Tác giả trẻ Dung Keil - Tôi đọc gì?
Tác giả trẻ Dung Keil - Tôi đọc gì?
Dung Keil là một tác giả quen thuộc với những cuốn sách viết cho giới trẻ rất được yêu thích như: Cấp visa cho trái tim, Yêu như một cái cây, Buồn như thể muốn tan ra, Phóng viên lữ hành, Cuộc sống có gì năm bạn 24 tuổi,...

Dung Keil là một tác giả quen thuộc với những cuốn sách viết cho giới trẻ rất được yêu thích như: Cấp visa cho trái tim, Yêu như một cái cây, Buồn như thể muốn tan ra, Phóng viên lữ hành, Cuộc sống có gì năm bạn 24 tuổi,... Những sáng tác của cô lấy cảm hứng từ tình yêu, tuổi trẻ và nhiều nhất là những chuyến đi. Cô đã học tập, sinh sống, làm việc và dừng chân tại hơn 10 quốc gia trên thế giới qua những chuyến du lịch, công tác, và vẫn đang trên đường khám phá những đất nước và nền văn hóa mới.

Về việc đọc sách Dung Keil chia sẻ:

Mỗi cuốn sách không chỉ là một người bạn mà còn là cầu nối giúp chúng ta kết nối với những người khác. Thời gian ở Malaysia, tôi luôn mang theo mình cuốn Eat, Pray, LoveKhi tôi thấy một người bạn của mình ly dị và muốn đi đâu đó cho khuây khỏa, tôi đã tặng cho cô ấy cuốn sách này. Sau đó thì cô ấy đã đi vòng quanh châu Âu và tận hưởng cuộc sống mới.

Tôi ở lại và không có cuốn sách nào để gối đầu giường nữa. Đúng lúc đó, một người bạn cùng đi học Kinh thánh ở nhà thờ với tôi đã tặng tôi cuốn sách Love With a Chance of Drowning (vâng, là một cuốn Travel Memoir khác) để “an ủi”. Cuốn sách nói về tình yêu trên đường đi. Cô gái đã vượt qua nỗi sợ biển cả để cùng người yêu vượt đại dương. Người bạn ấy nói đoán tôi sẽ thích cuốn sách đó. Hóa ra, có những cuốn sách thực sự dành cho chúng ta như vậy. Sau cuốn sách đó, tôi vượt biển, không phải bằng thuyền mà bằng máy bay, sang Philippines. Sách và những chuyến đi, cuộc sống của tôi là vậy.

Dưới đây là những cuốn sách yêu thích của tôi.

Ăn, cầu nguyên và yêu

Cả ba cuốn sách tôi tâm đắc nhất đều thuộc thể loại Travel Memoir. Tôi thuộc mẫu người dịch chuyển. Kể từ khi trưởng thành, tôi ít khi dừng lại ở một thành phố nào đó quá lâu. Tôi đi như thể đó là tuyên ngôn cuộc đời. Vài năm trước, tôi cho rằng những chuyến đi phục vụ mục đích tìm kiếm ra những câu chuyện để viết truyện, viết sách, để kể ra cho người khác đọc. Ở thời điểm hiện tại, tôi đi chỉ để tìm kiếm chính mình.

Quay lại những cuốn sách, bởi có sở thích đi, tôi mê những cuốn sách kể về hành trình của những người phụ nữ khác. Ngay cả khi họ hơn tôi gần hai mươi tuổi và những hành trình đó đã diễn ra cách đây khá lâu rồi. Cuốn Eat, Pray, Love tôi đọc nhờ tình cờ mua được trong cửa hàng sách cũ ở Dublin, Ireland. Tôi từng nghe tên cuốn sách này ở đâu đó. Tôi đọc và cảm thấy mình trở thành một phần của hành trình đó, không chỉ đơn giản là hành trình tới Ý, Ấn Độ và Indonesia mà là hành trình sống và khám phá, là hành trình tha thứ cho người khác và chính mình, là hành trình đi kiếm tìm hạnh phúc không mệt mỏi.

Wild

Cuốn Wild (Cheryl Strayed) ban đầu tôi đọc ké của một cô bạn người Úc ngồi cạnh tôi trong chuyến bay tới Kuala Lumpur vào đầu năm 2014. Tôi đọc đoạn đầu, ngay lập tức đã nghĩ mình nhất định phải mua cuốn này. Từ một người gần như đã chạm tới đáy cuộc đời, Cheryl đã vượt ngàn dặm của PCT (đường mòn Pacific Crest Trail) để nhận ra những khả năng tiềm ẩn đầy bất ngờ bên trong chính mình. Tôi từng nghe Cheryl chia sẻ trong một buổi nói chuyện ở trường đại học rằng bà cũng không biết, nếu bây giờ quay lại, bà có thể đi được như thế không. Khi đó, tôi đã nghĩ, đó chính là giá trị của những khó khăn, vấp ngã. Bạn càng thất bại, bạn càng có động lực để đi xa hơn.

My Paris dream

Gần nhất thì tôi đọc My Paris Dream của Kate Betts. Có lẽ vì trước giờ tôi luôn dành cho Pháp một tình yêu đặc biệt, và có lẽ vì Kate là một biên tập viên tạp chí – công việc trước đây tôi từng làm qua. Cuốn sách nhắc tôi về thành công và cách duy nhất để có được nó đó chính là làm việc chăm chỉ. Ở Mỹ cũng vậy, ở Pháp cũng thế.

Một cách lặng lẽ, tôi nhận ra những chuyến đi, những nền văn hóa, những con người khác có ảnh hưởng tới tôi như thế nào. Tôi muốn đọc, và muốn đi nhiều hơn nữa.

Big Magic

Tôi làm trong lĩnh vực sáng tạo. Nhiều người cho rằng sáng tạo đòi hỏi tài năng bẩm sinh và không phải ai cũng có. Nhưng càng làm việc, tôi càng nhận ra, sáng tạo cũng là một kỹ năng mà bạn có thể học và phát triển được. Cũng giống như các kỹ năng khác như thuyết trình, đàm phán, giao tiếp... mà thôi. Cuốn sách này được viết ra từ câu chuyện thật của Elizabeth và hành trình sáng tạo của bà. Nó mang đến những bài học, những lời khuyên mà bạn có thể áp dụng ngay trong công việc của mình.

Phi lý trí

Tôi thích tìm hiểu về tâm lý học, thích nghiên cứu về kinh tế và tài chính học hành vi. Nghe có vẻ không liên quan lắm đến lĩnh vực đang làm là sáng tạo. Nhưng nếu suy xét kỹ, bạn sẽ thấy dù sự sáng tạo mang mục đích phục vụ nghệ thuật hay thương mại thì điểm mấu chốt của nó vẫn là người xem, người thưởng thức sự sáng tạo đó tìm được sự đồng cảm. Chỉ khi hiểu rõ hơn cuộc đời, con người và cách họ hành xử, chúng ta mới có thể sáng tạo một cách hiệu quả được. Cuốn  sách này tôi vẫn đang đọc, nhưng thấy rất tâm đắc. Mỗi chương đọc xong đều dừng lại để ngẫm và thấy tác giả nói thế đúng ở mức độ nào. Đọc xong, sẽ thấy những thứ mà chúng ta cho rằng tồn tại và hoạt động một cách ngẫu nhiên hóa ra lại có nguyên tắc và quy luật ẩn đằng sau nó. Hiệu ứng “chim mồi” trong việc xác định giá bán hàng chẳng hạn. Đây là một hiệu ứng khá thú vị. Bạn có thể đọc về nó và hiểu rằng vì sao cô bạn thân của bạn, khi đi gặp mặt chàng trai mới quen, muốn dẫn bạn theo. Và vì sao, bạn nên hay không nên đi cùng.

Ăn cắp như một nghệ sĩ

Nói về chuyện sáng tạo, nếu bạn làm trong lĩnh vực này, bạn sẽ hiểu rằng bạn không thể sáng tạo 24/7. Không ai có được khả năng đó. Như tựa sách của Huỳnh Vĩnh Sơn có nói “Ý tưởng này là của chúng mình”. Chúng ta gom nhặt tri thức của người khác, gom nhặt ý tưởng của người khác và một trong những tài năng của nghệ sĩ là biến cái của người khác thành cái của mình và khiến người ta quên đi cái ban đầu.

“Không ai sinh ra với phong cách có sẵn cả. Lúc sinh ra chúng ta đâu đã biết mình là ai. Mởi đầu, chúng ta học bằng cách giả vờ là anh hùng của chính mình. Chúng ta học bằng cách sao chép”

“Chúng ta học viết bằng cách sao chép lại bản chữ cái. Nhạc sĩ học chơi nhạc bằng cách tập đi tập lại các thanh âm. Họa sĩ học vẽ bằng cách chép lại tranh của người khác”

- Trạm đọc ghi

Tags: