Người chết thuê: Vĩnh biệt cơn mưa mùa hè năm ấy
Người chết thuê: Vĩnh biệt cơn mưa mùa hè năm ấy
Sau "Những mảnh mắt nhìn" và "Gam lam không thực", tác giả trẻ Thái Cường đã trở lại với một tiểu thuyết có nhan đề ấn tượng: "Người chết thuê". Tác phẩm là mùa hè đáng nhớ của đám bạn đương độ "bẻ gẫy sừng trâu". Những cô cậu mới lớn này cùng nhau rong ruổi, lăn lộn với đời, đánh nhau đôi ba lượt lại cặp vai bá cổ dìu nhau qua từng ghềnh thác dại khờ. Cứ thế họ vươn mình như cành khô gai góc, tự học cách trưởng thành bởi bao lần hoang mang, tự đổ máu, cả ngây người khi cơ thể lên tiếng.

Và mọi quyết định trở thành lịch sử, chúng tôi hiểu ra tuổi ba mươi thú vị ở chỗ người ta luôn biết mình cần làm chi vào những khoảnh khắc nghiệt ngã nhất, mà cũng thật xót xa vì chả còn gì có thể làm chúng tôi nghẹn ngào được nữa. Chả còn gì có thể làm chúng tôi nghẹn ngào được nữa, kể cả buổi sáng hôm ấy, khi nàng ngước nhìn mặt trời đứng bóng, tôi trách ngày dài lê thê và không động tĩnh nào phá tan vẻ điềm nhiên của cánh rừng. Sứ mệnh ngừng lại. Mùa hè ngừng lại. Bao đón đưa có nhau, bao dấu yêu từng khiến chúng tôi say mê tới lệ thuộc lềnh bềnh trong tô-tem hồi tưởng. cùng hắn hóa thành đoản văn hư cấu dễ làm người ta mau nhớ xong cũng mau quên.

Thiên đường tuổi trẻ

Trong Người chết thuê, sắc vàng như rót mật gần như bao trùm tất thảy, là màu nắng tinh khôi nhưng đủ cháy bỏng trong tình yêu mà Bách và Minh dành cho nhau. Như một hồi chuông dự liệu, khi những tông vàng rạo rực ấy lịm đi, hành trình họ đưa nhau đi khắp chốn thương yêu cũng buộc phải ngừng lại.

Tuổi trẻ họ có với nhau sẽ khiến họ vừa mỉm cười nhưng cũng vừa nghẹn ngào về nó, chẳng khác nào xem lại những đoạn phim của quá khứ hoàng kim, đẹp mà buồn đến tàn nhẫn. Không chỉ Bách hay Minh, cả Phượng, Dĩ và Hương chắc hẳn đều sẽ nghĩ về phần đời đó bằng niềm nhớ riêng, nay đã gói gọn trong ba chữ “miền tuổi trẻ”.

 

Cơn mưa mùa hè còn mãi

Dù có dung lượng ngắn gọn, tiểu thuyết vẫn sở hữu được cho mình không hiếm những khoảnh khắc đắt giá, chẳng hạn như đoạn Minh nằm cạnh Bách vào một buổi đêm, ngắm người mình thầm thương thở khì khi cả đất trời ngưng đọng, hay khi Minh bị chó cắn được Bách chăm sóc tận tình, hai thân hình dẻo dai đến quấn nhau vồ vập giữa thiên nhiên bao la.

Sách mới ra mắt: Người chết thuê

Từng câu thoại đầy ẩn ý, từng cú đụng chạm tình cờ, quyến luyến và day dứt, tất cả làm thành những e ấp trong mối quan hệ giữa hai thanh niên mới lớn, luôn khao khát yêu và được yêu, cứ thế quăng mình vào thời gian tàn nhẫn.

Tuy chọn viết về một câu chuyện lạ của nhân sinh - nghề chết mướn, Người chết thuê không sa đà vào các dạng kịch tính của tình huống giả chết và những bi kịch éo le của những chọn lựa này từ phía người thuê và người được thuê.

Mọi thứ đều vừa phải, tản mạn trong bối cảnh, cả trong đường nét nhân vật, không bị sa đà vào việc phải truyền tải thông điệp cụ thể nào đó. Đó cũng chính là dấu ấn “gây thương nhớ” nhất, để khi khép lại trang cuối cùng của cuốn sách, khi phải nói lời vĩnh biệt cơn mưa mùa hè năm ấy, sẽ chỉ còn nỗi lưu luyến đọng lại trong chính chúng ta.

 

Phương Thảo

Bài cộng tác gửi Trạm Đọc

Tags: