Stephen Hawking: Một ngôi sao sáng trong vũ trụ đã về với cát bụi
Stephen Hawking: Một ngôi sao sáng trong vũ trụ đã về với cát bụi
Vũ trụ trong một vỏ hạt là một trong những cuốn sách đầu tiên của giáo sư Stephen Hawking, một trong những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại. Nhưng chúng ta—cũng như vũ trụ sinh ra từ cát bụi và rồi cuối cùng cũng về với cát bụi.

Đây là quyển sách thứ hai của Stephen Hawking – quyển đầu là Lược sử thời gian.  Stephen Hawking là nhà vật lý lý thuyết vĩ đại nhất còn sống. Cuộc đời ông là một huyền thoại và đã được chuyển thể thành bộ phim Thuyết vạn vật (The Theory of Everything) năm 2014 được chuyển thể từ hồi ký Travelling to Infinity: My Life with Stephen...

 

Trong cuốn Lược sử thời gian, tác giả đã trình bày các nội dung theo kiểu tuần tự, tức là phải hiểu chương trước thì mới hiểu các chương tiếp theo và điều này đã gây khó khăn cho không ít độc giả. Rút kinh nghiệm, trong quyển Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ – một sự mở rộng của Lược sử thời gian, tác giả đã trình bày theo dạng cây: chương 1 và 2 tạo thành thân cây để các chương sau toả nhánh – chương 1 và 2 làm nổi bật các vấn đề chính của cuốn sách để độc giả nắm một cách tổng quát, các chương tiếp theo sẽ giúp độc giả hiểu sâu hơn và giữa các chương có sự độc lập tương đối. Vẫn là giọng văn hài hước, ngôn ngữ trong sáng, giản dị như trong Lược sử thời gian nhưng trong Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ có bổ sung nhiều hình ảnh minh hoạ đẹp mắt nhằm làm tăng tính trực quan cho người đọc.

Thuyết tương đối hẹp đã đánh đổ quan niệm không gian tuyệt đối và thời gian tuyệt đối thay bằng các khái niệm không gian và thời gian tương đối; thuyết tương đối rộng đã gắn liền hai khái niệm tưởng như độc lập là không gian và thời gian thành một khối thống nhất và năng động. Vì sao năng động? Vì không-thời gian sẽ bị uốn cong bởi vật chất bên trong nó. Thuyết tương đối hẹp và rộng gọi chung là thuyết tương đối và là công trình vĩ đại của thiên tài Albert Einstein.

Thuyết tương đối là một cuộc cách mạng vĩ đại về nhận thức, không chỉ vì những quan điểm táo bạo – nhiều quan điểm đã được chứng minh trong thực tế, mà vì những hệ quả của nó như sự đồng nhất giữa khối lượng và năng lượng (E=mc2), thời gian có điểm khởi đầu hay vũ trụ là động chứ không hề tĩnh tại, v.v. Nhưng với niềm tin cổ điển của mình, Einstein đã luôn tin tưởng vào một vũ trụ tĩnh tại và một quy luật tất định chi phối vạn vật trong vũ trụ nên đã rất choáng váng và kịch liệt phản đối, mặc dù ông cũng có đóng góp không nhỏ vào việc hình thành, lý thuyết lượng tử. Vũ trụ lúc này là động (phát hiện từ Hubble) và đầy bất định theo cách nhìn của thuyết lượng tử.

Các nhà khoa học kiệt xuất, trong đó có tác giả Stephen Hawking, đã nỗ lực không ngừng trong hàng chục năm nhằm thống nhất hai lý thuyết tương đối và lượng tử thành một lý thuyết thống nhất M để trả lời cho các câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ, cấu tạo vật chất, du hành thời gian, tiên đoán tương lai, v.v. và nhiều lý thuyết được tạo ra như lý thuyết siêu hấp dẫn, lý thuyết dây, lý thuyết mạng, v.v. nhưng tất cả chúng vẫn chưa hoàn chỉnh và chỉ là một mặt nào đó của lý thuyết thống nhất M. Câu chuyện về lý thuyết thống nhất vẫn luôn thời sự cho đến ngày nay.

Bằng một trí tuệ thiên tài, bằng một niềm đam mê vô hạn với khoa học, bằng sự hài hước, dí dỏm tự trong bản chất, Stephen Hawking đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nghiên cứu vũ trụ và truyền bá khoa học. Với triết lý thực tế và luôn ý thức được sự nhỏ bé, hạn chế của trí tuệ con người, quan điểm của ông là ánh sáng soi đường và là cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ trên con đường đi tìm chân lý:” Chúng ta phải cố gắng tìm hiểu sự bắt đầu của vũ trụ trên cơ sở khoa học. Đó có thể là một công việc vượt quá khả năng của chúng ta, nhưng ít ra chúng ta vẫn phải cố gắng.”

Theo Ngọc Minh Trần

Trạm Đọc

Tags: