Tuổi 20 - Tôi đã sống như một bông hoa dại: Cuốn sách cho những trăn trở thanh xuân
Tuổi 20 - Tôi đã sống như một bông hoa dại: Cuốn sách cho những trăn trở thanh xuân
Duy nhất trên Trạm: Trích dẫn chương 1 và chương 2 cuốn sách "Tuổi 20: Tôi đã sống như một bông hoa dại"

 

Tôi là một, là riêng, là thứ nhất

 

 

1.


Bạn vĩ đại hơn bạn tưởng.


Đó là câu thơ của Xuân Diệu, nhưng nó làm tôi nghĩ đến những khẩu hiệu mĩ miều trong các sách self-help hay những câu mà các nhân vật truyền cảm hứng vẫn hét vào tai bạn mỗi ngày: Bạn vĩ đại hơn bạn tưởng, Bạn sẽ trở thành số một trong lĩnh vực bạn theo đuổi nếu bạn tin vào nó... Trong hai thập kỉ gần đây, sách dạy kĩ năng sống nổi lên như một hiện tượng và bạn được khuyên rằng hãy lặp lại những suy nghĩ khẳng định để điều đó trở thành một phần tiềm thức trong bạn, để xuất sắc là một loại thói quen và để thành công là một điều tất yếu. Mơ ước ư, đã mơ thì hãy mơ lớn, phải thật lớn mới bõ công mơ! Những điều đó ám ảnh con người hiện đại đến mức nếu họ có ước mơ không đủ lớn theo tiêu chuẩn sách vở, họ bắt đầu hoài nghi mình có bị làm sao không (!?) Chưa có bao giờ, người ta nói nhiều về ước mơ và thúc đẩy cá nhân nhiều như thời đại này.


Những năm học lớp tám, thỉnh thoảng để dành được vài chục nghìn, tôi lại đạp xe qua cái cầu vượt từ làng đến thị trấn mua những quyển Hạt giống tâm hồn, Chicken soup for the soul. Tôi phải công nhận, dù sao, những cuốn sách đó vẫn đẹp đẽ hơn mấy xêri truyện tranh vẽ hở mông ưỡn ngực và dăm ba câu chuyện tình yêu học đường nhảm nhí sến sẩm cho thuê ở cổng trường. Cho đến khi lên đại học, tham gia những lớp học kĩ năng sống, người ta cũng hét vào tai tôi những điều tương tự: Hãy phấn đấu trở thành số một, Hãy theo đuổi ước mơ đến cùng. Ngày ấy, tôi vẫn không ngừng nghĩ đó là những điều đẹp đẽ.


Khi chúng ta lớn lên, những nỗi thất vọng cũng lớn lên cùng. Nó giống như bạn ấp ủ hình ảnh thần tiên của cánh đồng hoa tam giác mạch trong các nhật kí hành trình của phượt thủ để rồi lặn lội đến tận nơi ngắm nhưng chẳng có cánh đồng nào hết, nó chỉ xứng đáng được gọi là những khoảnh nhỏ, vườn nhỏ, bãi nhỏ nhạt nhòa mà thôi. Chỉ là hiệu ứng, cách chụp, và cái máy ảnh xịn đã lừa bạn. Tôi lớn lên với rất nhiều lần hờn dỗi cả thế giới vô lí như thế, có khi chỉ vì một bức ảnh hoa! Tôi nên giận cái máy ảnh xịn, hay nên giận cái ảo tưởng của mình? Có những ảo ảnh vẫn đẹp đẽ như vậy. Và ý nghĩ “Tôi là số một” mà bạn đã được sách báo gieo vào đầu, cũng là một ảo ảnh đẹp đẽ. Sự thất vọng kéo đến, nhưng tôi sớm vực mình dậy, tôi vui vì mình đã nhận ra đủ sớm sai lầm của loạt tư tưởng này.


Theo tháp nhu cầu Maslow, con người có nhu cầu khẳng định bản thân; nhu cầu đó trở nên mạnh mẽ hơn trong thời đại mà cái tôi ngự trị. Và dạng kĩ năng sống chúng ta đang bàn đến đánh trúng vào nhu cầu đó. Chúng ta mong muốn có thể đứng ưỡn ngực vươn vai mà nói với cả thế giới rằng tôi thành công, rồi trở thành gương mặt trang bìa của các tờ báo cho mục Sống với đam mê, thật là kiêu hãnh! Sách nói rằng dù ở bất cứ xuất phát điểm nào, ở bất cứ ngả đường cuộc sống nào, bạn cũng có thể thành công vang dội cơ mà. Nhưng không phải cứ bỏ học và có một cái ga ra thì bạn sẽ tạo ra khối tài sản như Bill Gates! Hơn nữa Bill Gates bỏ Harvard, xin nhấn mạnh là Harvard, còn con đường đến với Harvard thì xin hãy tự hình dung. Bạn đã có gì trước khi định từ bỏ con đường học thuật? Einstein đã từng (bị coi) là một cậu học trò thiểu năng trí tuệ, nhưng không phải tất cả học sinh thiểu năng đều có thể trở thành những Einstein, xác suất đó không đủ cao để sách vở lấy dẫn chứng đó và làm cho một đám đông tin một cách mê muội đi rằng mình chẳng cần gì đặc biệt hay cố gắng đâu, mình sẽ thành công và vĩ đại!


Tôi đã đọc những loại sách đó đủ nhiều để biết sợ từ “vĩ đại”, rồi sau cùng là tức giận. Họ đang nói cái quái gì thế? Có bao nhiêu con người ngoài kia đang bị ám ảnh rằng cho dù mình có làm tốt bao nhiêu thì hình như mình vẫn chưa đạt đến cái ngưỡng vĩ đại mà mình lẽ ra có thể/xứng đáng đạt được nếu mình cố hơn, cố hơn, cố hơn chút nữa. Tôi không phủ nhận tác dụng của suy nghĩ tích cực lên cuộc sống của chúng ta, cũng không phủ nhận ước mơ là thứ quá đẹp trong cuộc sống này. Tôi chỉ ấm ức vì những người viết, người dạy kĩ năng sống sao có thể thiếu trách nhiệm đến thế. Sau một buổi học hừng hực khí thế “mình là vĩ đại” và đi về nhà, có bao nhiêu người sau đó thực sự trở nên tốt hơn chính họ ngày hôm qua? Tôi ngờ rằng nếu thức dậy vào một buổi sớm mùa đông mưa phùn gió bấc, người ta sẽ lại quên ngay thôi cái ý nghĩ vĩ đại kia, cuộn chăn lại và tiếp tục mơ những giấc mơ đủ hỉ nộ ái ố đời thường. Đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận thẳng thắn, rằng mục tiêu vĩ đại khiến chúng ta tốt hơn thật hay đang là một áp lực tâm lí quá sức mà chính chúng ta không nhận ra, chỉ vì cả xã hội đang chạy theo nó?

 

------------------------------------------------------------------------

 

2.


Bộ sưu tập giấy khen


Một trong những điều yêu thích nhất của tôi là viết. Tuy nhiên tôi không biết nên điền mục ước mơ ở lớp kĩ năng sống là gì. Cô giáo bảo em nên mơ ước trở thành nhà văn hàng đầu Việt Nam để có động lực phấn đấu. Tôi chưa từng có ước mơ ấy. Tôi chỉ mong điều mình viết chạm đến lòng người. Người nào đọc thì nhớ đến tôi như nhớ một người bạn, một người chị, một người em gái dù chưa gặp nhưng như đã quen vì cô ấy có cách nói ra những điều lẩn khuất trong lòng mà mình chưa diễn đạt bằng lời được, thế thôi. Chứ không phải là dưới danh hiệu nhà văn đang tạo ra thứ nghệ thuật hàn lâm, đã thế lại còn nhà văn hàng đầu! Tôi không thiết tha gì điều ấy. Cũng thiết nghĩ trong lòng mỗi người sẽ luôn có chỗ cho người mà họ yêu thích, như là thẻ nhớ có đủ chỗ cho list nhạc của nhiều ca sĩ mà tôi thích, việc phân loại hàng đầu là ở đâu ra và để làm gì cơ chứ. Cái thế giới này phát cuồng lên vì các bảng xếp hạng. Có bài hát dịu dàng, có bài hát dữ dội, có bài sôi nổi cũng có bài thiết tha. Chúng ta cần tất cả những điều ấy cơ mà, sao lại xếp hạng kiểu dữ dội thì thời thượng hơn dịu dàng êm ái?


Cầu thủ bóng đá Lionel Messi từng nói: “Winning isn’t everything even if you win everything” (Chiến thắng không phải tất cả cho dù chúng ta có chiến thắng tất cả đi chăng nữa ). Tôi đã suy nghĩ tám vạn lần rằng cuộc sống có nhất thiết phải là một cuộc đấu tranh không, thắng cái gì và để làm gì? Cái tư tưởng “Hãy trở thành số một“ nặng tính đấu tranh. Nếu bạn không leo lên đầu những người thứ hai, thứ ba thì làm sao bạn chắc mình là số một?

Từ nhỏ chúng ta đã luôn tin sống là một cuộc đấu tranh sinh tồn. Các kì thi dạy chúng ta điều đó, một người bị đánh trượt là một cơ hội cho mình đỗ. Nhà trường có các kiểu xếp hạng để chúng ta tin sự cạnh tranh đó là thước đo giá trị của mình.


Nhưng tôi đã mất nhiều năm để nhận ra nghịch lí này: Bạn càng tranh đấu, càng cố gắng vượt lên trên người khác để làm điều gì đó, bạn càng đẩy thành công ra xa mình! Bạn càng nhồi óc “mình vĩ đại hơn mình tưởng”, bạn càng không làm được điều gì vĩ đại. Những bài báo về những câu chuyện start-up thành công rực rỡ với những chủ nhân ngoài hai mươi làm bạn hoang mang ở cái tuổi ngoài hai mươi của mình. Bạn chạy đua với cả thế giới và gục ngã vì kiệt sức mà vẫn chưa thấy mình đi đến đâu có đúng không?


Tôi cũng có những ngày tháng như vậy, và cho đến giờ khi nhận ra sai lầm của kiểu tư tưởng hô hào thành công bằng cách cạnh tranh quyết liệt và đua với cả thế giới, nhiều lúc tôi vẫn cư xử với đời mình như thể mình là một chiến binh và muốn chiến thắng. Có những ngày chỉ biết nằm lặng im giữa tuổi trẻ, rất muốn được ôm chính mình và nói lời xin lỗi chính bản thân mình. Cái sự hiếu thắng ấy đã làm hại tôi.

 


Tôi có cảm tưởng trường học giống như những trại huấn luyện bò tót mà giải thưởng là những mảnh vải đỏ để những con bò lao vào. Xông lên đi, học đi, học ngày học đêm vào, để mang lại vinh quang cho nhà trường và chính bản thân mình. Các em sẽ được gì nào? Sẽ lên bục danh dự cầm bằng khen và nghe các bạn vỗ tay, sẽ được nhận chút tiền thưởng, sẽ được thầy cô yêu quý gia đình tin tưởng vì là con ngoan trò giỏi. Tất cả những điều ấy mới mời gọi làm sao! Còn nếu bạn là học sinh cá biệt, bạn xếp hạng bét, bạn là thành viên mà cô chủ nhiệm chỉ muốn gạt ra để lớp có thứ hạng cao hơn, bạn sẽ không được nhà trường và gia đình thừa nhận.


Tôi thấy điều buồn cười nhất ở trường là bạn sẽ bị đánh tụt hạnh kiểm chỉ vì học lực kém và yếu, như thể nếu học không giỏi thì bạn không có quyền có đạo đức vậy! Những đứa trẻ dành cả tám tiếng ở trường mỗi ngày và về nhà chỉ để làm bài tập và đi ngủ, thế giới chật hẹp của chúng chỉ xoay quanh lớp học và nhà, làm sao chúng có thể có nhân sinh quan rộng lớn đủ để không tự đánh giá chính mình dựa trên những nấc thang điểm số và giải thưởng mà nhà trường đã đặt ra được? Rồi chúng trở thành những người hoặc tự tin ảo tưởng vì bị ve vuốt cái tôi thái quá, hoặc tự ti thái quá vì mình không có mặt trên bảng xếp hạng. Điều nguy hiểm nhất là tư tưởng cạnh tranh và hiếu thắng sẽ ngấm vào chúng.


Đến tận lúc này, tôi mới nhìn rõ điều đó ở chính bản thân mình. Vì ngày xưa cứ đến mùa thu sắp khai trường, ông bà lúc nào cũng chờ đợi được nghe tên cháu mình ở cái loa làng đi nhận phần thưởng khuyến học, nên tôi cũng muốn học giỏi chứ. Thua kém là tôi ấm ức lắm. Bạn tôi được 9 điểm, về nhà mẹ đánh vì phải được 10 cơ. Năm lớp 9, tôi học ngày đêm cho kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tôi cảm giác nếu thi không có giải thì mình sẽ đem sự hổ thẹn này xuống mồ mất. Cô giáo cổ vũ rằng tôi giỏi, tôi làm được. Tôi thức đêm viết văn, tôi ăn nghĩ đến Văn, ngủ mơ đến Văn, mà cái lo sợ nó lớn hơn hứng thú. Tôi ngồi nhìn đề văn nhiều đêm liền, vật vờ đến bốn giờ sáng, có đêm mất điện tôi thắp nến để viết cho kịp sáng nộp, và bạn bè tôi cũng thế. Thức đêm liên tục trong thời gian dài là điều không tưởng với một đứa mười bốn tuổi. Giờ tôi đã hai mươi hai, nhưng cái tính cạnh tranh không bằng một phần thời ấy.

Và tôi được giải cao nhất, cái giải lâu lắm mới có người đạt được, lẽ ra tôi có thể ưỡn ngực vươn vai hạnh phúc được rồi, nhưng cảm giác đó qua nhanh đến nỗi nhiều năm sau tôi vẫn còn ngỡ ngàng và nghĩ lại. Năm mười bốn tuổi đó, tôi bắt đầu hồ nghi về hạnh phúc. Tôi bắt đầu tự hỏi mình rằng mình có thật sự cần giải thưởng này hay trong thâm tâm mình chỉ sợ cảm giác thua kém, cảm giác được kì vọng để rồi mình phá vỡ kì vọng, cảm giác cái mác học sinh giỏi đã là một phần không thể tách rời với mình? Nhiều năm sau đi học, tôi cũng đã sưu tập không thiếu tờ giấy khen nào mà một học sinh giỏi nên có. Nhưng, một cách thành thực, tôi chưa từng hạnh phúc, chưa từng hạnh phúc. Dù nằm trong top đầu, trong lòng tôi lại bất an thường trực, sợ bị rơi ra khỏi nhóm ấy. Cũng như các ngôi sao lẫy lừng một thời cảm thấy đau khổ hằn học khi những thế hệ mới nổi lên vậy. Đấy là cái tai hại của việc xếp hạng đã tạo ra cho những cá nhân được xếp hạng.


Trước kia, tôi viết văn để đi thi và chấm điểm, mẫu mực và đẹp đẽ, dù cũng đầy cảm xúc nhưng nhìn lại thì cũng chỉ là thứ cảm xúc trong khuôn khổ. Viết văn là dạng thức lột đồ cho tâm hồn. Bạn sẽ trần trụi khi chữ viết hiện ra. Không có kẻ giả tạo viết được thứ văn chân thành. Lúc ấy các bạn lớp khác bảo đọc không hiểu. Tôi nghĩ các bạn hiểu làm gì, trong lòng hơi bực bội chút. Sau này vào đại học, tôi trót đưa chân vào ngôi trường mình chưa từng thích nhưng chỉ bố mẹ thích, tôi rơi xuống top cuối. Nhưng điều lạ lùng là tôi không định đem theo sự hổ thẹn của một học sinh giỏi nhiều năm xuống mồ. Tôi đã rơi chạm đáy, đã sát thương, và cũng đã trưởng thành.


Một ngày tôi nhận ra mình tự do như chưa bao giờ tự do đến thế, tôi muốn hét lên là ở đây không ai nhìn tôi là nghĩ ngay đến học sinh giỏi nên tôi cần phải mẫu mực làm gì, tôi đã ở top cuối thì sự bất an bị rớt khỏi top đầu cũng tiêu tan. Tôi vẫn tổn thương, vẫn dần dần gỡ bỏ quá nhiều lớp áo giáp mà bao năm đã dựng lên để tự vệ và tỏ ra hoàn hảo với thế giới, và vẫn viết. Rất nhiều ngày tháng trôi qua cho đến khi tôi nhận ra giờ ngay cả các bạn học tự nhiên cũng hiểu và thích điều tôi viết, thậm chí họ bắt đầu chờ đợi. Tôi không còn giải thưởng nào để làm tấm khiên che chắn cho danh dự của mình, nhưng khác với lúc được bao vây bởi giải thưởng, điều tôi viết đã được đón nhận. Nhiều khi nghĩ lại mấy bài văn hồi trung học, đến tôi cũng xé vứt đi rồi phá lên cười quá. Giờ tôi viết theo đơn đặt hàng của cảm xúc, không phải theo lệnh của thầy cô. Có một ngày chúng ta nhận ra những tổn thương đã đưa ta đến gần với cuộc đời này, đến gần hạnh phúc.

 

------------------------------------------------------------------------


3.


Chúng ta có thoải mái với việc mình không xuất sắc?


Tôi nghĩ lại những đêm đông năm mười bốn tuổi thức đến bốn giờ sáng làm văn chỉ vì quá chán nản mà mai vẫn phải nộp bài nên chưa từng cho phép mình đi ngủ, nghĩ đến ánh mắt xót xa của bà ngoại mà muốn rơi nước mắt. Tại sao tôi phải hiếu thắng và hèn nhát như thế để mà khi lên lớp 10, tôi trở nên quá yếu đuối đến mức chỉ chạy một vòng quanh sân bóng cũng có thể ngất? Tại sao tôi làm văn sau khi ăn trưa rồi hùng hục đạp xe đi học để đến mức loét dạ dày? Nhiều năm sau này, những đêm thức gần trắng trong thời gian dài đó và áp lực thời đi học đã khiến tôi trả giá. Tôi bị bệnh từ đầu đến chân. Đấy là lỗi của chính mình, nên tôi phải dùng cuộc đời còn lại để sửa sai, để hứa rằng sẽ không bao giờ vay mượn ước mơ, quy chuẩn của người khác để áp đặt lên bản thân mình, không bao giờ gồng mình lên làm siêu nhân nữa.


Tôi có tâm hồn đậm đặc Á Đông. Càng tìm hiểu về văn hóa phương Đông, tôi càng nhận ra các tư tưởng lớn phương Đông chưa bao giờ dạy con người ta cạnh tranh và hiếu thắng cả. Sự hiếu thắng đó là của phương Tây. Sự bành trướng về kinh tế dẫn đến sức ảnh hưởng của văn hóa, chúng ta đã bị mê muội tin rằng cái gì đến từ phương Tây cũng tốt. Những nhà hiền triết Á Đông tin rằng cuộc sống là một dòng sông, bạn càng vẫy vùng tranh đấu với dòng nước, bạn càng nhanh chìm. Điều bạn nên làm là thả lỏng, trôi theo dòng nước. Đó cũng là câu chuyện của tôi, khi tôi ngừng tranh đấu vì giải thưởng, tôi mới bắt đầu thực sự viết ra được thứ người khác có thể đọc! Tôi đã từng thắng nhiều người khi đi học, nhưng tôi đã thua chính mình, thua hạnh phúc.


Sự thắng thua làm người ta không bao giờ có thể bình an với chính mình. Sẽ ra sao nếu bạn đứng trên đỉnh thành công nhưng không hề hạnh phúc? Nó giống như Napoleon chinh phạt cả thế giới rồi thất vọng, vì không còn thế giới nào khác để chinh phục nữa!


Tôi có đọc được trong một cuốn sách: Các nhà du hành vũ trụ của con tàu Apollo dành cả đời khát khao chinh phục mặt trăng, và họ đã làm được điều đó, nhưng sau khi trở về trái đất họ bị trầm cảm nặng nề vì không còn biết mục tiêu sống tiếp theo của đời mình là cái gì. Đời không như là mơ, mà còn hơn là mơ ấy chứ. Tới mặt trăng đúng là điều không tưởng, nhưng tới mặt trăng rồi thì làm gì tiếp? Khi một giấc mơ trở thành hiện thực thì cũng là lúc một giấc mơ đẹp vừa bị đánh cắp đi.


“Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời.” Khắc tên xong rồi thì làm gì? Không thể leo lên trời bằng đường bộ, cũng không có cánh, hay là nhảy thẳng xuống vực? “Hạnh phúc không phải đích đến mà là một cuộc hành trình.” Leo núi không biết bao giờ tới đỉnh là một dạng vô vọng nhưng leo lên đến Everest rồi phát hiện ra đấy là nơi cao nhất rồi chẳng leo đi đâu được nữa cũng là một dạng vô vọng khác. Thế đấy.


Làm ơn, đừng ám ảnh về việc mình phải vĩ đại, phải thành công vang dội, đừng bị đe dọa vì một bài báo về anh A chị B khởi nghiệp hay lương nghìn đô. Tôi không bảo bạn ngừng học hỏi, nhưng học với tâm thế muốn mình tốt hơn, muốn giúp đời giúp người, khác với tâm thế cạnh tranh và thấy mình thua kém cả thế giới. Mà thực tế, với tâm thế đó, bạn mãi đứng im một chỗ hằn học, chứ đừng nói đến được thành công.


Tôi hơi nghi ngờ thế giới này đang coi xuất sắc là một loại đạo đức, còn những người bình thường thì sẽ bị coi là không cố gắng, không có ước mơ, không cần phải thương hại. Tôi tin chúng ta sinh ra không có tố chất như nhau, không có sứ mệnh như nhau, không có nền tảng như nhau. Muốn biết người khác cố gắng hay không, cần đặt họ vào câu chuyện của chính họ. Tôi mất tám năm để tự tìm ra nguyên nhân mình mất ngủ và tự chữa bệnh. Tôi ngồi hai tiếng trên giảng đường cũng khó khăn, tôi rất mệt, vì máu lưu thông kém. Nếu bạn đánh giá tôi không tích cực đi phượt, tham gia hoạt động xã hội, không có gì để ghi vào CV, như vậy có công bằng không? Ví dụ một sinh viên từ quê nghèo phải từ chỗ chạy bàn lao đến lớp học rồi từ lớp học đi làm gia sư để có thể trả một chút sinh hoạt phí thì có thể có nhiều thời gian, sức khỏe như một sinh viên ở thành thị mà mẹ vẫn chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ để tập trung học hành được không? Bạn không thể lạnh lùng nói rằng ai không thể theo đuổi đam mê, kẻ đó đã thất bại, xứng đáng thất bại. Cậu bạn cúp học cả tuần đến chỗ làm thêm, bạn có biết quê bạn ấy đang oằn mình gánh lũ, hay bạn chỉ đánh giá đấy là kẻ lười biếng không chịu cố gắng học hành?


Chúng ta hẹp hòi, chúng ta sợ hãi. Chúng ta bị ám ảnh bởi thành công. Chúng ta muốn một thứ chỉ vì NGƯỜI-KHÁC-CŨNG-CÓ. Chúng ta chưa từng bình an với chính mình. Chúng ta quá thiếu kiên nhẫn. Chúng ta chưa từng biết trong cuộc đời rộng lớn này, phải đi tìm một định nghĩa hạnh phúc cho chính mình chứ không phải vay mượn từ người khác. Chúng ta không thoải mái với việc mình không xuất sắc. Chúng ta cạnh tranh, chạy đua và trượt dài.

 

------------------------------------------------------------------------


4.


Đam mê của bạn là gì?


Mùa hè năm cuối đại học, trong khi bạn bè ở ngôi trường mọi người thường coi là danh giá tôi theo học tíu tít du lịch du học và làm ở tập đoàn này kia, tôi vẫn còn một môn học lại, chẳng biết mình có thể làm gì, thích gì nhất, mà thích thì có làm tốt cái thích không, với cả thiết nghĩ mình chẳng làm được gì với tấm bằng đại học cả. Nhiều đứa thì về quê chơi, đợi bố mẹ xin việc. Tôi thì đi làm phục vụ bàn. Trông tôi khá tiểu thư, đấy là mọi người bảo thế, nhưng đừng nghĩ một cô gái mặc váy maxi thì không thể cầm chổi lau nhà. Một lần nữa, tôi lại thấy bất an nổi lên, vì gia đình tôi sẽ thấy việc một học sinh giỏi nhiều năm liền đi làm việc chân tay, một phần nào đấy là mất mặt. Mà bản thân tôi cũng chưa từng quen với việc phục vụ người khác. Tôi đi làm phục vụ bàn cho hai quán ăn trong hai tháng hè. Quét nhà, lau nhà, rửa bát, dọn nhà vệ sinh, bưng bê, thu ngân, mấy việc đó tôi đều làm qua cả.


Lần làm vỡ cốc đầu tiên, lần tính tiền nhầm đầu tiên, lần nhận tiền tip đầu tiên, lần pha chế đầu tiên, lần nhận tiền lương đầu tiên, tất cả những lần đầu tiên ấy, của một công việc chân tay thuần túy, đã thay đổi tôi mãi mãi. Tôi đã từ bỏ lòng kiêu hãnh lẫn ảo tưởng – thứ được tạo nên từ suốt những năm đi học được tung hô và khen thưởng, từ bỏ suy nghĩ mình phải là siêu nhân. Phải thừa nhận, với công việc phục vụ bàn, tôi thích quan sát khách hàng và đoán họ cần gì. Nếu chỉ ngồi nhà chìm đắm trong mấy bài viết rao giảng về đam mê, có lẽ tôi sẽ sớm thì muộn vào trại thương điên. Không biết ai đã nói câu này nhưng tôi thích nó: Cuộc sống có trước, đúng sai có sau. Có đôi khi hãy cứ làm gì đó đi, đừng nghĩ, rồi một ngày đẹp trời bạn sẽ nhận ra tất thảy những việc đã xảy ra, đều nên xảy ra.


Đam mê là từ quá to. Không phải thứ bạn tưởng là đam mê bây giờ sẽ theo bạn cả đời. Đam mê có thể không đến lúc bạn hai mươi. Có phải có nhiều bài báo 9x thu nhập khủng khởi nghiệp nên chúng ta đang bị ám ảnh mình PHẢI có đam mê và thành công lúc ngoài hai mươi? Ai đó đã nói: “Ước mơ chỉ cần đủ lớn để bạn lớn lên trong đó.” Ước mơ được mặc định là những điều lớn lao. Không phải thế. Điều làm bạn hạnh phúc là điều lớn lao nhất, lớn lao hơn sự công nhận của thế giới, lớn hơn những bài báo tung lên trời kiểu 9x start up thu nhập nghìn đô.


Dù bạn có yêu một người đến đâu, cũng có những lúc bạn thấy mệt muốn bỏ liền, ngay và lập tức. Công việc cũng vậy, yêu thích đam mê đến đâu cũng có ngày mỏi gối chùn chân chẳng hiểu mình đang làm gì. Công việc lí tưởng không tồn tại – thứ mà cho bạn tự do tài chính tự do thời gian tự do đam mê. Làm phục vụ bàn, tôi hiểu áp lực kinh khủng của nghề bếp – nghề khiến bạn luôn có nguy cơ cao bị bệnh tim và ai cũng gầy vì môi trường làm việc quá nóng và còn độc hại; tôi hiểu áp lực tài chính và việc bị buộc chặt tại nhà hàng sáng trưa chiều tối ngày này qua ngày khác của chủ và quản lí; tôi hiểu sự mệt mỏi của những nhân viên phục vụ có khi vừa ăn một miếng cơm đã phải đứng dậy vì có khách từ trưa tới xuyên chiều, họ dễ đau dạ dày; tôi hiểu việc phải dọn dẹp nhà hàng từ sáng tới khuya cả tháng chẳng thấy bầu trời của mấy cô tạp vụ xa quê lên Hà Nội.


Càng đến gần hơn với cuộc sống, càng ở giữa sự không hoàn hảo của nó, tôi càng thấy mình bình an hơn, và càng thấy lí thuyết theo đuổi đam mê đến cùng thật ngớ ngẩn. Tôi đâu có đam mê phục vụ bàn cả đời, nhưng đó là công việc đã dạy cho tôi một điều quan trọng. Khi tôi làm việc quay cuồng với các order của khách hàng, tôi đã SỐNG Ở HIỆN TẠI. Đấy là điều tôi chưa từng làm được trong đời mình. Tôi luôn lo sợ tương lai, luôn bất an, sợ thất bại. Tôi chưa từng biết cuộc sống cũng đơn giản thế này, bạn đi bưng bê chén đĩa cả ngày mệt nhoài nhưng đầu thì không mệt vì nó không có thời giờ lo lắng, tối về bạn đi ngủ và không có chuyện mất ngủ vì ý nghĩa cuộc sống nữa. Ngồi im mà đòi cuộc sống có ý nghĩa, tôi đã ấu trĩ như thế trong vài năm tuổi trẻ. Khi tôi quay lại tìm hiểu những thứ mình thật sự quan tâm, tôi đã có một tâm thế khác, bình tĩnh hơn nhiều. Chúng ta cứ đi từ từ, cứ học về cuộc sống, cũng không có nghĩa là chúng ta đã bỏ lỡ một phần đời không theo đuổi ước mơ.

 

------------------------------------------------------------------------


5.


Ông ấy đã làm sushi trong cả giấc mơ


Buổi sáng nọ tôi đi mua quả bơ. Vừa ngồi xuống lựa thì bác bán bơ kéo ống quần lên cho xem cái chân sưng vù có vết chảy máu. “Sáng nay tao với chồng tao chở bơ đến đây, giữa đường đâm vào con chó, lạ thật ông ấy ngã đập đầu xuống đất mà sao không chảy máu, giờ đang ở viện chả biết sống chết thế nào. Tao đau chân quá mà không biết có phải gãy không, chỉ thấy sưng, bơ đã chở đến thì phải đem bán, không làm thì ăn bằng gì, chồng tao vẫn đang ở viện, không biết sống hay chết, còn tao vẫn phải ở đây.” Chú bán thịt lợn bên cạnh đang ngồi rang cơm bằng cái bếp than, bụi bẩn và muội than bám đầy áo và tóc.


Có bác nông dân, gia đình vốn sống bằng nghề trồng tỏi tại đảo Lý Sơn. Tỏi ở đây rất nổi tiếng, nhưng đất cát bạc màu dần nên ngày càng khó trồng. Bác dành hai năm đi khắp các vùng biển từ Quảng Ngãi vào Khánh Hòa tìm nơi có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, lúc định bỏ về thì tìm được, ở lại luôn trồng tỏi. Một hecta lên xanh mướt.


Anh chủ trang trại GreenFarm tại Mộc Châu, sau khi rời đại học Nông nghiệp đã lên Mộc Châu, thử nghiệm giống cà chua mới trên một hecta thất bại, mẹ anh lên đó nhìn ruộng cà chua bạt ngàn chỉ biết khóc, bảo con về Hà Nội, nhưng anh không về. Dĩ nhiên anh đã thành công mình mới thấy anh trên tivi, nhưng giả sử những thử nghiệm đơm hoa quá muộn, khi tuổi trẻ anh đã bước qua rồi, nếu anh trở về Hà Nội, ai biết đến phần đời anh đã để lại Mộc Châu?


Phim tài liệu Jiro Dreams of Sushi nói về nghệ nhân sushi Jiro, ông nói ông làm sushi ngay cả trong mơ. Jiro muốn các học viên học nghề trong ít là 10 năm. Mình chưa tưởng tượng được nhìn cái món ăn đơn giản đó mà học trong 10 năm thì sẽ học gì, chắc ai cũng tự hỏi như vậy. Ngày nào ông cũng làm sushi, từ lúc trẻ đến khi ông gần ngưỡng 90. Một học viên nói: Sau 10 năm bạn mới được động vào trứng, tôi làm sushi trứng 3 đến 4 lần một ngày trong 4 tháng mới nhận được lời khen của Jiro, bạn biết đấy, lời khen của Jiro rất có ý nghĩa với chúng tôi. Tự hỏi những người đến nhà hàng ăn sushi trứng có biết anh học việc đã bỏ 10 năm 4 tháng tuổi trẻ trong bếp hay không.


Thấy không, cuộc sống vẫn diễn ra lặng lẽ với tất cả những đau thương, khổ luyện, tuyệt vọng và hy vọng. Họ ở quanh chúng ta, họ chưa từng lên báo, nhưng không có nghĩa họ đã bỏ mặc đời mình và ngừng cố gắng. Còn chúng ta thì quá thiếu kiên nhẫn, làm việc nhỏ cũng mong phải được công nhận ngay mà không biết chờ đợi sự công nhận chính là một loại gông cùm.


Một nữ chủ nhà hàng mì ramen ở Nhật đã bỏ ra 10 năm để nghiên cứu công thức nước dùng, nhà hàng ấy còn chu đáo đến độ đưa dây buộc tóc cho khách hàng nữ đến ăn mì vì không ai có thể ăn mì khi xõa tóc cả. Tôi không nói đến đam mê của cô ấy nữa, thừa thãi, tôi chỉ nói đến trong 10 năm nghiên cứu ấy, có lẽ mỗi dịp lễ tết cô ấy đều phải trả lời những ai hỏi cô đang làm gì rằng cô đang nghiên cứu nước dùng mì ramen! Nghe không thời thượng tí nào, bạn cứ tưởng tượng đi, bạn phải trả lời trong 10 năm một câu như thế, cái tôi của bạn có chịu đựng được hay không. Người ta sợ đến những buổi họp lớp, có khi cũng chỉ vì một câu trả lời là như vậy!


Sau tất cả, tôi tin rằng trong lòng bạn, đã có một câu kết tôi chẳng cần viết ra.

 

 


Ngày ấy - bây giờ

 

 

1.


Vé trốn về miền ký ức
“Con tàu nào
Qua sân ga mười lăm
Em mua vé
Trốn về miền kí ức
Những ngả đường ray
Phôi pha màu mực
Trang nhật kí
Rêu phủ kín tâm hồn…”

Đó là mấy câu tôi viết lúc mười sáu tuổi. Cô giáo nói rằng các em sẽ không đọc lại lưu bút đâu, tôi chẳng tin, mà hóa ra đúng là thế thật. Giờ tôi đang ngồi nghĩ lại vì sao ngày xưa lúc ra trường lại ôm nhau khóc rụng lông mi ra thế. Lên đại học, cùng học trong một thành phố, đâu phải nghìn trùng xa cách gì mà không gặp được nhau. Hóa ra là chúng ta dĩ nhiên rất dễ dàng gặp được nhau, chỉ là chúng ta không bao giờ gặp được con người ngây thơ, hồn nhiên của ngày xưa nữa. Nghĩa là nước mắt tuổi mười bảy là khóc trên tuổi xanh sắp mất. Có bao giờ bạn đột nhiên gặp lại một người bạn cũ, trong lòng bạn nhớ rõ chúng ta từng ghi gì vào lưu bút của nhau, vậy mà thật khó khăn để kéo dài một câu chuyện, im lặng trở thành một không gian khó hiểu bao quanh lấy hai người. Thời học sinh giống như việc ta từng may mắn gặp nhau trên một toa tàu, cùng đi qua một đoạn đường, đến một sân ga mang mốc mười tám thì tất cả cùng xuống và tản đi mọi nẻo đường đời khác nhau. Sự chạnh lòng kì lạ khi gặp lại một người bạn cũ đó, phải chăng cũng chính là niềm tiếc thương cho tuổi mộng mơ của chính mình, vì chính mình cũng đã thay đổi mất rồi.


Quy luật của cuộc sống là vận động. Không thể chống lại sự thay đổi. Tôi vừa thương tiếc tuổi thần tiên vừa muốn phá lên cười vì nếu đặt một thứ dưới lăng kính hài hước thì kiểu gì cũng có cách thấy nó hài hước.

 


Hồi đi học, khoảng bảy năm trước, nghe bài hát Xe đạp của Thùy Chi, thấy lãng mạn gần chết, hôm nay nghe lại, chỉ thấy rằng lãng mạn là chết. 22 tuổi, không sợ thất tình, chỉ sợ thất nghiệp. 22 tuổi, hoặc bị bọn bạn có người yêu bỏ rơi, hoặc có người yêu nên bỏ rơi bọn bạn. Thất tình, thất nghiệp, thất học – ba cái thất, tạm gọi là tam thất. Mà tam thất thì có vị gì? Đúng rồi đó, đắng lòng. Xem phim Hàn Quốc hồi bé thấy chết vì nhau là kinh khủng lắm, giờ thấy chết dễ, sống vì nhau để mà nhìn thấy mặt nhau hằng ngày mới là kinh này. Ngày xưa xem phim các cô gái đâm ra thích các kiểu con trai lạnh lùng ít nói, giờ mới biết có cậu trai ít nói là vì cậu ấy chẳng có gì để nói, sự nhạt nhẽo này đã được những câu chuyện trà sữa dành cho teen tặng cho những mỹ từ kiểu “bên ngoài lạnh lùng, bên trong ấm áp”. Trà sữa ngọt ngào quá giờ nuốt không trôi, chắc chuyển qua Trà đá cho đắng cay, mát mẻ vừa phải; và sự thật là “bên ngoài lạnh lùng, bên trong trống rỗng” thì đúng hơn. Ngày xưa mà thấy cậu nào bàn luận về ngoại hình con gái là ghét ghê lắm, giờ thì mình biết là con trai có hai loại: loại thứ nhất là nghĩ gì nói nấy, loại thứ hai là nghĩ mà không nói. Bạn tôi cấp ba bảo tao sẽ thích đứa nào biết chơi một loại nhạc cụ! Giờ chắc chúng nó cũng ngộ ra là mấy cha nội đi học ghita chủ yếu để tán gái thôi à.


Ngày xưa viết văn suốt ngày dạy đời sống đẹp, giờ nghĩ lại thấy sến muốn chui xuống đất, cái gì mà sống đẹp chứ, phải sống đã thì mới đẹp được. Ngày xưa hồi mới dùng mạng xã hội thấy các trang triết lí lớn lao là nhấn nút thích giành giật luôn, giờ mở Facebook sợ nhất các nhân vật “anh muốn nói với em những điều thật lớn lao”. Mình cảm thấy đã quá thừa những lời khuyên mà chỉ thiếu những người thực hiện nó thôi. Trong 100 người biết tập thể dục là tốt cho sức khỏe, có bao nhiêu người tập thể dục mỗi ngày? Chúng ta luôn kiếm tìm những giải pháp cho cuộc sống tốt hơn nhưng lại không làm được từ những điều đơn giản.


Ngày xưa cháu ngoan Bác Hồ, đi học mà không muốn nghe giảng toàn nhìn vô định vào bức ảnh Bác treo giữa lớp và trên cái bảng, hồi đó vẫn nghĩ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.” Tới giờ nghĩ lại chỉ thấy như này: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ mình không làm/ Làm mãi mà không được/ Chắc chắn do mình ngu.” Khi chúng ta khám phá về bản thân mình, ngoài nhận ra có những thứ mình tưởng mình không làm được nhưng hóa ra mình làm được, chúng ta cũng nhận ra có nhiều thứ mình không thể cố mà làm được đâu.


Ngày xưa mùa đông mà chỉ dùng son dưỡng ẩm cũng thấy ngại không dám ra đường, giờ thì dưỡng ẩm mới là lớp thứ nhất, còn một lớp màu nữa mới ra đường. Ngày xưa có dịp gì quan trọng mới mặc váy, giờ thì có việc gì quan trọng mới mặc quần. Hồi mới có điện thoại số lạ nháy máy là phải điều tra cho bằng được mặt ngang mũi dọc nhân thân lí lịch của nó, giờ thì kệ, có việc tự khắc gọi lại, mình không có rảnh. Lần đầu uốn tóc chỉ dám uốn đuôi, lần thứ hai thì anh ơi uốn cho em từ chân tóc luôn nhé. Ngày xưa cô giáo mà hỏi ai không hiểu thì giơ tay lên, dù không hiểu thật cũng còn lâu mới giơ tay, sợ mang tiếng ngu à. Hỏi đường, người ta chỉ lòng vòng nghe xong chẳng hiểu gì, chỉ cảm ơn mỉm cười cắm mặt đi tiếp, sợ mang tiếng ngu. Đi mua hoa quả, mình không thấy có sự khác nhau nào lớn giữa đống đấy cả, nhưng toàn giả vờ nâng lên đặt xuống vài lần khéo vẫn chọn lại quả cũ, cũng vì sợ mang tiếng ngu. Một thời trẻ dại vậy đó, hihi.

 

------------------------------------------------------------------------

 

2.


Học cho ấm vào thân.


Trước kia chúng ta tiếp nhận tri thức từ sách trong tâm thức sách luôn đúng. Khi trình độ nhận thức đã đến một mức nhất định, ta bắt đầu đặt ra những câu hỏi xem tính đúng sai của nó đến đâu, và biết rằng con đường là do mình tạo ra, sách để truyền cảm hứng, không phải để bắt chước.


Hầu như tôi đã quên mọi lời thầy cô giảng thời đi học, nhưng cái câu “Học để ấm vào thân các cô các cậu chứ bố mẹ thầy cô thì được gì” chắc cả đời không quên được. Nước mình là nước nhiệt đới, hầu như nóng quanh năm mà. Mà thật lạ là chúng ta phải học để ấm vào thân chúng ta và làm mát mặt bố mẹ, học là cái gì mà nó vừa làm ấm vừa làm mát được vậy.


Hồi tiểu học, mỗi khi cô giáo định gọi lên bảng, đứa nào đứa nấy ra sức lục tìm một thứ BIẾT CHẮC KHÔNG CÓ TRONG CẶP khi cô giáo đang hỏi một câu hỏi mà mình biết chắc là mình không biết câu trả lời. Trong đơn xin nghỉ học viết là EM HỨA sẽ chép bài học bài đầy đủ, nhưng sự thật là nếu bị kiểm tra miệng sẽ nói là hôm trước em nghỉ học nên em không học bài. Một cách nói khác đầy tính đạo đức của việc không làm bài tập chính là “Em để quên vở ở nhà.” Hồi tuổi thơ dữ dội thì cả lớp sẽ thích những bạn học giỏi nhất, mà cả lớp có vài bạn học giỏi thôi nên tình đơn phương rơi rớt lụi tàn hơi bị thảm. Lớn lên một chút, cái thời mà các bạn nam không còn mặc quần loe chơi bắn bi đất cát tan nát cả quần và các bạn gái không còn hồn nhiên đến mức cứ mùa nhót là đem ra mài trắng xóa đầu gối giờ ra chơi, sở thích bắt đầu thay đổi. Hồi mười mấy tuổi có lần hỏi thằng bạn thân sao mày thích con đó, nó trả lời vì bạn ấy tóc dài. Mà hồi đó cả trường có vài đứa tóc ngắn thôi chứ nhiều nhặn gì cho cam, tôi lúc đó thầm nghĩ lần một là ôi hâm hấp, sau đó thầm nghĩ lần hai là tao cũng tóc dài này mày.


Diễn viên giỏi là diễn mà như không diễn, trang điểm đẹp là trang điểm mà như không trang điểm. Học giỏi là... học rồi mà như không học. Thú thật là thời đi học đại học tôi chưa bao giờ xếp thứ hai cả. Khi nói vậy nhiều người sẽ nghĩ tôi xếp thứ nhất, trời ơi sao lớn mà tư duy buồn cười vậy, không xếp thứ hai tức là có thể xếp thứ ba, thứ tư, cũng có thể là xếp cuối không còn gì để xếp luôn này. Tôi cũng không biết mình có thông minh hay không nữa. Người thông minh không bao giờ để lộ ra chỉ số IQ thật sự của mình. Người siêu thông minh, là người không bao giờ thèm kiểm tra IQ. Điểm cao không sao, à thực ra có sao, điểm cao dễ ngạo mạn mà trên đời phàm những kẻ ngạo mạn thì dễ gặp họa chứ ngu si cứ sống trơ ra. Nếu ngu cũng đã ngu rồi, kiểm tra xong có thay đổi được không hay chỉ nhận thêm cái sự thật là thế giới đã chứng nhận là mi ngu nhé, xong lại sống thì tự ti mà chết thì sợ đau không dám, thế có phải khổ không. Thế nên đừng có kiểm tra IQ EQ SQ PQ... cái khỉ gì Q hết, cứ ngồi ăn cái bánh bích quy cho thiên hạ thái bình. Trong khi các bạn rất lo lắng bị tụt xếp hạng thì tôi chẳng có gì lo lắng, làm gì có gì để mất chứ.

 

------------------------------------------------------------------------

 

3.


Hằng năm cứ vào cuối thu…


Tôi học Ngoại thương mà trong lòng có lắm nội thương vì học dốt. Đi học thì chỉ có đi không có học. Nhưng “hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.”


Tôi quên sao được mùi bánh mì Doner Kebab gần bến xe buýt trước cổng trường mang thương hiệu Ánh Tuyết và One One với trình độ quảng cáo vô cùng bá đạo phường bán dạo. “Hãy mua cà phê cho người ấy của bạn và nói: Cà phê nào chẳng đắng, con đường nào chẳng gian nan, mọi chuyện rồi sẽ ổn. Hoặc bạn cũng có thể mua sữa ngô, sữa chanh leo, dúi vào tay bạn ấy và bảo: Nè, uống đi cho đẹp da, xinh tươi cuộc đời sao phải nghĩ. Yêu nước đúng cách, uống nước đúng quán, các bạn nhé.” Sau đó quán còn có hình ảnh cờ Việt Nam hướng về biển Đông mới dễ sợ. Các bạn nhất định phải đến chùa Láng học marketing.


Tôi quên sao được sự chờ đợi cầu thang máy mà thỉnh thoảng đến lượt mình nó lại full load, nên em sẽ là người ra đi. Cái cảm giác leo lên tầng bảy sau bữa trưa và sau khi đi bộ một kilomet từ bến xe buýt vào trường thật khiến lục phủ ngũ tạng phải lao lực mà. Mà được cái mùa hè các bạn đi học rất đông vui vì ở nhà đâu có điều hòa đâu.


Khi tôi nói tôi học Ngoại thương:

Xã hội nghĩ: Vào được đấy chắc là giỏi lắm !!!
Bố mẹ nghĩ: Chắc con mình biết phân tích bản tin tài chính trên TV.
Trường khác nghĩ: Chắc kiêu lắm đây!


Tôi thì đi thi như này này: Trong phòng A305 FTU có 10 cái quạt trần, 18 ô chứa đèn, 36 cái đèn tuýp, 3 điều hòa, 6 loa, mái nhà VJCC có 37 hàng ngói, đề thi có 43 chữ Tăng và 34 chữ Giảm, chưa kịp đếm các chữ khác như cung, cầu, lãi suất.


Chuyện học đại học dù đúng dù sai kẻ làm bài sai vẫn là kẻ làm không đúng.


Tôi làm sao quên được những thầy cô giáo đã đi qua đời mình. “Các em chú ý lắng nghe câu hỏi của tôi để lấy điểm cộng, tuy nhiên có những câu hỏi các em không bao giờ trả lời được đâu trừ khi tôi nói ra đáp án.” Tôi cũng không biết hai vế của câu này có liên quan gì đến nhau không. Thầy dạy xác suất của tôi, khi đi dạy thầy mặc sơ mi trắng, sơ vin, đeo ca vát đỏ, đầu bóng lộn, không khác thanh niên đi bê tráp là bao. Thầy hay kể chuyện kiểu: “Tôi và vợ tôi quen nhau ở Las Vegas, tôi đi đánh bạc thắng một lần rồi thôi. Ngày xưa tôi đi học ở Mỹ, nhiều lúc nghe giảng chẳng hiểu gì, nên các em nghe tôi giảng mà không hiểu gì cũng là chuyện bình thường không phải sợ. Có gì đến lớp học thầy học bạn, về nhà học lén học lút, đến lúc thi làm sai, thế mới tội nghiệp làm sao. Sao hôm nay mấy đứa thích điểm danh thế, kẻ thù không đi học à. Trong lớp các em có kẻ thù không, ngày xưa đi học thầy cũng ghét vài đứa mà cứ hôm nào nó nghỉ là mình chỉ mong được điểm danh thôi. Mỗi em nên có một tên tiếng Anh nhé. Ví dụ Linh thì sẽ tên là Linda, Trang sẽ là Tracy, Hà sẽ là Hannah. Tôi rất thích các tên tiếng Anh đấy.”


Một thầy khác đang dạy, ngậm ngùi bảo: “Thầy rất cảm ơn các em đã mua nước cho thầy, nhưng từ lần sau đừng mua nữa vì nhà trường coi đây là một hành vi tham nhũng.” Một thầy khác rất thích gọi lên bảng theo màu áo, đến mức để an toàn trong lớp chắc chỉ còn cách... cởi áo. Thế là mỗi ngày đi học tôi đều lục tung tủ quần áo, nát óc để xem mặc cái áo gì mà thầy không thể gọi tên màu được, chắc chắn phải là sự kết hợp tinh vi của một cơ số màu pastel với những họa tiết không thể gọi tên để bảo toàn tính mạng.


Khi hội học giỏi nói với bạn là “Tao chưa ôn chữ nào” nghĩa là “Tao học thuộc cả mục lục” rồi đấy. Khi nó nói với bạn “Tao không làm được bài” thì có nghĩa là “Tao vẫn được A, đợi xem A cao hay A thấp thôi.” Phải gọi là bà nội của ẩn dụ đó.


Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho tất cả hội học giỏi hỏi ôn thi chưa bảo tao không biết gì trong khi nó gặm nhấm tiêu hóa cả cái phụ lục trong sách và thi xong bảo không làm được gì mà cuối cùng vẫn được A sẽ bị trừng phạt. Nếu theo truyện Pinocchio thì mình mong mũi của những kẻ lừa trời dối đất giữa thanh thiên bạch nhật này sẽ bị dài ra một mét. Ôi tưởng tượng đi, chúng nó không bao giờ có thể với tay ra rửa mặt được đâu, nếu cúi gập lưng xuống nhặt cái gì cũng sẽ bị gãy mũi, thậm chí mình có thể cầm mũi nó kéo đi mà nó cũng không làm được gì luôn.


Các gái vào WC ít khi để sử dụng WC theo đúng chức năng của nó mà để sử dụng gương, tô son đậm một tí, vuốt tóc một tí, tóc đang mượt thì lấy tay làm cho xơ rối tự nhiên một tí, xong đi ra, tự tin khoe cá tính.


Học bơi, hôm đầu tiên thiên hạ căng thẳng chuyện “show off body”, trai thì lo mình không có sáu múi, gái thì lo mình đâu có đường cong chữ S, hôm sau chẳng đứa nào quan tâm, thậm chí có các bạn hồn nhiên cởi đồ ngay ở cổng vì muộn. Vừa xuống nước thấy cả một đám chân cẳng miên man thì bị đạp ngay vào mặt. Có bạn gái xuống bể vẫn son phấn, nàng vừa úp mặt xuống phấn nổi lên trắng xóa một vùng.


Chưa bao giờ tôi hết ngạc nhiên vì khả năng vi diệu của trí óc, nó rất tách bạch chuyện vui buồn, nghĩa là khi nhớ lại một chuyện gì đó, chúng ta có thể vui như chưa từng buồn, và một lúc khác cũng nhớ lại đúng chuyện đó, lại có thể buồn như chưa từng vui. Mọi vui buồn đều đã qua. Tâm hồn người ta cũng như cái cây vậy, rồi sẽ đến mùa thay lá.

 

Trạm Đọc (Read Station)