Sách hay nên đọc: Tuyển tập sách văn học tháng 4/2017
Sách hay nên đọc: Tuyển tập sách văn học tháng 4/2017
Những cuốn sách văn học hay nhất tháng 4/2017, do Ban Biên tập Trạm Đọc tuyển chọn.

 

 

1. Kẻ khủng bố - John Updike

 

Nếu cần bình chọn nhà hiện thực chủ nghĩa xuất sắc nhất về nước Mỹ, thì ứng cử viên số một sẽ luôn là John Updike. Xuyên suốt các tác phẩm của ông, ông lộn trái nước Mỹ, để cho độc giả thấy những cá nhân đang hoang mang trước một guồng máy xã hội khổng lồ và vô định, nơi mà mọi giấc mộng không tưởng và ác mông hiện hữu luôn xảy ra cùng một lúc. Ông không cần phải mô tả những vấn đề lớn lao đó bằng những sự kiện phi thường, mà bằng những con người nhỏ bé với những chuyện vặt thường ngày của họ.

“Kẻ khủng bố” là tác phẩm điển hình nhất cho cả nội dung và văn phong và John Updike theo đuổi. Tác phẩm lý giải về cụm từ đáng sợ nhất với nước Mỹ hiện nay – “khủng bố”. Đó có phải là một mối đe dọa đầy thù địch từ những kẻ man rợ và mất trí đến từ bên ngoài nước Mỹ. Đó có phải sự thù hận được nuôi lớn bởi bom đạn mà Mỹ đã thả xuống những vùng núi xa xôi. Đó có phải là cuộc chiến giữa chúng ta – nền dân chủ thánh thiện và chúng nó – những kẻ ở bên lề của thế giới văn minh.

Thông qua nhân vật Ahmad Ashmawy Mulloy 18 tuổi và sự tôn sùng của cậu đối với thánh Allah và những lời của kinh Koran, John Updike đã cho những câu trả lời phức tạp hơn kiểu phân đôi ta – địch như trên, và những câu trả lời ấy xoáy thẳng vào bản chất của nước Mỹ.

Chiến tranh không chỉ đến từ chiến tranh. Nó đến từ chủ nghĩa tiêu thụ điên cuồng của nước Mỹ. Nó đến từ những khủng hoảng tư tưởng ngay nội bộ nước Mỹ. Nó đến từ sự thù ghét mù quáng mà truyền thông Mỹ tạo ra cho người Mỹ. Nó đến từ những cục an ninh liên bang – biểu tượng của quyền lực bị tha hóa đến đui mù. Nó đến từ sự bất an của chính những người dân bình thường nhất, sống trong một xã hội bị dựng lên bởi các nguy cơ.

Và quan trọng nhất, đọc Kẻ khủng bố để thấy Khủng bố không phải bọn ác quỷ từ địa ngục, mà những người bình thường sống trong những hoàn cảnh bất thường, khi mà sự bất thường phổ biến đến mức trở nên thường tình.

 

2. Chữ vạn - Tanizaki Jun'ichirō

 

Cái đẹp luôn là đề tài khai thác không dứt của văn học Nhật Bản. Điều đặc biệt là cái đẹp được khai thác cả ở 2 đầu cực hạn nhất: cái đẹp tinh khôi và cái đẹp man dại. Chữ vạn là tác phẩm ở đầu của những cái đẹp được mô tả qua những chủ đề cấm kỵ nhất: đồng tính, bạo dâm, đam mê thần kín,…

Chữ Vạn xoay quanh một "Femme fatale" – nữ nhân quyến rũ đến chết người. Tác phẩm đúng như hình ảnh chữ vạn, đẩy người đọc vào một mê cung của những thèm muốn đầy bản nằn ở những ngã rẽ và góc khuất của đời sống tình dục, đẩy người đọc khám phá không chỉ về cá nhân và những cuồng si vô lối của nó, mà còn đến những bản chất sâu thẳm của toàn bộ sự sống.

Chữ Vạn còn là một ẩn dụ lớn về Nhật Bản và cuộc biến đổi của nó khi gặp gỡ văn minh phương Tây. Sự đổ vỡ của những truyền thống, sự biến chuyển trong cấu trúc xã hội đẩy cá nhân về gần hơn với những bản tính thâm sâu vô-luân-lý-thông-thường, và họ tìm cách phản ứng với xã hội, dù là đầy chủ đích hay buông thả, bằng chính những góc tối của tâm hồn.

Bài giới thiệu đầy đủ xin tham khảo tại đây.

 

3. Phế tích tráng lệ - Jess Walter

 

Một cuốn tiểu thuyết không dày nhưng nội dung nó chất chứa khổng lồ như bất kỳ cuốn biên niên sử hạng nặng nào khác. Câu chuyện khởi đầu năm 1962 ở một thị trấn nhỏ bên bờ biển nước Ý có tên Porto Vergogna. Ở đó chàng thanh niên tên là Pasquale Tursi sống với bà mẹ tàn tật và cô chị Valeria. Thị trấn chỉ là tập hợp khoảng mấy chục ngôi nhà sơn trắng cùng một tháp chuông bỏ hoang, và trung tâm thương mại duy nhất của nó là khách sạn và quán cà phê do nhà Pasquale làm chủ. Chàng trai trẻ Pasquale Tursi nuôi mộng biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng sầm uất bậc nhất nước Ý. Nhưng người khách nước ngoài duy nhất từng nghỉ lại đây là một cựu binh Mỹ có tên Alvis Bender. Ông ta tới đây mỗi năm hai tuần để viết một cuốn sách mà mãi vẫn chỉ xong được chương mở đầu. Cho đến một ngày, một nàng diễn viên xinh đẹp Dee Morray tới nghỉ tại khách sạn nhà Pasquale. Chàng trai trẻ Pasquale phải lòng cô gái ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mọi chuyện thay đổi từ đó.

Đọc qua tóm tắt thì có vẻ như tác phẩm cũng giống như một kịch bản Hollywood lãng mạn về một về vùng xa xôi đẹp đẽ nào đó, có mấy ông già chán đời và một mối tình kiểu Notting Hill giữa nam chính và nữ chính sẽ cứu chuộc sự nhàn nhạt đó. Nhưng không, “Phế tích tráng lệ” là một giễu nhại lớn đến xã hội hiện đại và phồn tạp, giễu nhại về thân phận buồn chán và vô định của con người, giễu nhại sự trí nhớ hời hợt và nông cạn của kẻ đến người đi trước những gì đã thành “phế tích” và cuối cùng, giễu nhại đầy cay đắng về những “phế tích” mãi dang dở trong lòng mỗi cá nhân.

Cuốn sách có hơn chục nhân vật đầy màu sắc, được kể đa giọng điệu từ điểm nhìn của nhiều người, đôi khi cả chương là những đoạn hồi ký, thư từ; từ đó thể hiện bút pháp bậc thầy của Jess Walter trong việc mô tả sự chán chường một cách hài hước đến đau đớn.

 

4. Lời nói dối hoa mỹ - Kim Ryeo Ryeong

 

Tiểu thuyết Lời nói dối hoa mỹ được chuyển thể sang điện ảnh với tên Elegant Lies, ra mắt vào năm 2014 và trở thành một hiện tượng điện ảnh quan trọng của Hàn Quốc.

Cuốn sách bắt đầu bằng cuộc đối thoại tưởng chừng như bình thường giữa mẹ và con, vài ngày sau cô con gái tự tử. Những nhân vật – miếng ghép xuất hiện, tưởng như ngẫu nhiên mà hóa ra lại đều từng có mối dây liên hệ với Chon Ji. Cuộc sống của Chon Ji trước khi chết – thông qua những mối liên hệ cũ ấy – ngày càng hiện lên một cách rõ ràng hơn, và nhiều vấn đề trong cuộc sống của cô bé được hé lộ ra: Những áp lực đến từ mối quan hệ học đường giữa các bạn học, cô - trò, chị - em, khóa trên - khóa dưới, cha mẹ - con cái… Tất cả những điều ấy nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản, nhưng hóa ra không đơn giản chút nào, nó từng phút từng phút gặm nhấm tâm hồn Chon Ji.

Cuốn sách là lời cảnh báo lớn cho bậc phụ huynh trong xã hội hiện đại khi những đứa trẻ ngày càng sống trong những áp lực vô hình và sự liên kết giữa cha mẹ và con cái ngày càng mong manh.

Thế giới ngày càng tàn nhẫn hơn và liệu yêu thương có phải là giải pháp? Đó là câu hỏi mà mọi quốc gia, không chỉ Hàn quốc phải đối mặt.

 

Trạm Đọc