Nguyễn Quang Thạch: Phải ngồi xe lăn vẫn 'cõng' sách về làng
Nguyễn Quang Thạch: Phải ngồi xe lăn vẫn 'cõng' sách về làng
Nguyễn Quang Thạch cho biết có thể anh sẽ không đi bộ được nữa nhưng quyết không từ bỏ "Sách hóa nông thôn", dự án mà nhiều người vẫn gọi thân thương là "cõng sách về làng".

Nguyễn Quang Thạch (SN 1975), quê Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1996, anh bị hỏng một mắt trái, mắt phải bị cận.

Năm 1999, anh tốt nghiệp ĐH Vinh (khoa tiếng Anh). Năm 1997, anh bắt đầu nghiên cứu tạo chương trình "Sách hóa nông thôn" và chính thức đưa vào thực tiễn từ năm 2007.

Dù điều kiện sức khỏe không tốt, thị lực kém nhưng năm 2010 và 2015, anh vẫn quyết định đi xe máy và đi bộ xuyên Việt để kêu gọi ủng hộ chương trình.

Sau 9 năm đi vào hoạt động thực tiễn, đến nay, "Sách hóa nông thôn đã thu hút sự tham gia của hơn 100.000 người, xây dựng được trên 10.000 tủ sách, giúp hơn 400.000 người dân nông thôn, trong đó gần 300.000 học sinh tiếp cận sách bằng học sinh con nhà khá giả của Hà Nội.

Tháng 9/2009, mô hình tủ sách dòng họ giành giải thưởng 400.000 triệu đồng trong cuộc thi "Ideas to serve the community" (Ý tưởng phục vụ cộng đồng).

Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản 6841 ngày 31/12/2015 gửi các Sở giáo dục & Đào tạo nhân rộng Tủ sách Phụ huynh/Tủ sách Lớp học đến các lớp học trên toàn quốc.

Ngày 8/9/2016, Chương trình "Sách hóa nông thôn" được UNESCO trao giải mang tên Vua Sejong về xóa mù chữ (phổ biến tri thức) thuộc hạng mục giải thưởng UNESCO International Literacy. Giải thưởng này được thành lập năm 1967 nhằm tôn vinh những sáng kiến thúc đẩy việc đọc sách. Nó gồm có hai giải chính mang tên Khổng Tử và Vua Sejong. Trong đó, giải Vua Sejong (mang tên một vị vua khai trí của Hàn Quốc) được trao từ năm 1989 với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc.

 

Nhịn ăn vì tủ sách, bỏ tiền túi vì tủ sách, đi bộ xuyên Việt vì tủ sách, thậm chí bị... chửi vì tủ sách. Mặc lòng, Nguyễn Quang Thạch vẫn yêu tủ sách như thuở ban đầu và chưa bao giờ muốn dừng việc "cõng sách về làng", hay nói cách khác là dự án "Sách hóa nông thôn".

Đã hỏng một bên mắt, bên kia thì cận nặng, Nguyễn Quang Thạch vẫn đau đáu khi thấy cảnh trẻ em nông thôn không có sách để đọc. Ngay cả khi, bản thân bị vấn đề về xương, có nguy cơ không thể đi bộ như bình thường, anh vẫn bảo: "Tôi sẵn sàng ngồi xe lăn, chứ nhất định không bỏ cuộc".

 

Nguyễn Quang Thạch trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí. 

 

- Có ý kiến cho rằng dù chúng ta đã rất nỗ lực nhưng Việt Nam vẫn chưa có “văn hóa đọc”. Anh nghĩ gì về nhận định này?

- Đúng là xét trên bình diện quốc gia, chúng ta chưa có văn hóa đọc. Tuy nhiên, mấy năm nay đã có nhiều hoạt động để hình thành văn hóa đọc ở Việt Nam. Tôi cho rằng đó là những hành động rất tích cực. Tủ sách trong xã hội ngày càng tăng lên.

Qua khảo sát tủ sách ở Thái Bình và Ninh Bình, trước đây, bình quân một đứa trẻ đọc 0,5 cuốn nhưng bây giờ con số này đã là 10 cuốn/một đứa trẻ. Sách thực sự đã về nông thôn với những việc làm rất tích cực.

- Như anh chia sẻ, có thể hiểu văn hóa đọc không còn xa vời đối với Việt Nam?

- Nhiều người cũng hỏi tôi rằng Việt Nam cần làm gì để xây dựng văn hóa đọc như những nước khác. Tôi trả lời đơn giản rằng mình chưa có văn hóa đọc nhưng không phải không có người đọc sách. Thời gian qua, thư viện đã phát triển, nhiều thư viện đã được mở tới tận dòng họ ở các làng quê.

Câu lạc bộ sách hành động cũng xuất hiện ở nhiều trường đại học. Trên cả nước có hơn 20 đơn vị có vai trò thúc đẩy "Sách hóa nông thôn". Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng tổ chức rất nhiều hoạt động thúc đẩy việc đọc sách. Đó đều là những điều đáng mừng, để chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam sẽ sớm có văn hóa đọc.


- Anh đã thực hiện hành trình “cõng sách về làng” được 20 năm. Trên hành trình đó, có khi nào anh nản lòng hoặc muốn bỏ cuộc?

- Các vấn đề tiêu cực trong xã hội ngày càng nhiều. Trước tình cảnh đó, mình nên làm những điều ý nghĩa. Tôi muốn xã hội này tốt đẹp hơn, muốn trẻ em Việt có thể sánh ngang với trẻ em Mỹ, Nhật, Hàn. Tôi không thể chấp nhận được việc hàng chục tỷ trang sách vứt xó ở kho trong khi trẻ em nông thôn lại thiếu sách để đọc.

Nghĩ như thế, tôi không còn nản lòng. Suy nghĩ tích cực như liều thuốc để tôi khỏe khoắn trở lại khi mệt mỏi. Và cũng là lý do giúp tôi không bao giờ chấp nhận bỏ cuộc.

- Suốt 20 năm đó, anh thấy mình được và mất những gì?

- Tôi được chứ không mất gì. Tôi có khát vọng làm sao để xã hội tốt đẹp hơn và tôi theo đuổi nó. Khi làm được bất cứ điều gì, trước hết, tôi được thỏa mãn chính mình. Thấy cảnh trẻ con có sách để đọc, người nông dân đọc sách cho con, những người dân góp tiền để làm tủ sách, tôi rất hạnh phúc.

Thời gian đầu, tôi phải bỏ tiền túi ra làm. Sau đó, tôi phải bỏ những công việc tốt với mức lương cao để chấp nhận một công việc với mức lương thấp nhưng làm được việc mình muốn. Nhưng tôi không coi đó là những thiệt thòi mà tôi phải chịu.

Nếu có điều gì đó ăn năn thì có lẽ là tôi đã không có nhiều thời gian để chăm sóc con trai. Cháu sống với mẹ bên Đức. Mình theo đuổi đam mê nên mình không chăm lo được cho con. Nhưng đó cái mất cho người khác, chứ cũng không phải mất cho mình.

Anh Nguyễn Quang Thạch hài lòng với quyết định theo đuổi chương trình "Sách hóa nông thôn" của mình

- Gia đình có ủng hộ hoàn toàn việc làm của anh?

- Có người ủng hộ, có người không. Nhưng về cơ bản, tôi được mọi người ủng hộ. Tôi xuất thân trong một gia đình có truyền thống phục vụ cộng đồng. Ông nội tôi từng đưa thầy giáo Tây về dạy học ở địa phương.

Em ông nội tôi thì bán ruộng để làm nơi cho trẻ học. Bố tôi là sĩ quan quân đội, 20 năm dạy học miễn phí. Xuất thân trong một gia đình như thế, tôi thấy may mắn là mình đã noi gương được người đi trước.

- Anh đã hỏng một bên mắt, một bên thì cận nặng. Ngoài ra, anh còn gặp khó khăn gì không?

- Khó khăn lớn nhất của tôi lúc này là duy trì việc đi bộ, nghe tưởng đơn giản mà không đơn giản. Tôi gặp vấn đề về xương sống nên có thể không đi bộ được nữa trong thời gian tới. Nhưng không sao, nếu không đi được, tôi sẵn sàng ngồi xe lăn.

Không gì có thể cản trở được quyết tâm của tôi với các dự định về sách của mình. Làm gì thì làm cũng phải làm cho đến cùng, làm nửa vời sẽ ảnh hưởng đến xã hội. Do vậy, tôi sẽ không bao giờ từ bỏ dù có gặp những khó khăn như thế nào.

- Anh từng chia sẻ dự định sang Ấn Độ để áp dụng "Sách hóa nông thôn" và đi bộ để kêu gọi xã hội Ấn Độ nhân rộng việc làm này. Thời gian qua, anh đã làm gì để hiện thực hóa ý tưởng của mình?

- Tôi đã liên lạc với Đại sứ quán Ấn Độ nhiều lần, gặp cả người của sứ quán. Nhưng rất tiếc là chưa có hồi âm. Có thể bên đó chưa sẵn sàng cần sự hỗ trợ của một người nhỏ bé như tôi. Đó cũng là điều dễ hiểu thôi.

Tôi đã viết tới 3-4 lá thư nhưng tôi không nản lòng. Quan điểm của tôi là mình cứ nỗ lực xúc tiến, biết đâu một ngày nào đó lại làm được.


- Nhiều người bảo anh “bao đồng”, thậm chí “điên rồ” vì Việt Nam còn thiếu sách, tại sao phải lặn lội đi lo cho nước ngoài?

- Tôi muốn mọi người nghĩ lớn hơn thay vì quẩn quanh với những điều nhỏ đó. Người Việt đã sống nhờ nhân loại quá nhiều rồi, do vậy, mình phải có trách nhiệm với thế giới, phải tham gia vào các tiến trình mang giá trị toàn cầu. Tôi muốn người nước ngoài hiểu rằng người Việt cũng có những mong muốn để phát triển thế giới.

- Hình như, anh từng bị miệt thị, chế giễu vì bị cho là khác người?

- Không phải một mà là rất nhiều lần. Có người không nói trước mặt nhưng chửi sau lưng. Khi tôi đưa sách về một dòng họ ở Ninh Bình, đúng lúc họ có cuộc cãi vã về đất cát. Trong một tình huống, đã có người chỉ mặt tôi và nói rằng “Như anh kia chắc cũng đi làm tủ sách để kiếm tiền”.

Thực tế, tôi đã phải bỏ tiền túi ra để mua sách cho con cháu của người ta. Nhưng khi người ta nói vậy, tôi chỉ thấy thương chứ không giận. Có một thời gian, họ thấy công việc của tôi rất lạ lẫm. Nhưng bây giờ, những người đi làm tủ sách, người dân thấy bình thường rồi.

Theo Zing

Tags: