Thái Minh Châu - Tôi đọc gì?
Thái Minh Châu - Tôi đọc gì?
Từ một MC truyền hình quen thuộc với khán giả qua những chương trình Món ngon mỗi ngày, Chào ngày mới, Rung chuông vàng,... Thái Minh Châu đã quyết định từ bỏ công việc đã gắn bó với mình 8 năm, để rẽ sang một con đường khác: đi học ngành xuất bản của Đại học Nghệ thuật Florence (Italia). Trở về Việt Nam, cô thành lập Công ty Xuất bản Phục Hưng và cộng đồng “Người kể chuyện - A Storyteller”, đồng thời tham gia sản xuất nội dung truyền hình và online tại KAT MEDIA.

Dưới đây là 3 cuốn sách yêu thích của Thái Minh Châu và chia sẻ của cô về từng cuốn sách.

Trại hoa vàng

Khác với nhiều đứa trẻ ở thành thị, tôi không đọc truyện tranh. Vì nhà tôi không có điều kiện nên tôi không thể tiếp cận với chúng, chứ nếu gia đình sung túc hơn, chắc tôi cũng nhập hội cuồng “Bảy viên ngọc rồng” như bao đứa trẻ ở thế hệ tôi hồi đó rồi. Mãi cho đến khi chị tôi mượn được cuốn tiểu thuyết “Trại hoa vàng và cho tôi đọc ké, tôi mới lần đầu biết… nghiện là gì.

Tôi ôm cuốn sách ngấu nghiến đọc cả ngày lẫn đêm. Bị dẫn dắt bởi giọng văn hài hước trong sáng của của chú Nguyễn Nhật Ánh, tôi vừa đọc vừa khóc như mưa vừa cười ngặt nghẽo theo diễn biến tâm lý của nhân vật. May cho tôi là người bạn cho chị tôi mượn sách cũng là một… con nghiện, nên anh ấy tậu đủ bộ Nguyễn Nhật Ánh và đọc xong là “chuyển” cho chị tôi.

Tôi cứ thế “nuốt” trọn từ “Hạ đỏ” tới “Mắt biếc” rồi “Cô gái đến từ hôm qua”, “Còn chút gì để nhớ”, “Bồ câu không đưa thư”, “Nữ sinh”, “Bàn có năm chỗ ngồi”, “Thằng quỷ nhỏ”, “Thiên thần nhỏ của tôi”,… Tôi sợ tốn thời gian của bạn đọc nên không kể hết ra đây, chứ thực tâm tôi còn nhớ như in từng tựa sách mình đã đọc. Cứ như thế, một cô bé tiểu học là tôi bắt đầu hình thành niềm yêu thích văn học.

Những tác phẩm của chú Ánh mở ra trong tôi một thế giới mới mẻ, nơi tôi tha hồ tưởng tượng cho riêng mình gương mặt các nhân vật, giọng nói của họ, căn nhà họ ở, cây phượng trong sân trường hay khu vườn ngập cúc vàng... Tôi tin việc làm bạn với sách chữ, lại là những quyển sách giàu hình ảnh như tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã góp phần xây dựng nền tảng ngôn ngữ trong tôi. Tôi lớn lên học giỏi mỗi môn văn, và chẳng ngạc nhiên khi bước vào đời, tôi sống bằng nghề nói và viết.

Tôi nghĩ những quyển sách đầu tiên mình đọc cũng góp phần định hình tâm hồn, tính cách và khả năng sáng tạo của mình. Tôi vẫn thường tiếc vì mình được tiếp cận với sách hơi trễ, vậy nên tôi đã tâm niệm rằng sau này có con, tôi sẽ chọn cho con tôi một tủ sách, trước cả khi chọn cho bé những chiếc khăn, chiếc tất đầu tiên. Dù những quyển sách sau này của chú Nguyễn Nhật Ánh không "thắng" được trái tim tôi như những ấn phẩm cũ, tôi vẫn biết ơn vì chú chính là người gieo cho tôi những hạt mầm đầu tiên về tình yêu con chữ.

Theo dòng thời gian, tôi trưởng thành, đi làm và có tiền mua sách. Lúc này tôi đọc nhiều hơn nhưng không sâu sắc được như khi còn nhỏ, những trang sách sượt qua trí nhớ và mất hút. Đến nỗi có khi cầm lên một cuốn sách biết chắc đã từng đọc, tôi cũng không thể nhớ được những chi tiết bên trong, mở ra trang nào cũng thấy như mới biết nhau lần đầu. Tôi nghĩ, có lẽ do tôi đã không chú tâm, có thể do sách không phù hợp, không gây ấn tượng với tôi, nhưng cũng có thể... tôi đã không đọc quyển sách đó đúng thời điểm.

Đúng vậy, cùng một quyển sách, nhưng thời điểm đọc quyết định chúng ta có thích nó hay không, những thông điệp của sách có "chạm" được đến ta hay không. Bởi chúng ta không ngừng lớn lên, không ngừng va chạm, mỗi trải nghiệm thấm vào ta sẽ khiến ta khác với chính mình của ngày cũ, thích hay không thích một quyển sách, phụ thuộc vào việc ta đang ở giai đoạn nào trong đời.

Nhà giả kim

Vào một ngày nắng nóng năm 2015, tôi nói với một người bạn rằng tôi thấy ngột ngạt quá, tôi bế tắc không biết mình là ai, không biết mình sẽ đi về đâu và làm được những gì trong cuộc đời vốn đã vào nếp của mình, tôi muốn đi đến một vùng đất xa lạ nào đó để được học và được trưởng thành hơn. Bạn tôi bảo tôi giống anh chăn cừu trong truyện "Nhà Giả Kim", thế là tôi về tìm đọc quyển sách.

Khi gập sách lại tôi tự hỏi vì sao quyển sách hay thế này mà giờ mình mới đọc, nhưng chỉ tích tắc sau đó tôi mỉm cười tự nhủ: "Nếu mình đọc sớm hơn, mình chắc chắn sẽ không tìm thấy bản thân trong hành trình đi tìm kho báu của chàng chăn cừu".

Và sau đó ít lâu, tôi lên đường đến Ý du học ngành xuất bản, trong hành trang của tôi, chỉ có một quyển sách duy nhất là "Nhà Giả Kim" của tác giả Paulo Coelho. Tôi đã bỏ lại "bầy cừu" của mình, chính là công việc dẫn chương trình nhiều hào quang. Tôi đã mải miết lang thang trên lục địa già như cách chàng Santiago băng qua sa mạc bao la.

Cứ mỗi ngày tôi lại lôi sách ra đọc lại vài trang, tự thấy từng câu từng chữ đều như là lời dẫn dắt để mình vượt qua hoang mang và trống trải. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy "kho báu" của mình - chính là sức mạnh nội tại, niềm đam mê mạnh mẽ với việc tạo ra những quyển sách chỉn chu, những chương trình truyền hình có giá trị truyền cảm hứng.

Tôi trở về Việt Nam, thành lập công ty xuất bản sách Phục Hưng và cộng đồng "A storyteller", đồng thời tham gia vào công ty KAT MEDIA chuyên sản xuất nội dung truyền hình và online, bắt đầu hành trình chia sẻ lại cho các bạn trẻ khác nguồn cảm hứng mà tôi đã tích góp được. Tôi nghĩ, nếu bạn đang phân vân giữa được và mất, đang cân nhắc giữa những giá trị phù hợp với bản thân hay những giá trị mà xã hội cho là bạn nên có, thậm chí nếu bạn đã chọn được hướng đi nhưng đi mãi mà chưa thấy đích đến, bạn nên đọc quyển sách này. Còn nếu bạn đã hài lòng với đời sống của mình và không nghĩ nên thay đổi gì, thì bạn đừng đọc, nó sẽ khuấy đảo cả cuộc sống của bạn, hoặc có thể bạn sẽ lãng phí mấy ngày đọc sách, chả có ích lợi gì.

Mùa hè năm ấy

Cuối cùng, tôi muốn nói về quyển sách đã là bước đệm cho tôi chuyển từ nghề dẫn chương trình sang công việc làm sách, đó là "Mùa hè năm ấy" của tác giả Đặng Huỳnh Mai Anh. Tôi được đọc bản thảo của Mai Anh từ lúc tôi vẫn còn "chạy show" MC khá đều đặn, còn Mai Anh vẫn đang là một "đại sứ môi trường". Lúc đó tôi cũng khóc rấm rức và cười sảng khoái khi thả trí tưởng tượng của mình theo hành trình học tập, khám phá trên đất Mỹ của Mai Anh, và quan trọng hơn hết, chính tinh thần ham học hỏi, sự giản dị nhưng sâu sắc của Mai Anh làm tôi ngưỡng mộ và xúc động.

Nhờ bản thảo này, tôi nhận ra mình muốn làm sách, đó chính là lý do tôi quyết định đi học xuất bản, mở công ty làm sách, và "Mùa hè năm ấy" là sản phẩm đầu tiên của tôi. Mãi về sau này khi quyển sách thành hình và được giới thiệu đến bạn đọc, cầm trên tay nghiền ngẫm nhiều lần, tôi vẫn cảm thấy đúng đắn khi đã liều mình cho ra đời quyển sách. Tôi tin sự giản dị, chân thành chính là sức mạnh lớn tạo ra thay đổi, tin rằng chúng ta không cần những bối cảnh lộng lẫy, những cặp đôi "ngôn tình", những tình huống éo le và những chàng trai đẹp mới có thể tạo ra một tác phẩm thu hút và dạt dào cảm hứng – cho giới trẻ.

- Trạm đọc ghi

Tags: