Rừng Na Uy, một bản nhạc thăng trầm của sự sống, tình yêu, và cái chết…
Rừng Na Uy, một bản nhạc thăng trầm của sự sống, tình yêu, và cái chết…
Hãy cứ ngủ yên đi nhé những khổ đau này. Vì ta phải thức để sống với niềm vui…

Đêm bắt đầu xuống, gió cuộn mình réo rắt từng cơn và trận mưa âm ỉ trôi trong làn sương mờ ảo. Tôi trở về phòng sau một cuộc gặp gỡ với những hỉ nộ ái ố thường ngày. Qua ô cửa kính nhỏ đầy những giọt nước mưa bám víu, tôi trông ra đằng xa, nơi có những ngọn đèn đường hiu hắt, nơi có màn đêm tĩnh lặng và có tiếng thở rất khẽ của cao nguyên. Tôi thấy mình đang trống hoắc trong lòng, và tự dưng, bất chợt, trong một khoảnh khắc nào đó, tôi lại nghĩ về Rừng Na Uy, một bản nhạc đầy thăng trầm về sự sống, tình yêu, và cái chết – qua cách kể chuyện đầy trần trụi nhưng lại vô cùng thực tế của Haruki Murakami. Dường như đã có một sợi dây vô hình nào đó – liên kết tôi với cuốn sách này, hoặc chăng, là chính tôi đang tự cảm nhận được một sự liên kết đồng điệu trong tâm hồn mình, nhân một đêm mưa đầy khắc khoải…

Tiếng mưa tan vào gió. Tôi nghĩ về cuộc đời, nghĩ về những người đã xuất hiện trong cuộc đời này, một cách âm thầm và lặng lẽ. Về những tháng ngày rong ruổi nối đuôi nhau trên hành trình làm con người ngắn ngủi, chao ôi, có quá nhiều những vẩn vơ khiến chúng ta suy nghĩ trong đầu, phải vậy không? Mỗi sáng thức dậy là một chặng đường mới, mỗi tối nhắm mắt là một trạm dừng chân, cứ như thế, cuộc đời trải dài ngày này qua tháng nọ, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ không thể nào sống được với một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt như vậy. Ấy vậy mà tôi vẫn phải sống. Ấy vậy mà những kẻ cô đơn tột cùng kia vẫn phải sống. Giống tôi vậy.

À, hóa ra, tất cả mọi người đều như nhau. Những kẻ cô đơn thích gặm nhắm nỗi buồn? Như Watanabe, như Naoko, như Midori, Reiko hay cả những con người đang trằn trọc sống như một kẻ ôm nỗi buồn bỏ trốn.

Nỗi buồn là gì? Là một thứ gì đó mà người ta vẫn cho rằng nó ghê gớm lắm. Mà có thật là ghê gớm vậy không. Cũng không biết nữa. Vì nỗi buồn của người này chưa chắc đã là nỗi buồn của người khác. Trên đời này có hàng trăm, hàng vạn nỗi buồn khác nhau, và mỗi người lại có một ý niệm riêng biệt. Vậy thì, thôi mình tạm kết luận rằng nỗi buồn là một điều dĩ nhiên của cuộc sống vậy. Một điều dĩ nhiên mà chưa chắc ai cũng muốn có.

Có lẽ như, dù muốn dù không thì tất cả những nhân vật trong Rừng Na Uy vẫn phải sống và đối diện với nỗi buồn của mình, một cách khảng khái hoặc khiêm nhường. Suốt cả chặng đường dài tồn tại và hiện hữu trên đời, họ đã có quá nhiều những điều để làm, những thứ để chờ đợi, những con đường phải đi. Họ suy nghĩ. Họ hành động. Họ bỏ mặc. Họ bế tắc. Họ khát khao hay họ tuyệt vọng. Tất cả đều là sự sống của riêng họ. Sự sống mà họ tự chọn lấy để gắn mác là mình đang-phải-sống, một cách lay lắt và gượng gạo. Chính những sự sống không lối thoát ấy đã làm cho cái vòng tròn của nỗi cô đơn, nỗi cự tuyệt, nỗi từ chối niềm vui cứ liên tục tuần hoàn và quẩn quanh dai dẳng như thế. Và dường như, với họ, chỉ cần như vậy thôi là đủ? Một sự sống trống rỗng, hay chăng, là do tâm hồn họ đang trống rỗng bởi những khổ đau âm ỉ lấp đầy. Có lẽ là thế rồi. Vì khi khổ đau, đâu phải ai cũng đủ mạnh mẽ để chọn lấy một cuộc sống tươi đẹp hơn. Để làm được như thế, có khi ta phải đánh đổi một đời. À, vậy là tôi đã hiểu rồi. Chẳng phải họ đang chọn một cách sống như vậy đâu, mà là do đau khổ, do nỗi buồn, nỗi cô đơn trong lòng họ. Thôi thì mình cứ tạm thời cho là như thế.

Chẳng hiểu làm sao mà khi những trang cuối cùng của cuốn sách khép lại, tôi đã mặc nhiên để nỗi buồn ghé thăm mình, như một cách để mình được sống với thế giới của những trang sách. Vì với tôi, cuốn sách này là một nỗi buồn mà. Một nỗi buồn thật đẹp. Nỗi buồn ấy đến từ những niềm phảng phất xa xăm, mơ hồ và không rõ hình thù, tất nhiên rằng cũng chẳng thể gọi tên. Nỗi buồn đọng lại thành giọt nước, thành đám mây, thành bầu trời, và thành sự sống. Nỗi buồn chạm sâu vào trái tim của tôi, gửi lại đó bao nhiêu là miên man suy nghĩ, và lắm lúc, ôi trời, bỗng thấy lòng hoang hoải làm sao. Tôi tự hỏi chính tôi, và tự hỏi những con người đã được sống trong trang sách này, rằng có phải họ đã buồn lắm không? Những câu chuyện của họ, những thăng trầm của họ, những biến cố của họ… chẳng hiểu sao mà lại cứ hiện lên thật rõ trong tôi sự đau khổ lạ kì – dẫu trong những niềm đau khổ ấy, họ vẫn sống kiên cường đến lạ thường.

Chắc vì họ có tình yêu…

Tình yêu là gì nhỉ? Tôi đã từng nghe nhiều người nói lắm, rằng tình yêu là một thứ diệu kì. Nó không phải là một ý niệm. Nó thật sự là một điều để mỗi người trong chúng ta cảm nhận, bằng-trái-tim. Tình yêu sẽ làm sống dậy những chân thành tử tế trong trái tim tưởng chừng như đã cằn cỗi héo mòn. Tình yêu sẽ để ngủ yên những khôn nguôi đau khổ của cuộc đời. Và tình yêu, cứ thế, sẽ mãnh liệt gieo đầy những khao khát niềm tin và chứa chan hy vọng.

Watanabe có yêu Naoko không? Có chứ. Vì phải yêu nên cậu ta mới chân thành như thế. Chân thành nhớ, chân thành thương, chân thành hi vọng và chân thành chờ đợi. Vậy còn Naoko thì sao? Có phải cô đến với Watanabe chỉ để khỏa lấp đi những trống trải trong lòng, sau cái chết của Kizuki. Và dẫu cho đã bắt đầu làm tình với Watanabe, Naoko vẫn nghĩ về người bạn trai quá cố, và nghĩ về những mất mát lớn lao trong lòng? Nhưng nếu như thật lòng yêu Naoko, cớ làm sao Watanabe lại có nhiều lần cùng với Nagasawa đi ra ngoài gặp gỡ và qua đêm với những cô gái khác? Lẽ nào tình yêu thì không cần trân trọng? Lẽ nào tình yêu thì không cần gìn giữ? Ơ, mà khoan đã. Ta đã hiểu được gì về mối quan hệ giữa Watanabe và Naoko đâu. Cả về hai phía, có lẽ, chúng ta sẽ chẳng thể nào dùng một từ ngữ nào để nói về mối quan hệ này. Vì nó cứ mơ hồ. Vì nó cứ mập mờ. Vì nó cứ mông lung và mờ ảo như một đám mây bị nhấn chìm giữa ngọn núi khi mặt trời đã thảng thốt hoàng hôn. Đó có thể không phải là tình yêu? Đó phải chăng chỉ là sự cảm thông và tương đồng về mặt cảm xúc, về mặt tâm hồn, về mặt suy nghĩ và ưu tư vẫn từng ngày vật lộn và dằn vặt trong trái tim của hai kẻ cực kì cô đơn này? Cũng không biết nữa. Rừng Na Uy vốn dĩ không phải là một tác phẩm để hiểu, mà là để hỏi. Hỏi cho những ngẫm nghĩ trong lòng.

Vì chúng ta chỉ là một chiếc lá bé nhỏ.

Mà cuộc đời thì là cả cánh rừng, ha!

Ảnh: Sưu tầm

Nói về sự cô đơn trong tình yêu, tôi lại muốn nói về Nagasawa. Chao ôi, cũng không biết phải làm sao để có thể hiểu hết được suy nghĩ của gã trai vô cùng phức tạp này. Gã phóng khoáng? Gã đa tình? Gã đào hoa hay rằng gã là một kẻ thật sự thất bại trong tình yêu? Gã đã từng ngủ với rất nhiều cô gái, và tất nhiên, đó chỉ là cái cách để mà gã bỡn cợt và vui chơi. Chẳng có bất kì cô gái nào có thể khiến gã rung động – theo đúng nghĩa là tình yêu thật sự. Những gì gã làm, những gì gã trải qua… tất cả chỉ là tình dục. Một sự tình dục vớ vẩn mà ngay chính bản thân gã cũng chẳng hiểu nổi là tại sao mình lại làm thế. Sau mỗi lần gã ngủ với một cô gái nào đó, gã có cảm thấy trống rỗng và vô vị không? Có chứ. Gã hiểu là đằng khắc. Nhưng gã vẫn cứ làm. Cứ làm vậy thôi, chẳng vì lí do gì. Và dẫu cho gã có nói yêu Hatsumi đến hàng trăm lần, thì chắc gì gã đã một lần trân trọng và quan tâm đến cảm xúc của cô. Khi nghĩ về Hatsumi, tôi lại thấy cảm thương cô rất nhiều. Cô yêu gã thật. Cô thấu hiểu bản chất của gã thật. Cô chấp nhận trao cho gã trinh tiết của mình, dẫu biết gã đã và đang ngủ với rất nhiều những cô gái khác. Có thể nhiều người sẽ nói là cô quá ngu ngốc, nhưng tôi lại tin cô, và tôi hiểu lí do vì sao cô lại chấp nhận hết những điều như thế, dẫu cho cô chẳng nhận lại được gì ngoài đau thương, ngoài khổ tâm, và những giọt nước mắt của chia ly. Vì như đã nói, đó là tình yêu. Tôi tin rằng đó là một tình yêu thật sự!

Lại về Midori, lại về Reiko. Ôi những người phụ nữ mạnh mẽ nhưng đôi lúc lại vô cùng kì quặc trong cái nhìn của tôi. Họ là những người đã sống trong tình yêu và đã trải qua những tháng ngày được yêu, dẫu không phải tình yêu nào cũng trọn vẹn. Midori, cô ấy yêu Watanabe, hoặc chăng là cô ấy đang khao khát một tình yêu đúng nghĩa vì cô quá bất mãn và không còn cảm thấy hứng thú với người bạn trai của mình nữa, kể từ khi được gặp và tiếp xúc với Watanabe – cậu bạn cùng lớp thân thiết của mình. Cô ấy dám sống đúng với những suy nghĩ của mình, dẫu nó trần trụi, dẫu nó táo bạo. À, mà những điều đó có nghĩa lí gì đâu, vì cô ấy cũng chẳng thèm quan tâm. Miễn là cô ấy muốn, miễn là cô ấy thích. Cái cách sống và cách yêu của Midori là thế. Còn về Reiko – một người phụ nữ đã ngoài bốn mươi. Một người phụ nữ đã từng có gia đình, vậy mà sau những biến cố và năm tháng tưởng chừng như đã không còn quan tâm đến tình dục, thì phút cuối cùng, cô ấy lại ngỏ lời làm tình với Watanabe – gã đàn ông nhỏ hơn cô đến gần hai mươi tuổi. Tôi không hiểu vì sao Reiko lại chọn như thế, chắc là do tôi chưa từng trải nhiều, và cũng chưa từng nằm ở trong vị trí của Reiko. Tôi chỉ hiểu, tình yêu là một thứ gì đó lạ kì và khó hiểu vô cùng. Nó có cả tình dục. Thứ tình dục mà con người cho đó là điều thiêng liêng và đẹp đẽ nhất. Họ rạo rực và xốn xang. Họ làm tất cả mọi thứ để lao vào nhau. Và rồi, vậy là xong, tình dục cũng chỉ là một sự trống rỗng trong thân xác của những kẻ không tình yêu.

Khi viết đến những dòng chữ này, tôi chợt nhận ra rằng, hầu như những nhân vật tiêu biểu xuất hiện trong Rừng Na Uy đều gắn liền với tình yêu và tình dục. Những phân đoạn tả thực của Haruki Murakami đã làm cho sự trần trụi và nguyên thủy của con người được phơi bày một cách lõa thể, đơn sơ và chân thật nhất. Tôi không biết đó có phải là ý đồ của chính bản thân tác giả không. Nhưng dường như đây là một tác phẩm đã cho tôi thấy được hai thứ của con người: bản năng và lí trí – hai thứ những tưởng là của mình nhưng chẳng bao giờ mình hiểu rõ được nó, vì mình đã bị đánh lừa rất nhiều lần bởi cái tâm ô nhiễm ở bên trong.

Rồi cả sự sống, rồi cả tình yêu, và đã đến lúc chúng ta nên can đảm để nói về cái chết – những cái chết trong đời. Cũng như tình dục, cái chết ở Rừng Na Uy cứ hiện lên đầy ám ảnh và dai dẳng. Nó không hề rùng rợn và ghê sợ. Nó chỉ lạ kì. Nó chỉ bất lực. Nó chỉ bế tắc. Và nó cũng chỉ luẩn quẩn như vậy, và người ta gọi là đã xong một kiếp người. Cái chết của Kizuki, cái chết của chị gái Naoko, cái chết của bố Midori, cái chết của Hatsumi, và sau cùng là cái chết của chính Naoko. Những cái chết mà người ta đã không còn sự lựa chọn nào khác, người ta đã chọn nó, một cái chết đầy tuyệt vọng và mỏi mệt. Có phải rằng họ đã quá khổ đau, có phải rằng họ đã nhiều áp lực, có phải rằng họ đã không còn niềm tin và hi vọng gì nữa để bám víu trong cuộc đời này. Họ chọn cái chết, mà lạ làm sao, những cái chết của họ như lại được chắp vá bởi những đường chỉ bạc bẽo và vô tình. Những cái chết ấy đều giống nhau, nhưng nỗi đau của mỗi người là khác. Liệu rằng ở một thế giới nào đó, họ sẽ không còn đau khổ với nỗi đau của mình?

“Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống. Nó là một phần của cuộc sống.” Cái chết vẫn hiện hữu và tồn tại bên cạnh ta, xung quanh ta, trước mắt ta, và cả ở trong ta, từng phút, từng giây, từng khoảnh khắc và từng sát na. Ta vẫn sống, và cứ tưởng là sự sống lâu dài lắm, mà ta đâu biết, thứ song hành cùng với sự sống chính là cái chết. Ta được sinh ra cũng có nghĩa là ta đang chết đi. Một hơi thở đi vào cũng có nghĩa là sẽ có một hơi thở đi ra. Một thứ được hiện hữu cũng sẽ có một thứ phải biến mất. Mà những điều ấy, chẳng đâu xa, vẫn là cứ ở trong ta, mà ta thì không biết, vậy thôi.

Cái chết, tôi vẫn luôn xem nó là một đề mục quan trọng để hướng tới trong cuộc sống của mình. Nói tới đây, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng tôi đang bị tiêu cực hoặc đang tự tích lũy năng lượng xấu cho mình, và cho người. Nhưng không, với tôi, hướng tới cái chết chính là hướng tới một hành trình mà tôi đang được sống – một hành trình có những nguồn năng lượng tích cực, những điều tốt đẹp, những thứ hay ho, mà ở nơi đó, tôi sống tốt hơn, tôi biết trân trọng và biết ơn chính sự sống của mình. Vì tôi hiểu rằng mình sẽ chẳng thể nào tránh khỏi được cái chết, nên tôi phải trân quý những ngày mình được sống. Cái chết chỉ thật sự là một điều tiêu cực nếu như ta nhìn nhận nó bằng một thái độ tiêu cực, phải vậy không? Vậy nên, thật sự, tôi cũng mong rằng tất cả chúng ta đều sẽ chẳng ai phải đau khổ đến mức chọn lấy những cái chết đầy thương tiếc như những nhân vật trong Rừng Na Uy. Tôi mong cho những khôn nguôi đau khổ sẽ nằm lại thật sâu trong quá khứ, vì chẳng phải điều duy nhất mà chúng ta nên làm – và phải làm, đó là sống trong hiện tại đó sao!

Hình như có một bản nhạc vang lên, lặng thầm và ngây ngất giữa một khu rừng đầy những nỗi cô đơn. Là sự sống. Là tình yêu. Là cái chết..

Rồi bản nhạc kết thúc, tựa hồ tiếng guitar của Reiko nín bặt giữa màn đêm. Tôi lại trở về thôi.

Hãy cứ ngủ yên đi nhé những khổ đau này. Vì ta phải thức để sống với niềm vui…

Như thế, Rừng Na Uy kết thúc, lắng lại trong tôi chỉ một vài nghĩ ngợi vẩn vơ ấy. Gió vẫn ù bên tai lạnh buốt. Mưa vẫn rơi. Đêm vẫn thở. Và chúng ta sẽ phải tiếp tục sống với cuộc đời của mình – một cách thật ý nghĩa…

Theo Lâm Lâm - Bookish.vn

Tags: