Vì sao giới trẻ bây giờ luôn kiệt sức?
Vì sao giới trẻ bây giờ luôn kiệt sức?
Và đây không phải chỉ là một vấn đề tầm phào mà các bạn trẻ thường thổi phồng lên.

 

 

Tâm sự của một cô gái 28 tuổi

 

 

Tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng mình thực sự thư giãn là lúc nào. Thật ra, bây giờ tôi còn chẳng biết làm thế nào để thư giãn nữa. Mỗi lần định đọc một cuốn sách hay xem TV, tôi lại lo mình đang phung phí thời gian mà nhẽ ra tôi phải để dành làm những việc khác – danh sách những việc cần làm ấy ngay lập tức hiện ra trong đầu tôi. Và tôi cảm thấy tội lỗi vì tôi biết tôi còn hàng tá việc phải làm: dọn dẹp nhà cửa, đi tập gym, hoặc đi mua quà sinh nhật cho mẹ của bạn trai tôi.
 

Cứ thế, bộ não của tôi không bao giờ ngừng hoạt động. Tôi luôn luôn ở trong trạng thái lo âu về những thứ mình cần phải làm, nhưng tôi lại chẳng bao giờ bắt tay vào thực sự làm chúng. Bình thường tôi đã hay lo âu bồn chồn lẫn trầm cảm rồi, và những căng thẳng bây giờ còn khiến tôi thao thức vào ban đêm và làm tôi mắc chứng mất ngủ nữa.

Tôi nghĩ tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác, bị mắc hội chứng “kiệt sức” của thế hệ 9x ngày nay. Đây không phải là một chứng bệnh được công nhận nào cả, và không có con số thống kê cụ thể, nhưng ở Anh, có đến 74% người trẻ nói rằng họ bị stress tới mức không thể chịu được. Ngoài ra, 49% người trẻ hay bị stress trong độ tuổi từ 18 đến 24 cảm thấy rằng việc tự so sánh bản thân mình với người khác là nguyên nhận chính gây ra stress, trong khi ở những độ tuổi lớn hơn thì nguyên nhân này ít ảnh hưởng hơn.  Đây chính là loại stress làm chúng ta thấy mệt mỏi nhất – trạng thái căng thẳng đầu óc dẫn đến kiệt sức về thể chất và tinh thần.

Ý tưởng về hội chứng kiệt sức này được nhắc đến lần đầu tiên bởi Anna Helen Petersen, một biên tập viên của BuzzFeed. Bài viết đó của cô đã chỉ ra rằng ngày nay ranh giới giữa công việc và cuộc sống thường ngày quá mờ nhạt và đôi khi không thể phân định nổi, khiến chúng ta mất cân bằng. Hơn nữa, bây giờ ai cũng online 24/7, và lúc nào cũng trong tình trạng phải “liên lạc được”, kể cả đối với công việc, mạng xã hội, hay chuyện tình cảm. Dĩ nhiên kể cả khi đi du lịch. Bài viết đã tác động đến nhiều người và đón nhận nhiều góp ý trái chiều, khiến tác giả sau đó đã phải viết thêm một bài khác để thể hiện những ý kiến đa chiều này.

Anna Helen tin rằng một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy bạn đã mắc hội chứng này, là việc bạn không thể làm nổi những việc lặt vặt. Ví dụ như, chỉ những việc nhỏ nhất như đi rút tiền ở ngân hàng hay đi trả lại một món đồ mua online mà không ưng ý mà bạn cũng không hoàn thành nổi.

Những việc đó không hề khó chút nào” Anna viết. “Mà cũng không phải tôi là người lười biếng. Nhưng mỗi lần phải làm những việc vớ vẩn không quan trọng đó, những việc mà không giúp cho công việc hay cuộc sống của tôi dễ dàng tốt đẹp hơn nhưng tôi vẫn phải làm, thì tôi lại trốn tránh không muốn làm. Tôi càng cố gắng hoàn thành những công việc đó, thì cuộc sống của tôi càng lộ rõ những sự mệt mỏi và kiệt sức… Và không chỉ ở trong những môi trường làm việc cao độ và căng thẳng. Đây không phải là một vấn đề mang tính tạm thời: nó là một căn bệnh của thế hệ chúng ta.”

Giống hệt những gì tôi đang cảm thấy hiện nay.

Cứ khi nào công việc của tôi có vẻ suôn sẻ thì đời sống cá nhân của tôi lại chẳng ra thể thống gì

Công việc là một ưu tiên lớn của tôi, và tôi luôn có áp lực phải làm việc thật tốt và chăm chỉ. Tức là, tôi luôn phải làm gì đó – trả lời email liên tục, mang laptop của công ty về nhà và làm việc vào ban đêm. Nhưng cứ khi nào công việc của tôi suôn sẻ thì đời sống cá nhân lại chẳng ra gì. Tôi vẫn còn một đống việc nhà phải làm. Mới đây, tôi đã phải liệt kê ra danh sách việc nhà, chia theo từng phòng, và đặt lịch từng tuần cho mỗi phòng.

Rồi còn những cuộc hẹn, những danh sách vật dụng cần mua mà tôi biết có đến một nửa trong số đó tôi chẳng cần dùng đến hoặc sẽ không bao giờ mua, ví dụ như những thực phẩm để tự làm bữa trưa mang đi từ nhà cho tiết kiệm tiền. Tôi thường đặt lịch nhắc nhở tự động qua email mỗi tối, để cứ mở laptop lên là tôi sẽ thấy danh sách đó hiện lên trên màn hình.

Ít nhất đấy là cách tôi cố gắng kiểm soát mớ bòng bong trong cuộc sống của mình, nhưng cuối cùng tôi chẳng bao giờ hoàn thành những danh sách đã đặt ra, và tôi vẫn cảm thấy bị quá tải. Sau đó tôi lại chỉ muốn vùi đầu vào chăn và quên đi những việc mình đáng ra phải làm – và ngày càng trở nên lười biếng vô tích sự.

Và vấn đề không chỉ ở những việc lặt vặt hàng ngày. Tôi luôn muốn dành sự quan tâm đầy đủ cho công việc, chuyện tình cảm, bạn bè, và gia đình. Nhưng tôi không thể làm được vì không có thời gian, và vì thế tôi luôn cảm thấy có lỗi, bị stress và mệt mỏi.

 

Cuộc sống của tôi đang bị ảnh hưởng trên mọi phương diện, mà tôi không tìm thấy lối ra

Tôi thường nhận nhiều phần việc hơn khả năng của mình, nhưng vẫn luôn hoàn thành trước hạn chót. Như thế tức là tôi đã phải hy sinh một phần lớn đời sống cá nhân của mình: tôi phải hủy những buổi hẹn hò tiệc tùng vào ban đêm vào phút cuối, và làm cho bạn bè người thân của tôi tức giận và thất vọng.

Cuộc sống của tôi đang bị ảnh hưởng trên mọi phương diện, mà tôi không tìm thấy lối ra. Đây chính là triệu chứng cơ bản nhất của hội chứng “kiệt sức”, theo nhà tâm sinh lý học người Anh Beverley Hills. Bà nói rằng dù không phải là một căn bệnh được công nhận về mặt y tế, nhưng rất nhiều bệnh nhân của bà có triệu chứng này.

“Bạn sẽ thấy căng thẳng stress, mất ngủ, thiếu lòng tin ở bản thân, luôn trong trạng thái nghi ngờ và cảm giác trống rỗng, không biết làm gì tiếp theo, “Làm thế nào mình hoàn thành được công việc nếu không có đủ thời gian và tài nguyên cần thiết?” Bạn có thể sẽ cảm thấy cạn kiệt về cảm xúc, không hài lòng, thiếu thốn, tức giận, đôi khi thậm chí cả những đau đớn về thể chất như chứng đau nhức toàn thân, hay cảm thấy luôn uể oải khó chịu trong người”, Hills nói.

Bà cũng tin rằng hội chứng kiệt sức này ở giới trẻ một phần đến từ “những kỳ vọng quá sức từ gia đình, công việc, và xã hội”. Nhất là với sức ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ngày nay, nơi luôn gây áp lực cho chúng ta rằng hãy sống hết mình, hãy có một cuộc sống thật là tốt đẹp, dẫn đến “nỗi sợ hãi thất bại, và cả ngược lại, nỗi sợ thành công: "Nếu cuối cùng tôi đạt được tất cả những thứ đó thì tôi phải làm thế nào để duy trì chúng? Thà không có còn hơn”. 

Trong một số trường hợp quá tiêu cực, thậm chí một số người có thể bị trầm cảm nặng hoặc muốn tử tự, và do đó ngày càng nhiều người trẻ hiện nay tìm đến tư vấn tâm lý để giải quyết tình trạng kiệt sức này.

Đối với cá nhân tôi, cái khó khăn nhất chính là việc tôi cảm thấy tôi “không được phép” cảm thấy mệt mỏi. Tôi không thấy mình đã làm đủ để được nghỉ ngơi. Tôi luôn so sánh mình với mẹ mình, một người mẹ đơn thân phải làm ba công việc một lúc để nuôi anh chị em tôi khôn lớn. Tôi luôn nghĩ, “Làm sao mẹ mình có thể làm được tất cả những việc đó, nấu nướng, dọn dẹp, chuẩn bị quần áo cho tụi tôi đi học hàng ngày mà không ca thán lấy một câu?” Và vì thế tôi càng thấy tồi tệ hơn mỗi lần thấy mệt mỏi cần than thở.

Và, cùng lúc đó, thế hệ của chúng ta đang ngày càng thay đổi. Chúng ta tôn vinh trên phạm vi toàn cầu cái ý tưởng rằng tuổi trẻ là phải làm việc không ngừng, và việc trở thành một người bình thường làng nhàng trong xã hội là không đủ; chúng ta luôn phải cố gắng, phải vươn lên để đạt được một điều gì đó. Cuộc sống của giới trẻ chúng ta ngày nay lại còn quá công khai trên các loại mạng xã hội. Vào thời của mẹ tôi, bà không cần phải đăng ảnh lên Facebook để cho ai thấy rằng bà phải làm việc như thế nào để cho chúng tôi được bằng bạn bằng bè. Mẹ tôi vẫn cảm thông với tình trạng hiện nay và mức độ stress của tôi, và bà rất lo lắng cho tôi, nhưng đôi khi nói chuyện tâm sự với bà chỉ khiến tôi thấy tồi tệ hơn vì tôi càng thấy mình không bằng được mẹ mình.

“Cái gì cũng phải thật tốt cho sức khỏe, đúng trend, đúng mốt – và cứ thế chúng ta ngày ngày vắt kiệt sức của mình”

Hình ảnh và tiêu chuẩn về thành công trong cuộc sống cũng khác xa các thế hệ đi trước. Vào thời cha mẹ mình, chỉ cần một công việc với mức lương khấm khá là quá đủ rồi, nhưng bây giờ chúng ta luôn cảm thấy mình vừa phải có một công việc vừa lương cao, vừa thú vị, vừa truyền cảm hứng, đúng theo sở thích và đam mê. Tiêu chuẩn về sức khỏe cũng vậy. Với mẹ tôi, điều độ healthy tức là ăn ngày ba bữa và luôn có quần áo sạch. Còn bây giờ, lối sống lành mạnh là phải dậy sớm đi gym từ 5 giờ sáng, đi kèm 30 phút chạy để tập cardio, ăn càng nhiều rau xanh càng tốt, và chăm lo cho làn da để nó không bị nhăn nheo lão hóa đi hàng ngày. Tức là cái gì cũng phải thật tốt cho sức khỏe, đúng trend, đúng mốt – và cứ thế chúng ta ngày ngày vắt kiệt sức của mình.

Năm ngoái, tôi cảm thây tệ đến nỗi tôi tưởng tôi không chịu nổi nữa và sụp đổ đến nơi. Tôi đã thấy kiệt sức hàng tháng trời, và danh sách những việc phải làm cứ dài ra, tỷ lệ thuận với mức độ stress của tôi. Tôi thật sự đã không chịu nổi. Mỗi sáng tôi không thể ra khỏi giường và không làm nổi bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất. Tôi bị stress thường xuyên, và cảm thấy không còn là bản thân mình. Tôi nổi cáu với bạn trai, vì ngay cả cảm xúc của tôi cũng kiệt quệ - mọi sức lực và sự chú ý của tôi đều dành cho việc làm thế nào để gắng gượng qua được một ngày. Bạn trai tôi rất lo lắng vì tôi như biến thành người khác, và tôi thậm chí còn có những triệu chứng về thể chất: da tôi nứt nẻ và mọc đầy mụn, mà trước đây tôi chưa bao giờ bị, và bị cả chứng rosacea (chứng bệnh về da khiến da mặt sung và đỏ, có mụn nhỏ chứa mủ).

Tôi còn hay đổ mồ hôi trộm, vì lúc nào tôi cũng lo âu bồn chồn – luôn trong trạng thái nơm nớp lo mình sẽ phải làm việc gì tiếp theo. Cuối cùng tôi phải đặt lịch hẹn với bác sỹ, và nói rằng tôi sắp không chịu nổi nữa rồi. Bác sỹ nói triệu chứng lo âu và trầm cảm của tôi trầm trọng hơn nhiều vì tình trạng kiệt sức này, và khuyên tôi nên nghỉ ngơi một thời gian để săn sóc cho sức khỏe tinh thần. Tôi không bất ngờ gì với chẩn đoán này, nhưng việc được cho phép nghỉ ngơi khiến tôi thấy vô cùng nhẹ nhõm.

Tôi xin nghỉ làm một vài tuần và không phải làm gì cả. Danh sách đống việc chưa làm xong vẫn lởn vởn trong đầu tôi, và tôi nghĩ tôi cần tận dụng thời gian nghỉ để hoàn thành chúng hoặc làm việc gì đó vui vẻ thú vị hơn, nhưng tôi đã mệt mỏi tới mức tôi dành hầu hết thời gian đó để ngủ. Và cuối cùng thời gian nghỉ ngơi không làm gì đó đã có tác dụng. Nhưng một năm sau đó, tình trạng kiệt sức và lo lắng vẫn còn tồn tại. Bây giờ tôi đang tìm cho mình một nhà trị liệu tâm lý riêng theo lời khuyên của bác sỹ - và bây giờ chính việc này trở thành một nguyên nhân gây stress nữa vì tôi không kiếm đâu ra một chuyên gia nào cho vừa túi tiền eo hẹp của mình.

Tôi cũng đã đọc nhiều tài liệu và tìm hiểu các phương pháp quản lý mức độ căng thẳng của mình. Dạo gần đây tôi thấy mình đang muốn gây sự tranh cãi với bạn trai tôi, nhưng tôi không muốn mình như vậy, nên tôi đang cố gắng tìm cách khác để truyền tải cảm xúc của mình, ví dụ như tập viết lách.

Tôi cũng cố gắng gặp và trò chuyện với bạn bè nhiều hơn về tình trạng của mình, vì tôi biết họ cũng cảm thấy như tôi. Năm ngoái, tôi đã dành rất nhiều thời gian ở nhà cố gắng hoàn thành đống công việc của mình, và luôn thấy có lỗi nếu đi ra ngoài chơi và tiêu tiền một chút với bạn bè. Nhưng bây giờ tôi cần nhắc nhở bản thân rằng dành thời gian với bạn bè sẽ làm tôi thấy đỡ cô đơn, và giúp tôi không còn bế tắc với những suy nghĩ trong đầu mình nữa.

Tôi cũng biết rằng nhiều người sẽ nghĩ đây chỉ là một loại vấn đề vớ vẩn tầm phào mà người trẻ chúng tôi thích thổi phồng lên. Nhưng thế giới đang thay đổi và đây là vấn đề của thế hệ chúng tôi. Tôi biết cuộc sống cũng không dễ chịu gì vào thời cha mẹ ông bà tôi, và so với họ thì chúng tôi sung sướng hơn nhiều, nhưng chúng tôi cũng vẫn có những rắc rối của thế hệ mình. Nếu thế hệ trước hiểu được những áp lực gì người trẻ đang phải gặp hiện nay, có lẽ họ sẽ bớt nghĩ rằng người trẻ bây giờ chỉ có lười biếng và hay quan trọng hóa vấn đề. Chúng tôi thực sự cũng đang làm hết sức mình, và nhìn thì có vẻ dễ dàng nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải vậy.

 

Theo BBC

Thảo Tâm (biên dịch)

 

Tags: