TRÍ TUỆ CẢM XÚC - Ranh giới giữa nhà lãnh đạo xuất sắc với lãnh đạo giỏi đơn thuần
TRÍ TUỆ CẢM XÚC - Ranh giới giữa nhà lãnh đạo xuất sắc với lãnh đạo giỏi đơn thuần
Một điểm quan trọng khác mà nghiên cứu cũng chỉ ra, đó là con người có thể phát triển trí tuệ cảm xúc của mình nếu theo đuổi một phương pháp đúng đắn
Trí tuệ xúc cảm
(491 lượt)

Có lẽ bất kỳ doanh nhân nào cũng từng nghe chuyện một người quản lý cực kỳ thông minh, có nghiệp vụ tốt được đề bạt lên vị trí lãnh đạo nhưng cuối cùng lại thất bại nhanh chóng. Và hẳn chúng ta cũng từng nghe câu chuyện về một người có trí tuệ, kỹ năng nền tảng vững, dù không đến mức phi thường nhưng khi được bổ nhiệm vào vị trí tương tự đã dành được thành công.

 Những giai thoại như vậy đã củng cố cho niềm tin phổ biến rằng: việc nhận diện những cá nhân sở hữu tư chất lãnh đạo mang tính nghệ thuật nhiều hơn là khoa học. Trên hết, mỗi nhà lãnh đạo tài năng lại có cá tính riêng: một số tỏ ra trầm lặng và phân tích hết sức cẩn trọng, số khác lại luôn đưa ra tuyên ngôn táo bạo trước tất cả mọi người. Không những thế, các tình huống khác nhau sẽ cần đến các phong cách lãnh đạo khác nhau. Hầu hết các cuộc sát nhập đều cần một nhà thương thuyết nhạy cảm ở vị trí lãnh đạo, trong khi ở những bước ngoặt lớn của doanh nghiệp lại đòi hỏi một nhà lãnh đạo biết sử dụng quyền lực mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên tôi phát hiện ra rằng những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất đều có một điểm chung quan trọng: Họ đều có chỉ số trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence - EI) cao. Điều này không phủ định vai trò của IQ và kỹ năng nghiệp vụ, chúng cần được xét đến, nhưng chỉ là yêu cầu tối thiểu với các vị trí điều hành. Nghiên cứu của tôi cũng như các nghiên cứu khác gần đây cho thấy trí tuệ cảm xúc là điều cực kỳ cần thiết đối với quá trình lãnh đạo. Nếu không có trí tuệ cảm xúc tốt thì một người dù được đào tạo trong môi trường tốt nhất thế giới, có một bộ óc nhạy bén, biết phân tích và luôn đưa ra những ý tưởng hay cũng không thể trở thành một lãnh đạo tài giỏi.

Suốt những năm qua, tôi và các cộng sự đã tập trung nghiên cứu việc trí tuệ cảm xúc vận hành như thế nào trong công việc. Chúng tôi đã kiểm nghiệm mối quan hệ giữa trí tuệ cảm xúc và hiệu quả làm việc, đặc biệt là ở cấp lãnh đạo, cũng như quan sát biểu hiện của trí tuệ cảm xúc. Làm thế nào để nhận biết một người có trí tuệ cảm xúc cao và làm thế nào để nhận ra nó trong chính mình? Chúng ta sẽ tìm lời giải đáp cho các câu hỏi này lần lượt qua từng thành tố của trí tuệ cảm xúc: 

  • Tự nhận thức – biết được điểm mạnh, điểm yếu, động lực, giá trị và tầm ảnh hưởng của chính mình.
  • Kiểm soát bản thân – điều chỉnh hoặc chuyển hướng những cảm xúc và tâm trạng bột phát.
  • Động lực – muốn đạt  thành tựu chỉ vì nó là điều đáng đạt được.
  • Sự cảm thông – hiểu được diễn tiến cảm xúc của người khác.
  • Kỹ năng xã hội – xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người để dẫn dắt họ theo hướng mong muốn.

Đánh giá trí tuệ cảm xúc

Hầu hết các công ty lớn đang có xu hướng tuyển dụng các nhà tâm lý học để phát triển “mô hình năng lực” nhằm trợ giúp cho việc phát hiện, đào tạo và tiến cử những tài năng tiềm ẩn cho vị trí lãnh đạo. Những mô hình như vậy cũng được áp dụng cho các vị trí thấp hơn. Vài năm gần đây, tôi đã phân tích mô hình năng lực của 188 công ty, trong đó hầu hết đều có quy mô lớn và mang tính toàn cầu như Lucent Technologies, British Airways, Credit Suisse. Mục tiêu của tôi khi thực hiện việc này là xác định những khả năng cá nhân nào dẫn đến hiệu quả công việc xuất sắc trong các công ty trên, cũng như mức độ đóng góp của những khả năng đó. Các khả năng được chia thành ba nhóm: khả năng nghiệp vụ thuần túy (như kế toán hay lập kế hoạch kinh doanh); khả năng tư duy (như lập luận phân tích) và khả năng thể hiện trí tuệ cảm xúc (như khả năng làm việc với mọi người và hiệu quả trong việc tạo ra thay đổi).

Để xây dựng một số mô hình năng lực, các nhà tâm lý học đã nhờ những quản lý cấp cao của công ty chỉ ra một số khả năng điển hình của những lãnh đạo xuất sắc nhất trong công ty đó. Để tạo ra các mô hình khác, họ sẽ sử dụng tiêu chí khách quan, ví dụ như lợi nhuận của từng bộ phận để phân định các cá nhân xuất sắc với các cá nhân bình thường trong doanh nghiệp. Các cá nhân ấy sẽ được phỏng vấn và kiểm tra kỹ lưỡng, sau đó khả năng của họ sẽ được đem ra so sánh với nhau. Quá trình này sẽ cho ra đời bản danh sách các yếu tố làm nên một lãnh đạo hiệu quả. Mỗi danh sách có từ 7-15 mục, bao gồm những yếu tố như óc sáng tạo và tầm nhìn chiến lược. Khi phân tích toàn bộ số liệu, chúng tôi đã thu được kết quả đáng kinh ngạc. Cần phải nhắc lại rằng trí thông minh đưa đến hiệu quả công việc cao. Những kỹ năng tư duy như nhìn xa trông rộng là đặc biệt quan trọng. Nhưng khi tính toán tỷ lệ giữa kỹ năng nghiệp vụ, IQ và trí tuệ cảm xúc như các thành tố của hiệu quả vượt trội thì trí tuệ cảm xúc được chứng minh là có tầm quan trọng gấp đôi so với các thành tố còn lại xét về mọi cấp độ công việc.

Hơn nữa, phân tích của chúng tôi cho thấy trí tuệ cảm xúc đóng vai trò ngày càng quan trọng ở những cấp cao nhất của công ty, nơi mà sự khác biệt về kỹ năng nghiệp vụ của các cá nhân là không đáng kể. Nói cách khác, một người được cho là xuất sắc, có vị trí càng cao thì trí tuệ cảm xúc càng cao là lý do cho hiệu quả công việc của họ. Khi so sánh các nhà lãnh đạo nổi bật với những nhà lãnh đạo trung bình khác, có tới 90% điểm khác biệt trong hồ sơ của họ là ở nhân tố trí tuệ cảm xúc thay vì khả năng nhận thức.

Những nhà nghiên cứu khác đã xác nhận rằng trí tuệ cảm xúc không chỉ giúp phân biệt những lãnh đạo xuất sắc mà còn có mối tương quan mật thiết với phong cách làm việc quyết đoán, mạnh mẽ. Những phát hiện của David McClelland, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực hành vi con người là một ví dụ điển hình. Trong nghiên cứu năm 1996 về một công ty thực phẩm và giải khát toàn cầu, McClelland nhận thấy khi những quản lý cấp cao sở hữu một khối lượng tới hạn năng lực trí tuệ cảm xúc, bộ phận của họ đạt mức thu nhập vượt chỉ tiêu tới 20%. Ngược lại, ở những bộ phận mà người đứng đầu không sở hữu khối lượng trí tuệ đó, hiệu suất công việc không đạt chỉ tiêu với tỷ lệ tương tự. Điều thú vị là phát hiện của McClelland không chỉ đúng khi áp dụng với các chi nhánh ở Mỹ mà còn đúng với các chi nhánh ở châu Á và châu Âu của công ty đó.

Tóm lại, những con số đã cho chúng ta thấy một câu chuyện đầy sức thuyết phục về mối liên hệ giữa thành tựu của một công ty và trí tuệ cảm xúc của lãnh đạo công ty đó. Một điểm quan trọng khác mà nghiên cứu cũng chỉ ra, đó là con người có thể phát triển trí tuệ cảm xúc của mình nếu theo đuổi một phương pháp đúng đắn.

Tags: