Tái hiện chuyện xưa qua hồi ức cùng tác giả Trung Sỹ
Tái hiện chuyện xưa qua hồi ức cùng tác giả Trung Sỹ
Trung Sỹ là ai? Nhiều người đặt câu hỏi ấy khi thấy cuốn sách “Chuyện lính Tây Nam” xuất hiện. Tuy là một cây viết mới nhưng những tác phẩm của ông đã góp phần làm nên những cơn sóng cho văn đàn trong những năm gần đây.
Đội Trinh Sát Và Con Chó Sara
(0 lượt)

Một bút danh đậm chất lính

 

Thực ra, Trung Sỹ là bút danh của tác giả Xuân Tùng. Ông sinh năm 1960 ở Hà Nội, trong một gia đình viên chức cũ. 

Sau khi tốt nghiệp trung học, 18 tuổi, Xuân Tùng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam từ năm 1978 đến 1983. 5 năm tham gia trận mạc nếm trải đủ sắc độ của chiến tranh. Ông may mắn may mắn thoát chết, sau đó mãn hạn phục vụ, theo chế độ ông giải ngũ với cấp bậc Trung Sỹ. Đó cũng là nguồn gốc của bút danh của ông.

Khi được hỏi vì sao ông lựa chọn bút danh này, tác giả Xuân Tùng nói : “Trung sỹ là quân hàm của tôi trước khi được giải ngũ, mặc dù từ khi bước chân qua biên giới, tôi chưa bao giờ được đeo nó trên ve áo lính. Kể cả cho đến bây giờ cũng vậy”. 

 

Tới tận khi nghỉ hưu một thời gian, tác giả Xuân Tùng mới bén duyên với văn chương. Ông bảo, khi người ta càng lớn tuổi, con người hay có những khoảng hoài niệm lại tuổi trẻ của mình. Vì thế, mấy năm trước, trong những lúc rảnh, ông thường lên mạng tìm những thông tin về đơn vị chiến đấu mà mình từng phục vụ. Một lần, ông đăng ký tham gia vào một trang của những người yêu thích Quân sử, rồi viết một số bài về cuộc chiến tranh Tây Nam mà ông trực tiếp trải qua. Bài của ông được nhiều quan tâm. Lượng theo dõi tăng lên nhanh chóng. Nhiều người thúc ông viết tiếp. Và cứ như thế, những kỷ niệm cùng anh em đồng đội ùa về, đòi hỏi phải được bật ra như một nội lực thôi thúc khác. Dần dần, Xuân Tùng thấy nên tập hợp lại thành một cuốn sách, để mọi người rõ hơn về cuộc chiến chống Khmer Đỏ, bảo vệ đất nước và tiêu diệt bọn diệt chủng. Năm 2017, cuốn sách Chuyện lính Tây Nam được ấn hành với tên tác giả ghi ngoài bìa: Trung Sỹ. 

 

Vừa viết Chuyện lính Tây Nam, vừa giàn giụa nước mắt

 

Chuyện lính Tây Nam là cuốn sách đầu tay của tác giả. Ông viết cuốn sách này như một sự tri ân cuộc đời, tri ân đồng đội còn sống hay đã hi sinh. 

“Có những trang tôi vừa viết vừa giàn giụa nước mắt, bởi tất cả những gian khó hy sinh tưởng chừng đã chìm hẳn trong quên lãng, bỗng hiện ngay trước mặt như vừa xảy ra mới đây thôi.”

Một trong những điều ông muốn và buộc mình phải làm, khi viết, đó là “phải thật, trần trụi như nó vốn có”. Bởi thông qua cuốn sách này, ông muốn mọi người hiểu chiến tranh thực là kinh khủng khốc liệt, thậm chí vô luân chứ chẳng phải là điều lãng mạn hay ho gì với loài người.

tuyen-tap-sach-tac-gia-trung-sy

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, Chuyện lính Tây Nam vừa có tính sử liệu vừa có tính sử thi, làm đầy hai tiêu chí, hình thức thể hiện và nội hàm tư tưởng thực sự văn chương cần có ở tất cả các thể loại. “120 câu chuyện trong “Chuyện lính Tây Nam” được gói vào đó rất nhiều chi tiết của đời sống chiến tranh. Từ câu chuyện mang tính hồi ức, tác giả sử dụng chọn lọc khá nhiều chi tiết rất chung ở chiến tranh nhưng lại riêng của đặc thù Chiến trường K. Một mặt nó tạo ra sự hấp dẫn, bởi những điều tác giả kể toàn là các câu chuyện lạ hóa so với đời sống bình thường. Không phải người trực tiếp tham chiến không sao hư cấu, bịa tạc “dựng” được”- nhà văn Nguyễn Văn Thọ phân tích.

 

Đội trinh sát và con chó Sara - góc nhìn dung dị về người lính

 

Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết có tên Sara - nghĩa là "Rượu" trong tiếng Campuchia - một con chó nhách có huyền đề kép lang thang xin ăn được Phong lượm về ở bến cá bên bờ Tonle Sap. Từ mối duyên lành đó, số phận của nó gắn liền với số phận những người lính trinh sát thuộc một tiểu đoàn chủ lực, dọc ngang mọi nẻo chiến trường trên đất nước Chùa Tháp. 

tuyen-tap-sach-tac-gia-trung-sy

Anh bạn bốn chân này được tác giả miêu tả như một nhân vật rất khôn ngoan và tình cảm. Sara thấu hiểu từng ngõ ngách tâm tư của các ông chủ, biết thân biết phận thực thi nhiệm vụ được giao nhưng cũng luôn đòi hỏi được đối xử công bằng, đúng tinh thần "chó có suất". Tình cảm giữa chú chó hoang và những người lính ngày càng khăng khít sau những lần "tác chiến" bắt rắn mối, băng qua "cơn mưa" đạn pháo hay đối diện với những mẩu vụn thịt người rã nát, thối khắm nồng nặc… Ấn tượng nhất là những phen cứu mạng thót tim: trong một lần đánh chiến dữ dội, Sara với linh tính của chú chó chiến, đã kịp thời báo cho chủ về quả lựu đạn M67 giấu trong áo một đứa trẻ.

Tác giả khắc họa Sara như một "nhân chứng" chiến tranh ấn tượng, chú vật vã đi tìm dấu vết chủ của mình, dù bị bỏ quên vẫn quay về sau mấy ngày lưu lạc như một lữ khách chân chính. Sara đôi khi là hiện thân của những người lính can trường nhưng cũng bị bủa vây bởi nỗi cô đơn. Họ có thể không màng đến tính mạng trong những trận đánh sinh tử nhưng đêm về vẫn đối diện với bao khát khao rất đời thường, dằn vặt nỗi nhớ nhà, cháy bỏng trong tim ước mơ hòa bình và ngày về bình yên trong vòng tay mẹ.

Không quá khốc liệt như Chuyện lính Tây Nam nhưng Đội trinh sát và con chó Sara giúp người đọc hình dung được những khó khăn, hiểm nguy chết chóc luôn rình rập tấn công người lính tình nguyện Việt Nam đóng quân ở Svay Chek. Sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam là chỗ dựa vững chắc cho Xã trưởng Sok Un, Xã đội trưởng Loung, cô giáo Chanrithy và bà con ở Svay Chek chung tay xây dựng cuộc sống mới…

 

Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu - Bảo tàng vệ một thời Hà Nội chưa xa

 

Tác phẩm này của tác giả Xuân Trung và đã lọt vào danh sách đề cử chính thức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020 ở hạng mục Tác phẩm. 

Bằng giọng văn chân chất, trào phúng của mình, tác giả gom góp lại ký ức của một cậu bé Hà Nội cũ, viết lại những khó khăn, gian khổ của ngày đi sơ tán, niềm hạnh phúc với chiếc mũ rơm, nỗi khó hiểu cho những chiếc tem phiếu và những người lạ đến ở nhà mình. Thành phố từng vất vả, ngây thơ và ấu trĩ bởi những sai lầm nhưng vẫn lấp lánh tình người dù xung quanh còn nhiều nỗi lo toan, hoài nghi, trăn trở về thế sự. 

tuyen-tap-sach-tac-gia-trung-sy

Trên từng trang viết, Hà Nội của Trung Sỹ hiện ra không lấp lánh hoa lệ hay lãng mạn tình tứ. Có một Hà Nội khác thật hơn bởi những khó khăn, lầm than cơ cực ngày ấy. Hà Nội trong tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra trong những năm 60 khi ấy là các quầy mậu dịch đông đúc người xếp hàng cùng gương mặt mệt mỏi và các cô mậu dịch viên khó tính. Mái tóc phi-dê của mẹ và căn gác nơi bà nội làm việc có một mùi giấy mốc kỳ lạ…

Tác giả Bình Ca của “Quân khu Nam Đồng” nhận xét: “‘Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu’ không chỉ lưu lại những khoảnh khắc đẹp, rất đẹp, mà còn mở ra cho chúng ta cả một bảo tàng về thời chiến tranh, bao cấp và những ngày sơ tán về quê trong hai thập niên 1960 và 1970… Một câu chuyện mang vẻ đẹp huyền hoặc của màu thời gian và sự hoài niệm qua góc nhìn của một cậu bé Hà Nội cũ.”

Có thể nói, hồi ức chính là chất liệu chính trong văn chương của Trung Sỹ. Tác giả cho biết:  “Tôi thích viết thật những gì đời sống đã trải qua, dù nó có hay dở đến thế nào, bởi tôi đã đọc nhiều văn bản, thì thấy dường như chỉ có một chiều”. Theo ông, viết hồi ức khó nhất là đối diện với những cái tồi tệ, dối trá, thậm chí sợ hãi, hèn nhát của chính bản thân mình, của cuộc sống chung đã trải qua. Sự trung thực là điều mọi cuốn hồi ký cần đạt đến.

- Trạm Đọc tổng hợp - 

Tags: