Tôi chẳng biết, tôi chẳng nghe, tôi chẳng thấy - Hãy ngừng quan tâm người khác nghĩ gì về bạn
Tôi chẳng biết, tôi chẳng nghe, tôi chẳng thấy - Hãy ngừng quan tâm người khác nghĩ gì về bạn
Nếu bạn muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình và thể hiện điều đó thành công, nỗi sợ ý kiến của người khác có thể cản trở bạn.
Nhớ lại một lần bạn cực kỳ lo lắng – khi đứng trước đám đông thuyết trình, giơ tay phát biểu trong hội thảo, hay thậm chí đi ngang qua một căn phòng toàn người lạ. Lý do bạn cảm thấy mình nhỏ bé và sợ hãi là bởi bạn lo lắng về sự phản đối từ dư luận.

Nỗi sợ của chúng ta trước ý kiến người khác đã trở thành một ám ảnh phi lý trí và kém hiệu quả trong xã hội hiện đại. Ảnh hưởng tiêu cực của chúng vượt xa thoạt tưởng.

Từ thời cổ đại

Nếu bạn dần quan tâm ít hơn về điều tạo nên chính bạn – tài năng, niềm tin, các giá trị – và bắt đầu uốn mình theo điều người khác nghĩ hay không nghĩ, bạn sẽ làm suy giảm tiềm năng của mình. Bạn ở trong vùng an toàn vì sợ những gì sẽ đến. Bạn sợ bị mất mặt hay từ chối. Khi bị thử thách, bạn đầu hàng mặc cảm của chính mình. Bạn không giơ tay nếu không thể kiểm soát được kết quả. Bạn không ứng cử vào vị trí đó vì bạn tin rằng mình không xứng đáng.

 

Thật không may, đó là một phần của việc làm người kể từ thời cổ đại. Nỗi thèm khát sự ủng hộ của xã hội khiến tổ tiên chúng ta thận trọng và thực tế.

 

Hàng ngàn năm về trước, nếu bạn thất bại trong việc săn bắn, vị trí của bạn trong bộ lạc sẽ bị đe dọa. Khát vọng hòa nhập và nỗi sợ bị ghét bỏ hủy hoại khả năng đạt được cuộc sống ta mơ ước.

Hãy thư giãn

Điều này nhấn mạnh lý do ta cần rèn luyện và điều hòa tâm trí – để chuyện bé không xé ra to.

Nếu bạn thấy bản thân có cùng nỗi sợ, sau đây là một số cách để giảm bớt sự căng thẳng. Một khi bạn ý thức về những suy nghĩ, hướng bản thân đến trạng thái tự tin. Sự khẳng định này sẽ giúp bạn tập trung vào kỹ năng và thực lực thay vì ý kiến của người khác. Nhớ thở sâu. Điều này giúp thông tin cho não bộ rằng bạn đang không ở trong tình huống nguy hiểm.

Chinh phục nỗi sợ

Phần lớn chúng ta sống mà không hiểu mình, và rất thường khi, chúng ta thấy ổn với điều đó. Nhưng nếu bạn muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình và giảm bớt nỗi sợ trước ý kiến của người khác, bạn cần trau dồi sự tự nhận thức sâu sắc hơn.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách phát triển một triết lý cá nhân – một từ hoặc cụm từ thể hiện toàn bộ niềm tin và giá trị căn bản. Triết lý cá nhân của Pete Carroll, người lãnh đạo nhóm chuyên gia từ Seattle Seahawks, là “luôn tranh đấu”. Luôn tranh đấu là dành mỗi ngày làm việc để liên tục cải thiện và đạt đến toàn thiện. Triết lý này không phải một khẩu hiệu. Nó đã trở thành la bàn, dẫn dắt những hành động, suy nghĩ, và quyết định của anh ấy. Như một huấn luyện viên. Một người cha. Một người bạn. Trên mọi khía cạnh của đời sống.

Triết lý cá nhân

Khi hình thành triết lý cá nhân, bạn hãy tự vấn một chuỗi câu hỏi sau:

Khi tôi đạt đến đỉnh cao, niềm tin nào ẩn dưới bề mặt suy nghĩ và hành động của tôi?

Những người nào có cùng phẩm chất và tính cách với tôi?

Những phẩm chất đó là gì?

Trích dẫn ưa thích? Từ khóa tin dùng?

Một khi bạn đã trả lời những câu hỏi này, khoanh tròn từ nổi bật. Cố gắng tóm lại một câu – miêu tả chính xác con người bạn và cách bạn muốn sống. Chia sẻ nó với những người thân yêu, tham khảo ý kiến, và tinh chỉnh triết lý của bạn. Sau đó, ghi nhớ và thực hành nó mỗi ngày.

Tôi không hề nói quá tầm quan trọng của triết lý cá nhân. Làm việc cùng các cầu thủ và huấn luyện viên NFL, vận động viên thể thao mạo hiểm và lãnh đạo cấp cao tại những công ty trong danh sách Fortune 50, tôi nhận thấy, hơn cả khát khao không mệt mỏi để trở nên tốt nhất, điều làm nên thành công của những người này là nhận thức rõ ràng về các nguyên tắc dẫn dắt họ. Nhờ sự minh bạch, họ sẵn lòng thúc đẩy bản thân, học hỏi, và đối mặt với nghịch cảnh. Họ có thể gạt đi lời gièm pha và lắng nghe “la bàn cuộc đời” của họ.

Bí mật của thành công

Một khi ban đã phát triển triết lý cá nhân của mình, hãy cam kết sống theo nguyên lý của nó. Nói với người đó bạn yêu họ. Nhảy nhót trong đám cưới. Mạo hiểm. Kỳ quặc một cách thận trọng (như bạn vẫn là). Sau đó, thực hành ở nơi làm việc. Mạnh dạn thuyết trình. Tự ứng cử. Làm những việc khiến người khác bàn tán. Mỗi khi bạn cảm thấy nỗi sợ trì kéo mình lại, nhìn nhận nó, và tái kết nối với triết lý cá nhân cùng những mục tiêu lớn lao trước mắt.

Tiến xa hơn nữa, hãy thu thập phản hồi từ một danh sách ngắn những người quan trọng với bạn. Phản hồi trung thực là yếu tố quan trọng của thành công. Brené Brown – một học giả nổi tiếng, tác giả cuốn Dám dẫn đầu (Dare to Lead) – cho rằng danh sách đó chỉ nên viết gọn trong một tờ thiếp 1×1 inch. Bên cạnh đó, người trong danh sách cần thấu hiểu bạn là ai và người bạn mong muốn trở thành. Xem trọng quan điểm của họ, và để những ồn ào từ đám đông nhạt dần. Tiếp nhận phản hồi từ họ qua màng lọc của kinh nghiệm.

Kết lại

 

Hơn hết, hãy nhớ sức mạnh và lòng ham học sẽ đến khi bạn nỗ lực hết sức mình.

 

Trung thành với triết lý cá nhân có thể đòi hỏi thêm nhiều nỗ lực và sức mạnh. Việc thể hiện bản thân một cách chính xác và điệu nghệ sẽ thúc đẩy bạn sống và làm việc có mục tiêu và ý nghĩa hơn.

 

Nguồn: Harvard Business Review

Trạm Đọc - Readstation

Tags: