Văn học tuổi 20: 'Chuyến tàu nhật thực' – Những hành trình cô đơn xuyên qua miền tối sáng
Văn học tuổi 20: 'Chuyến tàu nhật thực' – Những hành trình cô đơn xuyên qua miền tối sáng
Một tác phẩm mơ hồ và buồn bã như chính những số phận được khắc họa trong từng lát cắt của câu chuyện, gắn với hình ảnh con tàu trống vắng rợn ngợp và hành trình không phương hướng.

 

 

Đoàn tàu cứ thế đi mãi, không ai chờ được nữa

 

 

Không giống như những chuyến tàu bình thường, xuyên suốt câu chuyện là chuyến tàu xình xịch lao trên đường ray bất định, chở theo tâm tư của những con người bị tổn thương tìm về Thị Trấn – một địa danh cũng mơ hồ lãng đãng như khói sương trong tiềm thức.

Những hành khách xuất hiện trên chuyến tàu cũ kỹ trống trải đó rất đặc biệt. Ai cũng có lý do riêng để lên tàu. Người thì bị kéo vào, người thì được lựa chọn, người thì là ước muốn khi còn sống… Theo hành trình của con tàu tâm tưởng là những mẩu chuyện lắt léo, tàn nhẫn, đau đớn, đào sâu vào từng ngóc ngách nội tâm nhân vật: Một “Nàng” bỉm sữa nhàu nhĩ bế tắc trong cuộc sống đơn điệu mỗi ngày; một “Tôi” chìm trong hơi men trong xóm trọ chật hẹp, không bạn bè, không phương hướng, không ngày mai; một “Gã” biên tập viên thích đồng hồ, ám ảnh kiểm soát thời gian; một đứa trẻ lang thang vạ vật trên đường phố, sống lay lắt trong sự chà đạp, khinh rẻ dưới đáy xã hội…

 

 

 

Những con người ngồi chung trên chuyến tàu, họ lao vào màn đêm vô định, còn những người đứng đợi trên sân ga, họ chờ tàu về trước nhật thực trong mỏi mòn. Nhật  thực qua rồi mà tàu không đến. Những người đợi tàu già đi, rồi chết, thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4…. lại đợi tàu trong vô vọng, khắc khoải, mơ hồ. Như những đường thẳng song song, không bao giờ họ gặp được nhau, không ai về được thị trấn để đợi chuyến tàu của quá khứ, cũng không ai chờ được nữa.

 

 

Tuổi trẻ buồn đến tận cùng, và những nỗi cô đơn làm sao hết

 

 

Đoàn tàu không về được trước nhật thực. Nhật thực đã ập đến quá nhanh, trong khoảnh khắc vầng dương bị bóng đen che lấp, những mảng tối trong lòng người hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Những bí mật đen tối, những ám ảnh, ẩn ức của mỗi nhân vật dần bị bóc trần. Mọi lựa chọn đều phải bị trả giá. Cái giá cho lối sống hoang đàng của tuổi trẻ là những đứa trẻ bị chối bỏ, là nỗi ám ảnh đeo bám. Cái giá của yêu thương là mất mát, cách xa. Và những cái chết là cái giá phải trả cho những bất hạnh luân hồi của cuộc sống không mục đích không phương hướng.

 

Những câu chuyện trong “Chuyến tàu nhật thực” có sức nặng ám ảnh và để lại nhiều tầng nghĩa sâu. Đô thị rộn lớn, chen chúc, người qua lại như mắc cửi nhưng trong họ chỉ là nỗi cô đơn rợn ngợp. Mọi thứ xung quanh họ: đồng nghiệp, hàng xóm, kể cả người đầu ấp tay kề hàng đêm… tất cả chỉ là những hình nhân lạnh lẽo trôi trong vô cảm. Ngay cả thị trấn, điểm đến của những giấc mơ ngưỡng vọng trong trẻo tìm về quá khứ, cũng ẩn chứa trong nó những cơn sóng ngầm. Bất hạnh vì không có một gia đình êm ấm, bất hạnh vì không được sẻ chia, bất hạnh vì niềm tin bị chà đạp... Kể cả những tán bàng xanh, người bạn trong trẻo của tuổi thơ, niềm an ủi cho những trái tim cô đơn, cuối cùng cũng bị đốt cháy, để lại thị trấn một lỗ hổng lớn không gì bù đắp.

Nhật thực đánh thức trong nhân vật khao khát được giải thoát, được trở về lại thị trấn trên chuyến tàu về quá khứ. Hành động lên tàu dù chủ động hay vô thức, vẫn là một hành động chống trả lại nỗi cô đơn đô thị, đang giày xéo con người trong kiếp sống mòn. Nhưng cuối cùng, xem ra con tàu cũng không thể  giải quyết được những bất ổn đó, chỉ có con người tự giải thoát cho mình mà thôi.

 

Tác giả:

Đinh Phương
Sinh 1989 tại Quảng Ninh
Tốt nghiệp khoa Sáng tác

 

Trích đoạn tác phẩm

“Tháng ngày loang thành các nếp nhăn trên khuôn mặt người ở lại chờ đợi để được biết gốc gác của mình. Không ai biết nếp nhăn chính xác có từ khi nào, chỉ biết là lúc vô tình soi gương đã có. Một, rồi hai, cho đến khi tan rữa cũng không ngừng chất vấn về sự ra đời của nếp nhăn. Còn người vì thị trấn đi tìm gốc gác thì bỏ quên lại trong một tháng ngày mông lung vắng. Người ấy, có thể đi trên một chuyến tàu, ở kiếp này sang kiếp khác, kiếp khác nữa. Kiếp nào cũng là nhân sinh phía ngoài, nỗi buồn phía trong, nhân sinh giống nhau đều lam lũ, cảnh vật phía ngoài trôi qua buồn tẻ. Nguồn gốc đơn giản là điều đã trải qua, mà thực tâm điều đã trải qua của mỗi con người thường ít quá.”

 

Trích “Chuyến tàu nhật thực” – Đinh Phương. Truyện dài dự thi Văn học tuổi 20 lần 6 do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ tổ chức.

 Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: