5 CUỐN SÁCH KỶ LỤC TRÊN THẾ GIỚI
5 CUỐN SÁCH KỶ LỤC TRÊN THẾ GIỚI
Sách luôn là nguồn tri thức vô hạn ghi chép lại những kỷ lục diệu kỳ trên thế giới. Thế nhưng, chính những cuốn sách cũng nắm giữ kỷ lục của riêng chúng.

1. Cuốn sách có nội dung ít chữ nhất: ĐÀN ÔNG NGHĨ GÌ NGOÀI SEX?

"Đàn ông nghĩ gì ngoài sex?" là cuốn sách nói về những bí mật trong suy nghĩ của đàn ông, họ nghĩ về những gì ngoài sex.

Thế nhưng, 200 trang của cuốn sách chẳng có nội dung gì, hoàn toàn trắng trơn, không có một chữ và hình ảnh nào trong cuốn sách độc đáo này. Tuy vậy, nó vẫn được bán rất chạy và đã từng “vượt mặt” cả Harry Potter và mệnh lệnh phượng hoàng của JK Rowling hay Mật mã Da Vinci của Dan Brown trên bảng xếp hạng sách bán chạy của Amazon.

Cuốn sách được bán với giá 4,69 bảng Anh và thường được các sinh viên sử dụng để ghi chép bài trên khắp giảng đường tại Mỹ. Tác giả của cuốn sách này chia sẻ: “Những vấn đề trong sách đều đã được bàn luận rất kỹ lưỡng. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, cuối cùng tôi nhận ra rằng đàn ông chẳng nghĩ cái gì ngoài sex”.

2. Cuốn sách đắt nhất:  CUỐN SÁCH CHÉP TAY LEICESTER (CODEX LEICESTER) CỦA LEONARDO DA VINCI

Cuốn sổ chép tay Leicester được Leonardo Da Vinci viết vào khoảng năm 1508, là một trong số 30 quyển ghi chép trong suốt cuộc đời của ông. Với chất liệu bằng vải lanh, cuốn sổ gồm có 72 trang tập hợp hơn 300 các ghi chú liên quan đến nhiều đề tài. Tuy nhiên, điều làm cho nó đặc biệt là chủ nhân của nó đã sử dụng kĩ thuật viết mirror writing độc đáo. Muốn đọc được nội dung của cuốn sổ, người đọc phải sử dụng một chiếc gương – điều này hoàn toàn ngược lại với kĩ thuật viết thông thường vì đây là cách viết ngược từ trái sang phải. Đây có thể là phong cách riêng biệt của một thiên tài hoặc cũng có thể ông sử dụng nó để bảo mật những tài liệu quý giá của mình.

Vào năm 1994, tỉ phú Mỹ Bill Gates đã mua cuốn sách Codex Leicester trong một phiên bán đấu giá với mức giá 30,8 triệu USD, và biến "Codex Leicester" trở thành cuốn sách đắt nhất thế giới.

Tuy nhiên, Bill Gates không giữ bản chép tay cho riêng mình, thay vào đó, ông quét và tạo nên màn hình nghỉ cho phần mềm Microsoft Plus viết cho hệ điều hành Windows 95.

3. Cuốn sách bí ẩn nhất: MẬT MÃ VOYNICH

Cuốn sách bí ẩn nhất mà đến nay các nhà khoa học cũng như ngôn ngữ vẫn chưa thể giải mã được chính là Mật mã Voynich có từ thời Trung Cổ. Hiện đang được lưu trữ tại Đại học Yale với ký hiệu MS 408.

Cuốn sách gồm 240 trang bằng da thuộc, được tìm thấy vào năm 1912 bởi viên quản thư Wilfrid Voynich. Bên trong chứa nhiều hình vẽ về thiên văn, chiêm tinh, vũ trụ cùng các loài cây cối và sinh vật kì lạ… Nó là một văn kiện viết tay được mã hóa bằng một hệ thống ngôn ngữ và kí tự chưa từng được biết đến trong lịch sử nhân loại. 

Các nhà nghiên cứu đã cố tìm cách giải mã cuốn sách này trong nhiều năm nhưng đều không đạt được kết quả khả quan. Đến năm 2014, Stephen Bax, một giáo sư đang giảng dạy bộ môn Ngôn ngữ học ứng dụng tại trường Đại học Bedfordshire (Anh), công bố ông đã xác định được 14 ký tự trong bộ chữ cái được dùng để viết nên bản thảo Voynich, qua đó đã bắt đầu đọc được một vài từ đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này vẫn chưa được giới chuyên môn kiểm chứng và xác nhận chính thức.

4. Cuốn sách lớn nhất:  NHÀ TIÊN TRI MOHAMED

Cuốn sách Nhà tiên tri Mohamed với kích thước 5m x 8,06m, nặng 1.500kg, dày 429 trang đã trở thành cuốn sách lớn nhất thế giới, vượt qua cuốn sách ảnh Beirut’s Memory (Ký ức về Beirut – dày 304 trang, kích thước 3,85m X 2,77m và nặng 1.060kg của tác giả Ayman Trawi) để ghi danh vào kỷ lục Guinness.

Nhà tiên tri Mohamed là cuốn sách tập hợp các câu chuyện xung quanh cuộc đời và thành tựu của nhà tiên tri Hồi giáo nổi tiếng Mohamed, đồng thời qua đó cũng thể hiện những ảnh hưởng tích cực của Hồi giáo đối với nhân loại và thế giới.

5. Cuốn sách dày nhất: WIKIPEDIA

Đó là cuốn Wikipedia với 5.000 trang và dày 47,5cm. Cuốn sách này được tạo ra bởi Rob Matthews, bao gồm các bài viết trên trang Wikipedia mà Rob Matthews đã tóm tắt giản lược đi. Lý do mà ông đưa ra cho việc này khá đơn giản: Ông muốn tạo ra một cuốn Wikipedia khác với trang Wikipedia trên mạng bởi lẽ ông cho rằng tính mở của trang web này khiến cho các thông tin có trên đó không tập trung, người đọc khó tiếp cận được các vấn đề cốt lõi.

Mặc dù cuốn sách dày như vậy nhưng nó mới chỉ chứa 0.01% so với toàn bộ thông tin trên trang Wikipedia hiện nay.

Trạm Đọc tổng hợp

Tags: