Ông Đỗ Quý Doãn: 'Muốn nhiều người đọc phải có sách hay'
Ông Đỗ Quý Doãn: 'Muốn nhiều người đọc phải có sách hay'
Ông Đỗ Quý Doãn khẳng định sách hay mới có độc giả, vì vậy cần những chương trình xây dựng tủ sách thiết yếu, mang giá trị lâu bền.

Dù đã nghỉ công tác theo chế độ nhiều năm nay, ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - vẫn theo dõi hoạt động của ngành sách, văn hóa đọc.

Ông đánh giá cao nỗ lực của giới xuất bản và cho rằng những chương trình như đề án Chương trình Sách quốc gia mà Cục xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đang xây dựng là cần thiết.

Nỗ lực lớn của giới làm sách

- Ông đánh giá như thế nào về số lượng và chất lượng sách được xuất bản trong những năm gần đây?

- Tôi thấy xuất bản sách trong những năm vừa qua có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Về số lượng, hàng năm, chúng ta xuất bản 30.000-37.000 đầu sách với trên 400 triệu bản sách. Đó là nỗ lực rất lớn của các nhà xuất bản. Mức độ hưởng thụ bình quân đầu người nâng lên 4,6 bản/người/năm. Đây là mức mà nhiều năm trước chúng ta phấn đấu.

Về chất lượng, số sách xuất bản hàng năm có những cuốn hay, chất lượng tốt. Điều này đã được khẳng định qua Giải thưởng Sách quốc gia hàng năm mà Hội Xuất bản đánh giá từ nhiều kênh, chọn sách hay, giá trị để tôn vinh.

Tuy vậy, trong lượng lớn sách ra mắt hàng năm, sách chất lượng cao không nhiều. Sách “vô thưởng vô phạt” còn khá phổ biến. Loại sách chạy theo thị trường, đáp ứng thị hiếu một bộ phận công chúng được một số cơ sở xuất bản thực hiện. Các đơn vị ấy đã quên đi chức năng của sách, ngoài việc đáp ứng nhu cầu người đọc cần phải góp phần nâng cao nhận thức, hướng con người đến chân, thiện, mỹ.

- Có một số ý kiến cho rằng ngày nay sách vở quá nhiều khiến người muốn đọc như bơi trong biển sách, không biết đâu là tác phẩm hay, đâu là cuốn phù hợp. Ông nghĩ sao về điều này? Chúng ta có cần thiết xây dựng một tủ sách để giới thiệu những cuốn thiết yếu tới bạn đọc?

- Nói sách quá nhiều, người đọc không biết thế nào để lựa chọn, cần phải có tủ sách thiết yếu là chưa thật chính xác.

Sách được làm ra đều tuân thủ chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của nhà xuất bản. Nhà xuất bản nào có đối tượng phục vụ của nhà xuất bản đó. Nhìn tổng thể, có rất nhiều loại sách trên thị trường nhưng tôi tin rằng độc giả sẽ lựa chọn sách phù hợp cho mình.

Điều đó không ảnh hưởng việc xây dựng tủ sách thiết yếu. Đã gọi thiết yếu thì sách đó phải có tiêu chí nhiệm vụ, đối tượng cụ thể. Khi xác định rõ như vậy, chúng ta mới xây dựng được tủ sách đúng yêu cầu đề ra.

- Đề án Chương trình Sách quốc gia đang được xây dựng. Theo ông, chương trình như vậy có đủ để tạo nên một tủ sách thiết yếu, cung cấp tri thức nền tảng cho bạn đọc?

- Việc xây dựng đề án Chương trình Sách quốc gia với các đầu sách mang giá trị lâu bền là rất cần thiết.

Số lượng bao nhiêu cuốn, 400-500 hay nhiều hơn nữa, phụ thuộc từng thời điểm. Khi các bộ, ban, ngành, địa phương đã xác định là cần thiết thì phải tập trung để thực hiện cho thật hoàn chỉnh.

Công chúng, độc giả là người xem xét lựa chọn những sách nào phù hợp nhu cầu của mình. Xây dựng tủ sách thiết yếu là để tập hợp những cuốn giá trị, thiết yếu theo từng chủ đề mà trên thị trường chưa tập trung làm cho đầy đủ. Người có nhu cầu tìm hiểu một lĩnh vực nào đó có thể tìm đến một mảng trong tủ sách để tiếp cận.

- Ông nghĩ sao khi đề án chỉ thực hiện sách điện tử và sách nói?

- Làm sách điện tử, sách nói phù hợp xu hướng công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, Chương trình Sách quốc gia cần quan tâm cả mảng sách in truyền thống để bảo đảm phù hợp từng bước phát triển xã hội qua mỗi giai đoạn.

Không phải ai, ở đâu, lúc nào cũng có điều kiện, phương tiện tiếp cận sách điện tử. Đây là vấn đề mà những người làm chương trình nên quan tâm.

- Nếu đề án Chương trình Sách quốc gia được thông qua, ông có góp ý gì để chương trình hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của công chúng?

- Việc đề án Chương trình Sách quốc gia được xây dựng, được thông qua là rất quan trọng. Quan trọng hơn là công chúng, độc giả được tiếp cận sách của chương trình hay không. Chính vì vậy, cần phải có một số giải pháp: Tạo điều kiện để độc giả được tiếp cận thuận lợi, dễ dàng; đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất để thực hiện chương trình.

Chương trình mang tên “Sách quốc gia” nên sách lựa chọn vào phải thực sự có chất lượng. Tránh tình trạng biến chương trình này thành nơi giải quyết sách không bán được. Nên có một hội đồng để lựa chọn sách, thành phần phải tương đối sát, phù hợp từng lĩnh vực của sách.

Đội ngũ thực hiện chương trình có năng lực, kỹ năng để triển khai.

Chuong trinh Sach quoc gia anh 3

Phát triển văn hóa đọc từ nhu cầu thực chất, không phải từ phong trào

- Bên cạnh việc làm sách hay, chất lượng, công tác phát triển văn hóa đọc cũng được chú trọng. Những năm qua, chúng ta đã có những điểm sáng nào để thúc đẩy văn hóa đọc?

- Những năm qua, trong điều kiện khó khăn nhưng xuất bản vẫn phát triển. Ta cũng phải đối đầu với những thách thức; đặc biệt, xu hướng bùng nổ truyền thông xã hội khiến nhiều người lo ngại văn hóa đọc xuống cấp.

Bên cạnh thách thức, xu hướng ấy cũng tạo ra cơ hội với văn hóa đọc. Từ phương thức đọc sách in, một bộ phận chuyển sang hình thức đọc mới: Đọc trên máy đọc sách, điện thoại, máy tính bảng…

Sách hay mới có độc giả nên phải làm sao để có những đầu sách chất lượng, loại bỏ những sách vô bổ trong xã hội.

Ông Đỗ Quý Doãn

Các nhà xuất bản cần chú trọng vừa xuất bản sách in, chú ý cả mảng sách điện tử. Cần phát triển hệ thống thư viện bên cạnh thư viện của Nhà nước, phát triển những không gian đọc tư nhân, gia đình. Phát triển mô hình đường sách, đây cũng là một yếu tố quan trọng để giữ gìn và phát triển văn hóa đọc.

- Chúng ta cần làm gì để ngày càng có nhiều người đọc sách, phát triển văn hóa đọc hơn nữa?

- Để có nhiều người đọc sách và phát triển văn hóa đọc, cần phải có những giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực của Nhà nước, các đơn vị và toàn xã hội. Điều đó phải xuất phát từ nhu cầu thực chất chứ không phải là phong trào. Khi thấy đó là nhu cầu cần thiết, việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc mới vững bền.

Trước hết, phải nhận thức đầy đủ vai trò của sách và đọc sách đối với đời sống xã hội. Lê Quý Đôn từng nói: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng / Không bằng kinh sử một vài pho”.

Phải nâng cao hơn nữa chất lượng sách. Muốn có người đọc sách thì phải có sách hay. Sách hay mới có độc giả nên phải làm sao để có những đầu sách chất lượng, loại bỏ những sách vô bổ trong xã hội.

Tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng hệ thống thư viện, tổng kết mô hình thư viện tư nhân, gia đình, phát triển thư viện công cộng, trường học… để nhu cầu đọc của công chúng được đáp ứng.

Mở rộng mô hình đường sách ở các thành phố, thị xã. Có chính sách tài trợ, đặt hàng, mua bản quyền của Nhà nước. Tạo điều kiện xuất bản những cuốn sách, bộ sách có giá trị.

Quan tâm đời sống của những người viết sách, mua lại những tác phẩm hay, công trình giá trị của họ để xuất bản phục vụ công chúng.

Theo Zing News

Tags: