"Sáng tạo có thể luyện tập được nếu bạn hiểu sáng tạo là gì" - CEO INV/SLIDE FACTORY Nguyễn Thế Thành
Cafe' sách số 14 mời bạn trò chuyện với anh Nguyễn Thế Thành - CEO, Giám đốc sáng tạo của INV/SLIDE FACTORY. Anh Thành là người đi tiên phong trong việc đưa ngành thiết kế thuyết trình về Việt Nam, và sáng tạo là một phần không thể thiếu trong công việc của anh hàng ngày.

 

 

"Sáng tạo chính là tự nhiên"

 

 

Sách có vai trò như thế nào đối với anh trong cuộc sống cũng như ở vị trí một CEO, một giám đốc sáng tạo?


Từ nhỏ tôi đã được mẹ rèn đọc sách rồi. Mẹ thường đưa tôi ra hiệu sách mua sách về các vĩ nhân như Edison, Newton,… và chỉ tập trung vào mỗi dòng sách ấy thôi. Khi tôi đọc những cuốn sách đó cũng thấy khá thích thú với những câu chuyện thành công của họ và có thể tự tưởng tượng được họ đã sáng tạo được mọi thứ như thế nào. Tôi ngưỡng mộ họ và cũng tự rút ra những bài học cho riêng mình.

Nhưng có một khoảng thời gian dài, từ cấp 2 đến cấp 3, tôi rất ghét việc học ở trên trường, thậm chí ngay cả khi lên đại học việc này cũng chẳng cải thiện được là bao. Tôi dần dần có những suy nghĩ như “Tại sao mình phải học cái này? Nó có ý nghĩa gì với cuộc sống của mình?”. Khi đọc quyển sách mà môn học yêu cầu, tôi thấy việc này không có chút ý nghĩa nào với mình cho dù thông tin nó đưa ra là hữu ích. Mọi việc chỉ có biến chuyển khi tôi tìm ra câu hỏi lớn mà mình thực sự quan tâm: “Làm thế nào con người có thể giao tiếp ý tưởng hiệu quả?”, là những kiến thức, mô hình giao tiếp liên quan đến ngành Visual Communication. Tìm hiểu ngành này thì không thể thiếu việc đọc sách được. Càng nghiên cứu sâu và chạm đến những thứ như visual, design, ngôn ngữ… tôi càng phải đọc rất nhiều sách chuyên môn để có được tư duy và kiến thức cần thiết cho chuyên ngành này.

Thời gian đầu ra trường đi làm, tôi được nơi làm việc cũ hỗ trợ khoảng thời gian để ngồi làm mọi thứ tôi thích mà … vẫn có lương. Tôi nhớ thời gian đấy mình đọc rất nhiều. Tôi download sách trên mạng, tìm trên google, bất cứ từ khóa nào liên quan đến những vấn đề mình muốn tim hiểu. 2 cuốn sách đầu tiên mà tôi đặt mua là Presentation DesignVisual Language for Designers, khi đọc tôi gạch chân những từ khóa mà mình thấy khó hiểu rồi tìm ngược lại những quyển sách liên quan đến những từ khóa ấy, đọc trên google những thông tin, bài báo liên quan. Trong mỗi ngành khác nhau có những từ khóa mà những chuyên gia họ nghiên cứu rất sâu và tôi lại đi tìm những quyển sách đó để đọc. Đối với tôi sách có vai trò nâng cao chuyên môn, rồi giúp cho mình trải qua nhiều thứ mà bản thân không có cơ hội tiếp xúc được.

Trong công việc là vậy, và trong cuộc sống sách đối với tôi cũng như một người bạn. Tôi rất thích một câu nói “We read to know we are not alone” (Chúng ta đọc sách để biết mình không cô đơn). Có những giai đoạn cuộc sống, tôi cảm thấy vô cùng cô đơn, không ai nghe mình và chỉ có tìm đến sách tôi mới thấy được sự đồng cảm về suy nghĩ với những người khác trên thế giới. 

 Ảnh thiết kế bởi anh Thành.

 

Anh có cho rằng chúng ta có thể luyện tập để trở nên sáng tạo?


Tôi khá quan tâm đến khả năng sáng tạo của con người. Với tôi, sáng tạo có thể luyện tập được, khi mình hiểu sáng tạo là gì. Sáng tạo với tôi là chúng ta thu nhập vào trong đầu rất nhiều giải pháp với nhiều tư duy khác nhau thông qua đọc sách, trải nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm làm việc. Bạn càng đọc nhiều, càng tìm hiểu nhiều bạn càng có nhiều giải pháp. Cho nên việc luyện tập ở đây là luyện tập cách thu thập thông tin, tư duy về giải pháp và rút ra được những giải pháp phù hợp cho những vấn đề khác nhau. Có thể là giải pháp đấy chưa ai từng thử vì kho tàng kiến thức cùng tư duy của mỗi người là khác nhau, cho nên khi bạn nghĩ ra điều gì đó, hãy tự tin thử nghiệm điều đó với thế giới của bạn :)

Lấy ví dụ từ chính bản thân mình, tôi đọc rất nhiều sách liên quan đến design nhưng lại không đọc nhiều tài liệu liên quan đến công cụ thiết kế mà đọc sâu về visual language (ngôn ngữ hình ảnh), những thứ liên quan đến quy trình sáng tạo, quy trình thiết kế, nghiêng về cách thức tạo ra một thứ như thế nào, nó đi sâu về mặt tổng quan nhiều hơn. Nhờ đó tôi có thể viết ra được quy trình sáng tạo và thiết kế riêng của mình và áp dụng các nền tảng đó để xây dựng doanh nghiệp sáng tạo như hiện tại. Phải thử những cái mình đã từng nghĩ đến, mình từng làm ra cho nó ra cuộc đời. Quan trọng nhất là sau mỗi giai đoạn thử nghiệm, mình phải đối mặt với cái sai, đối mặt để sửa. Nó là một quá trình liên tục, càng làm nhiều thì sẽ càng có khả năng sáng tạo hơn, đến một mức mình không sợ nữa. Giống như trong quyển Creative Confidence (Tự tin sáng tạo), tác giả nói về việc chẳng sợ sai. Khi tác giả đi hỏi những nhà hiền triết của Phật pháp về sáng tạo, ông ấy đã nhận được câu trả lời “Sáng tạo chính là tự nhiên”, đây cũng là một câu nói tôi vô cùng thích. Sáng tạo giúp ta tìm về lại với tự nhiên, hiểu bản chất vấn đề, bản chất của giải pháp, hòa nhập hai điều đó lại với nhau.

 

 Sách giúp chúng ta kết nối với chính bản thân mình

 

Họa sĩ Bút Chì từng chia sẻ "Ít người sáng tạo thực sự nào lại không phải là người mê đọc sách". Anh có đồng ý với quan điểm này không? Anh có thể chia sẻ một chút về sự liên quan giữa đọc sách và sáng tạo?

Tôi đồng ý. Vì thứ nhất, tôi tin rằng cuộc sống có hai thế giới khác nhau tồn tại song song. Một thế giới đang nhìn thấy và một thế giới bên trong. Tôi nghĩ tôi đã từng đi vào thế giới bên trong của bản thân rồi, đó là khi tôi được ở trong môi trường yên tĩnh hoàn toàn và nghe được tiếng nói bên trong mình, thực sự nhắm mắt và tưởng tượng được mọi thứ rõ ràng. Người sáng tạo có thế mạnh là họ có tư duy rất mạch lạc trong đầu óc, và họ có thể mang thế giới bên trong đầu ra bên ngoài. Việc đọc sách giúp tôi thấy thế giới bên trong của bản thân rõ ràng hơn, kết nối với nhau hơn.

Tuy nhiên chúng ta vẫn cần quan sát các sự vật, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào đọc sách. Ví dụ như đi trải nhiệm ở nước ngoài chẳng hạn. Khi tôi sang Mỹ tôi thấy họ đọc sách nhưng họ có nhiều cách tiếp cận khác nhau để có kiến thức. Giả sử họ có rất nhiều bảo tàng về khoa học, vật lý, không gian, về sinh vật ở Boston, ở Washington. Có một đặc điểm là các bảo tàng bên nước ngoài cực kỳ đông trẻ con, các gia đình thường cho trẻ đến đấy mỗi ngày cuối tuần để chúng nó được sự tự giáo dục bên trong rất là tốt. Chính tôi cũng tham gia mấy trò chơi ở bảo tàng về vật lý và nó thực sự rất hay và tạo sự tò mò. Trong năm sau tôi cũng có cơ hội quay lại Boston (Mỹ) để quan sát tiếp những mô hình phát triển sáng tạo trong giáo dục ở các trường đại học nổi tiếng ở đây, hi vọng sẽ tìm ra nhiều thứ mới mẻ để áp dụng ở Việt Nam.

Một số cuốn sách được anh Thành mua trong thời gian ở Mỹ

 

Có rất nhiều so sánh như ở Việt Nam, các bạn trẻ chẳng đọc sách bao giờ, trong khi ở nước ngoài ở những chỗ như công viên, tàu điện ngầm, sân trường học và thư viện … tập trung rất nhiều người đọc sách. Qua quãng thời gian ở nước ngoài anh thấy những so sánh đấy có đúng hay không? Hay chỉ là người ta thổi phồng và bên đấy họ cũng ít đọc sách.

 

Tôi từng đi tàu điện ngầm ở Washington, ở New York, họ đi làm mà, nên không có quá nhiều người đọc sách trên đường đâu. Tôi nghĩ ở Việt Nam có nhiều người giỏi và họ có nhiều cách khác nhau để tạo ra chất riêng của mình. Có người tìm kiếm tri thức qua đọc sách, có người qua kinh nghiệm sống và biết cách sáng tạo rất tốt. Giả sử mẹ tôi không đọc sách nhiều nhưng có thế giới bên trong cực kì sáng tạo. Mẹ tôi có thể quan sát được nhiều chi tiết trong cuộc sống từ cách xây dựng đến thiết kế nhà cửa. Mẹ tôi có thể chỉ cho mọi người nhiều cách hay ho mà họ không thể nghĩ ra. Kiến thức còn nằm ở sự quan sát nữa. Có thể mọi thứ diễn ra xung quanh bạn chính là một quyển sách rồi. Nó không kém phong phú và đặc sắc so với ta đọc một quyển sách dựa trên một tác giả nào đấy đâu. 

Anh Thành cùng những người bạn quốc tế tại Mỹ

 

 Sáng tạo không chỉ là về nghệ thuật, thẩm mỹ mà còn là cách giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả

 

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sách về sáng tạo, anh lựa chọn như thế nào?


Những quyển sách tôi mua đều có review từ bạn bè. Ví dụ như cuốn Creativity Inc (Vương quốc sáng tạo) này, bạn tôi đã đọc, lúc mua và đọc chỉ là ngẫu nhiên thôi và nó bảo tôi là hay, nên tôi mua luôn và đọc ngấu nghiến trong 5 ngày. Thực sự tại thời điểm ban đầu, tôi dựa khá nhiều vào review của người khác để chọn sách. Sau đó tôi biết đến những nhân vật thành công ở trong lĩnh vực này và tìm những gì họ viết để đọc thêm. Hay khi tôi đọc một cuốn sách thì thấy trong đó có khá nhiều người được nhắc đến đã nghiên cứu chuyên sâu vấn đề này, vấn đề kia và tôi tìm những sách họ viết để đọc. Khi mình theo đuổi ngành của mình thì mình phải tìm đọc những sách như thế. Bước đầu tiên của sáng tạo chính là mình có được hình dung đầy đủ về cái mình sẽ sáng tạo.

 

Những cuốn sách nào về sáng tạo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy của anh?


Tôi đọc khá nhiều sách về sáng tạo, nhưng có một vài cuốn thực sự đặc biệt và để lại dấu ấn cho tôi. Ở đây tôi sẽ chia sẻ 3 cuốn sách không quá chuyên ngành để bất cứ ai cũng có thể đọc để hiểu hơn về sáng tạo.

Creative Confidence (Tự tin sáng tạo) của tác giả Tom Kelley & David Kelley: Cuốn sách này nói về tư duy bên trong của bạn, làm sao để trở nên sáng tạo. Sáng tạo là việc rất gần gũi. Dựa vào nghiên cứu, quan sát, những thứ chúng ta học để sáng tạo nên mọi thứ. Sáng tạo không phải là về nghệ thuật, thẩm mỹ mà là cách giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả. Nhưng phải có nghiên cứu và đầu tư chất xám rõ ràng

Creativity Inc (Vương quốc sáng tạo): Tác giả cuốn sách, Ed Catmull cũng chính là người đã xây dựng Pixar Animation. Ông kể về hành trình theo đuổi 20 năm để làm ra một bộ phim hoạt hình máy tính, Toy Story tập đầu. Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ thu lượm được rất nhiều câu chuyện hay và cách thức để duy trì và phát triển một tổ chức sáng tạo.

 

 Cuốn sách Creativity, Inc (Tên tiếng Việt: Vương quốc sáng tạo) của anh Thành

 

Creative School của nhà giáo dục nổi tiếng Ken Robinson: Tác giả cuốn sách này có một bài Ted Talk rất nổi tiếng gần 30 triệu lượt views: “Trường học giết chết sự sáng tạo”. Ông nghiên cứu về sự sáng tạo của con người và trường học đã giết chết nó như thế nào. Ông đồng thời nghiên cứu về các hệ thống giáo dục trên thế giới, cách để thúc đẩy sự sáng tạo bên trong của học sinh. Ông đã diễn giải các mô hình khác nhau của các nền giáo dục, giải thích cách nó vận hành và đưa ra lời khuyên nên thay đổi như thế nào một cách cụ thể. 


Trạm Đọc chân thành cám ơn anh vì những chia sẻ cởi mở.

 

Thông tin nhân vật

Nguyễn Thế Thành
CEO/ Creative Director - INV/SLIDE FACTORY

Học bổng YSEALI Academic Fellowship - Social Entrepreneur & Economic Development tại ĐH Connecticut, Mỹ
Học bổng Dream Project Incubator tại Boston, Mỹ

Mục tiêu phát triển cá nhân: Nghiên cứu về Creative + Design Thinking và cách thức giao tiếp ý tưởng của con người.

Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc

Tags: