Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Đọc sách để có tâm hồn phong phú, suy nghĩ độc lập
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Đọc sách để có tâm hồn phong phú, suy nghĩ độc lập
Nhà nghiên cứu, chuyên gia phát triển văn hóa đọc, "người bán sách rong" Nguyễn Quốc Vương bày tỏ sự trăn trở, niềm lạc quan và chia sẻ nhiều thông tin thú vị, bổ ích trong cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Thái Nguyên.

Đọc sách là một cách giải trí văn minh và giúp cân bằng cuộc sống

 

-  Thưa anh, chúng ta nên hiểu thế nào về văn hóa đọc?

Văn hóa đọc hiểu theo nghĩa thông thường là chỉ việc cá nhân trong xã hội tiếp nhận, chuyển hóa, thể hiện thông tin mà mình thu nhận được từ các ấn phẩm như sách, báo, tạp chí… Sách là ấn phẩm lưu giữ thông tin lâu dài, các thông tin trong sách có vòng đời dài hơn và đọc sách cần đến khả năng đọc sâu, hiểu sâu. Sách cũng là dạng ấn phẩm mà lượng thông tin được trình bày một cách có hệ thống theo chủ đề tiện cho việc tiếp nhận, tra cứu, phù hợp với các cấp độ nhận thức hay độ tuổi.

 

- Nhiều người tự hỏi, chúng ta mất thời gian đọc sách để làm gì? Anh có thể cho độc giả hiểu hơn về tác dụng của việc đọc sách?

Đúng vậy, nhiều người còn nhận thức mơ hồ về tác dụng của sách. Nhìn ở cấp độ vĩ mô, bằng tư duy lịch sử sẽ thấy văn hóa đọc song hành với sự phát triển của quốc gia. Rất khó để tìm thấy một quốc gia nào phát triển, văn minh mà ở đó văn hóa đọc lại thấp kém và ngược lại.

Ở cấp độ vi mô - cá nhân, việc đọc sách giúp con người trưởng thành về mặt tâm hồn, trí tuệ. Đặc biệt gần đây, người ta còn nhấn mạnh tác dụng của việc đọc sách như là một phương pháp trị liệu các bệnh tâm lý - tinh thần như trầm cảm. Đọc sách cũng là một cách thức giải trí văn minh, giúp cá nhân cân bằng cuộc sống và cảm nhận được hạnh phúc.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trong một hoạt động khuyến đọc
 

Tỷ lệ người biết chữ cao nhưng ít đọc sách là một nghịch lý

 

- Đọc sách có tác dụng lớn như vậy nhưng nhiều người vẫn thờ ơ. Anh có thể cho biết đôi nét về thực trạng văn hóa đọc ở nước ta hiện nay?

Ở Việt Nam, mặc dù số lượng trường học không ngừng tăng, tỷ lệ dân số biết đọc, biết viết rất cao nhưng số người đọc sách thường xuyên lại ít. Đây là một nghịch lý đáng buồn. Năm 2015, Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố số liệu: Bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo/năm (trong đó phần lớn là sách giáo khoa), thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói đến các nước phát triển (trung bình mỗi người đọc khoảng 20 cuốn sách/năm). Cũng theo thống kê, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% dân số, số người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc là 44%. Đây là những con số đáng giật mình.

Thư viện ở Việt Nam không sôi động, hoạt động đọc sách ở nơi công cộng không phổ biến. Thậm chí những người lẽ ra cần phải đọc sách thường xuyên, liên tục như giáo viên, học sinh, sinh viên…cũng không say mê đọc sách. Phần lớn học sinh chỉ học những gì trong sách giáo khoa, sinh viên chỉ đọc giáo trình, giáo viên chỉ đọc sách thiết kế bài giảng, tuyển tập đề thi, tài liệu hướng dẫn giảng dạy.

Tuy nhiên, cũng có điểm sáng khi gần đây các hội sách được tổ chức liên tục, văn hóa đọc được truyền thông chú ý, ở cấp độ quốc gia đã có Ngày sách và các tủ sách được lập ra ở nhiều nơi.

 

Cô trò Trường PTTH Đặng Thúc Hứa hào hứng với các thùng sách tặng của Trạm đọc và Alpha Books

- Anh lý giải như nào về thực trạng này?

Có nhiều lý do. Nhìn ở góc độ lịch sử thì đấy là “di sản” nặng nề cả nghìn năm. Giáo dục Nho giáo và khoa cử vốn chú trọng kinh điển Nho gia và buộc người học, người thi phải tuân thủ theo quy tắc cứng nhắc, khuôn mẫu đã làm cho nếp tư duy của người Việt bị ảnh hưởng. Khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, giáo dục tuy được cải tiến, hiện đại hóa nhưng chỉ có tác động trên một phạm vi nhỏ ở các đô thị, tác động chủ yếu vào các tầng lớp trên mà chưa “phủ sóng” tới đại chúng. Giáo dục độc lập về sau này lại bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và khi có hòa bình thì lại rơi vào “cuộc chiến” thi cử cho đến tận bây giờ.

Bên cạnh đó, môi trường xã hội hiện nay cũng chưa thực sự thuận lợi cho văn hóa đọc. Đọc phải đi kèm với viết, nói. Không gian để người đọc nói và viết chưa được mở rộng và đa dạng. Ở trường, giáo viên chưa thực sự biết lắng nghe và bảo đảm việc nói, viết của học sinh. Ngoài xã hội, các cơ quan, công sở chưa đánh giá đúng về năng lực biểu đạt của công dân. Thậm chí, ở một thái cực khác, nhiều người còn lo lắng con em mình nếu đọc nhiều, hiểu biết sẽ gặp “rắc rối”.

Các hệ thống cơ sở vật chất hỗ trợ cho đọc sách như thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện cơ sở, thư viện trường học vẫn nặng tính hình thức và chưa hoàn thiện… Cùng với đó, sự phát triển và phổ cập ngày càng mạnh mẽ của các thiết bị nghe nhìn kĩ thuật số cũng làm thay đổi lối sống của con người và tác động đến thói quen đọc sách.

 

 

Văn hóa đọc ở Việt Nam sẽ tiến triển nhưng chậm, cần có luật khuyến khích

 

- Đã nhiều năm học tập và nghiên cứu sâu về văn hóa, giáo dục Nhật Bản, anh có thể cho biết đôi nét về văn hóa đọc ở quốc gia này? Chúng ta học được gì từ họ?

Nhật Bản có nhiều điểm thuận lợi hơn chúng ta trong phát triển văn hóa đọc, bởi họ cũng có Nho giáo nhưng không có khoa cử. Tính thực tiễn và coi trọng tri thức thực dụng là một đặc điểm xuất hiện khá sớm trong xã hội Nhật Bản. Chính vì vậy mà người Nhật ham tìm tòi, ham đọc, ham viết.

Hiện nay, để đối phó với sự “tấn công” của các phương tiện giải trí kĩ thuật số, ngăn chặn tình trạng xa rời việc đọc sách, Nhật Bản đã có Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (2001), Luật Chấn hưng văn hóa đọc (2005). Nhà nước Nhật định kỳ 4-5 năm lại có kế hoạch cơ bản phát triển văn hóa đọc quốc gia và quy định các cấp từ tỉnh cho đến tận làng, khu phố phải có kế hoạch chi tiết đi kèm. Từ gia đình, nhà trường đến xã hội địa phương đều chú trọng văn hóa đọc, các gia đình có tủ sách và thẻ thư viện cho trẻ em.

Ở trường mầm non nơi con tôi học (con tôi sinh ra ở Nhật), nhà trường có cả tủ sách khuyến khích phụ huynh mượn sách về nhà đọc cho con nghe. Ở trường tiểu học có giờ đọc sách do giáo viên môn quốc ngữ đảm nhận. Giáo viên sẽ hướng dẫn và theo dõi việc đọc sách của học sinh. Ở các trường đều có câu lạc bộ đọc sách cho học sinh tham gia. Kèm với đó là các hoạt động tạo ra cơ hội, không gian cho học sinh nói, viết, biểu đạt bằng ngôn ngữ như các câu lạc bộ viết văn, làm báo, thuyết trình… Đó là những điều rất đáng để chúng ta tham khảo, học tập trong bối cảnh văn hóa đọc chưa phát triển như hiện nay.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh Bắc Giang

 

- Đúng là rất đáng tham khảo! Theo anh, làm thế nào để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, lan tỏa văn hóa đọc trong xã hội?

Tôi cho rằng, ở cấp vĩ mô cần phải có luật khuyến khích văn hóa đọc và chính sách phát triển văn hóa đọc quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan. Gia đình, phụ huynh cần hiểu biết về văn hóa đọc và tác dụng của nó để hướng dẫn con, hình thành ở con thói quen đọc sách, coi đó là nền tảng cơ bản đi suốt cuộc đời. Học trong xã hội hiện đại không chỉ đơn giản là học các môn giáo khoa trong nhà trường hay học để thi. Để có thể trở thành một con người có tâm hồn phong phú, độc lập trong nghề nghiệp và là một người công dân tốt thì cá nhân cần học tập suốt đời. Đọc sách là một phương thức học tập hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Việc tổ chức Ngày sách Việt Nam thiết thực, hiệu quả cũng là một cách để xã hội quan tâm đến văn hóa đọc và tạo ra cơ hội, không gian để những người quan tâm tới việc đọc sách tham gia, thúc đẩy hoạt động đọc trên khắp đất nước. Tôi nghĩ thanh niên cần phải có thói quen đọc sách để tự lập. Cho dù làm nhiều nghề khác nhau thì các cá nhân vẫn cần phải có nền tảng văn hóa tốt để từ đó “mài sắc” bản thân phục vụ nghề nghiệp và đời sống cá nhân của mình. Có tự lập về tư duy mới có thể tự lập về kinh tế và cuộc sống.

Bản thân tôi là một người thích sách từ nhỏ, sau này lại là người viết nên tôi đọc sách hàng ngày và có thể đọc ở bất cứ đâu mỗi khi có thời gian rỗi.

PV: Trân trọng cám ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo Trần Quyền -  Báo Thái Nguyên

 
Tags: