quân và Tây Quân. Kết cục của trận đánh đã mở ra thời kỳ hưng thịnh của Mạc Phủ Tokugawa cho phe Đông Quân nhưng đồng thời cũng biến Sekigahara trở thành “tử địa” với 70.000 người hi sinh. Miyamoto Musashi khi đó là một kiếm khách trẻ 16 tuổi, bước vào trận chiến Sekigahara với tư cách là võ sĩ bên Tây Quân, sau trở thành là phe thua cuộc. Khác với số phận của 70.000 kiếm sĩ đã nằm lại Sekigahara, chàng kiếm khách 16 tuổi Musashi không chỉ sống sót bước ra khỏi “tử địa” sau 3 ngày chiến đấu liên tục, mà còn thoát khỏi chuỗi ngày gian nan bị phe chiến thắng truy sát.

Sau đó, Musashi chu du khắp nơi để luyện kiếm, báo thù và tham dự các cuộc quyết đấu sinh tử. Cuối cùng, ông đã tự rèn luyện mình để trở thành một kiếm sĩ nổi danh và thành công nhất Nhật Bản với chiến tích chưa từng thất bại trước bất cứ đối thủ nào. Song từ năm 30 tuổi, sau khoảng 60 trận quyết đấu bất bại, Musashi bỗng từ bỏ tất cả. Suốt phần đời còn lại, ông chỉ luyện kiếm, dạy kiếm, phát triển kiếm pháp, nghiên cứu binh pháp và viết sách, mà trong đó tiêu biết nhất là Ngũ Luân Thư.

Khác với các samurai từ bỏ đao kiếm trong thời bình của thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, Musashi vẫn kiên trì theo đuổi mẫu hình kiếm khách lý tưởng, kiếm tìm sự giác ngộ trên con đường gian nan của Kiếm đạo. Musashi vừa là Thánh kiếm vừa là Đại thiền sư của Nhật Bản, còn ở phương Tây ông cũng được xem là triết gia. Trong mọi lĩnh vực, ông tự mình tu dưỡng, tìm tòi, cải cách, sáng tạo, xóa bỏ lối mòn, kể cả lối mòn do chính mình tạo ra. Ông viết: “Không có nghề cao quý, chỉ có con người cao quý. Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch.”

Ngũ Luân Thư - Tinh túy từ huyền thoại thánh kiếm Nhật Bản

Ngũ Luân Thư được Musashi viết vào những năm cuối đời. Với tác phẩm này, Musashi không chỉ bàn về võ nghệ, kiếm pháp, mà còn hướng đến cái Đạo của người học kiếm và người dụng binh. 

Nếu như ở Trung Quốc có Binh Pháp Tôn Tử là cẩm nang cho bậc tướng, thì Ngũ Luân Thư của Musashi có thể dành cho mọi người, từ bậc vương giả cho đến những người bình thường. Ngày nay, nó được nghiền ngẫm khắp nơi, từ giảng đường Harvard cho đến các doanh nhân và các chiến lược gia. Tờ Time quả thật đã không khoa trương khi nói rằng Ngũ Luân Thư là “lời đáp trả của Nhật Bản cho MBA Harvard,” và “khi Musashi lên tiếng, cả phố Wall im lặng.” Tính ứng dụng rộng rãi của Ngũ Luân Thư cho đến hiện tại cũng chính là tinh thần của Musashi khi viết tác phẩm này: “Khi ngươi đã thấu hiểu cái đạo của binh pháp, sẽ chẳng có một thứ gì ngươi không thể hiểu.” Điểm đặc biệt ở Musashi chính là ông chỉ viết ra những điều tinh túy và cốt yếu, để người đọc dù ở trình độ nào, ở thời đại nào cũng có thể ngộ ra bài học cho chính mình, và có thể đọc đi đọc lại. 

Với tác phẩm này, người đọc không cảm thấy bị gò bó bởi câu chữ hay tâm thế phải hiểu cho tỏ ý tứ của “thánh nhân”. Bản thân Musashi cũng không trích dẫn kinh Phật hay các lời giáo huấn của Khổng Tử, bởi vì sau cùng, Musashi lại quy tất cả về một chữ “Không”: Ngộ đạo tức phi ngộ đạo. Đạt nguyên lý này có nghĩa là không đạt nguyên lý nào.

Về cấu trúc, Ngũ Luân Thư bao gồm năm quyển với nội dung được viết theo các tính chất của Địa - Thủy - Hỏa - Phong - Không.

ĐỊA CHI QUYỂN: 

Đây là phần chính diễn giải đạo binh pháp theo quan điểm của môn phái Nhất Lưu. Theo Musashi, con người khó có thể nhận thức được chính đạo chỉ với kiếm thuật. Cần phải hiểu được những việc nhỏ nhặt nhất cũng như việc quan trọng nhất, điều nông cạn cũng như điều sâu sắc nhất. Như một con đường ngay thẳng được vạch ra rõ ràng giữa mặt đất mênh mông, vì vậy mà gọi tập này Địa.

THỦY CHI QUYỂN: 

Giống như nước có màu xanh trong vắt, Thủy Chi Quyển chính là nói về đặc tính trong vắt như nước của môn phái Nhất Lưu. Nước có thể thay đổi bản thân để thích ứng với vật đựng nó, khi thì chảy róc rách như một dòng suối nhỏ, lúc lại gào thét như vùng biển sóng gió. Với nguyên tố Thủy, Musashi sẽ diễn giải một nguyên lý quan trọng của binh pháp là “nhất dĩ quán chi” - nắm được một điều thì suy ra vạn sự. “Nếu đã tinh thông các nguyên lý của kiếm pháp, vậy thì khi ngươii tùy ý tấn công một người và hạ hắn ta một cách dễ dàng, người có thể hạ được bất cứ ai trên thế gian. Tinh thần để đánh thắng một người và tinh thần đánh bại ngàn vạn người không có gì khác nhau.”

HỎA CHI QUYỂN: 

Đây có lẽ là quyển mà những người yêu thích binh pháp mong chờ nhất. Trong tập này, Musashi đề cập nhiều đến đấu kiếm, kỹ thuật và phương pháp chiến đấu trong các trận chiến. Bởi vì đặc tính của lửa là hung bạo dù đó là ngọn lửa nhỏ hay lớn, điều này rất phù hợp với các trận đánh. Điểm tinh túy của tập sách này chính là người đọc có thể luyện tập trong cuộc sống hằng ngày để có được những quyết định tức tốc. Bởi đối với binh pháp, cần phải biến việc rèn luyện mưu lược thành một phần của cuộc sống thường nhật và luyện tập ngày đêm.

PHONG CHI QUYỂN: 

Ở quyển này, Musashi không chỉ nói riêng về môn phái của Nhị Thiên Nhất Lưu mà còn đề cập đến các môn phái khác. Chữ “Phong” ở đây có nghĩa là cổ phong, là truyền thống và binh pháp của các đại gia tộc. Musashi nói: “Thật khó để hiểu được chính mình khi không biết gì về các môn phái khác.” Vì vậy trong quyển này, Musashi quyết định mở rộng ra việc diễn giảng các loại binh pháp trong thiên hạ, đồng thời làm rõ sự khác biệt giữa môn phái của mình với các môn phái khác. 

KHÔNG CHI QUYỂN: 

Đây là quyển đặc biệt nhất và ngắn gọn nhất, chỉ có hai trang (nếu in lên khổ giấy A4 thì có lẽ chỉ khoảng một trang, trong đó 5 dòng là thơ). “Không” ở đây có nghĩa là vô thủy vô chung, tức là không có bắt đầu cũng không có kết thúc. Ngộ đạo tức phi ngộ đạo. Đạt nguyên lý này có nghĩa là không đạt nguyên lý nào. Nói về Đạo của “Không”, Musashi hướng đến con đường chính đạo tức là hòa hợp với thiên nhiên. Đạo của binh pháp cũng là Đạo của thiên nhiên.

Tóm lại, Ngũ Luân Thư là một cẩm nang hiếm có đối với những người yêu võ thuật và binh pháp. Trong cuộc sống thường nhật, nó giúp người đọc rèn luyện về cả thể lực lẫn trí lực, để trở nên đa mưu túc trí trong một thời đại khốc liệt nhưng vẫn duy trì được sự bình thản và hòa hợp với thiên nhiên. Tất cả những tinh túy ấy, thật may, đều được đúc kết bởi một con người cao quý cách đây gần 400 năm.

Thanh Trần

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 
Tags: