Quốc gia nào có nhiều giải Nobel Văn Học nhất thế giới?
Quốc gia nào có nhiều giải Nobel Văn Học nhất thế giới?
Theo các nhà nghiên cứu, Pháp là một trong những đất nước có nền văn học phát triển rực rỡ nhất, ảnh hưởng lớn trên thế giới. Một trong những yếu tố cho sự phát triển là bởi Pháp là cái nôi của những trường phái và trào lưu tư tưởng mới.
Quốc gia có nhiều giải Nobel Văn học nhất là Pháp - 16 người.

Theo các nhà nghiên cứu, Pháp là một trong những đất nước có nền văn học phát triển rực rỡ nhất, ảnh hưởng lớn trên thế giới. Một trong những yếu tố cho sự phát triển là bởi Pháp là cái nôi của những trường phái và trào lưu tư tưởng mới.

Nhiều tác giả văn học Pháp ở thế kỷ trước đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam như Honoré de Balza (1799-1850), Victor Hugo (1802-1885), Alexandre Dumas cha (1802-1870), Alexandre Dumas con (1824-1895), Guy de Maupassant (1850-1893)...

Nửa đầu thế kỷ 20, Pháp có chín nhà văn đoạt giải, gồm:

- Sully Prudhomme, năm 1901

Ông là một nhà thơ Pháp và là một thành viên của Viện Hàn lâm Pháp, người đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel Văn học.

Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: Stances et Poèmes (Tứ tuyệt và các bài thơ, 1865); La Justice (Chính nghĩa, 1878) và Le Bonheur (Hạnh phúc, 1888)...

- Frédéric Mistral, 1904

Là một nhà thơ vùng Provençe (Pháp) đoạt giải Nobel Văn học năm 1904. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như trường ca Miréio (1859), trường ca Calendau (1867) và tập thơ Lis isclo d'or (Những hòn đảo vàng, 1876), ...

- Romain Rolland, 1915

Là nhà văn, nhà viết kịch Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1915.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Romain Rolland là trường thiên tiểu thuyết Jean Christophe (10 tập, xuất bản trong các năm từ 1904-1912). Ngoài ra có: Bi kịch đức tin (Les tragédies de la foi) gồm ba vở kịch Thánh Louis (1897), Aert (1898) và Chiến thắng của lí trí (1899)...

- Anatole France, 1921

Là con của một chủ cửa hàng sách, từ nhỏ đã ham mê văn học, nghệ thuật. Trong thập niên 1860, France tiếp xúc với nhóm Parnasse và xuất bản tập thơ đầu tiên (1873). Sau đó ông chuyển sang viết văn xuôi và thật sự có tiếng tăm khi cuốn tiểu thuyết Le crime de Sylvestre Bonnard (Tội ác của Sylvestre Bonnard, 1881) ra đời và được nhận giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp.

- Henri Bergson, 1927

Là nhà triết học, nhà văn người Pháp, một trong những nhà triết học lớn của thế kỷ 20, đoạt giải Nobel Văn học năm 1927.

Henri Bergson là cha đẻ của thuyết "Trực giác" có ảnh hưởng lớn đến văn học và triết học Pháp nói riêng và Phương Tây nói chung. Tác phẩm L'Evolution créatrice là cuộc cách mạng mang ý nghĩa thời đại.

- Roger Martin du Gard, 1937

Là nhà văn, nhà viết kịch Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1937.

Năm 1908, trong vài tuần lễ ông viết xong và cho xuất bản cuốn sách đầu tiên có tựa đề Devenir (Trở thành) nhưng không mấy thành công. Ông chỉ thật sự nổi tiếng vào năm 1913, khi cho in cuốn Jean Barois, thể hiện sự giằng co giữa tín ngưỡng và khoa học trong tư tưởng con người, khẳng định lý tưởng dân chủ và nhân đạo.

- André Gide, 1947

Là một trong những nhà văn xuất chúng của thế kỷ 20. Sáng tác đầu tay của ông là cuốn tự truyện Les cahiers d'André Walter (Những cuốn vở của André Walter, 1891) viết bằng thơ và văn xuôi đầy chất thơ, kể về sự giằng xé, giày vò giữa thể xác và tâm hồn và sự tìm kiếm lối thoát trong các hình thái thần bí và thanh cao của tình yêu.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Les Caves du Vatican (Những động ngầm dưới Vatican, 1914), tiểu thuyết Les Faux-monnayeurs (Bọn làm bạc giả), Thésée (Theseus, 1946) ...

- Francois Mauriac, 1952

Là nhà văn, nhà thơ Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1952.

Năm 1909, Mauriac xuất bản tập thơ đầu tiên Les Mains jointes (Những bàn tay gắn kết), nhưng phải đến năm 1922 ông mới nổi tiếng là nhà viết tiểu thuyết có tài với cuốn Le Baiser aux lépreux (Nụ hôn cho người hủi).

- Albert Camus, 1957.

Là một nhà văn, triết gia, nhà báo người Pháp nổi tiếng. Các tác phẩm tiêu biểu của ông bao gồm: Người xa lạ, Dịch hạch, Thần thoại về Sisyphus...

Từ năm 1960 đến nay, Pháp có thêm bảy tác giả đoạt giải, gồm:

- Saint John Perse, 1960

Ông phục vụ trong ngành ngoại giao, làm đại sứ Pháp ở Bắc Kinh và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ ngoại giao Pháp. Năm 1940, do phê phán chính sách thân Hitler của giới cầm quyền Pháp, ông bị cách chức. Khi nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng, ông đã kịp thời chạy trốn sang Mỹ.

Các tác phẩm văn học của ông như tập thơ đầu tiên Tụng ca (một thể loại thơ điền viên, viết năm 1910), trường ca Anabase (tiếng Hi Lạp có nghĩa là Đi vào nội tâm) vào năm 1924, Lưu đày (1942), Bài thơ tặng người phụ nữ nước ngoài (1943), Mưa rào (1943)...

- Jean Paul Sartre, 1964

Là nhà triết học hiện sinh, nhà soạn kịch, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia và là nhà hoạt động chính trị người Pháp.

Ông nổi tiếng với các vở kịch Les Mouches (Ruồi) và Huis clos (Phía sau cửa đóng). Ngoài ra, Sartre còn viết phê bình văn học và các bài nghiên cứu về Charles Baudelaire, Jean Genet. Và một số tác phẩm như Les mots (Lời nói), La Nausée (Buồn nôn, 1938) và bộ ba tiểu thuyết Les chemins de la liberté (Những con đường của tự do, 1945-1949)...

- Samuel Beckett, 1969

Là nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch, nhà thơ và dịch giả người Ireland đoạt giải Nobel Văn học năm 1969. Từ năm 1937 Beckett định cư ở Paris.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm có: Vở kịch En attendant Godot (Ngồi đợi Godot), Fin de partie (Tàn cuộc chơi), Beckett Comment c'est (Như điều đó)...

- Claude Simon, 1985

Simon tốt nghiệp trường trung học Stanislas ở Paris, sau học ở Đại học Oxford và Đại học Cambridge (Anh). Ông mơ trở thành họa sĩ nhưng phải từ bỏ ý định này sau một thời gian theo học hội họa và quay sang viết văn.

Thành công đầu tiên trong văn học của Claude Simon đến vào năm 1945 sau khi xuất bản tiểu thuyết Le tricheur (Kẻ lừa đảo). Tác phẩm thời kì này viết theo lối trần thuật truyền thống, chịu ảnh hưởng của Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, William Faulkner, Marcel Proust và triết học chủ nghĩa hiện sinh.

- Cao Hành Kiện (gốc Trung Quốc) 2000

Là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình người Trung Quốc đầu tiên và là công dân Pháp thứ 13 được trao Giải Nobel Văn học trong suốt 100 năm qua. Ông cũng còn được biết đến với tư cách là một dịch giả, đạo diễn sân khấu và họa sĩ.

Các tác phẩm của ông như: Linh Sơn (1989); Thánh kinh của một con người (1999); Đào vong (1989); Báo động (1982)...

- Jean-Marie Gustave Le Clézio, 2008

Từ năm 7 tuổi ông bắt đầu viết tác phẩm đầu tiên với đề tài về biển cả. Ông tốt nghiệp Trường Văn học Nice (Collège littéraire universitaire de Nice) sau đó còn tiếp tục học tại Luân Đôn và Bristol trước khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm tiêu biểu nhất của Le Clézio có thể kể là Le Procès-Verbal (1963), từng vào đến chung khảo giải thưởng Goncourt và cũng là cuốn sách đã giúp ông đoạt giải Renaudot cùng năm đó.

- Patrick Modiano, 2014

Ông có gần 30 tác phẩm. Năm 2014, ông được trao Giải Nobel Văn chương. Trước đó ông từng đoạt giải Nhà nước Áo về Văn học châu Âu vào năm 2012 và Prix Mondial Cino Del Duca từ Institut de France cho thành tựu trọn đời của ông trong năm 2010.

Sự xuất hiện của Patrick Modiano vào năm 1968 với cuốn tiểu thuyết "trình làng" Quảng trường Ngôi sao (La Place De I’Etoile), cùng lúc đoạt hai giải thưởng văn học Roger Nimier và Feneon, được coi như một hiện tượng của văn học Pháp đương đại. Sau cuốn thứ hai, Tuần tra đêm (La Ronde De Nuit - 1969) và một quãng lặng sáu năm, tác phẩm thứ ba của ông, Những đại lộ ngoại vi (Les Boulevards De Ceiture - 1975). Ông biết đến với các tác phẩm khác như Phố những cửa hiệu u tối (Rue Des Boutiques Obscures), Để em khỏi bị lạc trong khu phố (Pour Que Tu Ne Te Perdes Pas Dans Le Quatier), Từ thăm thẳm lãng quên (Du plus loin de l'oubli 1996) ...

Trạm Đọc tổng hợp | Theo Vnexpress và Wiki Pedia

Tags: