Người khác đâu thể công nhận sự tồn tại của ta khi ta phủ nhận điều đó
Người khác đâu thể công nhận sự tồn tại của ta khi ta phủ nhận điều đó
Dù là tiểu thuyết hư cấu nhưng những nhân vật đều hiện lên rất chân thực. Độc giả có thể dễ dàng cảm nhận nỗi đau của nhân vật, đồng cảm hay tìm thấy hình ảnh của mình ở đâu đó trong cuốn sách, để rồi hiểu rõ bản thân mình hơn và tìm ra được giải pháp cho những vấn đề tâm lý mà mình đang gặp phải.

 

Một người có thể biến thành một sinh vật hết sức nhỏ bé nếu không ai quan tâm đến anh ta. Đôi lúc tôi tự hỏi không biết một sinh vật như vậy có còn là con người không nữa.

 

Bạn đã từng ước muốn trở thành người “vô hình” vì đó là một loại “siêu năng lực”? Biến mất khỏi sự nhìn thấy của mọi người là một điều vô cùng thú vị vì bạn có thể làm bất cứ điều gì mà không bị phán xét? Có thể vô hình rất thú vị đối với bạn, nhưng đối với Bernard và Agatha, hai nhân vật chính trong tiểu thuyết tâm lý hư cấu “Agatha”, thì vô hình chỉ mang lại nỗi sợ hãi và cô đơn. 

Nghịch lý 

Cuốn tiểu thuyết bao gồm nhiều câu chuyện ngắn xoay quanh cuộc sống của Bernard, một bác sĩ tâm thần 72 tuổi sắp về hưu. Ông đếm từng buổi điều trị để chờ đến ngày được nghỉ hưu, khi đó số năm công tác của ông là gần năm mươi năm, với ông như vậy là quá đủ. Nhưng những ngày trôi qua không mục đích của ông đã bị một người phụ nữ Đức thay đổi. Đó là Agatha Zimmermann. Cô đã quả quyết đặt lịch điều trị với bác sĩ Bernard mặc cho ông không ngừng từ chối. 

Phần lớn các ca bệnh của Bernard đều mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc, không còn bất cứ vấn đề gì. Nhưng Agatha, cô rõ ràng là một ca bệnh hiếm hoi, vì cô không cầu xin phép lạ. Cô không nuôi bất cứ ảo tưởng nào về việc khỏi bệnh, mà chỉ muốn mình hoạt động bình thường trở lại. 

Sau khi đọc bệnh sử và qua buổi điều trị đầu tiên, Bernard đã chẩn đoán bệnh của Agatha rất nghiêm trọng, và việc ông có thể giúp cô trong vài tháng còn lại là điều bất khả thi. 

Agatha là một người phụ nữ bị xem là ngoan cố, tâm thần rối loạn, đã nhiều lần đánh mất khát vọng sống, và luôn nghĩ đến việc tự tử, tự làm tổn thương bản thân và biến mất khỏi cuộc đời này. Thực tế  cô bị trầm cảm nặng. 

“Đôi lúc,” cô mơ màng nói, “tôi tưởng tượng mình tự cào cấu cơ thể đến chảy máu hay làm bản thân biến dạng để không ai có thể nhận ra tôi nữa.”

Sự đối lập giữa từ ngữ bạo lực và gương mặt vô cảm của cô thật rõ nét. 

“Thật ư?”

“Tôi cảm thấy một sự thôi thúc phải xóa khuôn mặt của mình đi, tôi không xứng đáng sở hữu nó.”

“Cô có muốn một khuôn mặt khác không?”, tôi hỏi, nhưng cô lắc đầu. 

“Không, tôi chỉ cần bị xóa bỏ.”


Nửa đầu cuốn sách, Agatha là bệnh nhân của Bernard, nhưng vai trò quan trọng nhất của cô trong cuốn sách là đánh thức bác sĩ và là chất xúc tác cho sự thay đổi mà ông đang rất cần. Vào buổi điều trị thứ mười, Agatha đã “nhìn thấu” tâm lý của Bernard, cô nhận ra ông còn đáng thương hơn cô, vì ông không quan tâm đến nỗi đau của chính mình, không biết bản thân mình ra sao, mình muốn gì trong cuộc đời này. 

Đây là một nghịch lý! Một chuyên gia về bệnh tâm thần lại đang phải vật lộn với chính các vấn đề tâm lý của mình!?  Điều khiến ông thất vọng lại chính là bản thân cuộc sống của ông.

Hồi phục

Khi Agatha khiến bác sĩ thay đổi, vị thế bác sĩ - bệnh nhân giữa Bernard - Agatha đã đảo ngược. Nhưng trên hết, mối liên hệ giữa họ không chỉ là bác sĩ với bệnh nhân, mà còn là sự “hợp tác” trên hành trình đi tìm ý nghĩa thực sự của cuộc sống. 

Agatha khiến Bernard thay đổi. Từ một bác sĩ tâm thần chỉ ngồi sau lưng bệnh nhân, vẽ những hình nguệch ngoạc trên giấy; ông đã biết lắng nghe hơn, đưa ra giải pháp triệt để cho bệnh nhân. Từ một ông lão chỉ xem người hàng xóm của mình là “người bạn vô hình” và cảm thấy kết nối mật thiết với ông ấy, cho đến khi công nhận người hàng xóm ấy “thực sự tồn tại. [...] ông chơi đàn, ở ngay chỗ đó, bên kia bức tường”. Đây chính là lúc Bernard tự công nhận sự tồn tại của chính bản thân mình và tìm được sự thanh thản đầy tự do mà ông quên rằng chúng từng tồn tại. 

Còn Bernard giúp Agatha tìm thấy mâu thuẫn căn bản dẫn đến những vấn đề mà cô gặp phải. 

“Hơn bất cứ điều gì khác, cô muốn được nhìn thấy - nếu không thì đồng nghĩa với việc cô không tồn tại. [...] Cha mẹ cô đã khiến cô trở nên vô hình với chính mình. 

 [...] 

“Nhưng điều đó có nghĩa là gì?”

[...]

“Điều đó có nghĩa là cô phải học cách nhìn thấy chính mình, Agatha ạ!”

Đúng vậy, làm sao có thể đòi hỏi người khác công nhận sự tồn tại của chúng ta, trong khi chính bản thân chúng ta lại phủ nhận sự tồn tại của chính mình?

Với độ dày hơn 200 trang, độc giả sẽ cảm giác độ dài của Agatha là chưa đủ cho một cuốn tiểu thuyết tâm lý, nhưng có lẽ tác giả Anne Catherine Bomann không muốn xoáy sâu vào những nỗi đau, tạo ra cảm giác quá nặng nề cho người đọc, mà muốn tập trung hơn vào việc tìm ra giải pháp các nhân vật. Với kết thúc mở theo chiều hướng lạc quan, tươi sáng cho các nhân vật, tác phẩm sẽ lưu lại sự ấm áp, tích cực độc giả sau khi gấp sách lại. 

Khai phá tâm trí

Những bệnh nhân khác tạo nên những nhân vật phụ hấp dẫn. Mỗi người gặp một vấn đề tâm lý khác nhau. Người phụ nữ luôn ở trong trạng thái bồn chồn, kích động với những điều nhỏ nhặt, trầm trọng hóa chúng lên như thể có thể viết được cả một bộ phim truyền hình về những điều ấy. Người đàn ông mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế: đến và đi đúng giờ, trả lời tất cả những câu hỏi đặt ra… Và đặc biệt hơn là hoàn cảnh gia đình của người thư ký làm việc với Bernard 35 năm. Các trường hợp này đều được giải quyết thoáng qua vì trọng tâm cuốn sách là trường hợp chính Agatha. Nhưng những câu chuyện ấy đều được tác giả xây dựng một cách tinh tế, trọn vẹn, có mở đầu và kết thúc. 

Là một nhà tâm lý học, Bomann đã khéo léo dẫn dắt người đọc khai phá tâm trí các nhân vật, từ đó khai phá tâm trí của chính mình. Dù là tiểu thuyết hư cấu nhưng những nhân vật đều hiện lên rất chân thực. Độc giả có thể dễ dàng cảm nhận nỗi đau của nhân vật, đồng cảm hay tìm thấy hình ảnh của mình ở đâu đó trong cuốn sách, để rồi hiểu rõ bản thân mình hơn và tìm ra được giải pháp cho những vấn đề tâm lý mà mình đang gặp phải. 

____________________

Trạm Đọc dành tặng mã giảm giá “TRAMGIEO12” – Giảm thêm 10% khi đặt hàng qua Tiki tại link: https://bit.ly/3g8Moiv. Thời hạn đến hết ngày 31/12/2020. Mời bạn đón đọc cuốn sách Agatha.

Tags: