Nhà văn Di Li cùng Đọc, Đi và Chiêm nghiệm
Nhà văn Di Li cùng Đọc, Đi và Chiêm nghiệm
Mời bạn cùng khám phá những điều thú vị về tác giả trinh thám nổi tiếng Di Li trong bài phỏng vấn Café sách số 16. Vừa là một nhà văn trinh thám vừa là một chuyên gia PR, đồng thời là một mọt sách thích xê dịch,… nhà văn Di Li sẽ chia sẻ những gì với độc giả Trạm Đọc?

 

Nghiện đọc đến mức “không bình thường”

 

Là một người đọc và đồng thời một người viết, sách có vai trò như thế nào trong cuộc sống của chị?

Đối với tôi, sách là một phần quan trọng không thể thiếu. Tôi vẫn đi mua sách hàng tuần. Từ hồi 6 tuổi cho đến bây giờ là 39 tuổi, tôi vào hiệu sách vẫn cứ hớn ha hớn hở, vẫn hoa mắt, vẫn nhìn cái gì cũng muốn mua, niềm vui của ngày ấy và bây giờ vẫn vẹn nguyên như vậy.

Con người có thể tìm kiến thức từ nhiều con đường, trong đấy sách là một cách tìm kiếm nhanh nhất và thú vị nhất. Tại sao ta lại không học từ sách? Học từ sách có rất nhiều điều thú vị. Sách luôn là người thầy, nó chiếm một phần giáo dục quan trọng không kém gì giáo dục nhà trường, mà nó cho mình nhiều kỹ năng sống nữa, và nó bồi dưỡng trí tưởng tượng khả năng sáng tạo. Rất nhiều người cứ nghĩ làm nghề quảng cáo, PR mới cần sáng tạo nhưng thực ra bất cứ ai, làm việc gì cũng cần phải sáng tạo đấy chứ. Vậy nên việc đọc sách là tốt cho mọi nghề, sáng tạo và tưởng tượng là tốt cho mọi nghề, chứ không riêng nghề viết văn mới cần trí tưởng tượng, nghĩ thế là không đúng.

 

 

Bây giờ có nhiều cái giải trí hơn ngày xưa. Có truyền hình, có phim ảnh, có du lịch, có thể thao rồi khiêu vũ, bơi lội, TV, Facebook,… có rất nhiều thứ hấp dẫn . Nhưng ngày xưa không có cái gì để giải trí ngoài sách cả, người ta buộc phải giải trí bằng sách, vì vậy số lượng người thích đọc sách ngày xưa nhiều hơn bây giờ rất nhiều. Cho dù như vậy, trong tất cả những loại hình giải trí, tôi ưu tiên sách. Mới lập Facebook được một năm nay nhưng tôi rất ít khi vào Facebook, có khi một hai tháng một lần. Không phải vì tôi không thích dùng Facebook, nhưng quỹ thời gian là có hạn, tôi ưu tiên dành thời gian để đọc và viết.

 

Không chỉ thích Đọc, trong những chia sẻ của chị, chị còn là người rất thích Đi?

Tôi cho rằng con người bạn hình thành qua việc bạn đọc những cuốn sách nào, bạn đi những đâu, và gặp những ai. Vì toàn bộ những thứ đó góp phần quan trọng hình thành nên thế giới quan của mỗi người. Tôi không nghĩ rằng những người không đọc sách, không đi đâu, không gặp ai lại có thể trở thành thông thái cả. Thậm chí đọc nhiều, đi nhiều, gặp nhiều còn chưa làm nên gì cả.

Tất cả các nhà văn mà tôi biết, kể cả những đại văn hào đã mất rồi hay những nhà văn rất danh tiếng trên thế giới mà tôi đã gặp, tôi đều thấy họ đi rất nhiều, không có một ai ngồi một chỗ mà sáng tác được cả. Họ đi cực nhiều, thậm chí đó là sở thích của họ. Bởi vì chỉ có đi nhiều, lắng nghe và cảm nhận cuộc sống thì mới có nguyên liệu để viết. Nhưng “đi” phải “đi” như thế nào, tiếp thụ như thế nào, đọc cũng là đọc kiểu gì, đọc mình có phân tích tổng hợp được thông tin không, hay đọc để giải trí, đọc xong quên luôn. Dù là như thế nhưng rõ ràng rằng khi ta đọc nhiều, đi nhiều thì giống kiểu “có học có hơn” chứ, những thứ tai nghe mắt thấy cũng sẽ vào đầu, không được nhiều thì được ít. Còn tôi thì là bẩm sinh đã thích đi lại, và về sau tôi thấy rất may mắn mình đã có sở thích ấy, vì đi lại là việc vô cùng cần thiết cho bản thân và công việc của tôi.

 

Tình yêu đối với sách và dịch chuyển của chị có bắt nguồn từ truyền thống gia đình không?

Ôi, không đâu, những sở thích đó hoàn toàn đến rất tự nhiên thôi. Bạn biết cậu bé Đỗ Nhật Nam không? Tôi chẳng hiểu sao người ta cứ nói mãi về việc cậu bé chỉ đọc sách với đầy những chữ mà không đọc truyện tranh như một “đứa trẻ con binh thường”. Tôi thấy có vấn đề gì đâu nhỉ, từ bé tôi cũng vậy, tôi đọc rất nhiều mà lại không thích đọc truyện tranh. Những tác phẩm kinh điển như Ba chàng lính ngự lâm, Bá tướng Monte Cristo, Số đỏ, Giông tố,… tôi đọc từ khi 9 tuổi. Thấy vậy, bố nghiêm khắc cấm tôi đọc vì nghĩ trẻ con bình thường phải chạy nhảy vui chơi còn tôi cứ ngồi đọc đến mức “không bình thường”.

Mới đầu tôi cũng tự vấn bản thân mình có nên thấy gì cũng đọc không. Cho đến mãi sau này, tôi mới biết được có rất nhiều nhà văn lớn như Mark Twain cũng đọc mọi thứ, từ Nghìn lẻ một đêm đến những truyện ba xu. Tôi cũng vậy, tôi đọc hết sách của bố còn đi thuê truyện từ diễm tình đến sử thi về đọc. Cứ cái gì có chữ tôi đều đọc hết, nếu không được đọc sẽ thấy rất khó chịu như bị nghiện vậy.

 


 

Nhà văn…5 phẩy 

 

 

Là một kẻ “nghiện” sách, chị có ấp ủ mơ ước trở thành nhà văn tử thuở nhỏ?

Thời đi học phổ thông, điểm số của tôi không cao, tôi còn đang định đăng cái sổ điểm lên Facebook để khiến mọi người bất ngờ đây. Nhiều người chắc sẽ thấy thú vị lắm vì điểm của tôi rất thấp. điểm văn chỉ khoảng 5 phẩy. Ở đại học tôi học song song hai bằng là tiếng Anh và tiếng Đức, thì tôi đều phải thi lại môn văn học Đức và văn học Anh, theo định nghĩa thông thường nghĩa là “môn văn rất tệ”. Với điểm văn thấp như vậy, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghiệp viết.

Viết lách đến với tôi rất tự nhiên. Hồi bé, trước khi đi ngủ, tôi thích tự tưởng tượng những câu chuyện mà mình là nhân vật chính, cốt truyện mỗi lần một khác. Đó hoàn toàn là chuỗi những hình ảnh cứ hiện ra như một bộ phim do tôi đạo diễn trong đầu; có những câu chuyện ngắn và có những chuyện kéo dài cả tháng. Không ai biết điều bí mật ấy cả. Việc này bắt đầu từ lúc tôi khoảng 5 tuổi cho đến khi tôi bắt đầu viết vào năm 20 tuổi.

 

Trước đây thể loại trinh thám ở Việt Nam đã có nhiều người viết nhưng không thành công được như những tác phẩm của chị, đặc biệt là “Trại Hoa Đỏ”. Tại sao chị lại chọn thể loại này để sáng tác?

Tôi rất đơn giản, thích đọc gì thì sẽ viết cái đó. Những truyện ngắn đầu tiên tôi viết có âm hưởng hồi hộp ly kỳ một cách rất tự nhiên. Do thích khám phá nên tôi không đọc những gì hiện thực mà thích đọc những câu chuyện kỳ bí. Thường thì gu đọc cũng là gu sáng tác của nhà văn. Trong cuộc sống, tôi thích tìm những chi tiết hồi hộp, ly kỳ. Có những điều rất đỗi bình thường với người khác nhưng với tôi lại trở nên kịch tính. Mọi chuyến đi của tôi đều đầy rẫy bất ngờ đáng nhớ. Không biết có phải cuộc đời mình vốn thế, hay do mình ưa bất ngờ, nên không có suy nghĩ muốn biết trước điều gì, mà chờ đợi những điều đặc biệt xảy ra.

 

 

Thấu hiểu tâm lý như một chuyên gia PR

 

 

Là một tác giả truyện trinh thám, chị còn được biết đến là một người trong ngành PR và cũng thành công khi viết sách về PR. Đối với chị, trinh thám và PR có mối liên hệ gì không?

Tôi nghĩ hai thứ này hoàn toàn liên quan đến nhau. PR đỉnh cao là sự sáng tạo của trí tưởng tượng và thấu hiểu tâm lý. Viết về trinh thám, tôi cần phải biết người đọc mong đợi điều gì ở tác phẩm của mình. Tôi xử lý được tình huống truyện, nghĩa là đã hoàn toàn làm chủ cả cuộc chơi. Thỉnh thoảng tôi có bày trò chơi cho mọi người đoán thủ phạm trong truyện của mình, nhưng không một ai đoán ra cả. Để tạo ra được câu chuyện hấp dẫn như vậy, tôi phải hiểu tâm lý của họ.

 


 

Thêm một điều nữa, khi tôi giảng bài hay viết sách, mọi người đều bảo cô Di Li nói về PR mà cứ ly kỳ như truyện trinh thám, vì tôi biến PR thành câu chuyện có thắt nút mở nút, có cao trào. Những chuyện gia PR khác không làm được việc này vì họ không phải nhà văn trinh thám. Chính vì thế, nhiều cuốn PR trên thế giới được viết bởi những tác giả hàng đầu, nhưng tôi đọc không thấy hay.

 

Ở Việt Nam, từ PR được sử dụng khá bừa bãi khiến nhiều người hiểu nhầm khái niệm này, thậm chí còn gán cho nó cái mác xấu xí như “chiêu trò PR”. Liệu đây có phải lý do chị viết sách “minh oan” cho PR?

Không chỉ ở Việt Nam đâu, ở nước ngoài người ta cũng rất hay nhầm lẫn về PR. PR là thứ cực kỳ khó hiểu. Mình nói mình là bác sĩ, thủ quỹ, giáo viên người ta hiểu công việc của mình là gì, nhưng PR làm cái gì thì họ không biết, thậm chí chính mình còn chẳng biết mình làm cái gì.

PR là quan hệ công chúng nhưng nghe rất mơ hồ, ngay từ những ngày đầu tiên tôi tiếp cận PR, cho dù tôi đã nghiên cứu rất nhiều, đọc bao nhiêu sách nguyên bản về PR mà vẫn không hiểu chính xác PR là cái gì. Đến bây giờ, khi đi dạy, sinh viên của tôi cũng hiểu nhầm tùm lum và lẫn lộn khái niệm dù mình đã cố dạy rất khéo, mình truyền đạt mãi nhưng sinh viên vẫn chưa hiểu hết. Phải nói đây là một môn rất khó, khó ngay từ khái niệm. Nên tôi nghĩ đến việc phải tìm một cách để nói cho người khác thật dễ hiểu, cố gắng truyền đạt về PR theo cách dễ hiểu nhất. Đó là lý do khiên cuốn sách “Tôi PR cho PR” ra đời.

 

Chị có thể gợi ý những cuốn sách nên đọc dành cho những bạn quan tâm đến PR?

Tuy đọc nhiều nhưng tôi chỉ thích một cuốn của First News là “Biến tất cả khách hàng thành fan hâm mộ”. Trong cuốn sách này có cả lý thuyết và bài tập vận dụng rất chi tiết và cụ thể. Còn nhìn, chung sách PR thì khá mơ hồ, khó hiểu, lại có nhiều ví dụ xa lạ với văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, các bạn có thể đọc thêm những sách tâm lý, kỹ năng có rất nhiều trên thị trường. Vì bản chất PR là tạo mối quan hệ. Mình làm cho công ty thì cần tạo quan hệ cho công ty, mình PR cho mình chính là tạo mối quan hệ cho mình. Đều là tạo dựng quan hệ, nhưng với sách tâm lý, kỹ năng bạn có thể áp dụng với trăm người, còn với quy mô lớn hơn rất nhiều như công chúng của một công ty, đặc biệt như những tập đoàn lớn như Unilever, Coca Cola, bạn cần đọc và học về PR. Thấu hiểu tâm lý của một vài người có thể tự làm, nhưng thấu hiểu tâm lý của cả triệu người là cả một môn khoa học.

Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị hôm nay. Trạm Đọc chúc chị thành công trong công việc và hành trình khám phá cuộc sống.

Trạm Đọc (Read Station)

Thực hiện: Hải Quỳnh