Phúc Âm cho một người: Ừ thì ai cũng phải có gì đó tin vào mà sống chứ
Phúc Âm cho một người: Ừ thì ai cũng phải có gì đó tin vào mà sống chứ
Nguyễn Khắc Ngân Vi chỉ viết về đàn bà, về những dục vọng sâu thẳm nhất luôn dằn vặt những người đau khổ vì sa ngã kể từ tội lỗi đầu tiên của Adam và Eva.

Trong cuốn sách đầu tay Đàn bà hư ảo, tác giả Nguyễn Khắc Ngân Vi đã viết về An—một cô gái với những đau đớn trong linh hồn, hàng ngày phải chống chọi với trầm cảm, day dứt, dằn vặt và thậm chí những vết thương thể xác, thì lần này Ngân Vi dám mạo hiểm lựa chọn hình ảnh bà Khuê—một người phụ nữ trung niên tuổi tiền mãn kinh mặc dù tuổi đời của Vi còn rất trẻ.

Không biết phải bắt đầu thế nào nhưng có lẽ nổi bật nhất trong cuộc đời người đàn bà tuổi mãn kinh này là quan hệ giữa bà, bà Khuê và đứa con gái của bà. Theo phân tâm học của Freud thì bắt đầu từ năm 2-3 tuổi, đứa con gái sẽ bắt đầu bắt chước, muốn trở thành hay thậm chí ghen tị với mẹ mình. Từ đó trở đi ngay trong tiềm thức giữa mẹ và con gái đã có sự phân biệt và điều đó giải thích tại sao con gái thường thân với cha của mình hơn.

Bà Khuê là một người sinh ra và lớn lên trong chế độ VNCH nhưng trong ngày tàn của chế độ đó, bà đã rời bỏ mảnh đất đô thị phồn hoa nơi ngập tràn những ước mơ đó để về với một vùng đất hoang ở Đồng Nai. Nỗi niềm nhớ SG được mô tả qua hình tượng của chị Lan, một người hàng xóm cũ của bà. Nhưng sống ở đâu đủ lâu thì người ta sẽ yêu nơi đó, khi những ước mơ của bà: ngoại tình, nhạc jazz, rượu và gái đẹp được hiện thực hóa thì những điều đó lại làm bà cảm thấy xa lạ, tẻ nhạt và giả tạo. Bà thậm chí cảm thấy nhớ rẫy khoai mì và người chồng ngoan đạo của mình.

Phúc Âm cho một người và Đàn bà hư ảo.

Có một sự thiên vị rõ ràng khi bà phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, khi bà yêu thương đứa con trai ít nhất là gấp đôi so với đứa con gái của bà. Và bà ghen tị với đứa con gái mình khi nó được lên SG học đại học, lấy chồng và cắt đứt mọi liên lạc với bà. Nó đã được quyền kiêu ngạo, được quyền lên mặt dạy dỗ vì nó hiểu được rằng trong sâu thẳm tâm can, bà cũng muốn được kiêu ngạo với Chúa. Vì nó là một kẻ bán Chúa.

Những độc giả không nghiên cứu Thiên Chúa giáo sẽ lạ lẫm với tựa đề có từ Phúc Âm. Phúc Âm (hay Gospel) là những cuốn kinh đầu tiên và quan trọng nhất trong bộ Kinh Thánh Tân Ước. Phúc Âm là sự cứu chuộc của Jesus Christ để tha thứ cho mọi tội lỗi của con người từ tội lỗi đầu tiên: sự sa ngã của Adam và Eva.

“... hãy ăn năn và tin vào phúc âm.”

Bà đã thấy mình chạy băng băng trên con đường rì rào tiếng lúa… Mùi phân heo làm bà đau buốt sống mũi. Nỗi tuyệt vọng, chúng luôn có ở đấy từ khi niềm hi vọng vừa được khởi sinh. Và nỗi bất hạnh của con người không chỉ là cơn đói. Niềm hy vọng là bất hạnh lấp lánh nhất của thế giới này. Bà vốn sống đủ lâu để hiểu ra chân lý ấy. Song một lần nữa niềm hy vọng đã đánh lừa bà.

Bà biết mình có tội, tội ngoại tình, tội không ngoan đạo, không đi nhà thờ dự lễ Misa nhưng bà luôn hy vọng vào một tương lai đẹp đẽ, một nơi bà có thể tự mở một trường mẫu giáo thay vì suốt ngày làm thuê cho một người bà con xa, tin rằng những đứa con dứt bỏ cha mẹ sẽ quay trở lại với mình. Càng kì vọng thì thực tế lại càng phũ phàng khiến bà thêm thất vọng.

Nhưng bà vẫn tin. Tin vào những đứa con sẽ rời vòng tay cha mẹ để được sống. Tin vào vùng đất mới. Tin vào rẫy mì của người đàn ông. Tin vào cả vòng tay của Chúa trời. Vì Chúa sẽ dang tay đón lấy cả những kẻ có tội.

Nguyễn Khắc Ngân Vi là nhà báo chuyên mảng văn hóa hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Sinh năm 1989 nhưng Nguyễn Khắc Ngân Vi đã dám táo bạo viết về sex, về những dục vọng của đàn bà.

Các tác phẩm đã xuất bản: Đàn bà hư ảo (2016)

 

Tags: